DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Hiểu như thế nào về “Di sản dùng vào việc thờ cúng”?

Hiểu như thế nào về “Di sản dùng vào việc thờ cúng”?

 

Điều 648, 670 Bộ Luật Dân sự 2005 quy định người lập di chúc có quyền dành một phần tài sản trong khối di sản để thờ cúng. Tuy nhiên, việc hiểu “một phần tài sản trong khối di sản” được ghi trong điều luật chưa thống nhất nên trên thực tế áp dụng đã có những cách hiểu và vận dụng khác nhau, chưa thống nhất giữa các cơ quan chức năng. Cụ thể có hai cách hiểu và vận dụng pháp luật một cách khác nhau đối với cùng một nội dung thủ tục công chứng di chúc chúng tôi nêu dưới đây.

Cách hiểu thứ nhất: Một số người cho rằng “một phần tài sản trong khối di sản” được hiểu là một phần tài sản trong một tài sản cụ thể, độc lập với tài sản khác. Do đó, hiện nay có phòng công chứng chưa đồng ý việc công chứng di chúc có nội dung để lại toàn bộ nhà, đất dành vào việc thờ cùng bởi họ cho rằng đối với một ngôi nhà cụ thể thì người lập di chúc chỉ được dành một phần của ngôi nhà đó để thờ cúng, chứ không được để lại toàn bộ toàn bộ ngôi nhà để thờ cúng.  Do đó, dẫn đến trường hợp có người có hai hoặc ba (hoặc nhiều hơn) ngôi nhà trên các thửa đất khác nhau nay muốn lập di chúc để lại một ngôi nhà để thờ cúng nhưng không được công chứng di chúc.

Cách hiểu thứ hai: Một số cơ quan khác, trong đó có Phòng Công chứng lại cho rằng cần phải hiểu theo nghĩa rộng, nghĩa là cần phải hiểu một phần tài sản của toàn bộ khối di sản mà người lập di chúc để lại, chứ không thể hiểu là một phần của từng tài sản đơn lẻ. Nếu toàn bộ ngôi nhà gắn liền với đất là một phần tài sản trong khối di sản (còn có nhiều tài sản khác như tài khoản ở ngân hàng, vàng bạc đá quý, nhà đất khác...) thì phải chứng thực di chúc với nội dung nói trên theo yêu cầu của người dân. Mặt khác, như bốn phường ở nội thành Huế, quá nhiều thửa đất không thể tách thửa được theo quy định mỗi thửa tách ra và còn lại phải bằng hoặc lớn hơn 200m2 thì làm sao có thể tách ra một phần để dành vào việc thờ cúng.

Xét ở góc độ lịch sử pháp luật, cách hiểu thứ nhất cũng có những điểm tương đồng: Một là Pháp lệnh thừa kế năm 1990 tại Điều 21 quy định Di sản dùng vào việc thờ cúng có đoạn:  “Nếu người lập di chúc có để di sản dùng vào việc thờ cúng thì di sản đó được coi như di sản chưa chia” mà không hề có cụm từ “một phần”. Hai là, có một thời di sản thờ cúng chỉ có thể được để lại đến một giới hạn nào đó nhằm tránh tình trạng có quá nhiều ruộng đất đặt ra ngoài sự lưu thông. Tại Điều 388, 390 Bộ Quốc triều Hình luật quy định di sản thờ cúng chỉ được để lại là 1/20 khối di sản của người chết. Đến thời Nhà Nguyễn - đời vua Thiệu Trị, tỷ lệ này là 3/10 di sản.

Ngày nay, ngoài việc đảm bảo thanh toán nghĩa vụ tài sản thì người lập di chúc được quyền tự do ấn định tỷ lệ phần di sản thờ cúng trong toàn khối di sản để lại. Như thế, cách hiểu thứ hai lại cho thấy sự phù hợp với tinh thần của luật pháp và đồng bộ với các cơ quan thực thi pháp luật khác. Bởi di sản thừa kế bao gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản. Chẳng hạn: Tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, của cải để dành, nhà ở, đất đai, các quyền về tài sản mà người để thừa kế được hưởng theo quan hệ hợp đồng hoặc do được bồi thường thiệt hại ...

Bên cạnh đó, trên thực tế di chúc dành toàn bộ nhà đất vào việc thờ cúng hiện nay vẫn được một số UBND chấp nhận và được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong đó ghi rõ hạn chế quyền sử dụng đất.

Thiết nghĩ, Điều 648 Bộ luật Dân sự quy định rõ vấn đề chúng tôi nêu trên đây theo hướng người lập di chúc có quyền để lại một phần tài sản trong toàn bộ khối di sản để dùng vào việc thờ cúng. Quy định như thế sẽ hạn chế được cách hiểu thứ nhất mà chúng tôi nêu trên, có nghĩa là không thể hiểu một phần của một loại tài sản đơn lẻ, độc lập. Điều đó sẽ góp phần tháo gỡ những vướng mắc, những cách hiểu trái chiều trong việc áp dụng quy định pháp luật đối với một thủ tục hành chính cụ thể, giúp người dân thực hiện được quyền của mình một cách thuận lợi và phù hợp với chính sách pháp luật của nước ta hiện nay.

Ths.Ls. Nguyễn Văn Phước - Văn phòng Luật sư Huế

31. Tố Hữu, thành phố Huế - 0543.816818 - 0914 172 574

Email: huelaw@vnn.vn   www.huelaw.com.vn    

  •  11690
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…