DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Hành vi “bom hàng”: Khởi tố và không khởi tố khi nào?

Bom hàng: Khởi tố và không khởi tố khi nào?

Hành vi "bom hàng" - Ảnh minh họa

Dư luận vẫn chưa quên vụ cô dâu bỏ bom 150 mâm cỗ cưới tại Điện Biên, sau quá trình điều tra, tới thời điểm này cơ quan chức năng đã xác nhận không khởi tố đối với cô gái. Như vậy chuyện bom hàng, không nhận hàng cần dựa trên cơ sở nào để biết có khởi tố hình sự hay không?

Trước hết cần xác định lại bản chất của những vụ việc bom hàng như sau:

- Có thỏa thuận về việc mua, bán giữa hai bên

- Thỏa thuận có lập thành đơn hàng hoặc giao dịch qua lời nói

- Bên bán cung cấp hàng theo yêu cầu của bên mua

- Bên mua từ chối giao tiền

Có thể xác định bản chất của quan hệ giữa người mua hàng, người bán hàng trong trường hợp này là một giao dịch hoặc một hợp đồng và được điều chỉnh bởi Pháp luật dân sự.

Đối với những hành vi liên quan đến dân sự, Pháp luật ưu tiên sự thỏa thuận của hai bên để giải quyết tranh chấp, chỉ có một số trường hợp hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu của tội phạm thì thủ tục điều tra, khởi tố, truy tố, … để quy trách nhiệm hình sự mới xuất hiện.

Một hành vi chỉ bị coi là phạm tội khi nó thỏa mãn các yếu tố cấu thành của tội đó

Cụ thể, hành vi bom hàng có thể có dấu hiệu phạm tội của những tội sau:

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Tội này được quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), trong đó xác định hành vi phạm tội là hành vi “bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản”

“Thủ đoạn gian dối” ở đây được hiểu là hành vi đưa ra những thông tin không đúng sự thật (lời nói, hành vi giả dối) để người khác tin và đưa tiền bạc, tài sản cho mình, chẳng hạn:

A nhờ B cho mượn điện thoại, nói là để gọi điện nhưng sau khi cầm được điện thoại thì lẻn đi mất.

Ở đây hành vi lừa đảo phải đi cùng với việc chiếm đoạt một tài sản nào đó từ người bị lừa đảo. Đối với trường hợp bom hàng, mặc dù người mua có đưa ra những thông tin giả dối, tuy nhiên họ không giữ tài sản, không chiếm đoạt gì của người bán, chính vì vậy không thể gọi hành vi bom hàng là Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Tội này được quy định tại Điều 175 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), trong đó xác định những hành vi vi phạm sau:

“a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.”

Tương tự đối với Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, một yếu tố bắt buộc để xác định tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản chính là việc “chiếm đoạt tài sản” hoặc "sử dụng vào mục đích bất hợp pháp" dẫn đến không trả lại được. 

Mặc dù đối với tội này, người vi phạm thông qua một hợp đồng, một giao dịch để thực hiện hành vi (người bom hàng thỏa thuận mua bán với người cung cấp hàng cũng có thể coi là hợp đồng, giao dịch) tuy nhiên người bom hàng chỉ không chấp nhận thực hiện nghĩa vụ trả tiền của mình chứ không chiếm đoạt số tiền tương ứng với lượng hàng hóa.

Như vậy, việc “bom hàng” chưa thỏa mãn các yếu tố để đưa vào những tội phạm hình sự, đó là lý do người vi phạm không bị xử lý hình sự.

Hành vi bom hàng chỉ bị khởi tố nếu trong quá trình giao dịch, bên mua đã giữ một lượng tài sản nhất định của bên bán và có hành vi gian dối hoặc lạm dụng tín nhiệm để chiếm giữ trái phép lượng tài sản đó.

Người bị bom hàng vẫn bảo vệ quyền lợi được

Dù không thể khởi tố hình sự, tuy nhiên như đã phân tích, quan hệ giữa người bán, người mua trong một giao dịch vẫn được pháp luật dân sự điều chỉnh.

Tại Khoản 1 Điều 119 Bộ luật dân sự 2015 có quy định:

“Điều 119. Hình thức giao dịch dân sự

1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.”

Việc nhắn tin qua mạng hoặc thỏa thuận miệng vẫn được coi là hình thức giao dịch hợp pháp. Nếu bên bị thiệt hại chứng minh được rằng có giao dịch, có hợp đồng trên thực tế thì nghĩa vụ của hai bên mới bị ràng buộc và pháp luật sẽ có thể yêu cầu người vi phạm nghĩa vụ thực hiện việc trả tiền.

Ngoài ra trường hợp bom hàng mà gây thiệt hại thì bên đặt hàng phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra. Thiệt hại trong trường hợp này cụ thể là chi phí phát sinh do người mua không nhận hàng. Do đó, đối với những chủ shop bị boom hàng muốn bảo vệ quyền và lợi ích của mình, có thể dựa vào những căn cứ nêu trên để đòi bồi thường hoặc làm đơn khởi kiện vụ án dân sự để Tòa án giải quyết.

Như vậy, nếu hành vi “bom hàng” chỉ đơn thuần là thỏa thuận giao dịch rồi không thực hiện nghĩa vụ giao tiền thì không thể khởi tố hình sự, hành vi này chỉ bị khởi tố nếu trước đó người bom hàng đã chiếm giữ một lượng tài sản từ người bán hàng. Người bán muốn bảo vệ lợi ích thì phải lưu ý ràng buộc bên mua trong giao dịch.

  •  3048
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…