DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Gửi Dân Luật 9X đời cuối

Học Luật được ví von như học Bác sỹ, nó cũng lắm khó khăn, chong gai và vất vả. Cái nghề Bác sỹ nó cứu sống con người vượt qua bệnh tật, thì cái nghề Luật nó cứu cánh con người vượt qua vòng lao lý. Thế nên một cái đầu lạnh và một trái tim nóng là điều mà dân luật cần có và các bạn hãy học tập thật nghiêm túc khi còn ngồi trên giảng đường đại học. Người học Luật không phải là người nhớ tất cả các luật mà là người biết vận dụng và sử dụng luật hợp lý chính xác. Bên dưới đây là các chia sẻ hữu ích và cần thiết cho người học Luật;

1. Đam mê Luật
Cũng như tất cả các lĩnh vực khác, nếu yêu thích và đam mê, bạn sẽ quyết tâm đeo đuổi nó, học luật cũng vậy! Đừng vì suy nghĩ theo kiểu: “Gia đình mình có nhiều người làm luật nên theo học luật?”, “Ba/Mẹ mình muốn mình học luật nên mình học luật”, “Thấy bạn bè học luật nên mình học luật”, nên chọn luật để học. Nếu vì điều đó, hãy cố gắng biến nó thành đam mê, để bạn thật sự yêu thích và gắn bó với nó. Còn không, hãy cân nhắc và thay đổi quyết định của mình.

2. Học Luật rất khó
Nhiều người nghĩ học luật là phải thuộc chi tiết từng điều khoản, nên đâm ra ngán. Điều này không  sai. Nhưng sẽ có không nhiều những người có trí nhớ tuyệt vời để nhớ hết tất cả. Bộ não chúng ta, còn phải chứa nhiều thứ trong đó lắm, nên lúc nào cần chính xác từng ngôn từ, có rất nhiều công cụ để hỗ trợ làm việc đó. Học luật là học cách tư duy, hiểu và phân tích vấn đề. Làm sao để tiếp cận một vụ việc nào đó, có thể biết hướng giải quyết cơ bản; đọc một điều luật nào đó, có thể hiểu nội dung, có thể nói là thành công. Tất nhiên, bạn có thể thích quy định nào đó và học thuộc làu làu, cũng tốt.

3. Ngoại ngữ
Ngoại ngữ, ai cũng biết là rất quan trọng, không chỉ đối với những người học luật. Vì đó là một trong những cách chúng ta vươn ra thế giới. Với những người học luật, giỏi ngoại ngữ, bạn mới biết được thế nào là hệ thống pháp luật chung Anh-Mỹ, pháp luật Châu âu lục địa, pháp luật Hồi giáo,… Bạn có thể so sánh được pháp luật Việt Nam với pháp luật các nước, biết được nội dung các Điều ước quốc tế. Và quan trọng không kém, học luật mà giỏi ngoại ngữ, cơ hội việc làm của bạn rộng mở.

4. Chuyên sâu và bao quát
Khi học luật, bạn có thể theo nhiều chuyên ngành khác nhau, và bạn sẽ học chuyên sâu một lĩnh vực nào đó, hoặc thậm chí, trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đấy. Nhưng đừng bao giờ mang suy nghĩ mình là dân hình sự thì chỉ biết luật hình sự, dân hành chính thì không quan tâm đến luật quốc tế. Sự phân chia các ngành luật (lĩnh vực pháp luật) mang tính chất tương đối thôi. Bạn nên biết kiến thức tổng quát các lĩnh vực pháp luật, ít ra về mặt nguyên tắc. Khi hành nghề, sẽ không ai chỉ hỏi bạn một lĩnh vực mà thôi. Nếu không biết được nhiều, thì hãy cố gắng tập cho mình thói quen đọc văn bản luật.

5. Kiến thức thực tiễn
Nhiều bạn học luật rất lười, lười trong việc đọc, nghiên cứu tài liệu. Khi giáo viên giao cho nhiều tài liệu thì ngán, tâm lý học để thi cho qua vẫn còn ở nhiều bạn. Nên nhớ, đọc nhiều, chỉ có lợi chứ không bao giờ có hại cả. Một số bạn hầu như chẳng bao giờ xem tin tức mỗi ngày, điều đó cũng nên thay đổi. Vì luật bắt nguồn từ thực tiễn cuộc sống, nên bạn phải quan sát cuộc sống. Quan sát thôi, chưa đủ, bạn phải tập hành nghề ngay từ lúc còn ngồi học. Hãy mạnh dạn đăng ký thực tập ở các văn phòng, công ty luật, ngay từ khi còn đi học, để tích lũy kinh nghiệm. Rất nhiều nơi chào đón bạn.
Một số đơn vị tuyển dụng cũng than phiền rằng sinh viên luật ra trường viết không nổi một cái đơn, soạn không nổi một tờ trình. Hãy thôi than vãn về nguyên nhân, thực tế nhiều sinh viên luật không có thói quen nghiên cứu khoa học, viết bài báo, thậm chí viết một email trao đổi với giáo viên còn không được.

6. Tập nói nhiều
Nhiều người, trước khi quyết định học luật, thường hay nghe phán một câu: “Mày nói nhiều quá, đi học luật mới đúng”. Điều đó cũng có lý do. Thực tế, những người “hay cãi” chiếm tỷ lệ rất cao trong những người học luật. Có những bạn, khi học, ngại phát biểu, vì sợ nói sai, sợ làm mất thời gian người khác. Hãy vượt qua điều đó! Bạn cứ mạnh dạn nói, trước đông người, đừng ngại. Điều đó sẽ tập cho bạn sự tự tin, không run trước người khác. Tất nhiên, không phải lúc nào nói nhiều cũng tốt, mà nên biết mình nói gì. Nói nhiều, mà nói sai, dần dần bạn sẽ nhận ra và thay đổi, nói cho chắc, cho đúng.

7. Hoạt động xã hội
Một số bạn, khi học luật, vẫn giữ thói quen khép kín. Điều này cần thay đổi, bạn nên cởi mở, tiếp xúc với nhiều người, tham gia các câu lạc bộ, đội nhóm, các hoạt động tình nguyện, công tác xã hội. Việc tham gia những hoạt động đó, giúp bạn chững chạc hơn, tự tin hơn, trưởng thành hơn. Và bạn được học những bài học mà từ giảng đường, không Thầy Cô nào dạy cho bạn cả. Tiếp xúc với nhiều người, bạn cũng có nhiều mối quan hệ, điều rất cần thiết cho những người hành nghề luật.

8. Học Luật không chỉ để làm Luật sư
“Chào ông/bà luật sư tương lai”. Chắc nhiều bạn học luật khi gặp người thân, bạn bè của mình, thường hay gặp câu hỏi này. Thậm chí, bản thân cũng có người nghĩ học luật là để làm luật sư. Điều đó là chưa đủ, người học luật, không phải ai cũng làm luật sư. Bạn có thể làm trong Toà án, Viện Kiểm sát, các doanh nghiệp, ngân hàng, truyền thông,… Cơ hội việc làm cho người học luật rất đa dạng, điều này phụ thuộc vào năng lực của mỗi người.

9. Đầu lạnh, tim nóng, tay sạch
Vì bạn phải tỉnh táo, xử lý những vấn đề liên quan đến luật pháp, đó là những chuẩn mực mang tính ràng buộc với những chế tài đảm bảo thực hiện, chứ không phải là những quy phạm đạo đức hay tương tự. Dù vậy, luật pháp, cũng cần có tình người, và cần được xử lý dung hoà chứ không nên quá cứng nhắc. Và bạn phải giữ tỉnh táo trong một môi trường hết sức cám dỗ. Đừng để bất kỳ điều đáng tiếc nào xảy ra cho bản thân, cho những người xung quanh, từ quá trình làm nghề của mình.

10. Tập lãng mạng
Nhiều người nghĩ, học luật là khô khan lắm. Điều đó không hoàn toàn đúng đâu. Dân học luật cũng chơi hết mình, yêu hết mình, và tiếu lâm dữ lắm. Bạn hãy đa dạng trong tính cách của mình, để những người không học luật nhận thấy, Dân luật cũng đáng yêu và hài hước lắm.

 

  •  7178
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…