DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Giải thích chi tiết 15 thuật ngữ dùng trong Luật hôn nhân gia đình 2014

Từ ngày 01/01/2015, Luật hôn nhân gia đình 2014 bắt đầu có hiệu lực, đến nay, Luật này có 2 văn bản hướng dẫn, đó là:

- Nghị định 10/2015/NĐ-CP Quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân tạo.

- Nghị định 126/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Hôn nhân và gia đình

Nhận thấy, quá trình thực thi nhất là các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hôn nhân gia đình hiện nay, chưa có hướng dẫn chi tiết, cụ thể. Do đó, Liên Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp đang dự thảo lấy ý kiến đóng góp về dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn Luật hôn nhân gia đình.

Thông tư liên tịch này hướng dẫn chi tiết 03 vấn đề chính sau:

- Xử lý kết hôn trái pháp luật.

- Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ, chồng bị vô hiệu.

- Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn.

Dưới đây là giải thích một số thuật ngữ được dùng trong việc thực thi các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hôn nhân gia đình.

1. “Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên”: Là trường hợp nam đã đủ 20 tuổi tròn trở lên, nữ đã đủ 18 tuổi tròn trở lên.

Ví dụ:

Chị B sinh ngày 10-01-1997; đến ngày 08-01-2015 chị B đăng ký kết hôn với anh A tại UBND xã X.

Tại thời điểm đăng ký kết hôn chị B chưa đủ 18 tuổi tròn (ngày chị B đủ 18 tuổi tròn là ngày 10-01-2015), như vậy, chị B đã đủ tuổi kết hôn theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, nhưng ngày chị B đăng ký kết hôn Luật Hôn nhân gia đình đã có hiệu lực (ngày 01-01-2015); do đó, chị B đã vi phạm điều kiện về tuổi kết hôn quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình.

2.  Lừa dối kết hôn”: Là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch và kết hôn trái với ý muốn của họ.

Ví dụ: Anh A biết mình bị nhiễm HIV nhưng cố tình giấu không cho bị B biết dẫn tới chị B tin anh A là người bình thường và quyết định kết hôn với anh A.

3.  “Người đang có vợ hoặc có chồng”: Là người thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Người đã kết hôn với người khác theo đúng quy định pháp luật về hôn nhân gia đình nhưng chưa ly hôn.

- Người sống chung với người khác như vợ chồng từ trước ngày 03/01/1987 và đang chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn.

4.Chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ: Là việc nam, nữ tổ chức sống chung và coi nhau là vợ chồng và thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Có tổ chức lễ cưới khi về chung sống với nhau;

- Việc họ về chung sống với nhau được gia đình (một bên hoặc cả hai bên) chấp nhận.

- Việc họ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến.

- Họ thực sự có chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình.

Thời điểm nam và nữ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng là ngày họ tổ chức lễ cưới hoặc ngày họ về chung sống với nhau được gia đình (một hoặc cả hai bên) chấp nhận hoặc ngày họ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến hoặc ngày họ thực sự bắt đầu chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình.

5. Việc xác định "thời điểm cả hai bên kết hôn đã có đủ các điều kiện kết hôn" phải căn cứ vào quy định pháp luật.

Tòa án yêu cầu đương sự xác định và cung cấp các tài liệu, chứng cứ chứng minh để xác định thời điểm cả hai bên kết hôn đã có đủ các điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình.

Ví dụ: Trường hợp kết hôn khi một bên bị cưỡng ép kết hôn, hoặc bị lừa dối kết hôn là vi phạm điều kiện kết hôn quy định tại điểm b khoản 2 Điều 5 và điểm d khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình.

Tuy nhiên, nếu sau khi bị cưỡng ép kết hôn, hoặc bị lừa dối kết hôn mà bên bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn đã biết, nhưng đã thông cảm, tiếp tục chung sống hoà thuận thì thời điểm đủ điều kiện kết hôn là thời điểm đương sự xác định và cũng cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh bên bị cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn đã biết mình bị cưỡng ép, lừa dối kết hôn nhưng vấn tiếp tục sống chung như vợ chồng.

6.  “Nhu cầu thiết yếu của gia đình”: Là nhu cầu thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi gia đình.

7. “Đảm bảo chỗ ở cho vợ chồng”: Là quyền của vợ, chồng được đảm bảo chỗ ở tối thiểu về diện tích, điều kiện sinh hoạt, an toàn, vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật về nhà ở khi giao dịch liên quan đến nhà ở là tài sản thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng mà nhà ở đó là nơi ở duy nhất của vợ, chồng. Trường hợp vợ chồng ly hôn mà vợ hoặc chồng có khó khăn về chỗ ở thì được quyền lưu cư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày quan hệ hôn nhân chấm dứt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác (Điều 63 Luật Hôn nhân và gia đình).

Luật hôn nhân gia đình 2014

8. “Nội dung của thỏa thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và các thành viên khác của gia đình”: Là trường hợp thỏa thuận để trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng quy định tại các Điều từ 110 đến Điều 115 Luật HNGĐ; để tước bỏ quyền thừa kế của những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc theo quy định của Bộ luật dân sự; vi phạm nghiêm trọng quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và các thành viên khác của gia đình là vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cha, mẹ, con và các thành viên khác của gia đình mà các quyền này đã được Luật Hôn nhân và gia đình và quy định pháp luật khác ghi nhận.

Ví dụ 1: vợ chồng thỏa thuận không cấp dưỡng cho con chưa thành niên trong trường hợp ly hôn là vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng của con chưa thành niên. Vợ chồng thỏa thuận không cho con bị mất năng lực hành vi dân sự hưởng di sản thừa kế là vi phạm quyền được thừa kế của con bị mất năng lực hành vi dân sự không phụ thuộc vào nội dung di chúc.

Ví dụ 2: vợ chồng thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng là mọi tài sản của con được tặng, cho riêng phải được nhập vào tài sản chung của vợ, chồng là vi phạm nghiêm trọng quyền quản lý, định đoạt tài sản riêng của con từ đủ 15 tuổi trở lên quy định tại Điều 76 và Điều 77 Luật Hôn nhân và gia đình.

9. “Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng”: Là tình trạng về kinh tế; về sức khỏe; về tài sản; về khả năng lao động tạo ra thu nhập sau khi ly hôn của vợ, chồng. Bên gặp khó khăn hơn sau khi ly hôn sẽ được chia nhiều hơn nhưng phải phù hợp với hoàn cảnh thực tế để tiếp tục duy trì cuộc sống.

10. “Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung”: là sự đóng góp về tài sản, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm.

 Vợ, chồng được hưởng phần tài sản tương xứng với công sức đóng góp vào khối tài sản chung. Bên có công sức đóng góp nhiều hơp sẽ được chia nhiều hơn.

11.  “Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập”: là việc chia tài sản chung của vợ chồng phải tạo điều kiện để vợ, chồng đang hoạt động nghề nghiệp được tiếp tục hành nghề để tạo thu nhập; phải đảm bảo cho vợ, chồng đang hoạt động sản xuất, kinh doanh thì tiếp tục được sản xuất, kinh doanh và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản chênh lệch mà họ được hưởng. Việc bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp không được ảnh hưởng đến điều kiện sống tối thiểu của vợ, chồng và con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự.

Ví dụ: vợ chồng có tài sản chung là một chiếc ô tô người chồng đang chạy xe taxi trị giá 400 triệu đồng và một cửa hàng tạp hóa người vợ đang kinh doanh trị giá 200 triệu đồng thì khi giải quyết ly hôn và chia tài sản chung Tòa án phải xem xét tạo điều kiện để giao cửa hàng tạp hóa để người vợ tiếp tục hoạt động kinh doanh tạp hóa và giao xe ô tô cho người chồng để tiếp tục chạy taxi tạo thu nhập.

Người chồng nhận được phần giá trị tài sản lớn hơn phần được hưởng phải thanh toán cho người vợ phần giá trị tài sản người vợ chưa được hưởng là 100 triệu đồng.

12. “Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng”: Là lỗi của vợ hoặc chồng vi phạm các quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đã được Luật Hôn nhân và gia đình quy định làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được quy định tại Điều 56 của Luật Hôn nhân và gia đình.

Căn cứ vào mức độ lỗi của các bên để xác định phần tài sản được hưởng tương xứng; bên nào có lỗi sẽ được chia phần tài sản ít hơn so với bên không có lỗi; các bên cùng có lỗi thì sẽ được chia phần tài sản tương ứng với tỷ lệ lỗi.

13. “Hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng”: Là hôn nhân thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau như người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng.

- Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, như thường xuyên đánh.

- Vợ chồng không chung thuỷ với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình.

14.Đời sống chung không thể kéo dài”: là tình trạng hiện tại của vợ chồng đã đến mức trầm trọng như hướng dẫn trên.

Trường hợp thực tế đã được nhắc nhở, hoà giải nhiều lần, nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình hoặc vẫn tiếp tục sống ly thân, bỏ mặc nhau hoặc vẫn tiếp tục có hành vi ngược đãi hành hạ, xúc phạm nhau được coi là đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được.

15. “Mục đích của hôn nhân không đạt được”: Là trường hợp không còn tình nghĩa vợ chồng; không bình đẳng về nghĩa vụ và quyền giữa vợ, chồng; không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển mọi mặt.

Ví dụ: Trường hợp người chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc có hành vi ngoại tình thì khi giải quyết ly hôn Tòa án phải xem xét yếu tố lỗi của người chồng khi chia tài sản chung của vợ chồng để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của vợ và con chưa thành niên.

Xem chi tiết tại dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn chi tiết Luật hôn nhân gia đình 2014.

  •  13710
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…