Hiện nay, rất nhiều người có xu hướng chung sống với nhau dù chưa đăng ký kết hôn. Và vân đề xảy ra khi một độc giả sống cùng bạn trai có câu hỏi dù sống chung, chưa đăng ký kết hôn và dự định mua nhà thì liệu em và bạn trai có thể cùng đứng tên chung trong sổ đỏ(Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) được không? Mong luật sư tư vấn cho em!

        Có được đứng tên chung trong sổ đỏ khi chưa đăng ký kết hôn?

Trao đổi cùng độc giả về vấn đề này thì Luật sư Nguyễn Văn Tuấn (Giám đốc – Công ty Luật NewVision Law), cho hay bạn gái nêu trên có thể hoàn toàn được đứng tên chung với bạn trai trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mặc dù chưa có giấy đăng ký kết hôn. Cụ thể:

          L.s Tuấn cũng giải thích thêm về vấn đề này rằng Pháp luật Việt Nam quy định hình thức sở hữu đối với tài sản và trong đó có hình thức sở hữu chung. Cụ thể, để xác lập quyền sở hữu đối với tài sản chung thì Bộ Luật Dân sự năm 2005 quy định

Điều 214. Sở hữu chung

  • Sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ sở hữu đối với tài sản.
  • Sở hữu chung bao gồm sở hữu chung theo phần và sở hữu chung hợp nhất.
  • Tài sản thuộc hình thức sở hữu chung là tài sản chung.

Điều 215. Xác lập quyền sở hữu chung

Quyền sở hữu chung được xác lập theo thoả thuận của các chủ sở hữu, theo quy định của pháp luật hoặc theo tập quán.

Chủ sở hữu là cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác có đủ ba quyền là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt tài sản(Điều 164 Bộ luật dân sự năm 2005).

Trong trường hợp của bạn, bạn và bạn trai mặc dù chưa đăng ký kết hôn nhưng có quyền thỏa thuận để cùng nhận chuyển nhượng, mua nhà đất và cùng đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

          Vậy nếu được cấp sổ đỏ thì cấp cho ai?

          Ls. Nguyễn Văn Tuấn: Theo Khoản 2 Điều 98 Luật đất đai 2013, nếu thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, đồng thời cấp cho mỗi người 1 Giấy chứng nhận; nếu các chủ sở hữu, chủ sử dụng có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện.

Căn cứ theo quy định trên, khi hai bạn nhận chuyển nhượng hoặc mua nhà đất và thực hiện thủ tục đăng ký sang tên theo quy định thì cả hai bạn sẽ cùng được ghi tên trên Giấy chứng nhận và trở thành đồng chủ sử dụng, sở hữu chung đối với tài sản đó.

         Nếu làm vậy thì có rủi ro pháp lý gì không thưa luật sư?

          Ls. Nguyễn Văn Tuấn: Về pháp lý xác định chủ quyền thì không có rủi ro gì vì cả 2 bạn là đồng sử dụng quyền sử dụng đất, đồng sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và đều được cấp “sổ đỏ”.

Nhưng việc định đoạt quyền sở hữu nhà hay quyền sử dụng đất thì có thể rắc rối nếu giữa các đồng sở hữu có mâu thuẫn, tranh chấp. Vì khi chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp … tài sản chung thì buộc có sự đồng ý của các đồng sở hữu.

          Điều 166 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định vềChịu rủi ro về tài sảnChủ sở hữu phải chịu rủi ro khi tài sản bị tiêu hủy hoặc bị hư hỏng do sự kiện bất khả kháng, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.

          Khi cùng đứng tên mua nhà đất, 2 bạn phải xuất trình tại cơ quan có thẩm quyền (cơ quan đăng ký đất đai, tổ chức công chứng,…) giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân về việc 2 bạn chưa đăng ký kết hôn với ai để chứng minh tài sản này không liên quan đến tài sản chung vợ chồng (2 bạn đến UBND phường nơi thường trú để xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân).

          Xin cảm ơn Luật sư Nguyễn Văn Tuấn !

          Trân trọng!