DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Đừng để ngoại ngữ cản trở luật sư hội nhập

 

Đừng để ngoại ngữ cản trở luật sư hội nhập
Luật sư Việt Nam phải đầu tư nhiều hơn nữa vào việc học tiếng Anh, phải nghe và nói thông thạo ngoại ngữ này.

Trở về sau khi tham dự hội nghị thường niên Hội Luật châu Á Thái Bình Dương (LAWASIA) lần thứ 24 tổ chức tại Seoul (Hàn Quốc), luật sư Nguyễn Đăng Trừng, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, đã trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về kinh nghiệm rút ra từ hội nghị trong chuyện nâng chất luật sư để phục vụ yêu cầu hội nhập quốc tế…

Luật sư Nguyễn Đăng Trừng cho biết hội nghị LAWASIA 24 tập trung thảo luận nhiều vấn đề mà cộng đồng luật sư khu vực và trên thế giới quan tâm như Luật Tài chính, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư nước ngoài, Luật Chống độc quyền, Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Internet… Tuy nhiên, điều ông muốn đề cập là khả năng ngoại ngữ, một rào cản đối với giới luật sư Việt Nam khi hội nhập quốc tế.

. PV: Thường tham gia các hội nghị quốc tế, ông có nhận xét gì về khả năng ngoại ngữ của luật sư Việt Nam hiện nay?

+ Luật sư Nguyễn Đăng Trừng: Tôi thấy luật sư của các nước Nhật Bản, Hàn Quốc… đều sử dụng ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh rất tốt. Giữa họ với các luật sư nước khác gần như không còn rào cản về ngôn ngữ.

Đây là điều mà nhiều luật sư của chúng ta còn yếu. Chẳng hạn ở Đoàn Luật sư TP.HCM, trong tổng số khoảng 4.000 luật sư và người tập sự hành nghề luật sư thì chỉ có khoảng 400 người nghe, nói thạo tiếng Anh. Đó là các luật sư từng có quá trình học tập tại các nước sử dụng tiếng Anh hoặc học tiếng Anh tại Việt Nam nhưng đã qua thực tiễn làm việc tại các chi nhánh, công ty luật nước ngoài hoặc hành nghề luật sư trong các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

. Khả năng ngoại ngữ ảnh hưởng ra sao đến việc phát triển nghề nghiệp của luật sư, cũng như việc đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, thưa ông?

+ Tôi thấy rằng nếu thông thạo ngoại ngữ, mỗi luật sư sẽ có nhiều cơ hội trao đổi, tiếp thu kinh nghiệm quý báu của đồng nghiệp trong khu vực và quốc tế. Việc tiếp thu những kinh nghiệm hành nghề, kinh nghiệm pháp lý sẽ rất dễ dàng và việc tự nâng cao trình độ của mình bằng cách học hỏi từ các luật sư đi trước sẽ có hiệu quả rất cao.

. Theo ông, luật sư Việt Nam phải làm gì để khắc phục hạn chế này?

+ Để hội nhập và phát triển, nâng cao trình độ pháp lý của chúng ta lên ngang bằng các đồng nghiệp trong khu vực, không còn cách nào khác là mỗi luật sư phải tự đầu tư nhiều hơn nữa vào việc học tiếng Anh, phải nghe và nói thông thạo ngoại ngữ này. Đây là một điều kiện rất quan trọng để luật sư hội nhập trực tiếp và sâu trong hoạt động pháp lý ngày một rộng mở hiện nay.

Nếu thông thạo ngoại ngữ, các luật sư có nhiều cơ hội trao đổi, tiếp thu kinh nghiệm quý báu của các luật sư đồng nghiệp trong khu vực và quốc tế. Ảnh minh họa: HTD

Bên cạnh đó, việc thông thạo tiếng Anh sẽ không phát huy hiệu quả cao nếu bản thân các luật sư không tích cực tham gia các hội nghị, hội thảo trong khu vực và trên thế giới. Hiện có rất nhiều hội nghị, hội thảo do các tổ chức luật sư có uy tín tổ chức như Liên đoàn Luật sư châu Á Thái Bình Dương (IPBA), Hiệp hội Luật sư Quốc tế (VIA), Đoàn Luật sư Quốc tế (IBA)… Thông qua những dịp như vậy, các luật sư sẽ được tiếp cận những kiến thức, thông tin mới về những vấn đề pháp lý đang được quan tâm. Qua đó, các luật sư Việt Nam, đặc biệt là các luật sư trẻ sẽ có những định hướng rõ ràng trong quá trình phấn đấu để trở thành những luật sư có trình độ chuyên môn ngang tầm khu vực hoặc quốc tế trên nhiều lĩnh vực.

Đây chính là điều mà Đoàn Luật sư TP.HCM đang mong mỏi ở các thành viên của mình. Tôi rất muốn nói với các đồng nghiệp của mình, nhất là các đồng nghiệp trẻ là đừng để ngôn ngữ trở thành rào cản cho sự phát triển nghề nghiệp của mình.

. Xin cảm ơn ông.

LAWASIA là một tổ chức luật sư khu vực được thành lập từ năm 1966, quy tụ các hiệp hội luật sư, các tổ chức hành nghề luật sư và các luật sư, luật gia thuộc các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hiện LAWASIA có trên 1.500 thành viên đến từ hơn 50 quốc gia. Hội đồng LAWASIA có hai người được bầu làm thành viên danh dự, gồm luật sư Nguyễn Đăng Trừng và TS Gordon Hughes, nguyên Chủ tịch LAWASIA.

Luật sư Nguyễn Đăng Trừng (hàng trước, thứ hai từ trái sang) cùng một số đại biểu các nước tại hội nghị thường niên LAWASIA lần thứ 24.

Hội nghị thường niên của LAWASIA lần thứ 24 diễn ra từ ngày 9 đến 12-10 tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc) do Đoàn Luật sư Hàn Quốc đăng cai tổ chức với 254 luật sư đến từ 31 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia. Việt Nam có bốn luật sư đều thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM và một luật sư nước ngoài đang hành nghề tại Việt Nam tham gia hội nghị.

Thông qua chủ đề “Luật sư châu Á: Chúng ta ở đâu và hướng tới đâu?”, Đoàn Luật sư Hàn Quốc muốn gửi một thông điệp đến cộng đồng luật sư châu Á: “Chúng ta phải xác định chúng ta đang ở chặng đường nào trong cuộc cạnh tranh và hợp tác trên thị trường pháp lý khu vực và toàn thế giới. Chúng ta phải biết chính xác chúng ta đang ở đâu thì chúng ta mới xác định chúng ta cần phải làm gì để đạt mục đích”...

HỒNG TÚ
(Pháp luật TP. HCM Online)

  •  12099
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…