DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Đôi điều suy nghĩ từ một vụ án có thật

Tôi bần thần nhìn cảnh hai người phụ nữ một già, một trẻ, những giọt nước mắt lăn dài trên má, dìu bị cáo bị cụt mất một chân, chống nạng tập tễnh lên chiếc xe lăn rồi từ từ tiến ra khỏi phòng xử án. Lẽo đẽo theo sau là một bé trai mới gần 5 tuổi. Chắc các bạn đoán được họ là ai.

Họ là những người nông dân hiền lành, chất phác, quanh năm lam lũ. Dành dụm, chắt chiu mãi mới mua được chiếc xe tải nghe đâu có hơn chục triệu bạc cho anh chồng làm thêm nghề chở thuê vật liệu xây dựng. Cuộc sống vừa đỡ vất vả hơn tý thì đùng một cái, vào một ngày không đẹp, anh chồng vượt xe đâm luôn vào hai xe máy chạy ngược chiều. Hậu quả là 2 người chết, một người bị thương 38%. Riêng anh ta bị thương 62%. Với thật nhiều tình tiết giảm nhẹ, HĐXX mặc dù đã hết sức cân nhắc, nhưng cũng chỉ giảm cho anh ta xuống đến mức án 5 năm tù theo khoản 3 Điều 202 BLHS.

Các bạn nghĩ gì về mức án này? Riêng tôi, tôi cảm thấy vô cùng day dứt. Tuy không thể tìm ra lý do gì để cho rằng bản án đã tuyên là không đúng người, đúng tội. Nhưng chỉ có thể lý giải bằng khẳng định rằng: nó đã đạt về lý, nhưng chưa thật sự thấu tình.

Nói về lý và tình trong hoạt động xét xử, có rất nhiều quan điểm khác nhau mà đáng chú ý là sự đối lập giữa quan điểm duy tình và quan điểm duy lý.

Những người theo quan điểm duy tình cho rằng: bản thân các quy định của pháp luật là quá cứng nhắc và không phù hợp với quan điểm sống của người Á Đông. Tình cảm dễ cảm hóa lòng người nên nếu lập luận được đưa ra bằng chính trái tim thì sẽ trở nên có sức thuyết phục hơn.  

Còn những người theo quan điểm duy lý lại cho rằng: tình cảm là một khái niệm chủ quan và nó thay đổi theo từng con người, từng hoàn cảnh, từng thời điểm, khó có thể đoán trước được. Do đó cần phải có các thước đo khách quan với những lập luận của khối óc dựa trên các quy định của pháp luật.

Quan điểm của các bạn thế nào? Còn theo tôi, đó đều là những quan điểm ít nhiều mang tính duy ý chí. Bởi lẽ lý và tình trong hoạt động xét xử không nên hiểu tách bạch nó ra thế, mà cần phải được hiểu là sự kết hợp hài hòa mang tính biện chứng giữa cái phải làm và cái nên làm. Cái phải làm dựa trên những quy định của pháp luật, thể hiện tính đúng đắn, tính có căn cứ của mỗi phán quyết được đưa ra. Còn cái nên làm dựa trên nền tảng đạo đức xã hội, thể hiện tính khả thi, tính giáo dục của phán quyết và làm cho các phán quyết có sức thuyết phục hơn.

Cái tính biện chứng giữa lý và tình được thể hiện ở chỗ: chúng là hai mặt đối lập nhưng thống nhất với nhau và bổ trợ cho nhau. Một phán quyết nếu chỉ có lý mà không có tình sẽ trở nên cứng nhắc, thiếu tính thuyết phục. Ngược lại nếu chỉ có tình mà không có lý sẽ dẫn đến sự thiếu khách quan và khó có thể là một phán quyết đúng đắn. Chỉ khi hội đủ cả hai yếu tố đó thì nó mới là một phán quyết đúng đắn và được xã hội thừa nhận. Không phải ngẫu nhiên mà từ ngàn xưa, người ta đã mô tả Thần công lý Femida là một phụ nữ tay cầm chiếc cân để đo sự thật với khuôn mặt nghiêm khắc nhưng rất xinh đẹp và tốt bụng. Đó chính là biểu tượng của sự công bằng xã hội, đồng thời nó cũng tượng trưng cho sự kết hợp hài hòa giữa lý và tình trong mọi phán quyết.

Có người cho rằng, người Thẩm phán chỉ cần có chuyên môn giỏi là đủ. Rõ ràng quan niệm như vậy là quá phiến diện, thể hiện sự hiểu biết không đầy đủ. Bởi Thẩm phán hay bất cứ ai thì cũng chỉ là một con người. Họ đâu phải là những cái máy đã được lên sẵn chương trình và chỉ còn chờ bấm nút là xong. Để có được những phán quyết đúng đắn, ngoài việc phải giỏi về chuyên môn còn đòi hỏi người Thẩm phán phải có những kiến thức xã hội sâu rộng, đạo đức trong sáng và tấm lòng nhân hậu.

Khi tuyên tử hình một người phạm tội là vĩnh viễn tước đoạt cuộc sống của họ và sẽ có một người mẹ mất con, một người vợ mất chồng và những đứa con mất cha, làm sao có thể không trăn trở được. Nhưng nếu đó là việc làm cần cho một xã hội yên bình hơn, tốt đẹp hơn thì nó lại là việc nên làm và rất tình người. Bởi tình cảm lúc này không phải để dành riêng cho bất cứ một cá nhân cụ thể nào, mà nó được dành cho xã hội, vì lợi ích chung của cả cộng đồng.

Người Á Đông nói chung và người Việt Nam ta nói riêng rất coi trọng tình cảm giữa con người với con người. Bản thân tôi cũng như các bạn, chúng ta đều có gia đình, người thân, bạn bè và những mối quan hệ tế nhị. Khi mà cuộc sống thường nhật còn rất nhiều khó khăn thì dù ở ngành nghề nào, cương vị nào, chẳng ai trong chúng ta là ngoại lệ cả. Những cám dỗ tầm thường, thậm chí là những cạm bẫy luôn sẵn sàng giăng ra bất cứ lúc nào. Các bạn sẽ phán quyết thế nào khi phải chịu áp lực từ phía gia đình, bạn bè, cấp trên… hay khi có những lợi ích vật chất đang đón chờ để đánh đổi những giá trị của chân lý? Câu trả lời xin được dành cho các bạn.

Tôi viết ra những dòng này chỉ đơn giản là những suy nghĩ, trăn trở của mình sau một sự việc có thật, và cả một sự thật đang hiển hiện của xã hội thực tại. Nếu các bạn thấy nó là vấn đề mà các bạn quan tâm, hoặc phần nào nó bổ ích thì các bạn hãy cứ thẳng thắn góp lời, với mục đích đơn giản chỉ là trao đổi tâm tư để hiểu nhau hơn.

Trân trọng.

  •  9153
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…