DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

ĐIỀU SỬA ĐỔI, BỔ SUNG TÔI TÂM ĐẮC NHẤT CỦA HIẾN PHÁP NĂM 2013

Hiến pháp năm 2013 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung và quy định mới tiến bộ, nhưng điều mà tôi tâm đắc nhất đó là: quy định về kiểm soát quyền lực nhà nước. Khoản 3 Điều 2 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Như vậy, lần đầu tiên vấn đề “kiểm soát quyền lực nhà nước” đã được hiến định, mặc dù trước đây ở các bản Hiến pháp của nước ta (đặc biệt là Hiến pháp năm 1946), việc kiểm soát quyền lực nhà nước không được quy định thật rõ ràng, cụ thể nhưng đã có quy định tạo cơ chế để thực hiện. Đây là điểm tiến bộ mới nổi bật của Hiến pháp năm 2013 phù hợp với giá trị văn minh pháp lý quốc tế và đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN hiện nay.

Vậy kiểm soát quyền lực nhà nước là gì? kiểm soát quyền lực nhà nước chính là là sự kiểm tra, theo dõi việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp để xem sự thực thi đó có đúng với sự ủy quyền của Nhân dân và có đúng với quy định của pháp luật hay không để chấn chỉnh, can thiệp và xử lý kịp thời khi có những khuyết điểm, sai phạm sảy ra nhằm đảm bảo quyền lực nhà nước được thực thi  đúng đắn và đầy đủ để phục vụ Nhân dân.

Kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp chính là sự kiểm tra, kiểm soát việc thực thi quyền lực nhà nước giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp với nhau nhằm đảm bảo cho quá trình thực thi quyền lực nhà nước được đúng đắn, chính xác với sự ủy quyền của Nhân dân và đảm bảo hiệu lực, hiệu quả QLNN để xây dựng và bảo vệ đất nước, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

Tại sao việc kiểm soát quyền lực nhà nước nói chung, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp lại quan trọng và được hiến định như vậy?

Vì vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước là nhiệm vụ trọng tâm, là vấn đề sống còn của quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Bởi vì, quyền lực nhà nước nếu không được kiểm soát sẽ dẫn tới tha hóa và sự tha hóa của quyền lực nhà nước sẽ kéo theo một loạt căn bệnh trâm kha, đe dọa sự tồn vong của quốc gia, chế độ, xâm phạm trực tiếp vào quyền và lợi ích của Nhân dân.

Phải kiểm soát quyền lực nhà nước nói chung, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp vì đây là nhu cầu khách quan, tất yếu.

Kiểm soát quyền lực nhà nước bắt nguồn từ nguồn gốc và bản chất của Nhà nước pháp quyền XHCN “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân”. Quyền lực nhà nước không phải là quyền lực tự có của Nhà nước mà quyền lực ấy chính là của Nhân dân, được Nhân dân ủy quyền, Nhân dân giao cho Nhà nước. Vì những đặc thù của công việc quản lý và điều hành xã hội, Nhân dân không thể trong mọi trường hợp trực tiếp thực hiện quyền lực của mình mà cần phải giao phó và ủy quyền cho Nhà nước thay mình thực hiện. Điều tất nhiên, sau khi đã giao quyền, ủy quyền cho Nhà nước, Nhân dân – người chủ phải được kiểm soát xem sự thực thi của Nhà nước có đúng đắn không.

 

Phải kiểm soát quyền lực nhà nước nói chung, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp để tránh những sai lầm, khuyết điểm và sự lộng quyền, lạm quyền vì động cơ cá nhân ích kỷ của một bộ phận CBCC trong BMNN.

Khi được Nhân dân ủy quyền, giao quyền một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước trước bản tính tự nhiên là đam mê quyền lực và trước những cám dỗ danh lợi, bị suy thoái lại lạm quyền hoặc thực thi không đúng với sự tín nhiệm, giáo phó của Nhân dân. Hơn nữa là: vì những thủ đoạn mị dân của những kẻ cơ hội và những khó khăn khách quan, không phải mọi sự lựa chọn, tín nhiệm và ủy quyền của Nhân dân cho các đại biểu, đại diện của mình trong các cơ quan nhà nước đều đúng đắn, chính xác. Trong bộ máy nhà nước sẽ có ít hay nhiều kẻ cơ hội với chủ tâm bằng mọi giá giành lấy sự tín nhiệm và sự giao phó của Nhân dân để mưu cầu lợi ích cá nhân. Thay vì thực thi quyền lực được Nhân dân trao, nhằm phục vụ Nhân dân, vì dục vọng cá nhân họ tìm cách dùng quyền đó phục vụ lợi ích cho chính họ trước tiên và cấu kết, thỏa hiệp với những người khác trong BMNN để tạo cơ chế hưởng đặc quyền, đặc lợi, và do đó, từ vị trí “công bộc, đầy tớ” của Nhân dân họ trở thành ông chủ thực sự và quay lại phải bội Nhân dân, cai trị và bóc lột Nhân dân.

Bên cạnh đó, quản lý nhà nước, thực thi công vụ là công việc đầy khó khăn, phức tạp, điều đó cũng dẫn tới khả năng do hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, người thực thi công vụ dù có nhiệt tình và trách nhiệm cao đến đâu cũng khó có thể không mắc sai lầm, khuyết điểm. Do vậy, phải kiểm soát quyền lực nhà nước để hạn chế và phòng tránh nguy cơ trên.

Việc giao quyền, ủy quyền trong việc thực thi quyền lực nhà nước cũng khó có thể xác định một cách cụ thể trong muôn vàn công việc cực kỳ phức tạp của công tác quản lý, điều hành BMNN, bên cạnh đó, quyền lực nhà nước nếu không được kiểm soát sẽ tạo cơ hội cho CBCC trong BMNN vì dục vọng cá nhân mà vi phạm pháp luật, thậm chí là phạm tội. Mà tội phạm do các CBCC nhà nước gây ra bao giờ cũng nguy hiểm, có hậu quả nặng nề hơn và khó phát hiện hơn. Điều đó lại càng đòi hỏi phải kiểm soát quyền lực nhà nước để hạn chế sự lộng quyền, lạm quyền, những sai lầm, khuyết điểm, vi phạm pháp luật trong quá trình thực thi quyền lực nhà nước.

Phải kiểm soát quyền lực nhà nước nói chung, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp để bảo đảm cho BMNN vận hành đồng bộ, thông suốt, có hiệu quả.

Trong bộ máy nhà nước có nhiều cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực, nhiều đơn vị hành chính với sự phân cấp, phân quyền rất phức tạp và có sự cạnh tranh về thẩm quyền ít hay nhiều giữa chúng, điều đó dẫn tới khả năng các cơ quan, đơn vị trong bộ máy nhà nước có thể hoạt động chồng chéo, lạm quyền, lấn sân hoặc cục bộ ngành, địa phương làm giảm sút chất lượng hoạt động của toàn bộ bộ máy nhà nước. Kiểm soát quyền lực nhà nước sẽ đảm bảo cho tất cả các cơ quan trong BMNN thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình đồng thời có sự phối hợp, vận hành một cách đồng bộ, nhịp nhàng để có thể nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLNN của từng cơ quan cũng như của toàn bộ BMNN.

Kiểm soát quyền lực nhà nước nói chung, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp cũng chính là một phương thức để huy động trí tuệ, sức mạnh tổng hợp của toàn dân  tham gia vào công việc quản lý nhà nước.

Kiểm soát quyền lực nhà nước cũng chính là một cách thức để Nhân dân tích cực tham gia vào công việc quản lý nhà nước, phát hiện những hạn chế, khuyết điểm và sự vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và của các cơ quan nhà nước. Điều đó sẽ góp phần quan trọng đảm bảo quá trình vận hành, quản lý của bộ máy nhà nước thông suốt, có hiệu lực, hiệu quả.

Phải kiểm soát quyền lực nhà nước nói chung, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp để đấu tranh phòng, chống tham nhũng một cách có hiệu quả.

Trước nạn tham nhũng, lãng phí, trước sự suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên - những biểu hiện của sự kém hiệu quả trong kiểm soát quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước hiện nay đòi hỏi phải có quy định mang tính hiến định về kiểm soát quyền lực nhà nước, đặt cơ sở, nền tảng cho việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế pháp lý trong việc kiểm soát quyền lực nhà nước – công cụ hữu hiệu để đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, suy thoái, quan liêu, độc tài và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Phải kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp là vì đây là một trong những phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước hiệu quả nhất.

Như đã phân tích ở trên, quyền lực nhà nước có nhiều lý do khiến nó bị lệch lạc, tha hóa, mà quyền lực là thứ khó kiểm soát nhất. Muốn kiểm soát quyền lực thì chủ thể thực hiện công việc này phải có quyền lực, vì vậy không gì hơn là dùng quyền lực của các cơ quan nhà nước để kiểm soát việc thực thi quyền lực của các cơ quan nhà nước khác. Kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp chính là phương thức dùng quyền lực của các cơ quan nhà nước này để kiểm soát việc thực thi quyền lực của các cơ quan nhà nước khác.

Với tầm quan trọng đặc biệt của vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước và để sớm thực thi tốt nội dung này, trên cơ sở quy định của Hiến pháp năm 2013 về kiểm soát quyền lực, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền phải nhanh chóng xây dựng, ban hành và thực thi các văn bản QPPL về kiểm soát quyền lực, bảo vệ pháp luật thật sự có chất lượng và hiệu quả. Trong thời gian tới, phải triển khai và làm tốt các phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước như: Kiểm soát quyền lực nhà nước từ bên trong BMNN; kiểm soát quyền lực nhà nước từ bên ngoài của Nhân dân, MTTQ và các đoàn thể quần chúng…Trong đó, phải đặc biệt quan tâm đến việc tăng cường vai trò và chất lượng giám sát tối cao của Quốc hội đối với hoạt động của bộ máy nhà nước và sự giám sát lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước.

Làm sao để mỗi hành vi lạm quyền, lộng quyền, vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức (nhất là những người có chức vụ, quyền hạn) phải được phát hiện và xử lý kịp thời công minh; những biểu hiện hạn chế, khuyết điểm, sự chồng chéo, cạnh tranh về thẩm quyền giữa các cơ quan, đơn vị, các địa phương phải được chấn chỉnh và khắc phục nhanh chóng, làm cho kỷ cương, phép nước nghiêm minh. Làm được như vậy, quyền lực được Nhân dân giao phó cho Nhà nước sẽ được thực thi đầy đủ, đúng đắn, Nhà nước sẽ trở thành công cụ hữu hiệu để Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam XHCN tươi đẹp, giàu mạnh.

 

  •  6376
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…