DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Điểm mới các Luật vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5, khóa XIV

>>> Toàn văn điểm mới Luật Quốc phòng

>>> Toàn văn điểm mới Luật Cạnh tranh

>>> Toàn văn điểm mới Luật an ninh mạng

 

Quốc hội họp kỳ họp thứ 5 đã chính thức thông qua một số Luật mới, sau đây mình sẽ cập nhật các điểm mới của 4 Luật vừa thông qua gửi đến Dân luật:

1. Luật Quốc phòng (sửa đổi)

Được Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 08/6/2018 với 88,3% đại biểu tán thành

Luật gồm 7 chương, 40 điều, Luật Quốc phòng (sửa đổi) quy định nguyên tắc, chính sách; hoạt động cơ bản về quốc phòng; tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thiết quân luật, giới nghiêm; lực lượng vũ trang nhân dân; bảo đảm quốc phòng; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức; quyền và nghĩa vụ của công dân về quốc phòng.

Làm rõ nội dung phòng thủ quân khu (Luật hiện hành chỉ quy định phòng thủ tỉnh, thành) - là bộ phận hợp thành phòng thủ đất nước, gồm các hoạt động xây dựng thực lực, tiềm lực quốc phòng, thế trận quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng trên địa bàn quân khu. Quy định về nhiệm vụ phòng thủ quân khu.

+ Làm rõ nội dung tình trạng khẩn cấp quốc phòng (nội dung luật hiện hành chỉ quy định nội dung về ban bố tình trạng khẩn cấp về quốc phòng) về:

>>> Tuyên bố, công bố, bãi bỏ tình trạng chiến tranh

+ Làm rõ chức năng của quân đội mà Luật hiện hành chưa đề cập đến:

- Là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân

- Có chức năng, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; công tác vận động, tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; lao động, sản xuất, kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội,…

- Nhà nước xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có lực lượng thường trực hợp lý, lực lượng dự bị động viên hùng hậu; một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại.

+ Làm rõ trách nhiệm quân sự khi thực hiện các nhiệm vụ như thiết quân luật - là biện pháp quản lý nhà nước đặc biệt có thời hạn do quân đội thực hiện (Luật hiện hành không quy định) quy định như sau:

+ Trong thời gian thi hành lệnh thiết quân luật, áp dụng các biện pháp đặc biệt sau:

- Cấm hoặc hạn chế người, phương tiện đi lại; đình chỉ hoặc hạn chế hoạt động tại các nơi công cộng;

- Cấm biểu tình, đình công, bãi thị, bãi khóa, tụ tập đông người;

- Bắt giữ hoặc cưỡng chế cá nhân, tổ chức có hoạt động xâm hại đến quốc phòng, an ninh phải rời khỏi hoặc cấm đi khỏi nơi cư trú hoặc một khu vực nhất định;

- Huy động người, phương tiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

- Quản lý đặc biệt đối với các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ; kiểm soát chặt chẽ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, phương tiện thông tin, hoạt động báo chí, xuất bản, cơ sở in ấn, sao chụp, việc thu thập, sử dụng thông tin.

Luật quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm mà quy định hiện hành còn quy định chung chung trong các điều khoản:

- Chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, Nhân dân, Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

- Thành lập tổ chức vũ trang trái pháp luật.

- Điều động, sử dụng người, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trang bị, thiết bị, phương tiện để tiến hành các hoạt động vũ trang khi chưa có lệnh hoặc quyết định của cấp có thẩm quyền hoặc không có trong kế hoạch huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu đã được phê duyệt.

- Chống lại hoặc cản trở cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. 

- Lợi dụng, lạm dụng việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng để xâm phạm lợi ích của quốc gia, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

- Phân biệt đối xử về giới trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.

Luật nêu rõ: Kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng là sự gắn kết mọi hoạt động quốc phòng với các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội có sự thống nhất quản lý, điều hành của Nhà nước để góp phần củng cố, tăng cường quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội.

Luật Quốc phòng (sửa đổi) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 thay thế Luật Quốc phòng 2005

 

2. Luật an ninh mạng

Sáng ngày 12/6/2018, Quốc hội đã thông qua Luật An ninh mạng với 86,86% đại biểu thông qua, có hiệu lực chính thức từ ngày 1/1/2019.

Với 7 chương, 43 điều, Luật An ninh mạng quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Dưới đây là nội dung quan trọng tại Luật An ninh mạng:

Điều 26. Bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng

1. Trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc chuyên trang trên mạng xã hội của cơ quan, tổ chức, cá nhân không được cung cấp, đăng tải, truyền đưa thông tin có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 16 của Luật này và các thông tin khác có nội dung xâm phạm an ninh quốc gia.

2. Doanh nghiệp trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có trách nhiệm sau đây:

a) Xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số; bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng; cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng;

b) Ngăn chặn việc chia sẻ thông tin, xóa bỏ thông tin có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 16 của Luật này trên dịch vụ hoặc hệ thống thông tin do cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông và lưu nhật ký hệ thống để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng trong thời gian theo quy định của Chính phủ;

c) Không cung cấp hoặc ngừng cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng cho tổ chức, cá nhân đăng tải trên không gian mạng thông tin có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 16 của Luật này khi có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông.

3. Doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ.

Doanh nghiệp nước ngoài quy định tại khoản này phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.

4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 Điều này.

 

>>> Theo đó, Việt Nam có quyền yêu cầu các doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam phải lưu trữ tại Việt Nam đối với dữ liệu quan trọng của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam, bao gồm dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra; đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài tham gia các hoạt động này phải đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.

- Ngoài ra, Luật quy định nghiêm cấm việc sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi đăng tải, phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung:

+ Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

+ Kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng;

+ Làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế;

+ Sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác;

+ Hành vi gián điệp mạng; xâm phạm bí mật nhà nước, bí mật công tác, thông tin cá nhân...

>>> Đưa ra 8 Hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia gồm:

-  Hệ thống thông tin quân sự, an ninh, ngoại giao, cơ yếu;

- Hệ thống thông tin lưu trữ, xử lý thông tin thuộc bí mật nhà nước;

- Hệ thống thông tin phục vụ lưu giữ, bảo quản hiện vật, tài liệu có giá trị đặc biệt quan trọng;

- Hệ thống thông tin phục vụ bảo quản vật liệu, chất đặc biệt nguy hiểm đối với con người, môi trường sinh thái;

-  Hệ thống thông tin phục vụ bảo quản, chế tạo, quản lý cơ sở vật chất đặc biệt quan trọng khác liên quan đến an ninh quốc gia;

- Hệ thống thông tin quan trọng phục vụ hoạt động của cơ quan, tổ chức ở trung ương;

- Hệ thống thông tin quốc gia thuộc lĩnh vực năng lượng, tài chính, ngân hàng, viễn thông, giao thông vận tải, tài nguyên môi trường, hóa chất, y tế, văn hóa, báo chí;

- Hệ thống điều khiển và giám sát tự động tại công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia.

 

3. Luật Cạnh tranh (sửa đổi)

Được Quốc hội thông qua vào sáng 12/6 với 95,28% đại biểu tán thành. Luật Cạnh tranh (sửa đổi) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2019 thay thế Luật Cạnh tranh 2004.

Luật có 10 chương và 118 điều, quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tố tụng cạnh tranh; xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh; quản lý nhà nước về cạnh tranh.

Có những nội dung được đổi mới như sau:

Mở rộng phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; thay đổi cách tiếp cận kiểm soát hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh; thay đổi cách tiếp cận kiểm soát hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền; thay đổi cách tiếp cận kiểm soát tập trung kinh tế; điều chỉnh quy định kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh; hoàn thiện mô hình cơ quan cạnh tranh.

- không tiếp cận kiểm soát các hành vi hạn chế cạnh tranh chỉ dựa vào tiêu chí thị phần như hiện nay, mà kiểm soát hành vi trên cơ sở bản chất, tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của hành vi.

- Luật đã bãi bỏ quy định về hành vi “bán hàng đa cấp bất chính” và hành vi “phân biệt đối xử của hiệp hội”, do các hành vi này không phản ánh đúng bản chất của hành vi cạnh tranh không lành mạnh

- Luật đã lược giản hoá trình tự, thủ tục điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh, theo đó bãi bỏ thủ tục điều tra sơ bộ và rút ngắn thời hạn điều tra chính thức đối với vụ việc cạnh tranh không lành mạnh từ 90 ngày xuống còn 60 ngày kể từ ngày ban hành quyết định điều tra.

- Bổ sung thêm hành vi “lôi kéo khách hàng bất chính” có xu hướng xảy ra ngày càng phổ biến và có bản chất phù hợp với khái niệm về hành vi cạnh tranh không lành mạnh

 

4. Luật Tố cáo

Với tỷ lệ 96,1% tổng số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Tố cáo (sửa đổi).

Luật gồm 9 chương, 67 điều quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, hành vi vi phạm pháp luật khác về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực; bảo vệ người tố cáo; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc quản lý công tác giải quyết tố cáo.

- Về hình thức tố cáo, Luật quy định việc tố cáo được thực hiện bằng đơn hoặc được trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

- Đối với những thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không theo hình thức nêu trên, nếu có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, bằng chứng cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật thì cơ quan tiếp nhận thông tin phải tiến hành việc kiểm tra, thanh tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét giải quyết, xử lý để không bỏ sót, bỏ lọt các hành vi vi phạm pháp luật

- Trường hợp người tố cáo rút tố cáo mà người giải quyết tố cáo xét thấy hành vi bị tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ xác định việc rút tố cáo do bị đe dọa, mua chuộc hoặc người tố cáo lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì vụ việc tố cáo vẫn phải được giải quyết.

- Theo luật, người tố cáo rút tố cáo nhưng có căn cứ xác định người tố cáo lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì vẫn phải chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật về hành vi tố cáo của mình, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Luật Tố cáo (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019 thay thế Luật Tố cáo 2011

>>> Mình sẽ cập nhật những Luật mới khi Quốc Hội thông qua.

 

 

  •  9719
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…