DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Điểm cộng thi đại học – không có gì là bất công

Dạo gần đây, có lẽ là do áp lực đậu – rớt ĐH (và cách tiếp nhận hồ sơ công bố thông tin xét tuyển “mới lạ” của Bộ) nên đã có rất nhiều bài viết than trách việc cộng điểm ưu tiên cho một số thí sinh, quan điểm của mình là “các bạn hãy im lặng và ngừng kêu ca đi” vì điểm cộng này là hợp lý.

 

Nếu các bạn muốn hỏi “Vì sao lại thế ?” vậy thì trước tiên hãy phân tích số điểm cộng này:

 

Đối với điểm cộng khi xét tuyển đại học thì bao gồm 2 loại điểm là điểm ưu tiên và điểm khuyến khích.

 

-          Đối với điểm ưu tiên sẽ bao gồm 2 loại nhỏ:

 

+ Ưu tiên theo đối tượng:

 

Ở đây có 2 nhóm đối tượng được ưu tiên (gọi là UT1 và UT2), điểm cộng tương ứng là 2 điểm và 1 điểm; cụ thể chi tiết các loại đối tượng ưu tiên thì mọi người có thể xem ở khoản 1 điểu 7 Thông tư 03/2015/TT-BGDĐT

 

Trong nhóm đối tượng này thì thường gặp nhất (và bị phản đối nhiều nhất) là nhóm đối tượng người dân tộc thiểu số, mà theo quy định của Thông tư 03/2015/TT-BGDĐT thì với đối tượng này sẽ có 2 mức ưu tiên:

 

Nếu thí sinh là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú tại vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn thì sẽ thuộc diện UT1 (cộng 2 điểm). Những địa phương khó khăn, đặc biệt khó khăn này sẽ do Thủ tướng hoặc Ủy ban Dân tộc quyết định.

 

Còn với các thí sinh là người dân tộc thiểu số cư trú ở các vùng khác không phải vùng khó khăn thì điểm cộng sẽ là 1 điểm.

 

+ Ưu tiên theo khu vực cư trú:

 

Các khu vực ưu tiên này được thực hiện theo khoản 4 điều 7 Thông tư 03/2015/TT-BGDĐT, theo đó sẽ có 3 khu vực được ưu tiên và 1 khu vực không được ưu tiên như sau:

KV 3 (không ưu tiên): Các quận nội thành của thành phố trực thuộc trung ương (vd: các quận của TP.HCM).

KV 1 (cộng 1,5 điểm): các vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn (theo quyết định của Thủ tướng, UBDT).

KV 2 (cộng 0,5 điểm): Các thành phố trực thuộc tỉnh; các thị xã; các huyện ngoại thành của thành phố trực thuộc trung ương (trừ các xã thuộc KV1), vd cho nhóm khu vực này là huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn của Tp.HCM.

KV 2 – NT (cộng 1 điểm): các địa phương không thuộc KV 1, KV 2, KV 3; cụ thể hơn là các huyện thuộc tỉnh (mà không thuộc nhóm KV1), vd huyện Bến Lức tỉnh Long An (những xã không thuộc nhóm khó khăn).

 

-          Điểm khuyến khích:

 

Được áp dụng cho các đối tượng đi thi và có giải trong các kỳ thi quốc gia (các đối tượng được tuyển thẳng nhưng không dùng quyền tuyển thẳng), mức điểm cộng cụ thể sẽ do từng trường quy định theo quy chế tuyển sinh của trường.

 

Vd: trường đại học Y Hà Nội quy định thí sinh đạt giải nhì kỳ thi Quốc gia môn Sinh, Toán, Hóa sẽ được cộng 3 điểm, đạt giải ba sẽ được cộng 2 điểm.

 

Như vậy, tổng điểm cộng mà một thí sinh có thể đạt được khi nộp đơn vào ĐH Y Hà Nội sẽ là 6,5 điểm bao gồm: 2 điểm đối tượng (vd: người dân tộc sống ở vùng khó khăn), 1,5 điểm khu vực (sống ở vùng khó khăn), 3 điểm khuyến khích do đạt giải nhì quốc gia các môn Toán, Sinh, Hóa.

 

Qua thông tin về điểm cộng thì có một số nhận xét sau:

 

Đầu tiên: nếu bạn là người dân tộc thiểu số thì bạn sẽ được công điểm, tuy nhiên mức điểm cộng sẽ tùy vào nơi họ cư trú.Vậy tại sao lại cộng điểm cho thí sinh là người dân tộc thiểu số?

 

Với câu hỏi này thì hãy đặt vấn đề ngược lại, nếu 12 năm học tiểu học, trung học và kỳ thi quốc gia, chương trình yêu cầu bạn học bằng tiếng dân tộc (Kh’Me, H’Mông chẳng hạn) và bạn sẽ được 02 điểm cộng, bạn nghĩ sao, có chấp nhận không ?

 

Tất nhiên, ví dụ ở trên không phải là lý do cộng điểm, ví dụ này chỉ nhằm làm rõ khó khăn của thí sinh khi họ là người dân tộc thiểu số: họ phải học bằng một thứ ngôn ngữ không phải là ngôn ngữ dân tộc của mình mà phải học bằng ngôn ngữ chung của đất nước, đây là một việc không hề dễ dàng; vì thế đối với các thí sinh này, thái độ của bạn (những người học tiếng dân tộc của mình nên cảm thông chia sẻ hơn là ganh tị về những chính sách họ được hưởng;

 

Còn lý do để cộng điểm cho các đối tượng này thì mọi người có thể nghĩ xa hơn một tý: đó là nhằm khuyến khích việc học tập (bằng tiếng Quốc ngữ) của người dân tộc, từ đó làm động lực phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy sự phát triển của đất nước, hòa hợp gắn kết các dân tộc anh em … (cái này có khi lôi cả Nghị quyết Đảng ra đọc cũng chưa đủ).

 

Thứ hai: về chế độ cộng điểm ưu tiên khu vực thì người phải chịu “thiệt hại” lớn nhất (không được cộng điểm) chỉ là những thí sinh có hộ khẩu ở nội thành thành phố, còn nếu khu vực thí sinh sinh sống có khó khăn về điều kiện giao thông, kinh tế … thì thí sinh vẫn có điểm ưu tiên.

 

Điều này cũng có nghĩa là những bạn đang muốn “bảo vệ” cho người sống ở những vùng khó khăn của đô thị (vd các huyện ngoại thành của tp.HCM) có thể “yên tâm”: nếu thí sinh cư trú ở khu vực ngoại thành của thành phố (như huyện Hóc Môn của tp.HCM), họ vẫn được cộng 0,5 điểm khu vực.

 

Còn về phần những thí sinh không được cộng điểm ưu tiên, trước tiên hãy so sánh lại điều kiện của mình và những thí sinh khác: bạn tốt hơn họ về điều kiện giao thông, trường lớp … (đây là điều chắc chắn – vì nó là một trong những điều kiện để phân loại đô thị) mà điểm thi không tính điểm cộng của bạn không cao hơn họ một mức nhất định vậy thì ai là người thua cuộc ?

 

Thứ ba: Với những bạn đạt giải học sinh giỏi kỳ thi Quốc gia thì họ xứng đáng được điểm cộng (chưa kể việc họ được tuyển thẳng), bạn ganh tỵ với họ vì điều gì ? Nếu bạn muốn điểm cộng, đơn giản thôi: hãy thi và có giải của kỳ thi quốc gia đi !

 

Nhiều bạn có suy nghĩ rằng “họ đã thi đậu kỳ thi quốc gia mà điểm còn thấp hơn người không đi thi, vậy thì họ còn thua người không đi thi”, vậy thì có lẽ những bạn này chưa từng học ôn và thi học sinh giỏi: kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia chỉ kết thúc trước kỳ thi tốt nghiệp khoảng hơn 1 tháng, điều này có nghĩa là thí sinh chỉ có 1 tháng để ôn luyện 2 môn còn lại trong khối thi của mình (trừ môn họ thi HSG). Với thời gian ôn luyện 1 tháng đó làm sao họ có thể ôn luyện đầy đủ như những người bình thường, vốn đã giành cả năm học 12 (thậm chí 2 năm học trước) để ôn luyện các môn thi ĐH ?

 

Hơn nữa, quy định cộng điểm khuyến khích này là do từng trường quy định (không phải là quy định chung do Bộ GDĐT ban hành), các trường sẽ căn cứ vào nhu cầu thực tế của trường để đưa ra quy định. Nếu bạn không được lợi trong quy định này thì lý do đầu tiên là “bạn không phù hợp với các ngành học của trường”, “họ phù hợp với ngành học của trường hơn bạn” chứ không phải rằng đây là quy định bất công.

 

Nói tóm lại, với bản thân mình, mình thấy việc cộng điểm này hoàn toàn bình thường, và mức điểm cộng thực tế cũng không hề quá cao như bạn nghĩ (còn nếu có ai đó đạt điểm cộng quá cao thì tức là họ đã phải cố gắng rất rất nhiều và họ hoàn toàn xứng đáng với điểm cộng đó). Vì vậy, các bạn đã và đang kêu ca than vãn về chính sách này (cho chính bạn, cho con, em của bạn) tốt nhất hãy im lặng và đọc kỹ quy định pháp luật đi để hiểu rằng vì sao người khác được cộng điểm còn bạn thì không.

 

Còn nếu bạn không đồng ý với ý kiến này, hãy thử nêu quan điểm của bạn và chúng ta sẽ tranh luận.

 

 

  •  19838
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…