Người ta xử phạt như vậy là đúng rồi đó bạn, căn cứ:
Thứ nhất: Quy định tại điều 13 nghị định 71/2012 sữa đổi bổ sung nghị định 34/2010:
" 3. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 800.000 đồng đối với người điều khiển, người ngồi trên xe vi phạm một trong các hành vi quy định tại: Điểm c, Điểm g, Điểm i (Đi vào đường cấm, khu vực cấm; đi ngược chiều của đường một chiều, trừ trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định), Điểm k, Điểm l Khoản 4 Điều 9 Nghị định này."
Thứ hai: Theo điểm b khoản 1 điều 5 thì :
"b) Phạt tiền.
Khi áp dụng hình thức phạt tiền, mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt quy định đối với hành vi đó; nếu vi phạm có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống thấp hơn mức trung bình nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu vi phạm có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên cao hơn mức trung bình nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt."
Do đó nếu bạn không có tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng thì phạt 600k là chính xác
- Để xác định tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng thì theo điều 8, điều 9 pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính 2002 đã được bổ sung năm 2007, 2008 quy định như sau:
" Điều 8. Tình tiết giảm nhẹ
1. Những tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ:
a) Người vi phạm hành chính đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại;
b) Người vi phạm hành chính đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi;
c) Vi phạm trong tình trạng bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra;
d) Vi phạm do bị ép buộc hoặc bị lệ thuộc về vật chất hoặc tinh thần;
đ) Người vi phạm là phụ nữ có thai, người già yếu, người có bệnh hoặc tàn tật làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
e) Vi phạm vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không do mình gây ra;
g) Vi phạm do trình độ lạc hậu.
2. Ngoài những tình tiết quy định tại khoản 1 Điều này, Chính phủ có thể quy định những tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ trong các văn bản quy định về xử phạt vi phạm hành chính.
Điều 9. Tình tiết tăng nặng
Chỉ những tình tiết sau đây mới là tình tiết tăng nặng:
1. Vi phạm có tổ chức;
2. Vi phạm nhiều lần trong cùng lĩnh vực hoặc tái phạm trong cùng lĩnh vực;
3. Xúi giục, lôi kéo người chưa thành niên vi phạm, ép buộc người bị lệ thuộc vào mình về vật chất, tinh thần vi phạm;
4. Vi phạm trong tình trạng say do dùng rượu, bia hoặc các chất kích thích khác;
5. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vi phạm;
6. Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, hoàn cảnh thiên tai hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để vi phạm;
7. Vi phạm trong thời gian đang chấp hành hình phạt của bản án hình sự hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính;
8. Tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm hành chính mặc dù người có thẩm quyền đã yêu cầu chấm dứt hành vi đó;
9. Sau khi vi phạm đã có hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm hành chính."
Như vậy dựa vào các quy định trên để xác định mức bạn phải nộp phạt.
Nguyễn Bá Hưng - Luật Sư
DĐ: 0979 473 688 - Email: Hunggialuat@gmail.com
CÔNG TY TNHH LUẬT HƯNG GIA
311-M21 Đường số 7, P.An Phú, Quận 2, HCM
CN: 349 Bùi Trọng Nghĩa, Kp3, Trảng Dài, Biên Hoà, Đồng Nai.