DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

“Di chúc miệng”: bất cập và khuyến nghị hoàn thiện

Theo quy định pháp luật Việt Nam hiện hành, để thể hiện ý chí nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết, mỗi cá nhân có thể lập di chúc theo hai hình thức là lập thành văn bản hoặc di chúc miệng trong trường hợp không thể lập được di chúc thành văn bản.

Mỗi hình thức của di chúc đều phải thỏa mãn những điều kiện nhất định mới được xem là hợp pháp. Trong đó, theo quy định tại Khoản 5 Điều 630 Bộ Luật dân sự 2015, di chúc miệng chỉ được xem là hợp pháp nếu đáp ứng những điều kiện về hình thức sau đây:

Thứ nhất, người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng;

Thứ hai, ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ;

Thứ ba, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

Theo quan điểm người viết, việc quy định di chúc miệng phải thỏa mãn điều kiện thứ hai và thứ ba nói trên trong mọi trường hợp sẽ gây khó khăn, hoặc thậm chí không thể thực hiện được việc di chúc miệng trên thực tế trong một số tình huống.

Bởi lẽ, người lập di chúc miệng là những người đang ở trong tình trạng tính mạng bị cái chết đe dọa, có thể là bệnh nặng sắp chết hay gặp hoạn nạn,…ở những địa điểm mà người làm chứng không có đủ điều kiện để ghi chép, ký tên hoặc điểm chỉ ngay lập tức và tiến hành thực hiện việc công chứng, chứng thực di chúc trong thời hạn 05 ngày làm việc. Chẳng hạn, trong trường hợp sau đây:

A, B và C cùng đi thám hiểm trong một khu rừng và bị lạc đường. Vì tình trạng sức khỏe của A không thể chịu đựng được nhiệt độ lạnh trong rừng vào ban đêm, khi cảm thấy mình sắp kiệt sức và không còn giữ được tính mạng, A nói với B, C lời trăn trối của mình và lời trăn trối đó có thể hiện ý chí của A về việc chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.

B, C đã chứng kiến và nghe được toàn bộ ý chí đó của A, tuy nhiên vì đang lạc trong rừng sâu, B và C không thể tìm được công cụ để ghi chép lại. Đồng thời, nếu B và C không được cứu thoát trở về trong 05 ngày thì cũng không thực hiện được việc công chứng hoặc chứng thực di chúc nếu có điều kiện ghi chép lại và ký tên hoặc điểm chỉ.

Như vậy, căn cứ theo quy định về hình thức di chúc miệng như trên, di chúc miệng của A không đảm bảo về mặt hình thức và sẽ không có giá trị pháp lý dù cho có thỏa mãn tất cả các điều kiện còn lại như năng lực hành vi, nội dung di chúc theo quy định.

Điều này gây ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền định đoạt tài sản của cá nhân, là một quyền quan trọng của chủ sở hữu tài sản. Do đó, theo quan điểm người viết, pháp luật cần quy định thời điểm bắt đầu tính thời hạn mà những người làm chứng có thể ghi chép lại, ký tên hoặc điểm chỉ và công chức hoặc chứng thực di chúc trong những trường hợp đặc biệt, không đủ điều kiện để thực hiện theo đúng thời hạn thông thường là kể từ thời điểm những người làm chứng có đủ điều kiện thực hiện.

Đồng thời, những người làm chứng phải chứng minh được họ rơi vào tình trạng không có đủ điều kiện thực hiện hai điều kiện trên đảm bảo theo thời hạn quy định thông thường. Điều này góp phần nâng cao mức độ đảm bảo quyền định đoạt tài sản cũng như quyền sở hữu tài sản hợp pháp của cá nhân và nguyên tắc ưu tiên thực hiện thừa kế theo di chúc trong pháp luật về thừa kế.

  •  13798
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

5 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…