DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Dấu hiệu tùy tiện ở một số địa phương: Luật nào cho phép phạt người ra đường, thu tiền cách ly?

Tại một số địa phương gần đây, ngoài lấy lý do phòng chống dịch để “ngăn sông, cấm chợ”, “sáng tạo” nhiều biện pháp vô căn cứ như PLVN đã đề cập trong số báo trước, thì còn có tình trạng áp dụng sai luật, áp dụng tùy tiện, thể hiện ở việc phạt người ra đường sau 22h, phạt người khi ra đường không có lý do chính đáng, hay thu tiền với người  thực hiện cách ly tập trung.

Phạt người ra đường là không đúng  
 
Như PLVN đã phản ánh, công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 của cả nước trong thời gian qua đã đạt được hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, còn có tình trạng một số địa phương áp dụng sai luật, sai chủ trương; phòng chống dịch mỗi nơi mỗi kiểu, dấu hiệu lạm quyền, vi hiến.
 
Có thể nhắc đến chuyện tại Hà Nội và Hạ Long (Quảng Ninh), người ra đường sau 22h hoặc ra đường mà không có lý do chính đáng sẽ bị phạt. Đến ngày 6/4, có ít nhất 3 người ra đường không có lý do cần thiết (2 người đi câu cá và 1 người đi bán hoa tươi), mỗi người bị phạt 200.000 đồng, theo cơ quan ra quyết định là căn cứ điểm a khoản 1 Điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP về hành vi “không thực hiện biện pháp để bảo vệ cá nhân với người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của các cơ quan y tế”.  
 
Dấu hiệu tùy tiện ở một số địa phương: Luật nào cho phép phạt người ra đường, thu tiền cách ly?
 
LS Nguyễn Hoài Nghĩa (Đoàn LS TP HCM, Công ty Luật TNHH Hãng luật Châu Đại Dương), cho rằng: “Việc xử phạt với 3 người trên là không đúng. Tại điểm a khoản 1 Điều 11 Nghị định 176 thì sẽ phạt với người “Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế”. Điều luật này nêu rõ người có nguy cơ mắc dịch bệnh là người tiếp xúc với người bệnh, có mang mầm bệnh, đã từng đến vùng có dịch, ổ dịch nhưng không tự bảo vệ như không đi khám, xét nghiệm, không tự cách ly; dù được cơ quan y tế hướng dẫn các biện pháp bảo vệ”. Ba người trên không đủ các điều kiện để bị phạt theo Điều 11 vì không phải người mang mầm bệnh, không tiếp xúc với người bệnh hoăc đã từng đến vùng có dịch, ổ dịch”.
 
Theo LS Nghĩa, tất cả quy định pháp luật hiện hành và những văn bản pháp luật, hướng dẫn mới nhất trong phòng chống dịch Covid-19 đều không hề quy định người dân ra đường phải có lý do cần thiết, hoặc ra đường sau 22h, là vi phạm.
 
“Với việc thực hiện cấm đi lại ngoài khu vực có dịch vì lý do bất ổn về an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì phải có “Lệnh giới nghiêm” của người có thẩm quyền ban hành theo Luật Quốc phòng 2018. Lệnh giới nghiêm được ban bố trong trường hợp tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại một hoặc một số địa phương diễn biến phức tạp đe dọa gây mất ổn định nghiêm trọng và được công bố liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng”.  
 
“Các quy định về phòng chống dịch như trong Chỉ thị 16 của Thủ tướng và Công văn 2601 của Văn phòng Chính phủ cũng không cấm việc đi lại của người dân, trừ khu vực cách ly, khu vực bị phong tỏa vì phát sinh ổ dịch, mà chỉ khuyến cáo việc hạn chế ra đường”.
 
“Hiện việc phòng chống dịch của chúng ta mới dừng lại ở việc “Công bố dịch” và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo theo Điều 38, Điều 39 và mục 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Trong đó có các biện pháp như khai báo, tổ chức cách ly y tế, khám chữa bệnh, các biện pháp bảo vệ cá nhân... 
 
Điều 53 Luật này là: “Kiểm soát ra, vào vùng có dịch với bệnh dịch thuộc nhóm A thì không cấm người dân đi lại, ra đường vào ban đêm, không yêu cầu phải khai báo lý do đi lại tại nơi không được xác định là vùng dịch, ổ dịch hoặc khu vực cách ly.
 
Cho nên các địa phương cấm người dân đi ra đường sau 22h với lý do vi phạm quy định về phòng chống dịch là áp dụng tùy tiện, không có cơ sở. Cũng xin nói thêm, người dân ra đường ban đêm, lưu trú, ở lại qua đêm nhà người khác... phải tuân thủ việc kiểm tra hành chính của CA địa phương, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát 113... và phải mang theo CMND, giấy tờ tùy thân thay thế CMND. Việc kiểm tra, xử phạt này (nếu có) không đồng nghĩa với kiểm tra vi phạm về phòng chống dịch”, LS Nghĩa khẳng định.
 
Cách ly có thu tiền là đi ngược với chính sách của Chính phủ
 
Không chỉ tùy tiện trong xử phạt, cấm người dân tự do đi lại, một số địa phương như Quảng Nam, Đà Nẵng, Hải Phòng… đang thực hiện việc thu tiền ăn đối với người từ TP HCM, Hà Nội trở về địa phương. Đà Nẵng thu 120.000 đồng/người/ngày, Hải Phòng là 75.000 đồng/người/ngày, còn Quảng Nam chưa có con số cụ thể vì đang chờ quyết định của HĐND trong kỳ họp sắp tới. Tuy nhiên, việc làm này cũng bị đánh giá chưa phù hợp quy định pháp luật.
 
LS Nghĩa nói: “Như Báo PLVN phân tích trong bài trước và trùng với quan điểm của tôi thì TP HCM, Hà Nội không phải “vùng có dịch, ổ dịch”, nên không được phép cách ly những người từ nơi này về địa phương”.
 
Nghị quyết số 37/NQ-CP do Chính phủ ban hành ngày 29/3/2020 về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 cũng quy định không thu tiền ăn với người Việt Nam, người nước ngoài đang bị áp dụng biện pháp cách ly tập trung tại cơ sở khám bệnh chữa bệnh hoặc tại cơ sở, địa điểm khác. Mỗi người bị cách ly một ngày được hỗ trợ 80.000 đồng, trừ khi cách ly tại nhà, nơi lưu trú, khách sạn, resort, doanh nghiệp”.
 
Ngân sách thực hiện việc cách ly được lấy từ nguồn: Ngân sách nhà nước (NSNN) bố trí theo quy định của pháp luật về NSNN và phân cấp NSNN hiện hành. Ngân sách trung ương hỗ trợ cho ngân sách các địa phương còn khó khăn chưa cân đối được ngân sách theo quy định của Thủ tướng; Quỹ bảo hiểm y tế chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; Nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác.
 
Nghị quyết 37 phù hợp với Điều 60 Luật Phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm về “Kinh phí cho công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm bao gồm: NSNN; Vốn viện trợ; Các nguồn kinh phí khác theo quy định pháp luật. Hằng năm Nhà nước bảo đảm đủ, kịp thời ngân sách cho các hoạt động phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Ngân sách phòng, chống bệnh truyền nhiễm không được sử dụng vào mục đích khác”.
 
Về khu cách ly, mỗi tỉnh phải lập khu cách ly riêng biệt và có báo cáo BCĐ chống dịch cấp quốc gia về địa điểm phối hợp, nhằm chủ động về số lượng người và nơi cách ly.
 
LS Nghĩa nhận định: “Tóm lại, không thể thu tiền ăn với người bị cách ly tập trung. NSNN từ các tỉnh đã có sẵn và nếu không đủ sẽ có ngân sách từ Trung ương. Chính phủ, BCĐ phòng chống dịch cấp quốc gia chưa yêu cầu phải thu phí trừ một số trường hợp nêu rõ trong Nghị quyết 37. Thứ hai, không thể tự ý chọn nơi cách ly là khách sạn, nhà nghỉ để thu phí. Các địa phương làm như thế là đang phạm luật, không tuân thủ yêu cầu của Chính phủ”.
 

 

  •  2994
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…