DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Danh sách các Luật được thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV

Danh sách các Luật được thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV

1.  Quốc hội thông qua luật Bảo vệ bí mật nhà nước
 
Chiều 15/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ bí mật nhà nước với hơn 91,5% đại biểu đồng ý.
 
Theo đó, thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước phải là thông tin quan trọng, chưa được công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
 
15 lĩnh vực gồm: Chính trị; quốc phòng, an ninh, cơ yếu; lập pháp, tư pháp; kinh tế; khoa học công nghệ; giáo dục và đào tạo; y tế... đều có các thông tin nằm trong danh mục bí mật nhà nước.
 
Cụ thể, trong lĩnh vực chính trị, các thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đối nội, đối ngoại; hoạt động của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và lãnh đạo Đảng, Nhà nước là thông tin mật.
 
Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh thì chiến lược, kế hoạch bảo vệ Tổ quốc, phòng thủ đất nước, bảo vệ an ninh quốc gia; tổ chức và hoạt động của lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng Cơ yếu; công trình, mục tiêu về quốc phòng, an ninh, cơ yếu; các loại vũ khí, khí tài, phương tiện quyết định khả năng phòng thủ đất nước, bảo đảm an ninh quốc gia... cũng không được công khai.
 
Bên cạnh đó, danh mục thông tin mật còn gồm các thông tin về bảo vệ sức khỏe lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước; thông tin về chủng, giống vi sinh vật mới phát hiện liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người; mẫu vật, nguồn gen và quy hoạch vùng trồng dược liệu quý hiếm.
 
Nhiều nội dung khác cũng là thông tin bí mật gồm chiến lược, kế hoạch, đề án về hoạt động lập pháp, tư pháp; thông tin về việc khởi tố, hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; chiến lược, kế hoạch, đề án phát triển quan hệ với các nước, tổ chức quốc tế; thông tin về lĩnh vực tài nguyên nước; môi trường; địa chất, khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ; đất đai; biển, hải đảo...
 
Cấm truyền đưa bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin
 
Theo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, việc làm lộ, chiếm đoạt, mua, bán bí mật nhà nước; làm sai lệch, hư hỏng, mất tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước bị nghiêm cấm.
 
Cá nhân, tổ chức không được thu thập, trao đổi, sao chụp, lưu giữ, tiêu hủy... tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước trái pháp luật.
 
Bên cạnh đó, Luật cũng nghiêm cấm lợi dụng việc bảo vệ bí mật nhà nước, sử dụng bí mật nhà nước để thực hiện hoặc che giấu hành vi vi phạm pháp luật; cấm soạn thảo, lưu giữ tài liệu có chứa thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước trên máy tính hoặc thiết bị khác đã kết nối hoặc đang kết nối với mạng Internet; đăng tải, phát tán bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng Internet, mạng máy tính và mạng viễn thông.
 
Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước
 
Theo quy định của Luật, thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước độ tuyệt mật (bí mật nhà nước liên quan đến lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, đối ngoại, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đặc biệt nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia) là 30 năm.
 
Thời hạn bảo vệ đối với bí mật nhà nước độ tối mật (bí mật nhà nước nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại rất nghiêm trọng) là 20 năm. Còn thời hạn bảo vệ đối với bí mật nhà nước độ mật (bí mật nhà nước nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại nghiêm trọng) là 10 năm.
 
Bí mật nhà nước được giải mật toàn bộ hoặc một phần khi đáp ứng yêu cầu thực tiễn bảo vệ lợi ích quốc gia; phát triển kinh tế - xã hội; hội nhập, hợp tác quốc tế; hoặc không còn thuộc danh mục bí mật nhà nước.
 
Luật này có hiệu lực từ 1/7/2020.
Nguồn: Vnexpress

Những ngày làm việc cuối của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV sẽ thông qua 8 dự án luật quan trọng

Dưới đây là danh sách các Luật đã được thông qua

2. QUỐC HỘI THÔNG QUA LUẬT ĐẶC XÁ (SỬA ĐỔI) Trước khi tiến hành biểu quyết, các đại biểu Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi). Theo đó, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 6 về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua. Cụ thể:

Về thời điểm đặc xá (Điều 5 dự thảo Luật): Quy định về thời điểm đặc xá như dự thảo Luật là kế thừa Luật hiện hành, thể hiện tính nhân đạo trong chính sách pháp luật nước ta và thực tiễn thực hiện không phát sinh vướng mắc. Tham khảo kinh nghiệm các nước trên thế giới cho thấy, chưa có nước nào quy định cụ thể trong Luật về tần suất thực hiện đặc xá mà giao cho Người đứng đầu Nhà nước quyết định căn cứ vào điều kiện cụ thể của đất nước trong từng giai đoạn. Về ý kiến của ĐBQH đề nghị giao Chính phủ quy định “tiêu chí xác định sự kiện trọng đại của đất nước”, UBTVQH nhận thấy, các sự kiện trọng đại của đất nước diễn ra trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, rất đa dạng, do đó, nếu quy định cụ thể tiêu chí xác định sự kiện này trong văn bản quy phạm pháp luật có thể sẽ không bao quát hết. Vì vậy, UBTVQH đề nghị cho giữ quy định về thời điểm đặc xá như dự thảo Luật và giao cho Chủ tịch nước căn cứ các quy định của Luật và tình hình của đất nước ở từng thời kỳ để quyết định thời điểm đặc xá phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra.

Về đối tượng được đề nghị đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước (Điều 11 dự thảo Luật): UBTVQH đề nghị cho giữ như quy định tại điểm a khoản 3 Điều 11 của dự thảo Luật, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết Điều 11 và giao cho Hội đồng tư vấn đặc xá tổ chức triển khai thực hiện Quyết định về đặc xá như quy định tại Điều 35 của dự thảo Luật.

Về các trường hợp không được đề nghị đặc xá (Điều 12 dự thảo Luật): Để bảo đảm tính nhân đạo, đồng thời bảo đảm thận trọng trong công tác đặc xá, khoản 1 Điều 12 của dự thảo Luật quy định một số tội danh dù người bị kết án đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 11 của dự thảo Luật nhưng cũng không được đề nghị đặc xá. Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo Luật bổ sung trường hợp không đề nghị đặc xá đối với người bị kết án phạt tù về 02 tội (tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114), tội chống phá cơ sở giam giữ (Điều 119) và một số tội phạm khác như: tội ma túy, tội đánh bạc), đồng thời, căn cứ vào tình hình cụ thể trong mỗi đợt đặc xá, khoản 6 Điều 12 dự thảo Luật quy định Chủ tịch nước quyết định không đặc xá đối với các trường hợp khác. Do đó, UBTVQH đề nghị giữ như quy định tại Điều 12 của dự thảo Luật.

Về đặc xá trong trường hợp đặc biệt (các điều 22, 23 và 24 dự thảo Luật): Tổng kết Luật Đặc xá trong 10 năm qua chỉ có 14 người được đặc xá thuộc trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước và quá trình thực hiện được tiến hành chặt chẽ, không phát sinh vướng mắc. Do đó, UBTVQH đề nghị cho giữ như dự thảo Luật, tiếp tục giao cho Chủ tịch nước quyền chủ động quyết định. Đồng thời, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng không mở rộng đối tượng đặc xá trong trường hợp đặc biệt đối với người đang được hưởng án treo, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện nhằm bảo đảm phù hợp với tính chất của đặc xá.

Về Tổ thẩm định liên ngành: Thành phần của Tổ thẩm định liên ngành quy định tại khoản 3 Điều 10 của dự thảo Luật là kế thừa và bổ sung trên cơ sở kết quả tổng kết thực tiễn 10 năm thi hành Luật Đặc xá năm 2007, bảo đảm chặt chẽ. Hoạt động của Tổ thẩm định liên ngành chỉ nhằm giúp cho các cơ quan có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị đặc xá thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Trên cơ sở kết quả thẩm định của Tổ thẩm định, các cơ quan có trách nhiệm lập hồ sơ sẽ trực tiếp hoàn thiện danh sách, hồ sơ đề nghị đặc xá và gửi Hội đồng tư vấn đặc xá. Hội đồng tư vấn đặc xá mới là cơ quan có thẩm quyền thẩm tra và duyệt danh sách, hồ sơ trình Chủ tịch nước quyết định. Các khâu trong quá trình lập, thẩm định, thẩm tra, xét duyệt danh sách, hồ sơ đề nghị đặc xá đã được dự thảo Luật quy định rõ ràng, rành mạch cho từng chủ thể thực hiện, bảo đảm cơ chế giám sát chặt chẽ. Vì vậy, UBTVQH đề nghị cho giữ như quy định của dự thảo Luật.

Ngoài các nội dung đã được giải trình, tiếp thu chỉnh lý như tại Báo cáo, nhiều ý kiến của ĐBQH đã được giải trình cụ thể tại Báo cáo số 327/BC-UBTVQH14 ngày 18/10/2018 của UBTVQH; các ý kiến khác của ĐBQH đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa trong quá trình chỉnh lý dự thảo Luật như: thời hạn; chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức; bố cục lại một số điều, khoản; chỉnh lý kỹ thuật văn bản bảo đảm phù hợp với các văn bản pháp luật có liên quan.

Sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi), Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo Luật với 451 đại biểu tán thành, chiếm 92,99% tổng số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết.

Luật Đặc xá (sửa đổi) được thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV gồm gồm 06 chương, 39 điều. Luật Đặc xá (sửa đổi) quy định về nguyên tắc, thời điểm, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện đặc xá; điều kiện, quyền và nghĩa vụ của người được đề nghị đặc xá; quyền và nghĩa vụ của người được đặc xá.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2019.

>>>Nguồn: Cổng thông tin điện tử QUỐC HỘI

 
  •  8033
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…