DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị có được ủy quyền cho cá nhân Chủ tịch Hội đồng quản trị?

 

Câu hỏi: “Nếu như những hợp đồng thuộc thẩm quyền của đại hội đồng cổ đông hoặc hội đồng quản trị quyết định nhưng các cơ quan này ủy quyền lại cho Chủ tịch HĐQT quyết định thì hợp đồng đó có được xem là hợp lệ không. Đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị có được ủy quyền cho cá nhân khác thực hiện quyền hạn của mình không?"

Trả lời

Phạm trù ủy quyền hay đại diện là một chế định pháp lý của dân luật, do vậy vấn đề ủy quyền này phải được xem xét xuất phát từ pháp luật dân sự. Dưới góc độ luật dân sự, chế định ủy quyền xuất phát từ nguồn gốc của Luật La mã cổ, theo đó chủ thể có quyền có thể chuyển giao quyền cho bên nhận quyền. Tuy nhiên, vấn đề chuyển giao quyền cũng có những giới hạn nhất định, chủ yếu xuất phát từ tư cách chủ thể và các vấn đề liên quan đến yếu tố “nhân thân” của các bên tham gia quan hệ đại diện/ủy quyền.

Dưới dóc độ pháp luật dân sự

Ở Việt Nam, Điều 134 BLDS 2015 quy định:

"Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự."

Như vậy, theo Bộ luật dân sự, để thực hiện việc ủy quyền thì người ủy quyền phải có tư cách cá nhân hoặc tư cách pháp nhân.

Về tư cách pháp nhân, để tổ chức được coi là pháp nhân phải đáp ứng được 4 điều kiện theo Điều 74 BLDS, bao gồm:

           (i) Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;

          (ii) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;

          (iii) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;

          (iv) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Chiếu theo các quy định của pháp luật hiện hành thì Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị không có tư cách pháp nhân nên không thể nhân danh là pháp nhân trong quan hệ đại diện theo ủy quyền. Và tất nhiên ĐHĐCĐ và HĐQT cũng không có tư cách của “cá nhân”, bởi đây là những thiết chế có tính là một “cơ quan” trong quản trị công ty và làm việc theo chế độ tập thể.

Cần lưu ý thêm, Điều 111 BLDS 2015 quy định về trường hợp tổ chức không có tư cách pháp nhân trong quan hệ dân sự, theo đó:

“…Tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự thì các thành viên của tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.”

Ở đây có thể thấy nếu từng cổ đông hoặc từng thành viên HĐQT ủy quyền cho người khác với tư cách cá nhân, thì khi đó người được ủy quyền chỉ có thể nhân danh từng cổ đông hoặc từng thành viên HĐQT để thực hiện các quyền, nghĩa vụ của cổ đông hoặc của thành viên HĐQT chứ không thể nhân danh tư cách của ĐHĐCĐ hoặc HĐQT để đưa ra các quyết định trên danh nghĩa của hai “cơ quan” này.


Dưới góc độ pháp luật doanh nghiệp

Dưới góc độ của Luật Doanh nghiệp, bản chất của các quy định về kiểm soát giao dịch tư lợi trong công ty xuất phát từ học thuyết về sự tách bạch giữa sở hữu và quản lý, điều hành trong công ty.

Chủ sở hữu công ty là người bỏ vốn vào công ty nhưng họ có thể không phải là người quản lý, sử dụng vốn, mà thông qua người quản lý, điều hành công ty, do vậy rất dễ có khả năng dẫn đến việc người quản lý lạm quyền, thực hiện các giao dịch tư lợi cho bản thân, gây thiệt hại cho công ty...Do vậy pháp luật mới có quy định về cơ chế chấp thuận/thông qua hợp đồng, giao dịch của các cơ quan quyền lực/quản lý nêu trên trước khi người đại diện xác lập nhằm hạn chế/loại bỏ các giao dịch nội gián, tư lợi, hướng đến bảo vệ lợi ích của công ty nói chung, cũng như lợi ích của cổ đông, đặc biệt là cổ đông thiểu số. Do vậy, nếu ĐHĐCĐ/HĐQT với tư cách là những cơ quan quyền lực (của chính của đông) hoặc cơ quan quản lý (do cổ đông bầu ra) lại ủy quyền cho một cá nhân nào đó, ví dụ như chủ tịch HĐQT để quyết định việc thông qua các hợp đồng/giao dịch có nguy cơ phát sinh tư lợi với tư cách cá nhân, khi đó ý nghĩa của quy định về kiểm soát các giao dịch tư lợi của luật sẽ dễ dàng bị vô hiệu hóa, bởi khi đó từ cơ chế quyết định bởi tập thể chuyển sang cơ chế quyết định bởi cá nhân.

 

Kết luận

Tóm lại, xuất phát từ quy định về quan hệ đại diện theo Bộ luật dân sự và ý nghĩa của các quy định về kiểm soát các giao dịch có nguy cơ phát sinh tư lợi trong công ty của Luật DN, đồng thời xuất phát từ tính chất đặc thù trong cơ chế hoạt động, thông qua quyết định với tư cách là một “cơ quan” của ĐHĐCĐ và HĐQT, do đó có thể tạm thời kết luận thẩm quyền chấp thuận/thông qua các hợp đồng, giao dịch nói trên là thẩm quyền liên quan đến nền tảng công ty và không thể chuyển giao. Do đó, ĐHĐCĐ/HĐQT không thể ủy quyền cho cá nhân chủ tịch HĐQT có thể tự mình quyết định chấp thuận/thông qua các hợp đồng, giao dịch có nguy cơ phát sinh tư lợi giữa công ty với chủ sở hữu, người quản lý, người đại diện và người có liên quan theo quy định tại Điều 162.1 của LDN 2014.

 

Nguồn: Từ Thanh Thảo – Khoa Luật TM & Nguyễn Nhật Thanh – Khoa Luật Dân sự ĐH Luật TP.HCM

 

  •  4652
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…