DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Công văn hướng dẫn một số vấn đề liên quan đến tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự

Để kịp thời triển khai thực hiện một số nội dung mới có liên quan đến Bộ luật hình sự 2015, Nghị quyết 109/2015/QH13 về việc thi hành Bộ luật hình sự; Bộ luật tố tụng hình sự 2015, Nghị quyết 110/2015/QH13 về việc thi hành Bộ luật tố tụng hình sự và Luật thi hành tạm giữ, tạm giam, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có ý kiến chỉ đạo xây dựng văn bản “Hướng dẫn một số nội dung liên quan đến tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự”.

hướng dẫn tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp thực hiện ngay các công việc sau:

1. Về áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ, tạm giam và thời hạn tạm giữ, tạm giam

Viện kiểm sát các cấp phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra, Toà án cùng cấp tiến hành rà soát đầy đủ, chính xác các tr­ường hợp đang áp dụng biện pháp tạm giam với thời hạn theo Bộ luật tố tụng hình sự 2003, nhưng đến ngày 01/7/2016 không được tạm giam theo Bộ luật tố tụng hình sự 2015 hoặc thời hạn tạm giam vượt quá thời hạn theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 để đẩy nhanh tiến độ, sớm kết thúc vụ án

(Điều 173: Thời hạn gia hạn tạm giam đối với tội phạm nghiêm trọng ngắn hơn 01 tháng, tội phạm rất nghiêm trọng ngắn hơn 02 tháng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng ngắn hơn 04 tháng; Điều 419: Thời hạn tạm giam đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi bằng 2/3 thời hạn tạm giam đối với người đủ 18 tuổi trở lên...).

Đến ngày 30/6/2016 chưa giải quyết xong, thì Viện kiểm sát quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam; Nếu thuộc thẩm quyết giải quyết của Tòa án thì yêu cầu Tòa án hủy bỏ biện pháp tạm giam hoặc thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác theo Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Đối với các trường hợp tạm giữ, nếu xét thấy không có căn cứ thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ và người ra quyết định tạm giữ phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.

Đối với các trường hợp tạm giam, nếu xét thấy không cần thiết phải tiếp tục tạm giam thì phải kịp thời yêu cầu Cơ quan điều tra đề nghị hoặc Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ việc tạm giam để trả tự do cho người bị tạm giam.

Cần lưu ý việc áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi và chỉ áp dụng trong trường hợp thật cần thiết.

Khi nhận được quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giữ, tạm giam; quyết định trả tự do cho người bị tạm giữ, tạm giam thì cơ quan, người có thẩm quyền trong việc tạm giữ, tạm giam phải chấp hành ngay.

2. Kiểm sát việc thông báo sắp quá hạn tạm giữ, tạm giam

Viện kiểm sát các cấp phải quản lý chặt chẽ số liệu người đang bị tạm giữ, tạm giam sắp hết thời hạn để kiểm sát việc thông báo bằng văn bản của nhà tạm giữ, trại tạm giam theo Điểm d, Khoản 1 Điều 7, Điểm d, Khoản 1 Điều 11 Quy chế về tạm giữ, tạm giam ban hành kèm theo Nghị định 89/1998/NĐ-CP; Điểm h Khoản 1 Điều 13 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam (từ ngày 01/7/2016). Nếu phát hiện nhà tạm giữ, trại tạm giam không thông báo theo đúng quy định thì lập ngay biên bản vi phạm và kháng nghị, kiến nghị yêu cầu thực hiện theo quy định.

Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử, kịp thời thông báo để giải quyết những trường hợp đang bị tạm giữ, tạm giam sắp hết thời hạn giam, giữ trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử; khắc phục ngay tình trạng quá hạn tạm giữ, tạm giam; đặc biệt các trường hợp quá hạn tạm giam thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát.

Để khắc phục việc giam, giữ quá hạn, trước khi hết thời hạn tạm giữ, gia hạn tạm giữ 01 ngày, trước khi hết thời hạn tạm giam 02 ngày, trước khi hết thời hạn gia hạn tạm giam 03 ngày, Viện  kiểm sát phối hợp với nhà tạm giữ, trại tạm giam, Cơ quan điều tra, Tòa án để kiểm tra việc giải quyết các trường hợp sắp hết thời hạn đã được nhà tạm giữ, trại tạm giam thông báo, nếu chưa giải quyết thì yêu cầu giải quyết ngay.

Trong văn bản yêu cầu phải nêu rõ hết thời hạn tạm giữ, tạm giam mà cơ quan có thẩm quyền không giải quyết thì người đang bị tạm giữ, tạm giam khi hết thời hạn sẽ được trả tự do theo quy định pháp luật.

Mọi hậu quả xảy ra (nếu có) như: Người bị tạm giữ, tạm giam trốn, tiếp tục phạm tội, cản trở công tác điều tra, truy tố, xét xử… thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Đối với những trường hợp quá hạn tạm giữ, tạm giam do chậm gửi các lệnh, quyết định tạm giữ, tạm giam, Kiểm sát giam giữ cần xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, cá nhân; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm để kháng nghị, kiến nghị yêu cầu xử lý vi phạm.

3. Về việc trả tự do cho người bị tạm giữ, tạm giam

Kể từ ngày 01/7/2016, khi đã hết thời hạn tạm giữ, tạm giam thì người bị tạm giữ, tạm giam phải được trả tự do ngay, nếu họ không bị giam, giữ về một hành vi vi phạm pháp luật khác.

Trường hợp xét thấy cần thiết thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.

Đến ngày cuối cùng của thời hạn tạm giữ, tạm giam theo Bộ luật tố tụng hình sự, Viện kiểm sát có thẩm quyền phải tiến hành kiểm sát, nếu cơ quan có thẩm quyền không giải quyết thì ra văn bản yêu cầu cơ sở giam giữ trả tự do ngay cho người đang bị tạm giữ, tạm giam trong trường hợp trong lệnh, quyết định tạm giữ, tạm giam ghi rõ: Hết thời hạn tạm giữ, tạm giam này, cơ sở giam giữ có trách nhiệm trả tự do cho người đang bị tạm giữ, tạm giam.

Trong văn bản yêu cầu nêu rõ: Cơ sở giam giữ không trả tự do ngay cho người đang bị tạm giữ, tạm giam là vi phạm pháp luật và chịu hoàn toàn trách nhiệm với những hậu quả có thể xảy ra.

Viện kiểm sát các cấp cần khắc phục việc lạm dụng, làm thay cho cơ quan khác khi vận dụng Khoản 2 Điều 22, Khoản 2 Điều 25 để trả tự do cho người đang bị giam, giữ đúng ngày hết thời hạn theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Ngày kế tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn giam, giữ phải kiểm tra, nếu cơ sở giam giữ chưa trả tự do, thì lập biên bản vi phạm về việc tạm giữ, tạm giam người không có lệnh, quyết định của cơ quan có thẩm quyền và căn cứ Khoản 2 Điều 22 Luật tổ chức VKSND để trả tự do ngay cho người bị tạm giữ, tạm giam. Đồng thời, kháng nghị, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét trách nhiệm của cơ quan, cá nhân có liên quan để xảy ra vi phạm pháp luật.

Kể từ ngày 01/7/2016, vi phạm trong việc: Không ra quyết định trả tự do cho người được trả tự do; bắt, giữ, giam người không có căn cứ; không chấp hành quyết định trả tự do cho người được trả tự do; thực hiện việc bắt, giữ, giam người không có lệnh, quyết định theo quy định của luật hoặc tuy có lệnh, quyết định nhưng chưa có hiệu lực thi hành và không ra lệnh, quyết định gia hạn tạm giữ, tạm giam hoặc thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giữ, tạm giam khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam dẫn đến người bị tạm giữ, tạm giam bị giam, giữ quá hạn phải được xem xét trách nhiệm hình sự theo Điều 377 Bộ luật hình sự 2015.

Đồng thời, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lạm quyền tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành hình phạt tù phải được xem xét trách nhiệm hình sự theo Điều 378 Bộ luật hình sự 2015.

4. Kiểm sát việc thi hành án hình sự

Viện kiểm sát các cấp phối hợp chặt chẽ với Cơ quan thi hành án hình sự, Cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự, Toà án cùng cấp rà soát đầy đủ, chính xác và kiểm sát chặt chẽ việc miễn chấp hành hình phạt còn lại hoặc miễn toàn bộ hình phạt đối với những trường hợp quy định tại điểm d, đ Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết 109/2015/QH13 theo hướng dẫn tại tiểu mục 5 Mục I Hướng dẫn 172/VKSTC-V14 ngày 18/01/2016 và hướng dẫn tại Mục 4 Công văn 326/TANDTC-PC ngày 31/12/2015.

Viện kiểm sát cấp tỉnh phối hợp chặt chẽ với trại giam đóng tại địa phương, Cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp rà soát và kiểm sát việc đề nghị miễn chấp hành hình phạt còn lại cho người đang chấp hành hình phạt tù, hình phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật của Quân đội.

Rà soát đầy đủ, chính xác các trường hợp bị xử phạt tù, xử phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật của Quân đội đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt, đang được hoãn hoặc chưa chấp hành hình phạt đề nghị Chánh án Tòa án cùng cấp miễn chấp hành hình phạt.

Viện kiểm sát cấp huyện phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cấm cư trú hoặc quản chế, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân hoặc xử phạt bằng các hình phạt khác rà soát và kiểm sát việc đề nghị hoặc đề nghị Chánh án Tòa án cùng cấp miễn chấp hành hình phạt còn lại hoặc toàn bộ hình phạt.

Xem chi tiết tại Dự thảo Hướng dẫn một số nội dung liên quan đến tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại file đính kèm.

  •  25579
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…