Đầu tuần qua, thượng nghị sĩ Nicholas Addison Phillips (chủ tịch sáng lập Tòa án Tối cao Vương quốc Anh) đã có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. Nhân dịp này ông Phillips đã chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM những kinh nghiệm của ông trong việc hạn chế án oan.

Trợ giúp của luật sư...

. Câu chuyện án oan ở Anh ra sao, thưa ông?

+ Án oan ở Anh rất ít, gần như không có. Tuy nhiên, từng có hai vụ án oan rất lớn xảy ra ở Anh, trong đó có vụ một người bị tình nghi khủng bố. Sau khi xem xét lại vụ này thì phát hiện cảnh sát đã ngụy tạo các bằng chứng. Nhưng vụ án này xảy ra cũng lâu rồi, khoảng 20-30 năm trước.

. Thưa ông, nước Anh đã áp dụng những biện pháp gì để hạn chế án oan?

+ Chúng tôi đã ban hành nhiều biện pháp khác nhau để ngăn chặn án oan. Hiện nay cảnh sát hỏi cung phải tuân thủ nhiều quy định khác nhau. Bị can có quyền có luật sư trợ giúp cho họ trong quá trình điều tra. Bản thân bị can được thông báo ngay từ đầu là họ có quyền không trả lời các câu hỏi nếu họ không muốn. Cạnh đó, quá trình hỏi cung của cảnh sát đều được ghi hình. Giả sử bị can, bị cáo tố cáo bị lạm dụng khi hỏi cung thì người ta có thể truy lại video để xem xét. Nhờ có các biện pháp như vậy nên cảnh sát phải ứng xử chuẩn mực.

Chúng tôi cũng có nhiều biện pháp khác nhau để phòng tránh trường hợp người vô tội bị kết án. Chẳng hạn tất cả bằng chứng chống lại bị cáo phải được trình bày trước tòa. Trong những vụ án nghiêm trọng sẽ có sự tham gia của bồi thẩm đoàn gồm 12 người. Sau khi nghe tất cả bằng chứng đã trình bày, thẩm phán thông báo cho bồi thẩm đoàn biết họ cần phải làm gì, căn cứ vào luật nào. Thẩm phán phải nêu rõ với bồi thẩm đoàn rằng họ chỉ có thể kết tội bị cáo khi họ chắc chắn không còn lý do nào khác để nghi ngờ. Nếu còn căn cứ nghi ngờ, họ phải tuyên trắng án. Bằng cách làm như vậy, chúng tôi sẽ ngăn ngừa được tình trạng kết án oan người vô tội.

Tại Anh, bị can luôn có luật sư hỗ trợ trong quá trình điều tra. Ảnh minh họa: INTERNET

 

Để chống việc cảnh sát bức cung dùng nhục hình, quá trình lấy lời khai của bị can ở Anh luôn được ghi hình. Ảnh minh họa: INTERNET

 

Tranh tụng tại tòa hết sức quan trọng

. Ở Việt Nam, hồ sơ vụ án do cơ quan điều tra lập có vai trò hết sức quan trọng, cơ quan công tố, tòa án, thậm chí cả luật sư khi bào chữa cũng căn cứ vào bộ hồ sơ này. Còn ở Anh thì sao, thưa ông?

+ Ở Anh, quá trình điều tra thực chất chỉ là quá trình chuẩn bị chứng cứ. Quan trọng nhất là quá trình xét xử. Giả sử một người bị bắt vì cướp tài sản, việc này có ba nhân chứng nhìn thấy. Vậy thì cảnh sát sẽ lấy lời khai của những người này và chuẩn bị lời khai. Tại tòa, những người chứng kiến vụ việc sẽ phải cung cấp lời khai, đó mới là căn cứ chính được sử dụng.

Bị can, bị cáo có luật sư hỗ trợ cho mình. Luật sư sẽ đặt câu hỏi đối với các nhân chứng tại tòa để làm rõ nhân chứng có chắc chắn nhìn thấy sự việc không. Liệu có sai lầm gì không trong quá trình quan sát...

Như tôi đã nói, quá trình điều tra, bị can luôn có luật sư hỗ trợ trong khi hỏi cung, lấy lời khai. Khi cảnh sát thu được đủ chứng cứ để khởi tố rồi thì họ không được phép hỏi cung bị can nữa.

. Thực tế ở Việt Nam, nếu hồ sơ vụ án bị làm sai lệch và có việc bức cung, nhục hình trong quá trình điều tra thì nguy cơ làm oan rất lớn. Thế nhưng pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam hiện hành không buộc phải ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung. Đặc biệt, hiện nay mới chỉ có khoảng 20% vụ án hình sự có luật sư tham gia. Vậy có giải pháp nào khác để hạn chế bức cung, nhục hình không, thưa ông?

+ Trả lời câu hỏi này không dễ vì nếu không có những biện pháp như chúng tôi áp dụng ở Anh thì rất dễ dẫn đến việc cảnh sát lạm quyền, có sai phạm trong quá trình điều tra. Theo tôi, điều quan trọng là làm sao thay đổi được quan niệm và tư duy của cảnh sát, cũng như thay đổi được hành vi, ứng xử của cảnh sát, họ phải ứng xử cho chuẩn mực. Chúng tôi cũng có những chiến dịch làm thay đổi tư duy của cảnh sát nhưng để làm được điều này rất khó, đó là lý do tại sao nước Anh phải ban hành các biện pháp trên.

. Thực ra để lường trước việc này, pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam cũng đã quy định không được dùng lời khai nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội. Ở Anh thì sao, thưa ông?

+ Ở Anh, bị cáo thú nhận phạm tội trước thẩm phán thì không cần phải xét xử. Trên thực tế, 95% những người bị cáo buộc có hành vi phạm tội đã tự thú, thú nhận hành vi phạm tội của mình.

. Các ông có tính đến việc họ nhận tội thay cho người khác không?

+ Có xác suất nhưng ít khi xảy ra. Cũng có trường hợp người ta tự thú nhưng do có sự can thiệp, ảnh hưởng đến thần kinh của họ.

Lời thú nhận như vậy thường diễn ra trước khi xét xử. Thẩm phán khi giải quyết vụ án phải căn cứ vào các chứng cứ khác để xác định lời khai đó có chuẩn xác hay không. Bản thân bị can, bị cáo cũng có luật sư bào chữa. Luật sư đó cũng phải đưa ra thông tin chứng minh lời nhận tội của thân chủ họ là chính xác. Do vậy, chúng ta không loại trừ khả năng có thể có trường hợp đưa ra lời thú nhận sai nhưng thực tế rất ít khi xảy ra.

Ở Anh, lý do người ta thú nhận tội là họ sẽ được giảm án 1/3. Nhưng nếu một người vô tội thì họ không dại gì nhận tội cả. Ngược lại, đối tượng phạm tội cũng sẽ phải cân nhắc rằng nếu tự thú, họ sẽ được khoan hồng.

. Xin cám ơn ông.


Thẩm phán cũng có thể sai sót

Theo thượng nghị sĩ Nicholas Addison Phillips, ở Anh, quyết định kết án một người nào đó do bồi thẩm đoàn đưa ra. Quyết định của bồi thẩm đoàn có hiệu lực chung thẩm và rất ít trường hợp bồi thẩm đoàn quyết định sai dẫn đến bị kháng nghị. Thông thường, việc kháng nghị xuất phát do những sai phạm, sai sót của thẩm phán, khi thẩm phán đưa ra thông tin, gợi ý không đúng cho bồi thẩm đoàn dẫn đến việc họ quyết định sai. Cũng có những trường hợp sau này người ta xét lại, thấy quyết định của bồi thẩm đoàn sai khi có những tình tiết hoặc bằng chứng mới được phát hiện. Giả sử bồi thẩm đoàn kết án bị cáo hiếp dâm nhưng thời điểm đưa ra kết luận như vậy chưa có công nghệ phân tích ADN. Sau này khi phân tích ADN thấy rằng người hiếp dâm không phải bị cáo mà là người khác. Khi đó sẽ có một cơ quan đặc biệt để xem xét lại bản án và chứng minh quyết định bồi thẩm đoàn đưa ra là sai.

Ông Phillips cũng cho rằng là con người nên các thẩm phán cũng có thể có sai sót trong quá trình xét xử. Vì vậy nếu có những bằng chứng mới được đưa ra ánh sáng thì cần phải được xem xét bởi các thẩm phán khác, để xem xét lại bản án mà thẩm phán trước đã đưa ra.

_____________________________

 

Ông Nicholas Addison Phillips (ảnh) là thượng nghị sĩ suốt đời tại Thượng viện Vương quốc Anh. Ông là người sáng lập ra Tòa án Tối cao Vương quốc Anh và đảm nhiệm vị trí chủ tịch từ năm 2009 đến 2012 (tòa án này thay thế Ủy ban Thượng tố của Quý tộc viện).

Ông Phillips đồng thời là nhà nghiên cứu danh tiếng tại Trường Luật Dickson Poon (một trong những trường đại học luật tốt nhất thế giới) kiêm giáo sư luật thỉnh giảng tại ĐH King’s College London (một trong những trường đại học cổ kính nhất của Anh).