DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Cơ quan tố tụng nào có thẩm quyền trưng cầu giám định pháp y tâm thần cho bị can, bị cáo?

>>> Phân biệt “Quyền trưng cầu giám định” và “Quyền yêu cầu giám định”

Để đảm bảo quá trình giải quyết vụ án một cách khách quan, công bằng, đúng người, đúng tội, trong nhiều trường hợp khi có căn cứ cho rằng bị can, bị cáo bị mắc bệnh tâm thần có thể ảnh hưởng đến năng lực trách nhiệm hình sự thì cơ quan có thẩm quyền cần phải trưng cầu giám định pháp y tâm thần cho bị can, bị cáo đó.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 447 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015:“ Khi có căn cứ cho rằng người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 21 của Bộ luật Hình sự thì tuỳ từng giai đoạn tố tụng, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải trưng cầu giám định pháp y tâm thần.”.

Bên cạnh đó, Khoản 1 Điều 451 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định “Sau khi thụ lý vụ án, nếu có căn cứ cho rằng bị can, bị cáo không có năng lực trách nhiệm hình sự thì Tòa án trưng cầu giám định pháp y tâm thần”.

Từ những căn cứ trên, chúng ta thấy rằng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự là rất cụ thể “tùy từng giai đoạn tố tụng” mà mỗi cơ quan khi có sự nghi ngờ về tình trạng tâm thần của bị can, bị cáo thì sẽ tiến hành các thủ tục trưng cầu giám định để xác định về tình trạng tâm thần của bị can, bị cáo.

Tuy nhiên, điểm đ khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP quy định việc phối hợp giữa các cơ quan tố tụng trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về trả hồ sơ điều tra bổ sung lại có quy định sau:

“2. Khi thiếu chứng cứ thuộc một trong các trường hợp sau đây thì Viện kiểm sát, Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung:
…..
“đ. Chứng cứ để chứng minh “có năng lực trách nhiệm hình sự không” là chứng cứ xác định khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự chưa; có mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình hay không; nếu có thì mắc bệnh đó vào thời gian nào, trong giai đoạn tố tụng nào”
.

Như vậy, rõ ràng có sự mâu thuẫn trong quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 và Thông tư liên tịch 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP về thẩm quyền trưng cầu giám định. Cụ thể, nếu theo Bộ luật tố tụng hình sự  2015 thì tùy vào giai đoạn tố tụng mà các cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án) đều có trách nhiệm trưng cầu giám định để xác định tình trạng tâm thần của bị can, bị cáo. Tuy nhiên, nếu thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư tịch 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP thì chỉ có Cơ quan điều tra có trách nhiệm trong việc xác định tình trạng tâm thần của bị can, vì đó là một trong các căn cứ để trả hồ sơ điều tra bổ sung.

 

  •  2448
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…