DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Có nên xác định điểm va chạm trong tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ"?

 Khi tiến hành khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ có xác định vị trí va chạm hay không còn có các quan điểm trái chiều. Có quan điểm cho rằng, không được xác định, có quan điểm cho rằng cần phải xác định điểm va chạm, nhưng có quan điểm cho rằng chỉ nên xác định vùng va chạm.

Để giải quyết một vụ án hình sự về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo quy định tại Điều 202 Bộ luật hình sự trong một vụ tai nạn giao thông đường bộ thì việc xác định vị trí các phương tiện va chạm với nhau nằm bên phần đường nào, vị trí nào trên đường từ đó xác định lỗi của các bên tham gia giao thông làm căn cứ khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, khi tiến hành khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông vấn đề đặt ra là có xác định “Vị trí va chạm” để đưa vào sơ đồ hiện trường và biên bản khám nghiệm hiện trường hay không còn nhiều quan điểm trái chiều.

Theo quy định tại Điều 8 Thông tư 77/2012/TT-BCA ngày 28/12/2012 của Bộ công an Quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông đường bộ chỉ quy định khi tiến hành khám nghiệm hiện trường phải tiến hành ghi nhận các vị trí người, phương tiện, tang vật, dấu vết… liên quan đến vụ tai nạn giao thông mà không đề cập tới việc xác định vị trí va chạm (vùng va chạm, điểm va chạm) của các phương tiện. Ngoài ra, không có văn bản pháp luật nào quy định về vấn đề này.

Xuất phát từ quy định pháp luật chưa cụ thể rõ ràng và thực tiễn trong việc giải quyết các vụ án liên quan đến tai nạn giao thông đường bộ mà trong thời gian qua mỗi Cơ quan tiến hành tố tụng ở từng địa phương nói chung và từng Cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát) có những quan điểm trái ngược và mỗi nơi có cách vận dụng xử lý khác nhau để giải quyết.

Quan điểm thứ nhất, cho rằng: Khi tiến hành khám nghiệm hiện trường tai nạn giao thông chỉ tiến hành ghi nhận các vị trí người, phương tiện, tang vật, dấu vết… liên quan đến vụ tai nạn giao thông thực tế có tại hiện trường, sau đó sẽ tiến hành lấy lời khai các bên liên quan, người làm chứng trên cơ sở đó đối chiếu kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm phương tiện để xác định lỗi của các bên liên quan làm căn cứ xử lý vụ việc.

Quan điểm thứ hai, cho rằng: Khi tiến hành khám nghiệm hiện trường tai nạn giao thông ngoài việc tiến hành ghi nhận các vị trí người, phương tiện, tang vật, dấu vết… liên quan đến vụ tai nạn giao thông thực tế có tại hiện trường thì phải tiến hành xác định điểm va chạm, kết hợp việc lấy lời khai để xác định lỗi của các bên liên quan làm cơ sở giải quyết vụ việc. Vì việc xác định điểm va chạm thuộc phần đường nào, phần đường phải hay phần đường trái của các phương tiện liên quan mới có cơ sở xác định lỗi, nếu không xác định điểm va chạm thì sẽ rất khó khăn trong việc giải quyết hoặc không có cơ sở giải quyết.

Quan điểm thứ ba: Đồng tình với quan điểm thứ hai, tuy nhiên chỉ xác định vùng va chạm chứ không xác định điểm va chạm.

Còn theo quan điểm của mọi người thì như thế nào ạ?

  •  3400
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…