DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Có nên không bỏ án tử trong Bộ Luật hình sự?

PetroTimes) -Trong việc xây dựng sửa đổi Bộ luật Hình sự, vấn đề được dư luận quan tâm nhất đó là sẽ xóa bỏ án tử hình, thay thế bằng án chung thân vô thời hạn.

Luật sư La Văn Thái cho rằng với tội phạm đặc biệt nguy hiểm, việc bỏ án tử như vậy là không đủ sức răn đe ngăn ngừa tội phạm.

Qua tìm hiểu của PetroTimes được biết vấn đề trên đang nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Bên những chia sẻ về quan điểm ủng hộ, hoan nghênh với hình thức thay đổi theo hướng dần xóa bỏ án tử. Ngược lại cũng có vô số những ý kiến không đồng tình, khi cho rằng: trong điều kiện đất nước ta hiện nay, đối với những loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm, đặc biệt nghiêm trọng, nếu không áp dụng án tử hình, thì sẽ không đủ sức răn đe ngăn ngừa vi phạm.

Chia sẻ quan điểm của mình, anh Lê Bá Thành, một người dân Hà Nội nêu ý kiến: “Tội phạm chịu án tử hình đều là những tội phạm nguy hiểm, ví dụ cướp của, giết người, hiếp dâm trẻ em, buôn ma túy, tham ô tham nhũng… tội xâm hại đến an ninh quốc gia… Tội phạm này cần phải bị loại ra khỏi đời sống xã hội, chứ nếu chỉ có tù thì không đủ sức răn đe giáo dục, phòng ngừa tội phạm. Tôi cho rằng, nếu những loại tội phạm này, không phải chịu án tử, thì sẽ vô cùng nguy hiểm, khi chúng “không sợ chết” sẽ dẫn đến không chùn tay khi thực hiện hành vi phạm tội của mình”.

Bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến khác lại bày tỏ quan điểm ủng hộ của mình với việc dần xóa bỏ án tử hình, khi cho rằng: Xóa bỏ án tử là phù hợp với xu hướng hội nhập với thế giới. Nhiều nước trên thế giới cũng đang dần xóa bỏ án tử, trong đó một số nước trên thế giới, có trình độ phát triển kinh tế xã hội cao đã hoàn toàn xóa bỏ án tử hình. Chính vì thế, ở Việt Nam vừa rồi luật sửa đổi của Bộ luật Hình sự cũng bỏ một số tội tử hình. Ví dụ tội hiếp dâm điều 111 BLHS, hay tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hiện chỉ còn một số tội như giết người, ma túy, tham ô… vẫn duy trì án tử. Và việc sửa đổi luật theo hướng hạn chế áp dụng hình phạt tử hình, được cho rằng cũng là đúng đắn và hợp lý.

Những người ủng hộ quan điểm dùng hình phạt chung thân suốt đời, thay thế cho việc tử hình, đưa ra lý giải: Áp dụng mức án chung thân suốt đời đảm bảo được ý nghĩa nhân văn hơn, tính răn đe giáo dục nhiều hơn là xử tử hình. Bởi lẽ, quyền được sống của con người cần phải được tôn trọng. Ai cũng có lỗi lầm, tạo cơ hội cho người ta thà được sống trong tù, còn hơn là chết. Đây không chỉ là trừng trị tội phạm, mà còn liên quan đến vấn đề người thân của những tội phạm ấy, sống ngoài song sắt.

Luật sư Nguyễn Bá Ngọc chia sẻ: “Xóa án tử là xu hướng chung, là đảm bảo được tính nhân văn”.

Có thể thấy, tử hình là mức hình phạt nghiêm khắc nhất của pháp luật đối với một người phạm tội, vì nó vĩnh viễn tước bỏ sự sống của người phạm tội đó, mà họ không có cơ hội để sửa chữa sai phạm của họ nữa. Do vậy trên thế giới có xu thế họ giảm các tội có mức án cao nhất là tử hình xuống, thời gian gần đây nước ta cũng đã đi theo xu hướng này, bỏ áp dụng mức án tử hình với một số tội phạm. Tuy nhiên, một vấn đề được đặt ra trong điều kiện hoàn cảnh của đất nước ta hiện tại, việc hạn chế áp dụng án tử liệu đã phù hợp hay không phù hợp?

Nhìn nhận vấn đề ở góc độ pháp lý, ngăn ngừa tội phạm, xây dựng và bảo vệ pháp chế nhà nước XHCN. Nhiều ý kiến từ các luật sư đã tỏ quan điểm không đồng thuận với quan điểm sửa đổi luật theo hướng hạn chế áp dụng án tử, trong điều kiện hoàn cảnh đất nước hiện tại.

Trao đổi với PV, luật sư La Văn Thái, Đoàn Luật sư TP Hà Nội bày tỏ quan điểm đề nghị giữ nguyên hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự sửa đổi tới đây. Luật sư Thái phân tích, một nền pháp luật ổn định, một Nhà nước được tổ chức chặt chẽ để quản lý xã hội văn minh thì việc bỏ hình phạt bằng án tử hình để áp dụng các hình thức xử phạt khác trong pháp luật hình sự là đúng đắn và cần thiết.

“Việc tiếp tục duy trì hình phạt tử hình ở một số loại tội phạm là cần thiết với hoàn cảnh cụ thể của nước ta, khi nền kinh tế đang phát triển, nhiều loại tội phạm gia tăng và ngày càng phức tạp, yêu cầu phòng ngừa và đấu tranh tội phạm cần đặt lên hàng đầu. Hình phạt tử hình loại bỏ sẽ gây nguy hiểm cho xã hội, thiếu tính răn đe và giáo dục. Quan trọng hơn cả là làm giảm niềm tin của người dân vào Nhà nước hay tội phạm ma túy gieo rắc cái chết trắng cho nhiều thế hệ trẻ, tội phạm giết người”, luật sư Thái nói.

Luật sư La Văn Thái cũng cho rằng: Nếu không tính toán đúng, phù hợp sự phát triển của xã hội thì việc giảm áp dụng án tử hình, đôi khi lại làm cho những tội phạm bỏ mức án tử hình gia tăng. Ngay cả những nước văn minh và có trình kinh tế xã hội rất phát triển, người ta cũng không hoàn toàn bỏ án tử hình đối với những tội xếp vào loại đặc biệt trọng, đặc biệt nguy hiểm.

“Trong hoàn cảnh đất nước ta hiện nay, tôi cho rằng chưa nên tiếp tục giảm tội tử hình, chứ đừng nói đến chuyện bỏ hay áp dụng án chung thân suốt đời, để thay thế cho án tử hình. Chưa nói đến việc án chung thân vô thời hạn, cũng gây sức ép rất lớn với các trại giam, tạo thêm sức ép đến ngân sách của Nhà nước. Thì lý do quan trọng nhất, số lượng tội phạm, mức độ gây án nghiêm trọng ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều, cần phải duy trì mức hình phạt cao nhất là tử hình để đảm bảo tính răn đe phòng ngừa chung. Nếu không, dễ dẫn đến việc coi thường pháp luật, không sợ bị trừng phạt nghiêm khắc, gây án với mức độ tàn bạo hơn”, LS Thái nhấn mạnh.

Xóa án tử là hợp nhân văn, hợp xu thế thế giới?

Trái ngược với ý kiến trên, Luật sư Nguyễn Bá Ngọc (Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang) lại cho rằng xóa án tử là nhân văn, hợp xu thế. “Theo quan điểm của tôi, xóa bỏ án tử là phù hợp với xu hướng hội nhập với thế giới. Đại đa số các nước đang dần xóa bỏ án tử, một số nước trên thế giới còn hoàn toàn xóa bỏ án tử hình, tất nhiên những nước này có sự phát triển kinh tế xã hội rất tốt. Vừa rồi luật sửa đổi của Bộ luật Hình sự cũng bỏ một số tội tử hình. Ví dụ tội hiếp dâm điều 111 BLHS. Bây giờ chỉ còn một số tội như giết người, ma túy, tham ô thì còn duy trì hình phạt cao nhất này”, LS Ngọc nói.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc nếu xóa bỏ án tử hình, liệu có thể xảy ra vấn đề gia tăng tỉ lệ phạm tội ở mức độ nghiêm trọng, đặc biệt các tội như ma túy, giết người, tham nhũng, LS Nguyễn Bá Ngọc cho rằng: Trong trường hợp xóa bỏ án tử, tính nghiêm minh, răn đe của pháp luật cũng không bị tác động.

“Phạm tội là do tính giác ngộ, nhận thức của mỗi con người. Ví dụ như tội ma túy, nếu vận chuyển buôn bán 600 gram heroin trở lên sẽ có thể xử tử hình, ai cũng biết điều đó, và người ta biết chết mà vẫn phạm tội. Điều này chứng tỏ là án tử hình có còn đó, nhưng vẫn không hạn chế được”, LS Ngọc cho hay.

Luật sư Nguyễn Bá Ngọc cũng nhận định: “Để việc tội phạm không gia tăng, thì khâu phòng chống sẽ quan trọng hơn khâu xử lý, ví dụ như các hình thức giáo dục phát triển con người phải được đẩy mạnh, để con người ta hướng thiện, hiểu biết, không phạm tội nữa. Và trong đó là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội là điều tối quan trọng”.

Còn với tội phạm tham nhũng, tội phạm kinh tế, trách nhiệm trước hết phải do chính sách quản lý của nhà nước, và các chế tài pháp luật. Nếu như sự quản lý tốt, pháp luật chặt chẽ, không khe hở, không cho người ta có cơ hội để tham nhũng nữa thì điều đó không làm ảnh hưởng gì cả”.

Tuy nhiên, cũng còn những ý kiến băn khoăn trong bối cảnh hiện nay nên bỏ tử hình với tội nào, giữ với tội nào… Các vấn đề này phải được nghiên cứu, xem xét thật kỹ. Kinh nghiệm từ sửa đổi lần trước cho thấy, khi đề xuất là nhiều tội nhưng khi Quốc hội quyết chỉ còn lại một số. Do đó, đã đưa vấn đề ra là phải có cơ sở khoa học và thực tiễn chắc chắn.

Thảo Phượng

 

 

 

Thân chào cộng đồng dân luật; thời gian tới Nước ta sửa đổi Bộ luật hình sự, theo ý kiến chủ quan của tôi về vấn đề toppic nêu trên, thì chúng ta không nên vội vã bỏ án tử hình; chúng ta không nên nghĩ viễn vông là cứ chạy theo các nước phát triển là phải bỏ án tử vì chữ nhân văn, nhân đạo "nhân đạo là phải bảo đảm được trật tự an toàn xã hội; bảo vệ người dân lương thiện an sinh xã hội để phát triển đất nước phồn thịnh". Vậy tất cả chúng ta nên làm gì? không nên đưa ra quan điểm là bỏ án tử hay không bỏ an tử trong bộ Luật hình sự, mà phải nghĩ đến việc nâng cao ý thức người dân, tuyên truyền pháp luật, mỗi chúng ta là người tiên phong đi đầu, tuyên truyền cho người thân trong mỗi gia đình. Cơ quan bảo vệ pháp Luật cần phải đẩy mạnh trấn áp tội phạm, đẩy lùi tội phạm nguy hiểm đang nhen nhóm dưới mọi hình thức. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo các cấp cần có biện pháp hòa giải, hoặc giải quyết triệt để khi sự việc chưa hình thành và chưa tiến triển đến mức nghiêm trọng. Phải tạo tính răn đe chung cho xã hội đối với các loại tội phạm nguy hiểm; nguyên tắc thượng tôn pháp luật là phải có chế tài mạnh mới đủ sức răn đe và phòng ngừa chung. Khi chúng ta phát triển thành một nước văn minh thì án tử hình có đó thì cũng như không vì ý thức của người dân đất nước phát triển được nâng lên, thì tội phạm nguy hiểm giảm dần và án tử sẽ tự nó mất đi. 

        Chúc tất cả thành viên và ban quản trị Cộng đồng dân Luật luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, thành công trong cuộc sống!

 

  •  11982
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…