DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa

QUẦN ĐẢO HOÀNG SA LÀ MỘT PHẦN LÃNH THỔ CỦA VIỆT NAM KHÔNG AI CÓ THỂ CHỐI CÃI.
 
 

  Biển Đông là vùng biển nằm về hướng đông của Việt Nam. Cái tên Biển Đông được cả thế giới công nhận từ thời xa xưa, không phải do ý muốn chủ quan của Việt Nam đặt ra. Theo tập quán, vùng biển chủ yếu thuộc chủ quyền của nước nào người ta lấy hướng của nước đó để đặt tên cho biển. Bản thân tên Biển Đông đã nói lên một định hướng, vùng biển có quần đảo Hoàng Sa (cát vàng) và Trường Sa (cát dài)  là thuộc chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.  Không phải ngẫu nhiên người ta gọi Việt Nam là Quốc gia biển. Dải đất hình chữ S có chiều dài từ Mục Nam quan đến Mũi Cà Mâu chỉ là 1/3 Quốc gia Biển Việt Nam. Ngoài hai quần đảo lớn là Hoàng Sa và Trường Sa, theo Giáo sư,Tiến sỹ Chu Hồi - Tổng cục trưởng Tổng cục Biển cho biết, Việt Nam có tất cả tới 2.779 đảo. Nếu kể cả các hòn, bãi cạn con số đó lên đến gần 4.000. Riêng quần đảo Hoàng sa, cũng có khoảng 25 đảo lớn nhỏ. Trong đó có những đảo lớn đã được Việt Nam đặt tên như, đảo Tri Tôn, đảo Phú Lâm, đảo Lin Côn, đảo Quang Ảnh, đảo Hữu Nhật, đảo Bom Bay, đảo Đá Bắc, đảo Cầy v..v…  Trời đất ưu ái cho dân tộc Việt Nam một vùng biển chạy dài từ quần đảo Hoàng Sa đến quần đảo Trường Sa trong đó có hai vịnh, vịnh Bắc Kỳ và vịnh Thái Lan cũng có hình cong giống như hình cong của dải đất hình chữ S.

  Biển Đông của Việt Nam là vùng Biển truyền thống lâu đời. Từ thời Hùng Vương dựng nước, Lạc Long Quân đã đưa 50 người con xuống khai thác, sinh sống ở vùng Biển này. Từ xa xưa, dân Việt Nam đã có câu “ Thuận vợ thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn”. Câu nói này minh chứng rằng, dân tộc Việt Nam đã khai thác, làm chủ Biển Đông từ bao đời rồi. Hiện nay, trên 20 triệu dân của gần ba chục tỉnh, thành nằm dọc ven Biển vẫn ngày đêm bám biển để kiếm kế sinh nhai. Vì thế, việc khai thác, bảo vệ vùng Biển  là quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của dân tộc Việt Nam không ai có thể ngăn cản.

    Luật Biên Giới Quốc gia của Việt Nam được Quốc Hội khoá XI thông qua ngày 17/6/2003, trong đó Điều I đã khẳng định:” Biên giới quốc gia của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đường và mặt thẳng đứng theo đường đó để xác định giới hạn lãnh thổ đất liền, các đảo, các quần đảo trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, vùng biển, lòng đất, vùng trời của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

 

  Xét về mặt thực tế trong lịch sử thế giới cũng như lịch sử Việt Nam cho thấy cách đây 5,6 trăm năm, từ đời nhà Lý, nhà Trần, nhà Lê, đều đã ghi nhận quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Bản đồ Biển Đông (Siensís Oceanus) của hai anh em người Hà Lan in năm 1595 cũng như Bản đồ” Indiae Orien Talis” của nhà Hàng hải Mecato in năm 1633 đều in hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa  nằm dọc theo bờ biển miền trung Việt Nam là chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.

  Hiện nay Việt Nam vẫn còn lưu giữ Bình Nam Đồ vẽ, in năm 1774 cũng như Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ vẽ, in năm 1838 hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều thống nhất với các Bản đồ cổ của Thế giới xác định quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam.

  Vào thế kỷ thứ XVIII Bác học Lê Quý Đôn được cử vào coi giữ vùng Thuận Quảng. Năm 1776 ông đã viết Bộ Phủ Biên Tập Lục trong đó ông đã ghi rõ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa  của Việt Nam. Bác học Lê Quý Đôn là người đầu tiên gọi bãi Cát Vàng là Hoàng Sa; bãi cát dài là Trường Sa. Các sách địa lý cổ của Việt Nam do Học giả Đỗ Bá biên soạn vào những năm 1630 đến 1635 cũng viết rõ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một phần lãnh thổ của Việt Nam. Và, liên tục từ đấy đến nay Việt Nam vẫn là người chiếm giữ, quản lý quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và khai thác vùng biển ở hai quần đảo này.

  Theo tài liệu của ông Đặng Lên ở thôn Đông Hộ, xã An Hải, huyện Lý Sơn còn lưu giữ cho thấy, ngày 15 tháng 4 năm Ất Mùi – 1835 vua Minh Mạng đã ban Chỉ lệnh giao cho ông Võ Văn Hùng tuyển chọn những người giỏi đi biển để lập đội thuyền ra canh giữ đảo Hoàng Sa; giao cho ông Đặng Văn Siểm làm nhiệm vụ dẫn đường ra quần đảo Hoàng Sa; giao cho ông Võ Văn Công lo chuẩn bị lương thực cho đội thuyền sinh sống tại Hoàng Sa.

 Năm 1838, Bộ Công thuộc Triều đình nhà Nguyễn đã có tờ tấu lên vua Minh Mạng. Trong tờ tấu có ghi, đội binh phu Hoàng Sa phải mất ba tháng mới đi vòng quanh hết các đảo để vẽ xong bản đồ.

  Năm 1930, người Phap cùng với người Việt Nam đã dựng cột mốc chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa.

  Năm 1939 dưới triều vua Bảo Đại, quan Tổng lý Ngự tiền Phạm Quỳnh có tờ tấu lên Đức vua rằng, theo đề nghị của Toà Khâm sứ Trung kỳ,xin đức vua ban thưởng Huân chương Long tinh hạng tư cho ông Louis Fonten – Chánh cai đội hạng nhất của đội lính khố xanh đóng tại đảo Hoàng Sa vừa qua đời tại bệnh viện Huế. Tại bản tấu này có  bút phê của vua Bảo Đại.

  Từ những năm người Pháp đặt nền thống trị tại Việt Nam, cho đến ngày người Pháp buộc phải rút khỏi Đông Dương, hình ảnh lính Pháp cùng với lính người Việt Nam hàng ngày cùng nhau chào cờ tại đảo Hioàng Sa. Những hình ảnh ấy vẫn còn lưu giữ ở nhiều nơi.

  Theo Hiệp định Geneve ký ngày 20 tháng 7 năm 1954, quân đội Pháp phải rút khỏi miền Bắc Việt Nam tập kết vào dưới vĩ tuyến 17, quần đảo Hoàng Sa  do quân đội Việt Nam cộng hoà quản lý, chiếm đóng.

   Tất cả sự kiện, dữ liệu trên đây, là cơ sở thực tiễn và pháp lý chứng minh rằng, quần đảo Hoàng Sa là một phần lãnh thổ thuộc chủ quyền của Việt Nam không ai có thể chối cãi.

  Trung quốc dùng vũ lực chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là việc làm trái với pháp lý và đạo lý.

  Trong bối cảnh dân tộc Việt Nam phải tập trung mọi nhân tài vật lực đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào, tháng 1 năm 1973 nước Mỹ đã phải ký Hiệp định Paris về Việt Nam. Mỹ cũng như tất cả các nước tham gia Hiệp định cam kết tôn trọng ĐỘC LẬP CHỦ QUYỀN VÀ TOÀN VẸN LÃNH THỔ của Việt Nam. Thực hiện Hiệp định này, Hoa kỳ và các nước chư hầu từng bước phải rút khỏi Miền nam Việt Nam. Và, không được can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Việc đó làm cho quân lực Việt Nam Cộng hoà mất đi một chỗ dựa quan trọng.

  Lợi dụng hoàn cảnh ấy, ngày 19 tháng 01 năm 1974 vào hồi 10 giờ sang, Trung quốc đã tập trung hàng chục chiến hạm mở cuộc tấn công đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.  Trong cuộc chiến không cân sức đó, hải quân Trung Quốc đã giết chết 58 sĩ quan và thủy thủ của hải quân Việt Nam Cộng hoà. Và, họ chiếm giữ trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ đấy đến nay đã gần 4 chục năm.

  Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu trả lại, nhưng Trung Quốc cố tình không trả. Và có những việc làm bộc lộ rõ ý đồ chiếm giữ lâu dài quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trung Quốc đã xây dựng, mở rộng sân bay trên đảo Phú Lâm, một trong số đảo lớn trong quần đảo Hoàng Sa; xây dựng căn cứ bến bãi tại đảo Chữ Thập cho tầu chiến ra vào tuần tra, canh giữ đảo; Trung Quốc còn xây dựng căn cứ Hải quân lớn Tam A tại đảo Hải Nam có đủ sức cho hang chục chiến hạm, tầu ngầm nguyên tử ra vào để làm lực lượng hậu thuẫn cho các đơn vị chiếm đống quần đảo Hòang Sa.

  Về mặt hành chính, ngáy 08/11/2009 chính quyền tỉnh Hải Nam đã ra quyết định thành lập Uỷ ban thôn Vinh Hưng và thôn Triệu Thuật tại đảo Phú Lâm và đảo Cây trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ngày 26/12/2009 Uỷ ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc đã thông qua cái gọi là “ Luật bảo vệ hải đảo “ Tinh thần và nội dung của Luật này,thể hiện rõ tham vọng làm bá chủ Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

  Trong khi chiếm đóng trái phép lãnh thổ của Việt Nam, binh lính hải quân Trung Quốc đã có thái độ uy hiếp, chấn lột ngư dân Việt Nam đến đánh bắt hải sản trong vùng biển của mình. Theo thống kê, chỉ tính riêng tỉnh Quảng Ngãi từ năm 2005 đến năm 2009 đã có 33 tầu cá và 373 ngư dân bị các đơn vị hải quân Trung Quốc bắt giữ. Trong khi họ bắt giữ tầu cá và ngư dân Việt Nam họ đã có thái độ đối xử rất tàn bạo. Họ chấn lột hết hải sản ngư dân đã đánh bắt được; họ tước đoạt hết lương thực, đồ nghề làm biển; họ tước đoạt cả hải đồ, máy định vị là phương tiện quan trọng khi đi biển; nước ngọt họ đổ hết xuống biển, để triệt đường sinh sống của ngư dân. Có lần họ dùng tầu đâm thẳng vào tầu cá của ngư dân Việt Nam làm tầu cá gẫy đôi chìm nghỉm rồi họ bỏ mặc không cứu ngư dân. Có lần họ bắt giữ ngư dân rồi bỏ đói, bắt  gọi điện về nhà đòi phải đem tiền đến chuộc họ mới cho về.

   Tât cả những hành vi trái pháp luật, trái đạo lý của họ đều bị Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ta phê phán và cực lực phản đối, đòi họ phải trả tự do  và trả tầu thuyền cho ngư dân Việt Nam.

  Những việc làm ngang ngược, sai trái của Trung Quốc đã gây bức súc trong khu vực và thế giới. Dư luận đặt câu hỏi rằng, Trung quốc căn cứ vào đâu mà nhận quần đảo Hoàng Sa,quần đảo Trường Sa của Việt Nam là đảo Tây Sa, đảo Nam Sa của Trung Quốc?

  - Lịch sử từ đời nhà Hán đến đời nhà Thanh, Địa lý chí của Trung Quốc  ghi rõ điểm cực Nam là Phủ Huỳnh Châu tức là đảo Hải Nam ngày nay. Khi thấy Việt Nam và Malaysia gửi hồ sơ lên Uỷ ban ranh giới của Liên hiệp quốc để đăng ký ranh giới thềm lục địa chung của hai nước và riêng của Việt Nam. Ngaỳ 07 tháng 05 năm 2009 lần đầu tiên, Trung Quốc mới đưa ra bản đồ có 9 đường kẻ ngắt quãng có hình chữ U hay còn gọi là hình lưỡi bò. Đây là bản đồ do Trung Quốc tự vẽ ra mới đây để yêu sách chủ quyền đối với 80% Biển Đông, trong đó có toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

  Hẳn nhiều người còn nhớ, năm 1955, khi quân đội Pháp phải thi hành Hiệp định Geneve; rút khỏi khu 300 ngày; tập kết vào dưới vĩ tuyến 17. Thời kỳ này quân đội NDVN từ các chiến khu trở về tiếp quản khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng, Kiến An chưa có lực lượng hải quân. Biết được điều đó, Trung Quốc đã tự ý đổ bộ vào tiếp quản đảo Bạch Long Vĩ của Việt Nam.  Đảo Bạch Long Vĩ nằm trong vịnh Bắc Bộ, chỉ cách cảng Hải Phòng hơn 120 km. Khi phát hiện Trung Quốc chuyên chở sắt thép, xi măng ra đảo, xây dựng công sự kiên cố, bộc lộ ý đồ chiếm giữ đảo Bạch Long Vĩ lâu dài.

  Việt Nam đã gửi Công hàm yêu cầu Trung Quốc trả lại đảo BLV cho Việt Nam.  Trung Quốc đã trả lời, vì thấy Việt Nam chưa có lực lượng tiếp quản đảo nên đã tiếp quản giúp. Và, sau ít lâu, Trung Quốc đã trả lại đảo BLV cho Việt Nam. Nhân dân Việt Nam coi đó là thiện chí tốt đẹp, biểu hiện tình hữu nghị lâu đời giữa nhân dân hai nước.

  Đối với quần đảo Hòang Sa, từ đời này sang đời khác, chế độ này sang chế độ khác, người Việt Nam đang chiếm giữ, quản lý từ 5,6 trăm năm liên tục cho đến ngày 19/01/1974, Trung Quốc dùng lực lượng hải quân hùng mạnh tấn công, tàn sát người Việt Nam để chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đến nay đã gần 40 năm, Việt Nam  nhiều lần yêu cầu trả lại nhưng Trung Quốc vẫn cố tình không trả. Việc làm này, không còn chỗ để nói là giúp đỡ nhân dân Việt Nam. Trái lại, việc  đánh chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là hành động xâm lược, trái với tất cả những gì mà Trung Quốc thường nói về tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước; trái với pháp luạt quốc tế.

  Nhân dân Việt Nam có câu:” Khôn không qua lẽ, khoẻ không qua lời”. Câu này có nghĩa là, dù khôn ngoan, xảo quyệt đến đâu cũng không thể bỏ qua được lẽ phải; dù khoẻ mạnh, hùng cường đến đâu cũng không thể bỏ qua được pháp lý và đạo lý.  Nhất là ở thế kỷ thứ XXI này loài người đã được thụ hưởng thành quả văn minh của bao nhiêu đời để lại.  Những việc làm theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé” không còn chỗ tồn tại.

  Việc Hải quân Trung Quốc xâm chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, là việc làm trái với pháp lý và đạo lý, không chỉ nhân dân thế giới, nhân dân Việt Nam, và cả nhân dân Trung Quốc cũng có nhiều người không đồng tình với việc làm sai trái ấy.

                                   (Theo: Luatsuhanoi.vn)

 

  •  7012
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…