DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Chủ quyền là không thể thương lượng

 

Thủ tướng tương lai của Nhật Bản, ông Shinzo Abe, ngày 17-12 khẳng định sẽ không có thương lượng về chủ quyền của Nhật đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Trung Quốc.

 

Hai tàu tuần tra của Nhật Bản áp sát một tàu của Trung Quốc sau khi một số nhà hoạt động Trung Quốc đổ bộ lên đảo Uotsuri thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ngày 15-8 - Ảnh: AP

 

Trả lời phỏng vấn báo chí một ngày sau khi Đảng Dân chủ tự do (LDP) của ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội, ông Abe thề sẽ bảo vệ từng milimet chủ quyền lãnh thổ của Nhật, trong đó có quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. “Quần đảo Senkaku là lãnh thổ của Nhật Bản. Nhật Bản sở hữu và kiểm soát quần đảo này theo luật quốc tế. Điều này là không thể thương lượng” - Đài truyền hình NHK dẫn lời ông Abe khẳng định.

Được mô tả là “diều hâu” trong chính sách ngoại giao, ông Abe ngay trong khi tranh cử đã cam kết sẽ có thái độ cứng rắn trong các tranh chấp lãnh thổ, nhất là với Trung Quốc. “Trung Quốc không thể chối bỏ sự thật quần đảo này là lãnh thổ của Nhật Bản. Mục tiêu của chúng tôi là chấm dứt yêu sách này - ông Abe tuyên bố - Chúng tôi không có ý định làm quan hệ giữa Nhật và Trung Quốc trở nên tồi tệ thêm. Chúng tôi hiểu quan hệ tốt sẽ có lợi cho lợi ích của cả hai nước. Tôi muốn họ một lần nữa suy nghĩ kỹ về mối quan hệ chiến lược mà hai bên cùng có lợi”.

Tokyo cứng rắn

Theo báo Asahi, Quốc hội Nhật dự kiến sẽ họp phiên đặc biệt vào ngày 26-12 để bầu thủ tướng. Gần như chắc chắn ông Shinzo Abe sẽ quay trở lại nắm quyền với tư cách người lãnh đạo LDP. Nguồn tin từ LDP cho biết ông Abe đang chuẩn bị thành lập nội các mới.

“Nhật cần làm rõ quan điểm cứng rắn đối với Chính phủ Trung Quốc và không cho phép tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ Nhật” - ông Abe khẳng định. Cựu thủ tướng Abe nêu rõ nhiệm vụ của ông là xây dựng nền kinh tế tăng trưởng mạnh trở lại song song với sứ mệnh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Nhật Bản.

Nhà phân tích Bruce Klingner thuộc Quỹ Heritage (Mỹ) nhận định chiến thắng của ông Abe đã cho thấy “quan điểm cứng rắn” về vấn đề chủ quyền trong dư luận Nhật đã chiếm ưu thế, nhất là sau hàng loạt căng thẳng giữa Nhật với các nước láng giềng trong thời gian gần đây. Khi còn là thủ tướng hồi năm 2007, ông Abe từng thúc đẩy “Sáng kiến tứ giác”, một thỏa thuận đối tác chiến lược giữa Nhật, Mỹ, Ấn Độ và Úc, nhằm tăng cường hợp tác chiến lược và tập trận hải quân chung giữa bốn nước để làm đối trọng với Trung Quốc.

Nhiều khả năng ông Abe sẽ tái lập sáng kiến này trong thời gian tới để trấn an dư luận trong nước trước việc Trung Quốc đang liên tục leo thang căng thẳng trên biển Hoa Đông. Theo Kyodo, Lực lượng tuần duyên Nhật mới đây lại phát hiện năm tàu tuần tra Trung Quốc xâm nhập vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, trong đó có tàu hải giám 206 là tàu lớn và hiện đại nhất của Trung Quốc.

Bắc Kinh dọa trả đũa

Trung Quốc đã lập tức đưa ra phản ứng của mình. “Chúng tôi rất quan tâm đến đường lối mà Nhật Bản sắp đưa ra. Quần đảo Điếu Ngư là lãnh thổ của Trung Quốc. Bắc Kinh sẵn sàng thảo luận với Tokyo để xây dựng mối quan hệ ổn định. Nhiệm vụ trước mắt là giải quyết một cách đúng đắn tranh chấp ở quần đảo này” - Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố. Trong khi đó, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV lại mô tả ông nội của thủ tướng tương lai Nhật Bản, ông Nobusuke Kishi, như “một tội phạm chiến tranh hạng A”, mặc dù ông này không hề bị cáo buộc và xét xử chính thức khi được thả sau thất bại của Nhật Bản vào năm 1945.

Thời Báo Hoàn Cầu đe dọa nếu ông Abe đi theo “đường lối cứng rắn quá mức”, Trung Quốc “chắc chắn sẽ trả đũa”. Nhiều tờ báo Trung Quốc khác cũng đòi ông Abe “thay đổi” để cải thiện quan hệ với Trung Quốc, chứ không hề nhắc đến những hành động leo thang căng thẳng của phía Trung Quốc trên biển Hoa Đông, đặc biệt là những cuộc biểu tình, đập phá, hôi của chống Nhật thời gian qua.

Trong xã luận trước khi kết quả bầu cử ở Nhật được công bố, Tân Hoa xã đã khuyến cáo bất kể ai là người chiến thắng, Nhật Bản cần “xem xét chính sách đối ngoại của mình một cách thực tế và dài hạn” vì điều này cho phép Nhật Bản “làm dịu quan hệ căng thẳng của mình với các nước láng giềng”. Hãng tin nhà nước Trung Quốc này cũng tỏ ra lo ngại trước “những thông điệp gây bất ổn” đối với Bắc Kinh từ phía Nhật Bản”. Những chính sách này, nếu được thực hiện, sẽ càng khiến mối quan hệ của Nhật Bản với các nước láng giềng trở nên tồi tệ và sẽ làm gia tăng những nguy cơ chính trị và quân sự trong khu vực”.

Báo Asie-Info của Pháp chuyên về Đông Nam Á ngày 17-12 nêu câu hỏi: một giai đoạn căng thẳng mới đang mở ra giữa Bắc Kinh và Tokyo? Báo này viết Bắc Kinh như đang ngày càng xem chủ nghĩa quốc gia là ưu tiên số 1. Còn với Tokyo, ông Abe cũng là một trong số những nhân vật đại diện cho chủ nghĩa quốc gia cứng rắn, và hiện không có dấu hiệu nào cho thấy ông đã thay đổi quan điểm của mình, thậm chí sự phục hồi kinh tế của Nhật Bản có là ưu tiên hàng đầu sau hai thập niên trì trệ đi nữa. Ông vẫn là người ủng hộ việc sửa đổi hiến pháp Nhật Bản.

Vào tháng 9-2012, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta khi đến Tokyo đã cảnh báo những xung đột lãnh thổ hiện nay ở châu Á, nhất là giữa Trung Quốc và nhiều nước khu vực, có thể leo thang thành một cuộc chiến tranh nếu các chính phủ liên quan tiếp tục có “những hành động gây hấn”. Trong chiến lược xoay trục châu Á của mình, không phải chỉ riêng Tổng thống Mỹ Obama đang lo ngại nảy sinh thêm một sự căng thẳng mới giữa Bắc Kinh và Tokyo. Thủ đô các nước ASEAN cũng đang rất quan tâm theo dõi mọi diễn biến này.

MỸ LOAN - T.N.

  •  5407
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…