DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Cho vay ở mức lãi suất nào thì không phải chịu trách nhiệm hình sự, hành chính?

Bộ luật Dân sự 2015 có quy định một mức lãi suất trần (tức mức cao nhất) được phép áp dụng trong các quan hệ cho vay. Khi lãi suất vượt quá mức này, người cho vay có thể bị xem xét xử lý vi phạm hành chính hoặc nghiêm trọng hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự. Bài viết sẽ chỉ ra cụ thể mức lãi suất được phép áp dụng, để tránh việc phải đối mặt với trách nhiệm hình sự!

Cho vay mức lãi suất nào thì không phải chịu trách nhiệm hành chính, hình sự - Minh họa

Trách nhiệm hình sự

Theo quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) thì tội Cho vay nặng lãi được quy định như sau:

“Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.”

Trong đó, mức lãi suất hợp pháp tại Điều 468 Bộ luật Dân sự (hiện hành là 2015) quy định như sau:

“Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.”

Như vậy, “gấp 5 lần trở lên” có nghĩa là nhiều hơn 100%/năm, tức 8,33%/tháng.

Yếu tố “thu lợi bất chính” được hiểu là việc người cho vay chiếm đoạt số tiền vượt ngoài mức cho vay luật định. Chẳng hạn:

Bạn cho vay 100 triệu đồng, với mức lãi suất 10%/tháng (120%/năm). Trước hết mức lãi suất này đã lớn hơn con số 100%/năm (tương ứng 100 triệu tiền lãi) mà Bộ luật Dân sự cho phép.

Đồng thời, số tiền lãi tổng cộng bạn thu được sau 01 năm là 10 x 12 = 120 triệu đồng. Tức là bạn đã chiếm đoạt trái phép 120 – 100 = 20 triệu đồng. Phần 20 triệu này được xem là thu lợi bất chính, tuy nhiên nó chưa nằm trong khoảng 30-100 triệu đồng mà luật định.

Giả sử bạn áp dụng một mức lãi vay cao hơn, hoặc cho vay lâu hơn, đến thời điểm số tiền thu lợi bất chính này thỏa mãn quy định của BLHS thì cơ quan chức năng có đủ căn cứ để truy cứu tội “Cho vay nặng lãi”.

Xử phạt hành chính

Nếu chưa có đủ các yếu tố cấu thành tội “Cho vay nặng lãi” mà BLHS đã quy định, Nghị định 167/2013/NĐ-CP có quy định xử phạt hành chính từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi “Cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay”

Ngoài ra, vẫn chưa có quy định xử phạt hành chính nào khác liên quan đến việc cho vay vượt ngoài mức quy định của BLDS.

Trường hợp xử lý hình sự, nhà làm luật không quan tâm đến yếu tố có cầm cố hay không mà chỉ cần biết quan hệ dân sự có phát sinh lãi vay vượt mức quy định thì sẽ truy cứu, tuy nhiên đối với quy định xử phạt hành chính thì chỉ bao gồm trường hợp cho vay có cầm cố tài sản!

Điều này dường như là một “vùng xám” của hệ thống pháp luật, bởi lẽ dễ thấy nếu như cho vay không có cầm cố tài sản mà chưa đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự thì hoàn toàn chưa có căn cứ xử phạt hành chính nào khác!

Đây là một trong những lý do mà các hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi không yêu cầu cầm cố tài sản xuất hiện ngày càng nhiều với những hình thức như bốc bát họ, vay nóng,… khi người dân chỉ cần để lại bản photo giấy tờ tùy thân,… Cần sớm có quy định cụ thể để quán triệt, quy trách nhiệm cho các trường hợp này!

  •  2981
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…