DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

“Chỉ mặt, bêu tên người xả rác” có phạm luật?

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội có truyền tay nhau chia sẻ hình ảnh về một tấm băng rôn có nội dung đề cập đến tên tuổi, hình ảnh của những người được cho là đã lén vứt rác bừa bãi trong khu dân cư; không chỉ đăng rõ mặt, tấm băng rôn này còn ghi chú cả ngày giờ nhân vật bị bêu tên đã vứt rác bừa bãi. Được biết những hình ảnh này được chụp tại đường Săm Brăm, phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.

Ông Phạm Tân (Chủ tịch UBND phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) xác nhận: Ngày 18/06, cán bộ phường Ea Tam phát hiện trên đường Săm Brăm xuất hiện một băng rôn có nội dung như trên. Sau đó, tấm băng rôn nhanh chóng được gỡ xuống. UBND phường kết hợp cùng Công an phường Ea Tam đã tìm hiểu sự việc nhưng không xác định được danh tính người dán tấm băng rôn trên.

Có thể cho rằng, đây là hành vi của người dân địa phương khi chứng kiến hành vi vứt rác vô ý thức của các cá nhân này và họ cảm thấy quá bức xúc, tức tối nên đã căng tấm băng rôn chỉ điểm rõ mặt mũi, tên tuổi của những người vứt rác nhằm bêu rếu và cảnh tỉnh những người này.

Và theo như mình đọc được thì khá nhiều người có quan điểm đồng tình với việc làm trên. Họ ủng hộ vì cho rằng chỉ có răn đe kiểu đó mới đánh động được sự thờ ơ vô ý thức của những con người kia.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn pháp lý, liệu hành vi “chỉ mặt, bêu tên người xả rác” như vậy có vi phạm pháp luật?

Chiếu theo quy định tại Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bảo vệ môi trường, tùy mức độ hành vi vứt, thải, bỏ rác không đúng nơi quy định sẽ bị xử lý phạt tiền như sau:

1. Hành vi thu gom, thải rác thải sinh hoạt trái quy định về bảo vệ môi trường bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;

b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;

c) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng, trừ vi phạm quy định tại điểm d khoản này;

d) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị.

Theo đó, khi có hành vi vi phạm pháp luật về việc xả, thải rác bừa bãi không đúng nơi quy định thì người vi phạm sẽ chỉ phải chị trách nhiệm pháp lý và bị xử lý theo quy định của pháp luật; còn ngoài ra, sẽ không ai có quyền bêu rếu, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của họ cả.

Hành vi công khai rõ hình ảnh, thông tin cá nhân của những cá nhân vứt rác như tấm băng rôn là đã xâm phạm đến quyền về hình ảnh của cá nhân được ghi nhận tại Bộ luật dân sự 2015. Cụ thể, hành vi trên không thuộc trường hợp được sử dụng hình ảnh của cá nhân mà không cần xin phép:

Điều 32. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh

1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.

Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.

Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:

a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;

b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

3. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, đối với việc sử dụng hình ảnh mà chưa nhận được sự đồng ý của người có hình ảnh đã xâm phạm đến quyền cá nhân về hình ảnh của người đó và người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, những người đăng tải, chia sẻ hình ảnh của người vứt rác trên các trang mạng xã hội làm ảnh hưởng tới uy tín của họ có thể đối mặt với việc vi phạm pháp luật trong lĩnh vực công nghệ thông tin và bị xử lý hành chính theo điểm e, g khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP với mức phạt như sau:

Điều 66. Vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

e) Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật;

g) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác;

Kết lại, chúng ta hãy làm việc và hành xử trong khuôn khổ pháp luật; hãy suy nghĩ cẩn trọng trước khi hành động kẻo không những không giải quyết được vấn đề mà còn rước họa vào thân. =))

 

  •  2374
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…