DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Chế định ly thân - Những điều cần biết

1/ Hỏi: Ly thân là gì?

Đáp: Ly thân,theo cách hiểu đơn giản nhất, là việc hai vợ chồng không sống cùng nhau trong thời kỳ hôn nhân. Cụ thể hơn, hai vợ chồng ly thân khi họ cùng thống nhất sống riêng, không ăn chung, ở chung, và đặc biệt là không sinh hoạt vợ chồng.

Ly thân đã được rất nhiều quốc gia trên thế giới thừa nhận và được xem là một chế định tiến bộ. Pháp luật Việt Nam chưa có quy định về ly thân, tuy nhiên xét trên nguyên tắc cơ bản của pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam là  hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ, một chồng, vợ chồng bình đẳng thì vợ, chồng có quyền lựa chọn phương thức giải quyết mâu thuẫn một cách tốt nhất, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình. Do đó, vợ chồng hoàn toàn có thể lựa chọn ly thân bởi pháp luật cũng không có quy định cấm.

Như vậy, đặt trường hợp thường xuyên xảy ra trong thực tế là khi người vợ giận chồng bỏ về nhà mẹ đẻ vài ngày thì có xem là ly thân không? Vấn đề này vẫn còn gây tranh cãi bởi không có căn cứ nào để xác định hai vợ chồng sống riêng bao lâu thì mới được xem là ly thân.

2/ Hỏi: Ly thân có ý nghĩa như thế nào?

Đáp: Xét về bản chất, ly thân giúp cho hai vợ chồng có mâu thuẫn có thời gian sống tách ra để giảm thiểu những căng thẳng, xung đột gay gắt giữa vợ và chồng hoặc tránh những chuyện đáng tiếc có thể xảy ra; đồng thời có thời gian suy ngẫm, ăn năn hối cải, khắc phục lỗi lầm, sửa đổi tính tình, tha thứ cho nhau để hướng đến mục đích cuối cùng là vợ chồng đoàn tụ, tiếp tục chung sống với nhau.

Tuy nhiên, xét trên thực tế, số vụ ly thân mà sau đó các cặp vợ chồng quay lại chung sống với nhau rất ít ỏi. Phần lớn trong số đó sẽ dẫn đến ly hôn, một phần khác những cặp vợ chồng theo đạo Thiên Chúa giáo sẽ chấp nhận ly thân cả đời mà không ly hôn (vì đạo này cấm tín đồ ly hôn). Và khi hai vợ chồng ra tòa để ly hôn, ly thân sẽ là một căn cứ quan trọng để Tòa án xem xét.

3/ Hỏi: Có phải ly thân thì hôn nhân đã chấm dứt không?

Đáp: Đây là suy nghĩ của rất nhiều người. Thế nhưng, thực chất, ly thân ở Việt Nam chỉ là sự tự thỏa thuận giữa vợ chồng, còn về mặt pháp lý thì mối hôn nhân của họ vẫn tồn tại. Vì theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, hôn nhân chỉ chấm dứt khi ly hôn; vợ/chồng chết hoặc bị tòa án tuyên bố là đã chết. Điều đó có nghĩa là, các quyền và nghĩa vụ trong hôn nhân (như về tài sản, nhân thân, con cái) vẫn có hiệu lực thực thi đối với cả hai bên.

4/ Hỏi: Nếu muốn ly thân, tôi có phải làm thủ tục gì không?

Đáp: Ở Việt Nam, ly thân là chế định không được pháp luật thừa nhận. Vì lẽ đó, nếu muốn ly thân, hai vợ chồng sẽ tự thỏa thuận thương lượng với nhau về các vấn đề có liên quan mà không cần làm bất kì thủ tục nào khác.

5/ Hỏi: Nếu sau thời kỳ ly thân, vợ chồng muốn ly hôn thì làm thế nào để Tòa án biết họ đã ly thân?

Đáp: Bạn chỉ cần cung cấp cho Tòa án các chứng cứ chứng minh rằng hai vợ chồng đã không còn sống chung với nhau, không có quan hệ tình cảm, không thiết lập khối tài sản chung với nhau nữa. Tuy nhiên, điều này không nhất thiết là vợ chồng phải sống tại hai nơi khác nhau.

6/ Hỏi: Tôi cần phải làm gì để bảo vệ tốt quyền lợi của mình trước và trong khi ly thân?

Đáp: Bạn và vợ/chồng có quyền tự thương lượng, thống nhất và định đoạt các vấn đề có liên quan đến việc ly thân. Vì lẽ đó, khi quyết định ly thân, hãy chú ý để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, đặc biệt là các vấn đề sau:

Trước khi ly thân, bạn và vợ/ chồng cần phải thỏa thuận và thống nhất rõ ràng về thời gian ly thân, phân chia tài sản chung và thống nhất về các tài sản phát sinh trong thời kỳ ly thân, trách nhiệm của mỗi bên đối với người thân, con cái, đặc biệt là vấn đề về cấp dưỡng trong khi ly thân. Các nội dung thỏa thuận này nên được lập thành văn bản.

Trong thời kỳ ly thân, nếu bạn có những tài sản riêng phát sinh, hãy giữ lại chứng cứ chứng minh tài sản đó chỉ thuộc sở hữu của riêng bạn, không có phần công sức, đóng góp của vợ/chồng. Điều này sẽ hạn chế rất nhiều phiền toái nếu sau khi ly thân mà dẫn đến ly hôn. Bên cạnh đó, nếu người kia không chu toàn nghĩa vụ, hãy giữ lại những bằng chứng cho thấy điều đó, để nếu việc ly hôn có xảy ra, đây là một lợi thế cho bạn.

 

  •  11029
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…