DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Chạy việc, chạy chức, chạy quyền...

Có một môn thi chạy... việc

(Dân trí) - Chuyện “chạy chọt” ở VN vốn đã gây ra bao điều tiếng từ lâu, nên mỗi khi được đề cập tới lại là một dịp dư luận bùng nổ. Điều người dân băn khoăn nhất là vì sao chuyện ai cũng biết này vẫn tồn tại, phải chăng vì những lý do quá… tế nhị?
 >>  Bộ trưởng Nội vụ: “Có nghe tin chạy việc tốn nhiều tiền”

Có một môn thi chạy... việc

 

Chuyện nhỏ, chuyện thường ngày…

 

Phản hồi lại ý kiến của Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết: chỉ nghe nói về thực trạng “chạy việc” tốn nhiều tiền của, nhưng trong thực tế chỉ ra được thật khó, bạn đọc từ khắp cả nước nêu ra những dẫn chứng rất cụ thể, với những con số và kết luận… xanh rờn:

 

“Ông Bộ trưởng ‘mới nghe’ thôi, còn thực tế thì việc đó đã là "chuyện thường ngày ở các cấp" và có từ lâu rồi” - Sơn Phạm:  phamthanhson_tx@yahoo.com

 

“Hàng trăm triệu để xin vào cơ quan nhà nước ư, quá nhỏ! Những việc này diễn ra ở nhiều nơi mà Bộ trưởng chỉ mới nghe nói thôi sao? Nếu không có tiền thì cứ đợi đấy, ai có tiền sẽ được vào trước. Chạy từ hợp đồng sang biên chế cũng xấp xỉ bạc trăm triệu.Tiền này vào túi ai, chắc Bộ trưởng không biết đâu…” - Hoàng Văn Hoan: hoanghoan@yah.com

 

“Nói thật thì muốn vào làm  trong biên chế nhà nước ư? Thứ nhất là phải có ô dù, có nâng đỡ của sếp. Thứ 2 là phải có tiền mới mong có cửa. Không thì đừng suy nghĩ đến làm gì cho mệt…” – Truong dk:  nguyentruong_hd@yahoo.com

 

“Chuyện chạy việc vào công chức, viên chức tốn hàng chục đến hàng trăm triệu, Bộ trưởng chỉ mới ‘có nghe’. Nhưng tôi dám khẳng định rằng người dân ai cũng biết (và tôi cũng biết rất rõ). Còn việc hiện nay nhiều cán bộ công chức viên chức cầm tay chỉ việc cũng không thể làm nổi, thì điều này hiển nhiên rồi vì những người đó có lẽ toàn loại "con ông cháu cha", hoặc nhà có nhiều tiền của chạy chọt cho con cháu mình vào...” -  Duc Hien:  ductoan.lvt@gmail.com

 

“Bây giờ xin việc thật khó, nhất là con nhà nghèo. Dù có học giỏi thật đấy, nhưng đi xin việc cũng không biết xin đâu vì phải mất rất nhiều tiền. Mà nghèo thì lấy đâu ra 100 triệu để xin? Bố mẹ lo cho ăn học cũng đã tốn kém quá nhiều rồi......Các chú, các bác bảo không biết… nhưng mà chuyện chứng cứ thì cũng khó nói lắm các bác ơi ....Chỉ khổ nhất là những con em nhà nghèo học giỏi mà lại không thể kiếm được việc để làm vì bây giờ tiêu cực vẫn nhiều quá” - Thanh Hoa:  hoadk16@yahoo.com.vn

 

“Bộ trưởng Nội vụ chả lẽ không biết chuyện chạy tiền để có việc sao? Nếu phải thi công chức thì 50% là phải chạy tiền, còn 40% là "con ông cháu cha" nên không phải chạy, chỉ khoảng 10% là thi bằng khả năng. Để hạn chế việc này, tôi nghĩ phải minh bạch việc thi công chức. Thi trắc nghiệm đi, thi xong là biết kết quả ngay chứ không như bây giờ, thi xong cả tháng sau mới biết kết quả. Khi đó Sở Nội vụ đã có thể tha hồ thay đổi kết quả và… nhận tiền” – Nguyễn Hiệp:  quochiepvn84@yahoo.com
 
Có một môn thi chạy... việc
Các thí sinh chuẩn bị tham dự một cuộc thi tuyển công chức tại TP.HCM (Ảnh: HTD, nguồn: phapluattp.vn)

 

“Cơ chế ngầm”?
 

Chuyện làm giá cho “chạy việc” được coi là “cơ chế ngầm” mà những ai cần tới đều biết rõ. Bởi vậy mà độc giả đã nhắn gửi tới Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình rằng: chẳng cần điều tra tìm hiểu ở đâu xa, cứ hỏi ngay các sinh viên mới tốt nghiệp ra trường đang đỏ mắt tìm việc làm ở khắp mọi lĩnh vực trong xã hội là rõ.

 

“Bây giờ mà BT mới nghe thì quả là… thiệt thòi. Chuyện chạy việc, chạy chức, chạy quyền và chạy...đủ thứ, thì người dân thấy chạy từ lâu rồi. Ở cấp cao thì không dám nói, nhưng ở địa phương muốn đậu công chức để tuyển vào làm ở xã cũng phải dàn dựng công phu ngay từ khi nộp đơn và chỉ đậu khi có đủ cơ số đã định. Nếu chưa thì phải chờ đã, phải tìm hiểu đã thì mới biết. Những người này chấp nhận như vậy là vì trình độ thấp, chỉ cần có việc là được, miễn là có lương còn công việc thì miễn là nhàn vì ở địa phương "có gì đâu mà làm". Vả lại hay được đi ăn cơm họp là bù dần lại được vốn bỏ ra. Những người giỏi họ đa số đi làm khu vực tư hết, lương cao, sòng phẳng, không tốn tiền trăm triệu đút lót ban đầu.... Nhưng BT ơi, thực tế là muốn đi dạy, đi làm nhân viên y tế ở trạm xá xã, văn phòng cấp xã... thôi cũng đã tốn hàng trăm triệu rồi. Giá không thấp đâu. Còn vô khối chuyện nữa, thưa BT” -  Nguyễn Đức Huy:  duchuyth@yahoo.com.vn

 

“… Như ở quê tôi, muốn xin vào làm ở huyện cũng mất hàng trăm triệu đồng, chưa kể là phải có quan hệ với lãnh đạo mới xin được việc. Ai cũng biết đó là “cơ chế ngầm” vẫn tồn tại... nhưng bức xúc thì người ta cứ nói, song vẫn có thấy giải quyết được gì đâu. Mà họ cũng chẳng quan trọng năng lực thực sự, miễn là con cháu các sếp là được.Thế thì làm sao mà có chuyện đảm bảo chất lượng của công chức nhà nước. Mà sao lúc nào trả lời chất vấn chúng tôi cũng thấy các quan chức nói đang có kế hoạch, lộ trình…. rồi chả biết đến bao giờ.  Tệ  tham ô, nhận lộ vẫn còn đó…” - Lê Anh:  thuhue.vcu@gmail.com

 

“Cần gì phải nghe nói, cũng đâu cần phải điều tra gì lâu la, chỉ cần xem người thật việc thật là mọi người thấy ngay thôi, các bạn à. Cứ nói cần bằng chứng cụ thể, tuy nhiên nhiều khi vì vấn đề tế nhị nên khó có bằng chứng cụ thể lắm. Chúng ta chỉ cần xem họ nói và làm là chứng tỏ được trình độ ngay thôi.

 

Ví dụ: một công chức khoe ra nhiều bằng cấp, thậm chí còn có cả chứng chỉ tiến sỹ mà nói tiếng Việt có khi còn ngọng, ngoại ngữ không biết nửa câu, nhận thức thì mơ hồ… Đúng là những chuyện như thế hầu như ai cũng biết và "đến Thượng đế cũng phải cười" rồi đó... Nói sự thật hay mất lòng, tuy nhiên tôi nghĩ cũng cần có sự quyết liệt trong việc  sử dụng và bố trí cán bộ nói chung, để đất nước có thêm nhiều cơ hội phát triển” - Nguyễn Khoa:  firelarge@gmail.com

 

“Để được tuyển dụng vào làm việc ở cấp huyện đã rất tốn kém, cụ thể khoảng từ 50 đến 70 triệu đồng. Bộ trưởng nếu thực sự quan tâm thì để biết những việc này không khó. Ví dụ gần đây là trường hợp một ông chủ tịch huyện trước khi chuyển đi làm việc khác đã ký hàng trăm quyết định tuyển dụng, lấy của mỗi người mấy chục triệu rồi đấy. Chuyện này đã gây bức xúc cho cả người dân và người kế nhiệm ông ấy. Mà tôi nghĩ điều này có lẽ ở huyện nào cũng có và rất nhiều người biết. Bộ trưởng cứ về huyện mà tìm hiểu, bất cứ huyện nào sẽ thấy ngay. Còn ở Hà Nội, theo tôi biết, để vào được 1 chi nhánh ngân hàng Nông nghiệp ở nội thành cũng có những trường hợp phải chi phí khoảng 300 triệu đồng đấy” - Pham Khac Tuan:  phamkhctuan54@gmail.com

 

“Thực trạng chạy việc tốn rất nhiều tiền đã diễn ra rất lâu ở các địa phương trên cả nước. Ngay tại quê tôi là một tỉnh ở Tây Nguyên, chuyện chạy việc tốn hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đã trở nên quá phổ biến. Chúng tôi là sinh viên mới ra trường, sau 4 năm đại học tốn hết biết bao nhiêu là tiền của cha mẹ rồi, vậy mà xin đi dạy học lại phải tốn trên 100 triệu mà người ta còn nói là: tùy vào môn dạy để thu phí chạy việc. Như tôi chẳng hạn, học Anh văn Sư phạm ra, muốn xin được việc phải chạy khoảng 120 triệu, vì họ nói tiếng Anh dạy thêm được nên phải thu nhiều. Chúng tôi là con của nông dân quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời, nuôi được con học đại học 4 năm cha mẹ đã quá giỏi rùi, lấy tiền đâu mà chạy việc cho con nữa. Nên những người con như chúng tôi dù cũng muốn trở về phục vụ quê hương lắm, nhưng không dám vì không có tiền…” -  Nguyễn Thị Lan Anh:  bupbemongmovb@yahoo.com

 

“… Lời Bộ trưởng nói không biết thực tế này liệu có đúng không đấy?!... Như tôi, năm 2010 tôi nộp hồ sơ xét tuyển công chức cho vợ vào Sở Giáo dục Thái Bình. Đã có người xem hồ sơ, thấy vợ tôi tốt nghiệp bằng liền nhận ‘lo hộ’ với giá 50 triệu đồng. Nhưng sau khi nộp hồ sơ và nhận tiền xong thì họ lại nói không được (có lẽ chừng ấy phí chưa đủ?) Khi xem kết quả xét tuyển công chức của Sở Giáo dục, tôi thấy trong cùng ngành với vợ tôi có người chỉ tốt nghiệp hạng trung bình khá thôi mà vẫn trúng tuyển. Qua đó, tôi thật sự không còn tin tưởng vào công tác quản lý của ta trong lĩnh vực này nữa. Sang năm 2011, lại có người mời gọi tôi với giá 100 triệu,  nhưng tôi không dám “xét” nữa. Năng lực như vậy mà được làm việc trong cơ quan Nhà nước thì có đáng lo hay không đây…” – Quynh:  hoangtrongquynh288@gmail.com

 

“Đã rất nhiều năm nay, hiện tượng muốn có một công việc ổn định trong khối ngành nhà nước thì người xin việc phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng hoàn toàn là có thực. Như đợt thi vào ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cuối năm 2011 vừa qua, để được một chỗ đứng ở BHXH Quảng Bình thì phải bỏ ra 250 triệu đồng sẽ được xét đặc cách, chắc chắn vào làm việc. Hay vào vị trí y tá tại bệnh  viện Việt Nam- Cuba, Đồng Hới với giá 130 triệu...

 

Còn rất nhiều cơ quan tuyển dụng đều thực hiện tuyển theo cách này. Nếu như người xin việc không có mối quan hệ quen biết hoặc không có tiền, thì dù có học cao, học giỏi đến đâu thì cũng chỉ biết ngồi một chỗ mà mơ kiếm ra công việc nhà nước thôi. Thế mà Bộ trưởng chỉ mới có nghe nói? Vậy thì biết bao giờ sinh viên nhà nghèo mới có việc làm trong cơ quan nhà nước được đây?” - Lolo:  tuyetmuaha@yahoo.com.vn

 

“Tôi nghĩ Bộ trưởng nói là "Tôi có nghe chạy việc tốn nhiều tiền…" thì chắc là một lời nói không thật, vì chuyện đó ai mà chẳng rõ như ban ngày. Vấn đề là Bộ trưởng nhìn nhận và giải quyết như thế nào thôi.

 

Tôi đơn cử 1 ví dụ của tôi đây: vào một công ty con cho 1 tập đoàn chuyên kinh doanh xăng dầu với mức lương là 2.34 bậc đại học và lương vòng hai thấp nhất bậc lương của công ty. Tính tổng là hơn 6 triệu đ/ tháng, mà tôi phải xin vào với một giá rất… trời ơi: 100 triệu. Vậy thử hỏi có bao nhiêu người muốn tìm một chỗ làm yên ổn mà không mất tiền? Kính thưa Bộ trưởng, tôi có thể trả lời luôn là chẳng bao giờ có trường hợp đó cả” – Quỳnh Anh:  quynhanh.pham@gmail.com

 

“… Đúng vậy, để được vào một cơ quan nhà nước tôi phải bỏ ra hơn 100 triệu để được gọi với hai chữ " công chức - viên chức". Trong khi đó tôi tốt nghiệp đại học chính quy đúng với chuyên nghành được tuyển dụng,  lại có 3 năm kinh nghiệm làm đúng với chuyên nghành trước khi vào cơ quan nhà nước. Thậm chí cán bộ trong cơ quan tôi hơn một nửa không biết làm việc, chứ không phải con số 30% như Đại biểu nói. Thật đáng buồn… Cũng nhân đây, xin Bộ trưởng cho biết ông đã có giải pháp và kế hoạch gì  (trong 1-2 năm tới) cho việc thay đổi cách tuyển dụng cán bộ công chức nhà nước với chất lượng thực tế hơn chưa?” -  Hoàng Nguyên:  nguyencuanbien@gmail.com

 
Có một môn thi chạy... việc
Trong một phòng phi tuyển (Ảnh: HTD, nguồn: phapluattp.vn)
 

Cười ra nước mắt

 

Quy tắc cho bất kỳ cuộc tuyển dụng viên chức nào thoạt nghe thì rất nghiêm ngặt và công bằng, nhưng thực tế ra sao. Xin hãy nghe bạn đọc kể những câu chuyện “đến Thượng Đế cũng phải cười” (hiểu theo nghĩa ngược lại) trong lĩnh vực này nhé.

 

“Tiêu cực trong các kỳ thi viên chức thì là vấn đề quá rõ rùi. Điều quan trọng nhất là làm sao tổ chức được một kì thi công bằng, khách quan như các kì thi đại học. Nếu làm được điều đó thì làm gì có chuyện chỉ có 30% làm được việc. Nhưng hiện tại thì nếu đi thi viên chức mà "tay không bắt giặc" thì khác nào lấy trứng chọi đá, thi làm gì cho mất thời gian. Điều này chắc chẳng có sếp "công chức" nào là không biết đâu…” – Nguyen Thi Ha:  nguyelnthiha@gmail.com

 

“… Tôi là một công chức trẻ, tôi hiểu hơn ai hết sự cay đắng, gian nan của việc vào công chức qua cuộc thi công chức của ngành giáo dục mà tôi đã từng dự thi. Tôi hồn nhiên chuẩn bị bài giảng kĩ lưỡng, hăng say dạy một tiết cho giám khảo nghe. Đổi lại, giám khảo không muốn nghe mà lại bảo: Nói ít thôi. Còn gì muốn nói nữa không? Thôi chỉ có 5 phút thì nói làm gì nhiều?

 

Đó đúng là thực tế mà Bộ trưởng nói là ‘chỉ ra được thật khó?’ Chúng tôi đành chỉ biết tự an ủi mình rằng: Xã hội là thế, mình đành phải… chung sống với lũ thôi” – Nguyen Nga:  aiec1122@yahoo.com.vn

 

“Chuyện này xảy ra trong thực tế đã quá rõ ràng, đã trở thành 1 vấn nạn của xã hội nước ta hiện nay rồi, mà dường như vẫn chưa thấy cơ quan nào quan tâm và quản lý sát sao cả. Ở tỉnh H.T, mỗi sinh viên tốt nghiệp ĐH SP không cần biết là bằng gì (khá, giỏi, TB) miễn có 120 triệu thì được nhận hồ sơ ngay. Hỡi ơi, sinh viên mới ra trường như chúng tôi lấy đâu ra số tiền khủng đó mà nộp cho các cô, các chú, các bác. Đều là con cái nông dân chân lấm bùn quanh năm "bán mặt cho đất bán lưng cho trời”, kiếm tiền cho con ăn học 4 năm đã chảy cả máu mắt, mà giờ đi làm phải có 120 triệu thì các bậc sinh thành chỉ còn biết ngậm đắng nuốt cay khuyên con: "Ở nhà làm ruộng với bố mẹ vậy thôi, con ạ!" - Kim Cương:  kimcuong210688@gmail.com

 

“Bây giờ, hầu hết các bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh, không chỉ riêng ở bệnh viện  tôi đang làm việc đâu, khi muốn vào làm đều phải chung chi hết. Từ bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên cho đến hộ lý, giá là từ vài chục trở lên. Có điều ai ai trong ngành cũng biết mà không ai làm gì được cả.

 

Chuyện này càng nghiêm trọng hơn từ khi có sự tham gia đào tạo ào ạt mà không có chất lượng của các trường tư nhân, nhất là với ngành điều dưỡng. Bộ  thì cứ cấp phép cho đào tạo, mỗi năm đào tạo ra cả mấy ngàn học sinh, hầu hết không có chất lượng. Trong số những học sinh này thậm chí có cả những người không tốt nghiệp nổi cấp hai nữa chứ đừng nói gì tới cấp ba, vậy mà vẫn được vô học miễn là có tiền... Mấy chị điều dưỡng chỗ tôi làm nhận xét: những học sinh này rất kém, thiếu kiến thức, được chỉ dạy cho thì cũng chỉ có thể tiếp thu rất chậm ....Nhưng trên phòng tổ chức cán bộ đã đưa xuống, nếu không nhận thì không có người làm, thế là phải nhận. Nhiều người đã phải than: Nhận người kiểu này thì chết bệnh nhân, làm như cái máy mà không có kiến thức gì hết, dạy hoài mà không được. Có khi không nhận còn tốt hơn, khỏi vướng tay vướng chân… Bệnh nhân thì cứ thấy người đông mà làm không xong việc thì lại càu nhàu, chê trách...” – Nguyễn Thanh Khiêm:  thanhkhiem72@gmail.com

 

 “Các cơ sở công lập như bệnh viện, trường học và nhiều công ty khác có hiện tương một số GĐ ở một vài nơi coi đó như là của riêng nhà mình. Nên về khâu tuyển dụng họ muốn nhận ai thì nhận, toàn quyền quyết định, thi tuyển công chức chỉ là hình thức. Cứ tình trạng này thì chúng ta không thể phát triển tốt được và "chảy máu" chất xám là điều đương nhiên. Không có tiền bạn đừng có mơ được làm việc ở một cơ quan Nhà nước nào đó, đặc biệt là ở các thành phố lớn, dù bạn có trình độ” - Tien Tung:  nguyenvietnguyet@gmail.com

 

Và lý giải tiếp cho chuyện “chạy việc” rồi dẫn đến những hệ lụy tiếp theo như phải tìm cách gỡ lại vốn đã bỏ ra, chèn ép những người có năng lực hơn mình, ra sức kiếm thêm để tiếp tục chạy xa hơn, bay cao hơn nữa…cũng có những phân tích xem ra khá chí lý:

 

“Những người năng lực yếu kém thì mới phải "chạy" việc, khi có việc tất nhiên lại phải tìm cách "gỡ lại vốn". Chẳng có ai, kể cả người đưa và người nhận tiền lại muốn để lộ chuyện này, đến người nhà của họ cũng không biết thì người ngoài biết làm sao được? Theo tôi, vấn đề là mọi việc phải công khai, thông báo rõ ràng, nhưng tiếc là chuyện này ở Việt Nam mình lại... khó làm được. Nhưng tôi nghĩ: tại sao các nước phát triển ít có những chuyện tiêu cực như thế này nhỉ? nếu biết mình còn kém hơn thì cần học hỏi thêm thôi... Nhưng chắc là tôi chỉ dám hy vọng... mấy chục năm nữa sẽ có tiến bộ hơn trong lĩnh vực này, và khi đó người dân sẽ bớt khổ hơn vì các chuyện tiêu cực...” - Mai Doan:  maitrongdoan@yahoo.de

 

“Xin việc đa phần là ắt phải tốn tiền, mà đã mất tiền để có việc thì nghiễm nhiên là có "gậy chống". Tức là chẳng ai dám buộc thôi việc nhân viên đó dù có biết mười mươi anh ta không đủ năng lực (đã nhận tiền của người ta rồi...) Tôi nghĩ, đây chính là 1 hệ lụy nguy hiểm của bộ máy hành chính Việt Nam ta hiện nay, bởi những công  chức không đủ năng lực & phẩm chất này lại rất giỏi về mánh khóe để tồn tại và tiến lên. Thử hỏi, nếu công tác quản lý, điều hành lại được thực thi bởi những người như thế thì rồi sẽ ra sao đây...” – Le Cong Ly:  le_congly@ymail.com

 

“Đúng thật là hiện nay việc được vào trong cơ quan nhà nước làm để phát huy đúng tài năng của mình là rất khó. Đa số là phải có "cơ" và tiền thì mới dám nghĩ đến việc vào làm trong các cơ quan nhà nước. Trong khi đó, những người không thực sự tài giỏi thì lại ngang nhiên được vào làm vì là "con ông cháu cha" hoặc gia đình giàu có. Thực tế ngay trong giới sinh viên thôi, tôi cũng nhận thấy có rất nhiều sinh viên chạy chọt để được vào trường (phần lớn họ là con em của những người có chức, quyền). Khi vào được rồi thì họ học hành rất nhởn nhơ, thậm chí chỉ lo đi chơi thì đúng hơn. Thử hỏi, với những người trẻ như thế thì tiến trình phát triển đất nước sau này sẽ như thế nào?” - Nu Na:  nuna@gmail.com

 

“Tôi đồng ý với ý kiến bài báo. Như tôi là sinh viên ngành y, ngành cứu chữa điều trị bệnh cho nhân dân. Nhưng bệnh viện tuyển dụng vẫn không tốt. Học y đã vất vả, học xong xin việc cũng khó và thường phải tốn rất nhiều tiền - từ 80 triệu đến 200 triệu. Đi làm được thì chế độ lương thưởng lại thấp. Rất mong Bộ Y tế và Bộ Nội vụ có sự sửa đổi để ngành y được tốt hơn, có vậy chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân mới tốt hơn được” - Phạm Phú Thao:  xray_technical_hd@yahoo.com.vn

 

 “Theo tôi nghĩ với tư cách là một sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp, thì nếu cứ để tình trạng phải chạy tiền mới xin được việc thì đất nước sẽ khó lòng mà phát triển mạnh được về kinh tế. Vì cứ con cháu nhà nào đó có nhiều điều kiện hơn thì họ được làm việc tốt, mặc dù chưa chắc họ có trình độ chuyên môn tốt. Thế thì thử hỏi làm sao mà đóng góp cho tiến trình phát triển được, làm sao có công bằng xã hội thực sự được?” - Nguyen Tien Thua:  tienthua87@gmail.com

 

Chúng tôi cũng đồng ý với ý kiến của một số bạn đọc nêu rõ: thực tế là ở nước ta đã từ lâu vẫn tồn tại một môn thi chạy mà lại không dính dáng gì tới thể thao. Đó là chạy... việc. Ai cũng biết phải xóa bỏ ngay bộ môn mà chắc hẳn chẳng mấy ai muốn thi thố này. Nhưng để xóa bỏ nó xem ra … cũng khó vì… tế nhị lắm!!!

 

  Theo:Kiều Anh
Nguồn: http://dantri.com.vn/c728/s728-579554/co-mot-mon-thi-chay-viec.htm

  •  30768
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…