DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Chất vấn tại Kỳ họp Quốc hội được quy định thế nào?

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn là một hoạt động không thể thiếu tại các kỳ họp Quốc hội, nhờ vào hoạt động chất vấn mà các Đại biểu Quốc có thể làm sáng tỏ các vấn đề vướng mắc, mở ra điểm mới sau những phiên tranh luận từ đó giúp cơ quan lập pháp ban hành những chính sách mới cải thiện hơn.
 
chat-van-tai-ky-hop-quoc-hoi-duoc-quy-dinh-the-nao
 
Trong những ngày qua, tại Kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XV đang tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với những lãnh đạo đứng đầu bộ, ngành. Vậy chất vấn tại các Kỳ họp Quốc hội được quy định ra sao?
 
1. Chất vấn là hoạt động gì?
 
Chất vấn là việc đại biểu Quốc hội nêu vấn đề thuộc trách nhiệm của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, Tổng Kiểm toán nhà nước. 
 
Bên cạnh đó còn có đại biểu HĐND nêu vấn đề thuộc trách nhiệm của Chủ tịch UBND, thành viên khác của UBND, Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND, Thủ trưởng cơ quan thuộc UBND cùng cấp và yêu cầu những người này trả lời về trách nhiệm của mình đối với vấn đề được nêu theo quy định tại khoản 7 Điều 2 Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015.
 
Đồng thời hoạt động chất vấn còn được quy định tại Điều 80 Hiến pháp 2013 theo đó: Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, Tổng Kiểm toán Nhà nước.
 
Người bị chất vấn phải trả lời trước Quốc hội tại kỳ họp hoặc tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội; trong trường hợp cần thiết, Quốc hội, UBTVQH cho trả lời bằng văn bản.
 
2. Quyền của đại biểu chất vấn tại Quốc hội
 
Cũng tại khoản 3 Điều 80 Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức Quốc hội 2014 quy định Đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó. 
 
Sau đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có trách nhiệm trả lời những vấn đề mà đại biểu Quốc hội yêu cầu trong thời hạn luật định.
 
Trong trường hợp đại biểu Quốc hội chưa đồng ý với nội dung trả lời chất vấn thì có quyền chất vấn lại tại phiên họp của Quốc hội, của Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc gửi chất vấn bằng văn bản đến người bị chất vấn.
 
3. Quy trình tiến hành chất vấn tại kỳ họp Quốc hội
 
Việc chất vấn trước Kỳ họp Quốc hội thông thường được phát thanh, truyền hình trực tiếp vì vậy phải được thực hiện theo một quy trình chuẩn và trọng tâm vấn đề để đủ thời lượng.
 
Theo đó, căn cứ Điều 15 Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015 quy định nội chất vấn phải được xem xét việc trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội như sau:
 
Trước phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội ghi vấn đề chất vấn, người bị chất vấn vào phiếu chất vấn và gửi đến UBTVQH.
 
Căn cứ vào chương trình kỳ họp, ý kiến, kiến nghị của cử tri, vấn đề xã hội quan tâm và phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội, UBTVQH trình Quốc hội quyết định nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn.
 
(1) Đại biểu Quốc hội nêu chất vấn, có thể cung cấp thông tin minh họa bằng hình ảnh, video, vật chứng cụ thể.
 
(2) Người bị chất vấn phải trả lời trực tiếp, đầy đủ vấn đề mà đại biểu Quốc hội đã chất vấn, không được ủy quyền cho người khác trả lời thay. xác định rõ trách nhiệm, biện pháp và thời hạn khắc phục hạn chế, bất cập (nếu có).
 
(3) Trường hợp đại biểu Quốc hội không đồng ý với nội dung trả lời chất vấn thì có quyền chất vấn lại để người bị chất vấn trả lời.
 
(4) Những người khác có thể được mời tham dự phiên họp và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề thuộc trách nhiệm của mình.
 
Thời gian nêu chất vấn, thời gian trả lời chất vấn được thực hiện theo quy định của Nội quy kỳ họp Quốc hội.
 
4. Trả lời chất vấn bằng văn bản
 
Tùy vào nội dung và trường hợp nhất định để đảm bảo quy trình chất vấn được bao quát thì Quốc hội sẽ cho trả lời chất vấn bằng văn bản trong các trường hợp sau đây:
 
- Chất vấn không thuộc nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp.
 
- Vấn đề chất vấn cần được điều tra, xác minh.
 
- Chất vấn thuộc nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp nhưng chưa được trả lời tại kỳ họp.
 
Theo đó, người bị chất vấn phải trực tiếp trả lời bằng văn bản và được gửi đến đại biểu Quốc hội đã chất vấn, UBTVQH, các Đoàn đại biểu Quốc hội và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày chất vấn, trừ tài liệu mật theo quy định của pháp luật.
 
Sau khi nhận được văn bản trả lời chất vấn, nếu đại biểu Quốc hội không đồng ý với nội dung trả lời thì có quyền đề nghị UBTVQH đưa ra thảo luận tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội, kỳ họp Quốc hội gần nhất hoặc kiến nghị Quốc hội xem xét trách nhiệm đối với người bị chất vấn.
 
5. Nội dung chất vấn tại kỳ họp Quốc hội
 
Nội dung chính chất vấn tại kỳ họp Quốc hội bao gồm 04 nội dung sau đây:
 
Thứ nhất là phải đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của người bị chất vấn, những hạn chế, bất cập và nguyên nhân liên quan đến vấn đề chất vấn.
 
Thứ hai là đưa ra được thời hạn khắc phục hạn chế, bất cập.
 
Thứ ba là trách nhiệm thi hành của cơ quan, cá nhân sẽ như thế nào.
 
Thứ tư là trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết về chất vấn.
 
Trên đây là những quy định chung về hoạt động chất vấn tại các Kỳ họp Quốc hội, qua đó có thể thấy chất vấn là một trong những hoạt động quan trọng để giải quyết những vấn đề một cách trực tiếp với nhau thông qua đối thoại tại hội trường Quốc hội và được trực tiếp trên truyền hình cho cả nước biết đến. 
  •  771
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

1 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…