DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Cắt giảm lao động (phần 1)

Khái niệm của cắt giảm lao động

Trong quan hệ lao động (QHLĐ), người sử dụng lao động (NSDLĐ) luôn là bên nắm thế chủ động trong việc phân công, quản lý và điều hành sản xuất. Đây là một trong những quyền năng chung của tất cả NSDLĐ khi họ là người tổ chức kinh doanh và cũng là kết quả của việc họ bỏ tiền ra “mua” sức lao động của NLĐ để phục vụ mục đích thu lợi nhuận của mình. Do đó, để điều hành, quản lí sản xuất hiệu quả và để tăng lượng giá trị thặng dư cho mình, NSDLĐ có quyền mở rộng hoặc thu hẹp sản xuất bất cứ khi nào họ có nhu cầu. Hai hành vi này của NSDLĐ đều là quyền năng mà pháp luật cũng như quy luật giá trị trao cho họ và khi thực hiện các quyền này, ít nhiều NSDLĐ sẽ tác động đến đối tượng chủ yếu là người lao động (NLĐ) mà điển hình là việc NSDLĐ thay đổi, chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) (cắt giảm lao động).

Có nhiều lý do khiến NSDLĐ phải cắt giảm lao động, biểu hiện rõ nhất và cụ thể nhất qua hoạt động mở rộng hoặc thu hẹp sản xuất. Ở trường hợp đầu tiên, NSDLĐ mở rộng sản xuất, kinh doanh đây là lúc NSDLĐ đã đạt được những thành công nhất định trong sản xuất, kinh doanh và từ nền tảng đó họ có nhu cầu mở rộng sản xuất để tìm kiếm lợi nhuận nhiều hơn, để phù hợp với nhu cầu, sức cạnh tranh của thị trường và để dễ dàng quản lý hơn. Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân khiến NSDLĐ phải mở rộng sản xuất là sự tác động của cách mạng khoa học kỹ thuật đang ảnh hưởng sâu rộng trên toàn cầu. Khoa học kỹ thuật phát triển, máy móc thiết bị được tạo ra với năng suất và chất lượng ngày càng được nâng cao buộc NSDLĐ phải có sự thay đổi để bắt kịp với thị trường, cạnh tranh với thị trường và để doanh nghiệp của mình ngày càng phát triển. Có thể thấy, hệ quả của việc mở rộng sản xuất là rất lớn, bên cạnh việc giúp NSDLĐ đạt hiệu quả sản xuất, tồn tại và phát triển còn để lại những tác động đối với NLĐ mà điển hình là hai khả năng, một là việc mở rộng sản xuất tạo ra nhiều việc làm hơn, giúp cho thị trường lao động giảm sức nóng, NLĐ có thêm nhiều cơ hội việc làm và hai là việc mở rộng sản xuất cùng với việc áp dụng khoa học – kỹ thuật là tình trạng doanh nghiệp thay đổi cơ cấu công nghệ khiến  nhu cầu sử dụng lao động trong doanh nghiệp thay đổi và có thể làm NLĐ bị mất việc làm. Cả hai hệ quả trên đều giúp cho NSDLĐ sẽ đạt được mục đích của mình đó là tối ưu hóa lợi nhuận, tuy nhiên, nếu đứng ở vị trí của NLĐ thì hai hệ quả lại có mặt tích cực và tiêu cực của nó. Nếu như mặt tích cực là việc NLĐ có thêm nhiều việc làm, nhiều sự lựa chọn cho công việc thì mặt tiêu cực lại là việc NLĐ bị mất việc làm hoặc thay đổi việc làm do dôi dư lao động và nhu cầu sử dụng lao động thay đổi. Mặt tích cực của hệ quả trên sẽ tạo ra những thuận lợi cho NLĐ nhưng trái lại, mặt tiêu cực của hệ quả trên lại dẫn đến một vấn đề đáng lưu tâm đó là việc bảo vệ quyền lợi của NLĐ khi họ bị mất việc làm.

Ở trường hợp thứ hai, NSDLĐ thu hẹp sản xuất, hoạt động này thường diễn ra do những tác động mà NSDLĐ không mong muốn hay diễn ra khi NSDLĐ rơi vào thế bị động, đó là lúc NSDLĐ làm ăn thua lỗ hoặc do khủng hoảng kinh tế. Để chèo lái con thuyền doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn, khủng hoảng kinh tế NSDLĐ phải đứng trước nhiều lựa chọn, thay đổi việc tổ chức kinh doanh trong doanh nghiệp của mình hoặc liên kết với các doanh nghiệp khác để cùng tồn tại. Tựu trung hai sự lựa chọn này có thể gọi chung là việc doanh nghiệp tổ chức lại. Một trong những phương pháp NSDLĐ thường sử dụng khi tổ chức lại doanh nghiệp đó là việc buộc NLĐ thôi việc để giảm chi phí nhân công và có thể sử dụng vốn đầu tư hiệu quả hơn hoặc khi chia, tách, sáp nhập một số bộ phận làm việc dẫn đến tình trạng dư thừa lao động. Tác động của việc làm này cũng là rất lớn, đối với NSDLĐ có thể đây là một trong những phương pháp giúp họ thoát khỏi khó khăn nhưng bên cạnh đó, phương pháp này cũng khiến NSDLĐ phải chịu những trách nhiệm pháp lý khi thực hiện thiếu sự khôn ngoan và có thể bị NLĐ khiếu kiện. Về phía NLĐ, hành vi của NSDLĐ sẽ dẫn đến việc NLĐ bị thay đổi, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn hoặc chấm dứt hợp đồng đột ngột làm cho NLĐ rơi vào thế bị động và bị ảnh hưởng quyền lợi nghiêm trọng (.).

Như đã phân tích ở trên, việc NSDLĐ mở rộng hay thu hẹp quy mô sản xuất đều có thể dẫn tới một hệ quả chung là NSDLĐ phải thay đổi, chấm dứt HĐLĐ với NLĐ, việc làm này có thể được hiểu bởi khái niệm “cắt giảm lao động”. Như vậy, cắt giảm lao động là việc NSDLĐ thay đổi, chấm dứt HĐLĐ với NLĐ khi NSDLĐ mở rộng hoặc thu hẹp sản xuất kinh doanh theo trình tự, thủ tục luật định.

  •  7290
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…