DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Cần xét xử người chưa thành niên phạm tội trong một môi trường thân thiện

Nên xét xử người chưa thành niên trong văn phòng của thẩm phán hoặc tại một căn phòng bình thường khác chứ không phải tại phòng xử án thông thường…

Tại cuộc tọa đàm tham vấn chính sách về việc thành lập tòa gia đình và người chưa thành niên (NCTN) được tổ chức giữa tuần qua, các đại biểu đã chỉ ra nhiều bất cập, hạn chế của hoạt động tố tụng hình sự hiện nay đối với các vụ án liên quan NCTN. Đồng thời, tọa đàm đã phác thảo một cơ chế tư pháp dành riêng cho đối tượng đặc biệt này.

Không bảo đảm bí mật riêng tư

Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ nhận định: Mặc dù đã có những quy định về các thủ tục tố tụng đối với người bị tạm giữ, bị can, bị cáo chưa thành niên trong BLTTHS nhưng việc áp dụng vào thực tiễn đã bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý, thiếu hiệu quả. Điều này dẫn đến chất lượng giải quyết các vụ án không cao. Cạnh đó, tình trạng các cơ quan tiến hành tố tụng lạm quyền, vi phạm các quy định của BLTTHS, không tôn trọng quyền lợi của NCTN vẫn xảy ra dẫn đến một số trường hợp oan, sai.

Phân tích cụ thể hơn, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Hữu Thể cho rằng BLTTHS không có sự phân biệt quy định trình tự, thủ tục phiên tòa xét xử mà bị cáo, người bị hại và người làm chứng là NCTN với người đã thành niên. “Tất cả bị cáo phải đứng dậy khi HĐXX vào phòng xử án. Bị cáo là NCTN cũng giống như người thành niên đều phải đứng trước vành móng ngựa để trả lời mà không được ngồi cạnh cha mẹ hoặc luật sư của mình” - ông Thể nhấn mạnh.

Cũng theo ông Thể, Điều 307 BLTTHS quy định: “Trong trường hợp cần thiết, tòa án có thể quyết định xét xử kín”. Nhưng thực tế, tòa án thường xét xử công khai, thậm chí xét xử lưu động kể cả những vụ hiếp dâm mà bị cáo và người bị hại đều là NCTN. Công chúng và báo chí được tự do vào dự, viết bài. Điều này “không bảo đảm quyền bí mật riêng tư của NCTN” như quy định của pháp luật TTHS một số nước...

Thường bị cáo là NCTN đều phải đứng trước vành móng ngựa để trả lời mà không được ngồi cạnh cha mẹ hoặc luật sư của mình. Ảnh: HTD

Người bào chữa thờ ơ

Thời gian qua, Viện Khoa học xét xử TAND Tối cao đã nghiên cứu, xây dựng báo cáo tổng quan về cơ sở lý luận và thực tiễn của sự cần thiết thành lập tòa án chuyên trách đối với NCTN. Dự thảo báo cáo này cho rằng quá trình lấy lời khai, xét hỏi NCTN cần sự có mặt của luật sư và người giám hộ nhưng việc này chưa được thực hiện đúng. Thực tế có trường hợp cơ quan điều tra mời luật sư và người giám hộ tham gia lấy lời khai nhưng là sau khi các em… đã được lấy lời khai. Luật sư, người giám hộ chỉ ký vào bản cung để “hợp thức”. Tất nhiên là không ít trường hợp họ cũng không được mời.

Ngoài ra, báo cáo còn nêu nhận định: Không có nhiều luật sư nổi tiếng tham gia bào chữa cho bị can, bị cáo theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng. Không ít trường hợp luật sư tham gia bào chữa mang tính hình thức. Tại phiên tòa, luật sư cũng chưa thực sự sâu sát, quan tâm đúng mức để bảo vệ bị cáo chưa thành niên. “Nhiều luật sư hỏi bị cáo vị thành niên những câu hỏi mà ngay người lớn cũng khó trả lời thì lấy đâu ra bài bào chữa thuyết phục” - báo cáo bình luận.

Nguyên nhân của việc này được xác định một phần là do trình độ và trách nhiệm nghề nghiệp của một bộ phận luật sư, phần khác do thiếu chế tài cụ thể để áp dụng xử lý đối với những luật sư không làm hết trách nhiệm. Cạnh đó, chế độ thù lao cho luật sư tham gia bào chữa theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng còn chưa hợp lý (mức chi trả là 120.000 đồng/ngày làm việc).

Không tạo cảm giác sợ hãi

Nghiên cứu của Viện Khoa học xét xử cho thấy về hình thức phiên tòa, hiện chưa có bất kỳ phòng xét xử nào riêng để tiến hành tố tụng liên quan tới NCTN. Hầu hết các phiên tòa xét xử công khai, có người dân ngồi xem, làm tăng cảm giác sợ hãi, căng thẳng và bị kỳ thị trong các em. “Việc NCTN bị đưa ra xét xử trong môi trường giống bị cáo đã thành niên hoặc trong cùng vụ án với bị cáo đã thành niên làm cho NCTN bị ảnh hưởng tiêu cực từ phía bị cáo đã thành niên. Có thể họ sẽ liều lĩnh và nguy hiểm hơn sau khi bị đưa ra xét xử” - báo cáo lo ngại.

Từ thực tế trên, dự thảo báo cáo đề xuất cần bố trí khu chờ riêng biệt tại tòa án để người bị hại là trẻ em và gia đình các em có thể ngồi đợi. Đồng thời để cách ly họ với bị cáo và những người ở phía bị cáo... Mặt khác, việc xét xử cần được tiến hành trong văn phòng của thẩm phán hoặc một căn phòng bình thường khác thay vì diễn ra tại phòng xử án thông thường. Nội thất của phòng xử cần được bố trí lại để các bên có thể ngồi ở cùng một bậc xung quanh một cái bàn tròn; các em được ngồi ghế nhỏ theo cỡ của mình. Về trang phục, tất cả các bên đều mặc quần áo bình thường; bị cáo chưa thành niên không bị còng tay trong phòng xử án. Trước khi bắt đầu thủ tục, thẩm phán tự giới thiệu mình với các em và cho phép các em được quan sát phòng xử án và ngồi vào ghế dành cho mình. Thẩm phán yêu cầu tất cả các bên, kể cả luật sư ngồi chứ không đứng khi đặt câu hỏi, để các em không cảm thấy sợ khi có một người lớn đứng trước mặt mình.

Dự thảo báo cáo còn đưa ra một đề xuất đáng chú ý là “không cho công chúng vào phòng xử án khi các em cung cấp lời khai”.

Ngày 12-7, liên ngành VKSND Tối cao, TAND Tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2011 hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTHS đối với NCTN. Thông tư này bước đầu đã quy định cụ thể những trình tự thủ tục tư pháp thân thiện với NCTN là bị can, bị cáo, người bị hại và nhân chứng.

Đáng chú ý, thông tư quy định trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải: Bảo đảm giữ bí mật thông tin cá nhân của NCTN; mọi hoạt động tố tụng liên quan đến NCTN phải được tiến hành trong môi trường thuận tiện cho việc bảo đảm bí mật đời tư và danh dự, nhân phẩm của họ; hạn chế đến mức thấp nhất số lần tiếp xúc giữa người bị hại, người làm chứng là NCTN với bị can, bị cáo…

Cạnh đó, thông tư nói trên cũng quy định NCTN phải được tạm giữ, tạm giam riêng, không được giam giữ chung với người đã thành niên. Khi lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can là NCTN, cơ quan tiến hành tố tụng phải thông báo trước cho người bào chữa, người đại diện hợp pháp của họ về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung. Trường hợp cần thiết hoặc khi NCTN có yêu cầu, có thể mời cán bộ chuyên trách, cán bộ trợ giúp, tư vấn về pháp lý, y tế cùng tham gia để tạo tâm lý yên tâm, thoải mái cho họ...

Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Hữu Thể cho rằng những quy định nói trên cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, phát triển để đưa vào BLTTHS nhằm có tính pháp lý cao hơn trong quá trình áp dụng.

Áp dụng biện pháp hình sự không chính thức

Thủ tục giải quyết vụ án hình sự liên quan NCTN nên học tập mô hình của Thái Lan. Tại Thái Lan có áp dụng biện pháp họp gia đình và cộng đồng để giải quyết những sự việc có đủ điều kiện không cần phải xử lý hình sự. Đây được coi là biện pháp về hình sự không chính thức, giúp NCTN phạm tội tránh bị xử lý hình sự bằng biện pháp tư pháp hình sự.

GS-TS ĐỖ NGỌC QUANG, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách, chiến lược và phát triển

NCTN có quyền chọn xử công khai hay kín

Theo tôi, không cần thiết phải xây dựng mô hình phòng xử hoàn toàn mới mà trên cơ sở phòng xử thông thường như hiện nay và có những bổ sung cần thiết về cơ sở vật chất như trang bị thêm những ghế cỡ nhỏ cho các em tại phòng xử. Tuy nhiên, cần bố trí khu chờ riêng biệt tại tòa án để người bị hại là trẻ em và gia đình các em có thể ngồi đợi…

Về đề xuất không cho công chúng vào phòng xử án khi các em cung cấp lời khai, theo tôi đây là vấn đề khó giải quyết thấu đáo. Ở một mức độ nhất định, công chúng vẫn có thái độ hoài nghi đối với những trường hợp xử kín, có thể vì họ sợ không công khai dẫn đến không dân chủ.

Tôi đề xuất trường hợp vụ án chỉ có một bị cáo chưa thành niên thì nên quy định theo hướng để NCTN và đại diện hợp pháp của họ có quyền lựa chọn xét xử công khai hoặc xử kín. Trường hợp vụ án có nhiều bị cáo là NCTN hoặc vụ án có người bị hại chưa thành niên mà nguyện vọng của họ không thống nhất thì khi đó tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.

TS PHAN THỊ THANH MAI, ĐH Luật Hà Nội

(sưu tầm, Theo phapluattp.vn)

  •  5767
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…