DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Cần sớm sửa đổi Thông tư liên tịch số 36/2012/TTLT hướng dẫn xử lý vi phạm về kinh doanh sản phẩm thuốc lá nhập lậu Tại Điều 153 và 154 Bộ luật Hình s

Tại Điều 153 và 154 Bộ luật Hình sự quy định "Tội buôn lậu" và "Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới" có quy định một số dấu hiệu cấu thành cơ bản như sau:   

a) Hàng hoá, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý có giá trị từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 153, 154, 155, 156, 157, 158, 159, 160 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này;

b) Vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hoá;

c) Hàng cấm có số lượng lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 153, 154, 155, 156, 157, 158,159,160 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này.

Ngoài ra còn qui định một số tình tiết định khung tăng nặng như: Hàng cấm có số lượng rất lớn, đặc biệt lớn.

Tại Nghị định số 76/2010/NĐ-CP ngày 12/07/2010 sửa đổi, bổ sung Điều 11 Nghị định số 06/2009/NĐ-CP ngày 22/01/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá,Điều 11b có qui định về xử phạt hành vi vi phạm các quy định về kinh doanh hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu như sau: “9. Đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này có số lượng thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao trở lên thì cơ quan phát hiện hoặc thụ lý vụ việc phải chuyển hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có quyết định không truy cứu trách nhiệm hình sự mà chuyển sang xử phạt vi phạm hành chính thì mức xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền là 100.000.000 đồng.

10. Đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này có số lượng dưới 1.500 bao và người vi phạm đã bị xử phạt hành chính nhưng chưa hết thời hạn quy định tại Điều 11 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 07 năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 4 năm 2008 mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc có dấu hiệu phạm tội thì phải chuyển hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có quyết định không truy cứu trách nhiệm hình sự mà chuyển sang xử phạt vi phạm hành chính thì mức xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền là 100.000.000 đồng”.

Ngày 07/12/2012, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Y tế, Chánh án Toà án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Thông tư liên tịch số 36/2012/TTLT hướng dẫn xử lý vi phạm về kinh doanh rượu nhập lậu, sản phẩm thuốc lá và nguyên liệu thuốc lá nhập lậu, tại khoản 2, Điều 7 qui định về xử lý vi phạm về kinh doanh sản phẩm thuốc lá nhập lậu: “Đối với hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ sản phẩm thuốc lá nhập lậu, việc xác định số lượng làm căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự cụ thể như sau:

a) Số lượng từ 1.500 bao đến dưới 4.500 bao được coi là số lượng lớn;

b) Số lượng từ 4.500 bao đến dưới 13.500 bao được coi là có số lượng rất lớn;

c) Số lượng từ 13.500 bao trở lên được coi là có số lượng đặc biệt lớn”.

Ngày 15/11/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để thay thế các Nghị định trước đó. Tại điểm o, khoản 1, Điều 25 qui định xử phạt hành vi vi phạm về kinh doanh hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu “…o) Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng trong trường hợp hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 1.500 bao trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Ngày 19/11/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 124/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 có hiệu lực từ ngày 05/01/2016, tại khoản 2, Điều 25 quy định xử phạt hành vi vi phạm về buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu: “Đối với hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 500 bao trở lên thì người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính; trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định không khởi tố vụ án hình sự thì phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng”.

Như vậy, so với các Nghị định số 185, Nghị định số 76 và Thông tư liên tịch số 36/2012/TTLT thì số lượng thuộc lá điếu để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Nghị định số 124/2015/NĐ-CP đã giảm từ 1.500 bao xuống còn 500 bao. Do Nghị định số 124/2015/NĐ-CP giảm định lượng số thuốc lá điếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nên nội dung hướng dẫn về số lượng thuốc lá điếu có định lượng là số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn tại Thông tư liên tịch số 36/2012/TTLT không còn phù hợp sẽ gây khó khăn cho các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương trong việc xử lý hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ sản phẩm thuốc lá nhập lậu.

Để công tác đấu tranh phòng, chống hoạt động buôn bán, vận chuyển, tàng trữ sản phẩm thuốc lá nhập lậu đạt hiệu quả trong thời gian tới, liên ngành Trung ương cần sớm xem xét sửa đổi nội dung Thông tư liên tịch số 36/2012/TTLT cho phù hợp với Nghị định số 124/2015/NĐ-CP, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng tại địa phương trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ sản phẩm thuốc lá nhập lậu./.

  •  6939
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…