DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

"Cần nhận diện cụ thể hành vi gian lận thương mại"

(VietQ.vn) - Thời gian gần đây, hàng loạt vụ gian lận thương mại xảy ra, không chỉ gây tổn thất cho các doanh nghiệp, Nhà nước mà còn ảnh hưởng rất lớn đến người tiêu dùng. Xung quanh vấn đề này PV Chất Lượng Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Lê Cao - Chuyên gia pháp lý Công ty luật hợp danh FDVN (Đà Nẵng). 

Thưa ông, theo quy định của pháp luật, gian lận thương mại được hiểu như thế nào và thể hiện bằng những hành vi cụ thể ra sao? 

Nói đến gian lận thương mại, trong dân gian từ lâu đã xuất hiện thành ngữ “buôn gian, bán lận” để chỉ các hành vi lừa dối, mánh khóe trong lĩnh vực thương mại. 
 
Thông qua các hoạt động sản xuất, kinh doanh, mua, bán, xuất nhập khẩu, cung cấp dịch vụ, hành vi gian dối, lừa lọc hướng đến mục đích thu lợi bất chính. Đây là hiện tượng có tính lịch sử, xuất hiện từ lâu và trong một thị trường cạnh tranh thì gian lận thương mại, theo quy luật của nó, phát triển đến các mức độ tinh vi hơn là điều không thể tránh khỏi. 
Công an thu giữ hàng loạt sản phẩm có hành vi gian lận thương mại
Công an thu giữ hàng loạt sản phẩm do hành vi gian lận thương mại
 
Để nhận diện hành vi gian lận thương mại, có thể thấy các chủ thể thường sử dụng các hành vi như lừa dối khách hàng thông qua việc cân, đo, đong, đếm, đánh tráo nhãn mác...; lấy cắp bí mật kinh doanh; trốn thuế; kê khai gian dối hàng hóa trong hoạt động xuất nhập khẩu và rất nhiều các dạng hành vi khác nhau nhằm lẫn tránh sự kiểm soát của Nhà nước để thu lợi bất chính, dối lừa khách hàng. 
 
Ở lĩnh vực quản lý nhà nước, các hành vi vi phạm thể hiện dưới các nhóm như phổ biến như: vi phạm trong lĩnh vực đo lường (phổ biến như gian lận trong kinh doanh xăng dầu, dịch vụ vận chuyển, thực phẩm, hàng tiêu dùng hàng ngày... ); vi phạm trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm; vi phạm trong lĩnh vực chất lượng sản phẩm, hàng hóa...  
 
Theo Cục quản lý thị trường (QLTT) - Bộ Công Thương, hiện số vụ vi phạm về hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tăng từ 3.000-5.000 vụ/năm.
 
Riêng địa bàn TP.HCM, chỉ 3 tháng đầu năm 2012, lực lượng QLTT đã phát hiện 144 vụ hàng giả với gần 175.000 đơn vị sản phẩm, chủ yếu là hàng tiêu dùng.
 
Với kỹ thuật làm giả, nhái tinh vi, hàng giả, hàng nhái xuất hiện trên thị trường ngày càng nhiều và công khai bày bán tại các chợ, cửa hàng đến những trung tâm thương mại sang trọng.
 
Hàng giả, hàng nhái tập trung chủ yếu vào các mặt hàng tiêu dùng.
 
Đứng đầu danh sách những nhãn hiệu bị nhái nhiều nhất là Louis Vuitton (L.V), D&G, Hermes, Chanel, Christian Louboutin… Một chiếc túi L.V giả có giá từ 3-7 triệu đồng, hoặc một đôi giày đế đỏ Christian Louboutin có giá từ 2-5 triệu đồng. Nếu không rành, sẽ rất khó phân biệt đâu là sản phẩm thật trong những mặt hàng nhái.
Có một khái niệm nào cụ thể đối với hành vi gian lận thương mại không, thưa ông?
 
Khái niệm về gian lận thương mại chưa được định nghĩa một cách cụ thể trong pháp luật Việt Nam hiện nay, nhưng ở một số văn bản, các nhà làm luật đã cố gắng “nhận diện” các hành vi rất khác nhau của gian lận thương mại. Tuy nhiên, cách nhận diện hành vi gian lận thương mại mỗi bộ ngành mỗi kiểu, mỗi lĩnh vực một sự xác định đã khiến cho tình hình quản lý có thể bị rối bởi cần sự thống nhất, khái quát cao để có thể xác định rõ hành vi gian lận thương mại, thậm chí hình sự hóa hành vi gian lận thương mại trong các điều luật của Bộ luật hình sự một cách cụ thể hơn hiện nay. 
 
Ví dụ: Thông tư93/2010/TT-BTC hướng dẫn xác định các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài chính là hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Như vậy, các lĩnh vực khác lại không được “nhận diện” bởi những văn bản chi tiết như thế này. Bởi lẽ, chúng ta có thể thấy việc Thông tư93/2010/TT-BTC hướng dẫn các hành vi thuộc các nghị định khác nhau như Nghị định107/2008/NĐ-CP, Nghị định41/2009/NĐ-CP, Nghị định89/2002/NĐ-CP... tuy nhiên lại khoanh lại ở các hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực tài chính thôi, còn hàng loạt vấn đề gian lận thương mại liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa; tiêu chuẩn đo lường chất lượng; an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng... sẽ nằm rải rác ở các văn bản khác, hoặc thậm chí không được hướng dẫn, “nhận diện” một cách cụ thể. 
 
Điều này thể hiện mỗi bộ ngành mỗi cách nhận diện hành vi gian lận thương mại tùy hứng, dễ tạo nên sự chồng chéo, rất khó tập trung về một đầu mối để quyết liệt kiểm soát và trừng trị nạn gian lận thương mại. 
 
Trong khi Điều 8 Luật Thương mại nêu đến 13 nhóm hành vi bị cấm thì chưa được cụ thể hóa một cách rõ ràng ở các văn bản dưới luật, đồng thời thật khó có thể lắp ghép các hành vi bị cấm này với các quy định của Bộ luật hình sự để xác định trách nhiệm hình sự của mỗi loại hành vi khác nhau. 
 
Vậy cần quy định rõ, nhận diện cụ thể các hành vi gian lận thương mại?
 
Muốn quản lý được một vấn đề thì phải biết rõ về điều mình định quản lý. Pháp luật cũng vậy, muốn điều chỉnh, quản lý vấn nạn gian thương thì phải chỉ rõ các hành vi gian lận thương mại để có chế tài khắt khe đánh vào các hành vi đó. 
 
Hiện nay, liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại, có nhóm các hành vi liên quan đến sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng giả đã có các chế tài mạnh mẽ được nêu lần trước, đồng thời các các hành vi vi phạm khác cũng được hình sự hóa khác như: tội trốn thuế, tội lừa dối khách hàng, tội đầu cơ, tội quảng cáo gian dối... 
 
Mặc dù chế tài cao nhất có thể lên đến mức tử hình, tuy nhiên để trừng trị các hành vi gian lận thương mại bằng những mức chế tài nặng như vậy cần nhận diện rõ hơn nữa hành vi để xác định yếu tố cấu thành hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Nội dung các điều luật khá chung chung, chưa chỉ rõ được hành vi gian lận thương mại như thế nào thì chịu trách nhiệm hình sự. Hơn nữa, gian lận thương mại tinh vi, xảo trá và biến tướng ở rất nhiều kiểu khác nhau ở các lĩnh vực khác nhau mà chỉ quy về các vấn đề như thuế, hải quan, hàng giả, cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hóa, quảng cáo... thì rõ ràng chưa đầy đủ. 
Trách nhiệm quản lý giám sát nhằm ngăn chặn gian lận thương mại thuộc về nhiều cơ quan chuyên môn
Trách nhiệm quản lý giám sát nhằm ngăn chặn gian lận thương mại thuộc về nhiều cơ quan chuyên môn
 
Tôi cho rằng, cần nhận diện rõ các hành vi cụ thể của gian lận thương mại, từ đó hình sự hóa các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này một cách rõ ràng hơn, chính xác hơn, tránh tình trạng chung chung như hiện nay, sẽ tạo được một hành lang pháp lý nghiêm trị nạn buôn gian, bán lận. 
 
Như vậy là dù có luật nhưng hiệu quả ngăn chặn gian lận thương mại vẫn kém?
 
Hiện nay, như đã đề cập, đã có các quy định của pháp luật mà ở đó thể hiện chế tài rất nghiêm đối với hành vi gian dối trong hoạt động thương mại. Tuy nhiên, điều tưởng rất nghiêm như vậy không được sử dụng sẽ chẳng có hiệu quả trong cuộc chiến với gian lận thương mại. 
 
Thực tế chứng minh rằng, ví như cuộc chơi bóng đá, một giải đấu danh tiếng ít tồn tại các hành vi phi thể thao, ít xuất hiện những cú ngã giả vờ, phải là giải đấu được tổ chức tốt bởi hệ thống luật lệ nghiêm khắc, có hiệu quả trong thực thi và được triển khai với năng lực tốt của những người thừa hành (ban tổ chức giải, trọng tài, giám sát trận đấu...). Do đó, trong cuộc chơi của các chủ thể khác nhau trong hoạt động thương mại, vấn đề không chỉ nằm lại là một điều luật nghiêm khắc, mà là điều luật được sử dụng chứ không nằm trên giấy. 
 
Hiệu quả không cao của công tác quản lý các hoạt động thương mại cũng còn liên quan đến các hành vi trái luật khác như vấn nạn tham nhũng. Nếu không có việc đưa nhận hối lộ, không có sự chung chi thì gian thương cũng khó lọt lưới pháp luật được giăng ra bởi hải quan, quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế... 
 
Như vậy, để đấu tranh với gian lận thương mại không hẳn là một hành vi, một hoạt động giám sát cụ thể như tăng cường kiểm tra các cây xăng đong thiếu cho khách hàng, mà phải làm sạch được công cụ kiểm soát các hành vi khác nhau trong hoạt động thương mại, phải có sự kết hợp để không chồng chéo, không tạo ra kẽ hở để gian thương lợi dụng và mua chuộc. 
 
Theo ông, đâu là nguyên nhân và giải pháp cho vấn nạn gian lận thương mại hiện nay?
 
Theo tôi, nguyên nhân cũng chính là bài toán được đặt ra để tìm giải pháp cho vấn nạn gian lận thương mại hiện nay. Đấu tranh với gian lận thương mại như nhân loại đấu tranh với bệnh tật hay ô nhiễm môi trường, đó là cuộc chiến và sự tồn tại song hành gian nan.  
 
Trong một môi trường cạnh tranh, nhiều thương nhân sẵn sàng đánh mất lương tri để tìm kiếm tiền tài, danh vọng một cách mù quáng bởi nguồn lợi khổng lồ mà thị trường mang lại. Các hành vi gian lận thương mại nếu không bị phát hiện, trừng trị sẽ giúp gian thương thu lợi rất nhiều, vượt xa những nỗ lực làm ăn thật thà của những thương nhân chân chính. Từ lợi ích kinh tế, nó sẽ ăn sâu thành tâm lý, văn hóa lừa lọc trong các hoạt động thương mại, đó là bản năng săn tiền bằng mọi giá. Lòng tham là vô đáy. Do đó, các hành vi gian lận thương mại diễn ra hàng ngày và xã hội càng phát triển, giao thương càng phong phú thì các hành vi này càng tinh vi để tiếp tục tồn tại. Đây là nguyên nhân nội tại, là xuất phát điểm dẫn tới hành vi gian lận thương mại. 
 
Thứ đến là hiệu quả quản lý thị trường yếu. Đã có một môi trường rộng lớn, màu mỡ cho các hành vi thương mại thi thố với nhau, nhưng công cụ kiểm soát cuộc chơi, năng lực làm trọng tài kém dẫn đến các hành vi chơi xấu, lừa gạt xuất hiện. Thương mại là cuộc chơi của người mua, kẻ bán, nhà sản xuất và cả người tiêu dùng cùng tham gia với không gian rộng lớn, thời gian không có giới hạn. Nhưng pháp luật không can thiệp được vào các cuộc chơi, để hành vi lừa lọc có đất sống thì nó sẽ cứ sống thêm, vừa khiêu khích người chân chính, vừa lôi kéo các đối tượng sẵn sàng bán lương tâm gia nhập đội quân gian thương. Do đó, cần phải vừa hoàn thiện khung pháp lý, vừa phải kết nối, phối hợp với nhau một cách đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại mới tạo nên sức mạnh thực sự chống gian lận thương mại. 
 
Thứ ba là câu chuyện về ý thức bảo vệ khách hàng, người tiêu dùng trong hoạt động thương mại. Nguyên nhân này dường như xưa cũ và nhàm chán nhưng lại phổ biến, khó có thể thiếu. Từ ý thức, đạo đức của thương nhân đến ý thức tự bảo vệ mình của người tiêu dùng, khách hàng trong quan hệ thương mại, nếu yếu kém sẽ là môi trường dung dưỡng các hành vi gian lận thương mại tồn tại. Ý thức của gian thương xuất phát từ bản năng săn tiền như đã đề cập ở trên; ý thức của người bị hại do hành vi gian lận thượng mại là tâm lý đấu tranh vì lẽ phải. Quốc gia, dân tộc nào có ý thức đấu tranh cho lẽ phải, sự thật, sự công bằng thì gian dối, lừa lọc khó có đất tồn tại. 
 
Như vậy, ngoài việc nhận diện rõ ràng các hành vi gian lận thương mại bằng pháp luật, chúng ta phải đấu tranh thẳng vào văn hóa, bản năng gian dối trong giới thương nhân, cần nâng cao năng lực quản lý thị trường; và tự mỗi người đã, đang, sẽ là nạn nhân của các hành vi buôn gian, bán lận phải tự bảo vệ mình bằng việc sử dụng tối đa các quyền của người tiêu dùng, của khách hàng khi tham gia các quan hệ mua, bán, sử dụng dịch vụ. 
 
Xin cảm ơn ông!

Mai Tuân (thực hiện)
 
(Chuyên mục thực hiện với sự phối hợp, cộng tác của Công ty luật hợp danh FDN - 193 Nguyễn Tri Phương, Đà Nẵng - ĐT: 05113.890.568 - website: www.fdvn.vn)
  •  6411
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…