DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Căn cứ nào để xác định tuổi của người chưa thành niên?

 

Người chưa thành niên là người dưới 18 tuổi. Xuất phát từ đặc điểm thể chất và tâm sinh lý chưa phát triển hoàn toàn đầy đủ, trình độ nhận thức của họ còn hạn chế nên đây chính là chủ thể đặc biệt trong pháp luật, họ thường nhận được nhiều sự quan tâm hơn từ xã hội. Pháp luật có những chế định riêng dành cho người dưới 18 tuổi để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Ví dụ như:

+ Về trách nhiệm hình sự: Theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung 2017 thì người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm về mọi tội phạm; người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình  về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng đối với một số tội danh nhất: giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác,….

Ngoài ra, người dưới 18 tuổi phạm tội sẽ được hưởng chính sách giảm nhẹ, khoan dung nhất định theo quy định tại Chương XII như: hình phạt nhẹ hơn, chế định xóa án tích hay miễn trách nhiệm hình sự cũng được nới lỏng hơn so với người phạm tội thông thương,… (các bạn có thể tham khảo thêm tại bài viết “Tổng hợp những lưu ý cần biết về trách nhiệm hình sự của người phạm tội chưa thành niên”).

+ Về trách nhiệm dân sự: Đối với cá nhân, để tham gia vào các quan hệ xã hội nói chung và quan hệ dân sự nói riêng cá nhân đó phải có năng lực chủ thể. Năng lực chủ thể được cấu thành bởi: (1) năng lực pháp luật (mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau, có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết) và (2) năng lực hành vi.

Theo quy định tại Điều 20 của Bộ luật Dân sự 2015 thì người thành niên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp mất năng lực hành vi dân sự và bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.  Trong khi đó, năng lực hành vi của người dưới 18 tuổi sẽ có những hạn chế nhất định. Vì vậy, trong nhiều trường hợp người dưới 18 tuổi sẽ không được tự do xác lập, thực hiện giao dịch dân sự như người từ đủ 18 tuổi trở nên.

+ Về độ tuổi lao động: Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Bộ luật Lao động 2012 thì người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, nhưng cũng có những quy định riêng đối với người lao động dưới 18 tuổi. Người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người lao động dưới 18 tuổi vào những công việc phù hợp với sức khoẻ để bảo đảm sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách và có trách nhiệm quan tâm chăm sóc người lao động chưa thành niên về các mặt lao động, tiền lương, sức khoẻ, học tập trong quá trình lao động (xem thêm tại bài viết “Một số lưu ý cần biết về lao động trẻ em”). Trong khi đó, người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên làm việc mà không bị hạn chế.

+ Về độ tuổi được kết hôn: Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì điều kiện độ tuổi kết hôn là nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên thì quan hệ hôn nhân đó mới được pháp luật bảo vệ.

 

Vậy, căn cứ nào để xác định người chưa thành niên (người dưới 18 tuổi)?

Việc xác định người dưới 18 tuổi hết sức quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi và nghĩa vụ của họ. Hiện nay, Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH về phối hợp thực hiện quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi tại Điều 6 có quy định về việc xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi. Theo đó, khi xác định tuổi của những chủ thể này cần căn cứ vào một trong các giấy tờ, tài liệu sau:

+ Giấy chứng sinh;

+ Giấy khai sinh;

+ Chứng minh nhân dân;

+ Thẻ căn cước công dân;

+ Sổ hộ khẩu;

+ Hộ chiếu.

- Trong trường hợp các giấy tờ, tài liệu nêu trên có mâu thuẫn, không rõ ràng hoặc không có giấy tờ, tài liệu này thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải phối hợp với gia đình, người đại diện, người thân thích, nhà trường, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên quan nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động, sinh hoạt trong việc hỏi, lấy lời khai, xác minh làm rõ mâu thuẫn hoặc tìm các giấy tờ, tài liệu khác có giá trị chứng minh về tuổi của người đó.

- Trường hợp đã áp dụng các biện pháp hợp pháp nhưng chỉ xác định được khoảng thời gian tháng, quý, nửa đầu hoặc nửa cuối của năm hoặc năm sinh thì tùy từng trường hợp cụ thể cần căn cứ khoản 2 Điều 417 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 để xác định tuổi của họ, cụ thể như sau:

+ Trường hợp xác định được tháng nhưng không xác định được ngày thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh.

+ Trường hợp xác định được quý nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý đó làm ngày, tháng sinh.

+ Trường hợp xác định được nửa của năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong nửa năm đó làm ngày, tháng sinh.

+ Trường hợp xác định được năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong năm đó làm ngày, tháng sinh.

+ Trường hợp kết quả giám định tuổi chỉ xác định được khoảng độ tuổi của người bị buộc tội, người bị hại thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng lấy tuổi thấp nhất trong khoảng độ tuổi đã xác định được để xác định tuổi của họ.

- Trường hợp kết quả giám định tuổi chỉ xác định được khoảng độ tuổi của người bị buộc tội, người bị hại thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng lấy tuổi thấp nhất trong khoảng độ tuổi đã xác định được để xác định tuổi của họ.

Ví dụ: Kết luận giám định A có độ tuổi trong khoảng từ 13 tuổi 6 tháng đến 14 tuổi 2 tháng thì xác định tuổi của A là 13 tuổi 6 tháng.

 

 

  •  13806
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…