DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Cần bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa

Cho đến nay, việc áp dụng pháp luật không thống nhất, thủ tục cấp giấy chứng nhận vẫn là “rào cản” đối với luật sư trong việc tham gia bào chữa cho bị cáo trong vụ án hình sự.

Theo quy định tại khoản 2 và khoản 4 điều 27 Luật luật sư năm 2006: Luật sư được cơ quan tiến hành tố tụng cấp giấy chứng nhận quyền bào chữa, giấy chứng nhận người bảo vệ quyền lợi của đương sự trong vụ án hình sự hoặc giấy chứng nhận người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính  gọi chung là giấy chứng nhận tham gia tố tụng của luật sư).

Giấy chứng nhận tham gia tố tụng của Luật sư có giá trị trong các giai đoạn tố tụng, trừ trường hợp bị thu hồi, Luật sư bị thay đổi hoặc không được tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.
Điều này quy định về hoạt động tham gia tố tụng nhằm tạo điều kiện cho luật sư khi tham gia tố tụng. Tuy nhiên trong hoạt động thực tiễn, viện kiểm sát và toà án vẫn không áp dụng điều 27 Luật luật sư, vẫn buộc luật sư phải cung cấp các thủ tục xin cấp giấy chứng nhận bào chữa cho từng giai đoạn tố tụng.

Theo hướng dẫn tại mục 1 - Phần II - Nghị quyết số03/2004/NQ-HĐTP ngày 02/10/2004 của hội đồng thẩm phán toà án nhân dân tối cao, thì trường hợp trong các giai đoạn tố tụng trước đó, bị can, bị cáo, người đại diện hợp pháp của họ đã có nhờ người bào chữa và nay vẫn tiếp tục nhờ người đó bào chữa thì cần phải xem xét người đó có quan hệ thân thích với người nào (thẩm phán, hội thẩm, thư ký toà án) được phân công tiến hành tố tụng trong vụ án hay không. 

Nếu có quan hệ thân thích với người nào đó được phân công tiến hành tố tụng trong vụ án,thì cần phân công người khác không có quan hệ thân thích với người được nhờ bào chữa thay thế tiến hành tố tụng và cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho người được nhờ bào chữa đó. 

Cho đến nay thì hầu như Toà án các địa phương vẫn áp dụng Nghị quyết số03/2004/NQ-HĐTP. Điều này cho thấy việc áp dụng pháp luật không thống nhất, thủ tục cấp giấy chứng nhận vẫn là “rào cản” đối với luật sư trong việc tham gia bào chữa cho bị cáo trong vụ án hình sự.

Công văn "từ chối" luật sư của cảnh sát điều tra Bắc Ninh

Về vấn đề này giới luật sư cho rằng: Việc quy định như vậy đã đặt luật sư vào một địa vị pháp lý luôn thấp hơn so với những người tiến hành tố tụng vì phải xuất trình những giấy tờ cần thiết chứng minh mình là luật sư được khách hàng yêu cầu, thì mới được các cơ quan tiến hành tố tụng cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng của luật sư.

Luật chưa đặt vị trí của luật sư là một yếu tố không thể thiếu được trong các quan hệ tố tụng, yêu cầu cải cách tư pháp và yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền để đảm bảo việc xét xử được khách quan, dân chủ, công bằng.

Nếu nhận thức vì lợi ích chung chứ không riêng gì lợi ích của khách hàng cụ thể thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải có nghĩa vụ phối hợp với luật sư. Vì vậy luật cần phải xác định lại địa vị pháp lý của luật sư trong quan hệ với những người tiến hành tố tụng để cùng có trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ quyền con người, bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế.

Thực tiễn áp dụng Luật luật sư trong 05 năm qua thấy rằng, các cơ quan tiến hành tố tụng điển hình là cơ quan điều tra thường xuyên vi phạm việc cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư.

Không bao giờ đúng thời hạn cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng của luật sư là 03 ngày (theo quy định khoản 3 điều 27) chưa nói tới một số cá nhân các cơ quan tiến hành tố tụng còn đòi hỏi luật sư xuất trình thêm các giấy tờ ngoài quy định của Luật luật sư đó là xuất trình thêm chứng chỉ hành nghề luật sư, hợp đồng dịch vụ pháp lý của luật sư với khách hàng.

Tại sao lại có hiện tượng đó, bởi vì họ vẫn xuất phát từ tư duy là quyền lực đang nằm trong tay họ, thì họ có thể cho, có thể cấp và có thể không cấp chứ họ chưa ý thức được việc phối hợp với luật sư là nghĩa vụ, là trách nhiệm của hoạt động tố tụng, là đòi hỏi vủa việc cải cách tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền.

Vì đây không phải là quan hệ xin cho giữa cá nhân và cá nhân. Nếu điều đó vẫn còn tồn tại, ai là người thiệt thòi nhất trong các quan hệ pháp lý đó, chính là dân chịu, khách hành chịu, cộng đồng xã hội gánh.

Trong khi tuyên ngôn về chủ thể quyền lực của nhà nước ta đã khẳng định trong Hiến pháp 1992 tại điều 2 “Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của do dân, do dân, vì dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân ....”. Vì vậy nhân dân mới là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước.

Chính vì lẽ đó, các quy định của Luật luật sư và các quy định khác của pháp luật đều cần phải phù hợp và theo đúng tinh thần của Hiến pháp. Quyền bào chữa của bị cáo được bảo đảm, bị cáo có thể tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa cho mình (theo Điều 132 Hiến pháp).

Quyền của luật sư tham gia vào các vụ án cần phải trở thành là một trong các yếu tố không thể thiếu được của các hoạt động tố tụng để đảm bảo về quyền lợi hợp pháp của công dân vì vậy cần phải loại bỏ tư duy xin cho cấp phép.

Vì vậy, chúng tôi hoàn toàn nhất trí với báo cáo, đề xuất của Tiểu ban Luật luật sư - Liên đoàn luật sư Việt Nam: Khi sửa đổi Luật luật sư và sửa đổi bộ luật tố tụng hình sự lần này nên theo hướng, luật sư chỉ cần xuất trình thẻ luật sư và giấy giới thiệu của tổ chức hành nghề về việc bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích cho khách hàng, cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm phối hợp với luật sư để luật sư thực hiện quyền bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế, phụng sự cộng đồng xã hội.

Luật sư Nguyễn Hồng Hà (Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư Khánh Hòa)


  •  5964
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…