DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Các quyền trên tài sản thuộc quyền sử hữu của người khác

Bộ luật Dân sự (BLDS) là đạo luật rất quan trọng của mỗi quốc gia, có tác động trong việc điều chỉnh các mối quan hệ cơ bản của xã hội, mỗi công dân, các gia đình, cơ quan, tổ chức. Bộ luật Dân sự 2015 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua Ngày 24/11/2015, Bộ luật Dân sự 2015 được thông qua với 86.84% tổng số phiếu tán thành, trong đó gồm 6 phần, 27 chương và 689 Điều với nhiều chế định mới, tiến bộ, thể hiện một cách đầy đủ nhất với tính chất là luật chung và định hướng cho việc xây dựng các văn bản pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự đặc thù, xử lý bất cập của luật hiện hành, giải quyết được những vướng mắc trong thực tiễn cuộc sống. Bộ luật Dân sự 2015 chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-01-2017.

Trong bộ luật dân sự 2015 có quy định nội dung chủ thể có thể trực tiếp trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản thuộc quyền sở hữu của người khác.

Theo điều 159 BLDS 2015 quyền khác đối với tài sản gồm có quyền đối với bất động sản liền kề; quyền hưởng dụng; quyền bề mặt.Trong đó quyền hưởng dụng và quyền bề mặt là 2 quyền mới được quy định trong BLDS 2015.

Quyền bất động sản liền kề:

Quyền bất động sản liền kề là quyền được thực hiện trên một bất động sản nhằm phục vụ cho việc khai thác một bất động sản khác thuộc quyền sở hữu của người khác ( quy định tại điều 245) gồm các quyền về cấp, thoát nước qua bất động sản liền kề; quyền về tưới nước, tiêu nước trong canh tác; quyền về lối đi qua; mắc đường dây tải điện. thông tin liên lạc qua bất động sản khác, các quyền này được quy định tại các điều từ điều 252 đến điều 255 BLDS 2015. Luôn đi kèm với quyền là nghĩa vụ chủ thể, chủ sở hũu có nghĩa vụ trong việc thoát nước mưa và thoát nước thải ( quy định tại điều 250 và điều 252).

 Việc thực hiện quyền đối với bất động sản liền kề được thực hiện theo sự thoả thuận của các bên, trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì thực hiện theo các nguyên tắc sau ( điều 248) : Bảo đảm nhu cầu hợp lý của việc khai thác bất động sản hưởng quyền phù hợp với mục đích sử dụng của cả bất động sản hưởng quyền và bất động sản chịu hưởng quyền; Không được lạm dụng quyền đối với bất động sản chịu hưởng quyền; Không được thực hiện hành vi ngăn cản hoặc làm cho việc thực hiện quyền đối với bất động sản hưởng quyền trở nên khó khăn.

Chấm dứt quyền đối với bất động sản liền kề ( điều 256) trong các trường hợp Bất động sản hưởng quyền và bất động sản chịu hưởng quyền thuộc quyền sở hữu của một người; Việc sử dụng, khai thác bất động sản không còn làm phát sinh nhu cầu hưởng quyền; Theo thỏa thuận của các bên; Trường hợp khác theo quy định của luật.

Quyền hưởng dụng:

 Quyền hưởng dụng là quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của người khác trong một thời gian nhất định được xác định trong điều 257 BLDS. Quyền hưởng dụng được xác lập theo quy định của pháp luật hoặc theo thoả thuận; di chúc.

Quyền của người được hưởng dụng ( điều 261) :Tự mình hoặc cho phép người khác khai thác, sử dụng, thu hoa lợi, lợi tức từ đối tượng của quyền hưởng dụng; quyền yêu cầu chủ sở hữu tài sản thực hiện nghĩa vụ sửa chữa đối với tài sản; cho thuê quyền hưởng dụng đối với tài sản.

Người có được hưởng dụng có quyền được hưởng hoa lợi tức thu được từ tài sản là đối tượng của quyền hưởn dụng trong thời gian quyền này có hiệu lực ( điều 264)

Khi thực hiện quyền hưởng dụng thì người hưởng dụng có nghĩa vụ tiếp nhận tài sản theo hiện trạng và thực hiện đăng kí nếu luật định; khai thác tài sản phù hợp với công dụng, mục đích sử dụng của tài sản, giữ gìn bảo quản như  tài sản của mình; bảo dưỡng, sửa chữa tài sản theo định kỳ để đảm bảo cho việc sử dụng bình thường ; khôi phục tình  trạng  của tài sản và khắc phục các hậu quả xấu đối với tài sản do việc không thực hiện tốt nghĩa vụ của mình phù hợp với yêu cầu kỹ thuật hoặc theo tập quán về bảo quản tài sản; hoàn trả tài sản cho chủ sở hữu khi hết thời hạn hưởng dụng.

Quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu tài sản : Định đoạt tài sản nhưng không được làm thay đổi quyền hưởng dụng đã được xác lập; Yêu cầu Tòa án truất quyền hưởng dụng trong trường hợp người hưởng dụng vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của mình; Không được cản trở, thực hiện hành vi khác gây khó khăn hoặc xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người hưởng dụng; Thực hiện nghĩa vụ sửa chữa tài sản để bảo đảm không bị suy giảm đáng kể dẫn tới tài sản không thể sử dụng được hoặc mất toàn bộ công dụng, giá trị của tài sản ( quy định tại điều 263)

Quyền hưởng dụng được xác lập khi nào?

Theo điều 259 quyền hưởng dụng được xác lập từ thời điểm nhận chuyển giao tài sản, trừ trường hợp có thoả thuận  khác hoặc luật liên quan khác và thời hạn của quyền hưởng dụng do các bên thoả thuận hoặc do luật định nhưng tối đa đến hết cuộc đời của người hưởng dụng đầu tiên nếu là cá nhân và đến khi cá nhân chấm dứt sự tồn tại nhưng không quá 30 năm nếu người hưởng dụng đầu tiên là pháp nhân.( được quy định tại điều 260)

 Theo điều 265 quyền hưởng dụng có thể chấm dứt khi hết thời hạn hưởng dụng; theo thoả thuận của các bên ; người hưởng dụng trở thành chủ tài sản; người hưởng dụng từ bỏ quyền hưởng dụng trong thời hạn do luật định; tài sản hưởng dụng không còn; theo quyết định của toà án và các quy định khác của pháp luật.

Sau khi chấm dứt quyền hưởng dụng tài san phải được hoàn trả cho chủ sở hữu, trừ trường hợp có thoả thuận khác, hoặc theo quy định khác quả pháp luật. Trường hợp quyền hưởng dụng chấm dứt mà chưa đến kỳ hạn thu hoa lợi, lợi tức thì khi đến kỳ hạn thu hoa lợi, lợi tức, người hưởng dụng được hưởng giá trị của hoa lợi, lợi tức thu được tương ứng với thời gian người đó được quyền hưởng dụng.

Vấn đề đặt ra nếu tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng là tài sản tiêu hao, thì người hưởng dụng trở thành chủ sở hữu của tài sản đó. Quyền hưởng dụng có thời hạn. Do đó quyền hưởng dụng phải chấm dứt vào lúc mãn hạn, và người hưởng dụng phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu. Nếu tài sản bị hưởng dụng là tài sản tiêu hao thì khó có thể trả lại đúng vật đó. Vì vậy logic của vấn đề là người hưởng dụng trả lại giá trị tương ứng của tài sản hoặc trả lại tài sản khác cùng số lượng, chất lượng. Người hưởng dụng là chủ sở hữu tài sản tiêu hao là đối tượng của quyền hưởng dụng, nên có thể tiêu dùng, chuyển nhượng tài sản đó hoặc dùng tài sản đó để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.

Nếu tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng là tài sản không tiêu hao, thì người hưởng dụng phải thụ hưởng tài sản đó như một người quản lý tận tâm và trao trả tài sản đó khi chấm dứt quyền hưởng dụng. Vì quyền hưởng dụng bao gồm việc sử dụng và hưởng hoa lợi, nên sự xuống cấp của tài sản khó tránh khỏi. Do đó, người hưởng dụng phải trao trả tài sản cho chủ sở hữu trong tình trạng tốt như có thể sau khi đã hưởng dụng nó. Nên việc buộc người hưởng dụng vào nghĩa vụ của một người quản lý tận tâm để duy trì tài sản trong tình trạng đó là cần thiết cho lợi ích của chủ sở hữu và không gây lãng phí cho xã hội.

Quyền bề mặt:

Quyền bề mặt là quyền của một chủ thể đối với mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất mà quyền sử dụng đất đó thuộc về chủ thể khác quy định tại điều 267 BLDS. Quyền bề mặt được xác lập theo quy định của pháp luật, theo thoả thuận hoặc theo di chúc.

Theo điều 271 Chủ thể quyền bề mặt có quyền khai thác, sử dụng mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất thuộc quyền sử dụng đất của người khác để xây dựng công trình, trồng cây, canh tác nhưng nhưng không được trái với pháp luật và chủ thể quyền bề mặt có quyền sở hữu đối với tài sản được tạo lập để thực hiện quyền bề mặt của mình.

Quyền bề mặt có hiệu lực từ thời điểm chủ thể có quyền sử dụng đất chuyển giao mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất cho chủ thể có quyền bề mặt, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác. Thời hạn của quyền này được xác định theo quy định của pháp luật, theo thảo thuận giữa các bên nhưng không được vượt quá thời hạn của quyền sử dụng đất.

Quyền này bị chấm dứt khi: hết thời hạn hưởng quyền đã hết; chủ thể có quyền bề mặt và chủ thể có quyền sử dụng đất là một; chủ thể có quyền bề mặt từ bỏ quyền của mình; quyền sử dụng đất có quyền bề mặt bị thu hồi theo quy định của Luật đất đai; chấm dứt theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

  •  5232
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…