DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Bồi thường vi phạm giao thông: kiến nghị hoàn thiện pháp luật liên quan

Chào các bạn, thấy bài viết này khá hay, nhất là liên quan đến những vụ việc thực tế và gần với chúng ta nhất nên mình share về để các bạn cùng thảo luận nhé.

Trong các vụ án vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (sau đây viết tắt là vụ án giao thông), thông thường tồn tại nhiều quan hệ pháp luật đan xen vào nhau nên việc xác định tư cách người tham gia tố tụng và trách nhiệm bồi thường thường không hề đơn giản.

Mặc dù, Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 (BLTTHS) đã dành hẳn Chương IV với 15 Điều quy định về người tham gia tố tụng và pháp luật dân sự đã có nhiều quy đinh về việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, trong đó, có bồi thường do tai nạn giao thông gây ra.

Tuy nhiên, do các quan hệ pháp luật trong các vụ án giao thông được điều chỉnh bằng nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Đồng thời, các quy định của pháp luật tố tụng hình sự, pháp luật dân sự về việc xác định tư cách người tham gia tố tụng, trách nhiệm bồi thường chưa hoàn chỉnh, đầy đủ, chặt chẽ nên gây vướng mắc cho việc áp dụng của Tòa án trong việc giải quyết các vụ án giao thông cụ thể. Trong đó, có nhiều sai sót dẫn đến bản án bị hủy phải xét xử lại.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin nêu một số vướng mắc trong việc xác định tư cách người tham gia tố tụng và trách nhiệm bồi thường trong các vụ án giao thông, qua đó kiến nghị hoàn thiện một số quy định pháp luật có liên quan.

1. Một số vướng mắc trong việc xác định tư cách người tham gia tố tụng và trách nhiệm bồi thường trong các vụ án giao thông

Thứ nhất, đối với việc xác định tư cách người được cấp dưỡng trong các vụ án phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng:

Trong các vụ án giao thông, nghĩa vụ cấp dưỡng thường xuyên phát sinh trong những trường hợp người bị hại chết mà có nghĩa vụ nuôi dưỡng người khác như: cha mẹ già không có khả năng lao động, có con nhỏ chưa thành niên… Theo quy định của pháp luật dân sự, người có trách nhiệm bồi thường (người gây ra thiệt hại, người giám hộ đối với người được giám hộ gây thiệt hại, cha mẹ đối với con chưa thành niên người gây ra thiệt hại) có trách nhiệm cấp dưỡng cho người mà người bị hại có nghĩa vụ nuôi dưỡng khi còn sống.

Tuy nhiên, qua thực tiễn xét xử các vụ án giao thông, vướng mắc gặp phải là khi tuyên án, Tòa án có phải xác định rõ họ tên, nơi cư trú của người được cấp dưỡng hay không? Nếu có thì có phải xác định tư cách tham gia tố tụng của những người được cấp dưỡng? Hiện nay, có 02 quan điểm khác nhau về vấn đề này.

Ý kiến thứ nhất cho rằng, Tòa án chỉ cần tuyên trong phần quyết định người có trách nhiệm bồi thường phải cấp dưỡng cho những ai và quan hệ giữa họ với người bị hại mà không cần phải nêu rõ họ tên, nơi cư trú của người được cấp dưỡng và không cần phải xác định tư cách tham gia tố tụng của người được cấp dưỡng. Bởi vì, quan hệ giữa người được cấp dưỡng với người bị hại đã có tài liệu, chứng cứ chứng minh thì Tòa án mới xác định được người được cấp dưỡng. Cho nên, phần quyết định của bản án chỉ cần ghi quan hệ giữa người được cấp dưỡng với người bị hại.

Ý kiến thứ hai cho rằng, Tòa án phải xác định rõ họ tên, nơi cư trú của người được cấp dưỡng. Bởi vì, nếu chỉ ghi chung chung sẽ không xác định người được cấp dưỡng là ai, ảnh hưởng đến quyền lợi của người được cấp dưỡng và gây khó khăn cho công tác thi hành án. Đồng thời, cần phải xác định họ là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vì nội dung của bản án ảnh hưởng đến quyền lợi của người được cấp dưỡng.

Theo chúng tôi, cần phải ghi rõ họ tên, nơi cư trú của người được cấp dưỡng như quan điểm thứ hai nhằm tránh nhầm lẫn trong việc thực hiện việc cấp dưỡng, gây khó khăn cho công tác thi hành án nhưng không cần xác định tư cách tham gia tố tụng của người được cấp dưỡng trong vụ án. Bởi vì, quyền được hưởng khoản tiền cấp dưỡng là quan hệ phát sinh từ việc người bị hại (người có nghĩa vụ cấp dưỡng nếu tai nạn không xảy ra) đã chết. Cho nên, quyền lợi của người được cấp dưỡng không liên quan trực tiếp đến vụ án đang giải quyết.

Thứ hai, việc xác định mức bồi thường khi cơ quan, doanh nghiệp (gọi chung là tổ chức) nơi người bị hại làm việc đã bỏ ra chi phí cứu chữa hoặc mai táng cho người bị hại (trong trường hợp người bị hại chết) và tư cách tham gia tố tụng của tổ chức này:

Trong một số vụ án giao thông, khi tai nạn xảy ra, người bị hại đang làm việc trong các tổ chức. Vì tình cảm với người bị hại nên khi tai nạn xảy ra, đại diện tổ chức bỏ ra chi phí cứu chữa hoặc mai táng cho người bị hại (trong trường hợp người bị hại chết) và trong suốt quá trình tố tụng, đại diện tổ chức không yêu cầu hoàn trả lại số tiền đã bỏ ra cứu chữa hoặc mai táng cho người bị hại. Trong trường hợp này, Tòa án có xác tổ chức đó là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan hay không và Tòa án có trừ số tiền mà tổ chức đã bỏ ra cứu chữa hoặc mai táng cho người bị hại vào số tiền mà người có trách nhiệm bồi thường phải bồi thường hay không chưa có sự hiểu, áp dụng thống nhất.

Có ý kiến cho rằng, việc đại diện tổ chức không yêu cầu nhận lại chi phí đã bỏ ra, tức họ đã hỗ trợ cho người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại và đây được xem là hỗ trợ riêng, cho người bị hại, không phải hỗ trợ người có trách nhiệm bồi thường bồi thường nên trách nhiệm bồi thường của người có trách nhiệm bồi thường là toàn bộ, không được loại trừ phần của tổ chức đã bỏ ra. Đồng thời, do tổ chức không yêu cầu hoàn lại chi phí đã bỏ ra nên không cần phải đưa họ vào tham gia tố tụng.

Ý kiến khác lại cho rằng, khi buộc người có trách nhiệm bồi thường bồi thường cho người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại cần trừ phần chi phí mà tổ chức đã bỏ ra. Bởi vì khi đại diện tổ chức bỏ chi phí ra cứu chữa thì phát sinh nghĩa vụ hoàn lại của người có trách nhiệm bồi thường đối với tổ chức đó. Việc đại diện tổ chức không yêu cầu được nhận lại chi phí bỏ ra tức là họ không yêu cầu người có trách nhiệm bồi thường hoàn trả cho họ. Hơn nữa, nếu bỏ phần chi phí mà đại diện tổ chức đã bỏ ra thì mức thiệt hại của người bị hại sẽ bị giảm xuống nên việc buộc người có trách nhiệm bồi thường bồi thường phần còn lại (không bao gồm chi phí mà đại diện tổ chức tự nguyện bỏ ra) là phù hợp, không thiệt hại cho bên phải bồi thường và bên được bồi thường. Đồng thời, cần xác định tổ chức đã bỏ ra chi phí hỗ trợ là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

Về nội dung này, theo chúng tôi, cần phải xác định tổ chức đã bỏ ra chi phí cứu chữa, mai táng cho người bị hại là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án bởi vì khi giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, Hội đồng xét xử phải đề cập, xem xét đến phần hỗ trợ này (xác định sự liện quan và việc hoàn trả hay không hoàn trả). Về trách nhiệm bồi thường của người có trách nhiệm bồi thường, cần phải dựa vào ý kiến, yêu cầu của tổ chức đã bỏ ra chi phí hỗ trợ. Trong trường hợp, tổ chức đó không yêu cầu người có trách nhiệm bồi thường hoàn trả thì buộc người có trách nhiệm bồi thường bồi thường toàn bộ thiệt hại cho người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại, không được trừ số tiền mà tổ chức hỗ trợ vào thiệt hại mà người có trách nhiệm bồi thường phải bồi thường. Trong trường hợp, tổ chức cho rằng chỉ ứng ra cứu chữa, mai táng kịp thời cho người bị hại và yêu cầu người có trách nhiệm bồi thường phải hoàn trả chi phí mà mình bỏ ra thì Hội đồng xét xử cần trừ chi phí mà tổ chức đã bỏ ra vào thiệt hại mà người có trách nhiệm bồi thường phải bồi thường và buộc người có trách nhiệm bồi thường hoàn trả khoản chi phí mà tổ chức đã bỏ ra cho tổ chức.

Thứ ba, về người đại diện hợp pháp của người bị hại:

Một là, trường hợp người bị hại là người thành niên bị thương tích nặng.

Khoản 2 Điều 51 BLTTHS quy định “Người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền” và liệt kê từng loại quyền từ điểm a đến đểm e. Đồng thời, khoản 5 Điều 51 BLTTHS còn quy định “Trong trường hợp người bị hại chết thì người đại diện hợp pháp của họ có những quyền quy định tại Điều này”. Cho nên, có thể hiểu, trường hợp người bị hại chết chỉ là một trong số những trường hợp khác người bị hại cần có người đại diện hợp pháp. Bên cạnh đó, theo tiểu mục 1.3 mục 1 phần I Nghị quyết  05/2005/NQ-HĐTP, người đại diện hợp pháp của người bị hại còn được hiểu trong trường hợp người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tinh thần.

Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử vụ án giao thông, ngoài các trường hợp trên, còn có trường hợp người bị hại là người thành niên, còn sống nhưng bị thương tích nặng với tỷ lệ từ 80% trở lên thì họ lại không có người đại diện hợp pháp. Trong trường hợp người bị hại không thể tham gia tố tụng thì họ có thể ủy quyền cho người khác giải quyết hay không cũng chưa có cách hiểu, áp dụng thống nhất.

Chúng tôi cho rằng, trong trường hợp này, cần xem người bị hại bị thương tích với tỷ lệ thương tích từ 80% trở lên thuộc diện người bị hại có nhược điểm về thể chất hoặc tinh thần tùy theo thương tích mà họ gánh phải. Đồng thời, cần xác định vợ hoặc chồng, con (đã thành niên), cha mẹ, giám hộ (trong trường hợp họ chưa lập gia đình, không còn cha mẹ) là người đại diện hợp pháp của người bị hại để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của họ. Bởi vì, trong nhiều trường hợp, do thương tích nặng, người bị hại không thể tự mình làm thủ tục ủy quyền để người khác thay mình tham gia tố tụng trong vụ án.

Hai là, trong trường hợp người bị hại chết nhưng chỉ có con chưa thành niên là người thuộc hàng thừa kế thứ nhất.

Thông thường, khi người bị hại chết thì cha mẹ, vợ hoặc chồng, con của người bị hại sẽ là người đại diện hợp pháp của người bị hại tham gia tố tụng. Tuy nhiên, trong thực tiễn, không ít trường hợp, người bị hại chết, không còn cha mẹ, đã ly hôn với vợ hoặc chồng của mình, chỉ còn con chưa thành niên. Trong trường hợp này, việc xác định người đại diện hợp pháp của người bị hại không thống nhất.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, do cha mẹ người bị hại đã chết và người bị hại đã ly hôn với vợ hoặc chồng của mình nên con chưa thành niên của người bị hại sẽ là người đại diện hợp pháp của người bị hại. Tuy nhiên, do con của người bị hại là người chưa thành niên nên vợ hoặc chồng của người bị hại (đã ly hôn) sẽ là người đại diện hợp pháp cho con của người bị hại.

Quan điểm thứ hai cho rằng, trong trường hợp này, cả vợ hoặc chồng, con của người bị hại đều không đáp ứng điều kiện là người đại diện hợp pháp của người bị hại nên những người thuộc hàng thừa kế thứ hai (anh chị em, ông, bà nội, ngoại, cháu ruột) của người bị hại sẽ là người đại diện hợp pháp của người bị hại.

Về vấn đề này, chúng tôi có ý kiến như sau, theo khoản 2 Điều 610 Bộ luật Dân sự 2005 (BLDS) và tiểu mục 2.4 mục 2 Phần II Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP thì người được hưởng khoản bồi thường do người bị hại thị chết là “những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại” được hưởng khoản tiền bồi thường. Cho nên, trong trường hợp này, con chưa thành niên của người bị hại đã chết sẽ hưởng tiền bồi thường thiệt hại về tính mạng của người bị hại.

Tuy nhiên, về tư cách người đại diện hợp pháp của người bị hại, khoản 5 Điều 139 BLDS quy định người đại diện phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Cho nên, trong trường hợp này, cả con chưa thành niên, vợ hoặc chồng của người bị hại đã chết đều không thể là người đại diện hợp pháp của người bị hại.

Vì vậy, người đại diện hợp pháp của người bị hại đã chết trong trường hợp này chỉ có thể là những người thuộc hàng thừa kế thứ hai của người bị hại. Đồng thời, cần xác định con chưa thành niên của người bị hại là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án để vợ của người tham gia tố tụng với tư cách người đại diện hợp pháp của con chưa thành niên nhằm đảm bảo quyền được hưởng bồi thường của con chưa thành niên trong quá trình giải quyết vụ án.

Tuy nhiên, bất cập nảy sinh ở chỗ, người được hưởng bồi thường lại không phải là người đại diện hợp pháp của người bị hại; còn người đại diện hợp pháp lại không phải là người được hưởng bồi thường. Vì vậy, pháp luật tố tụng hình sự cần quy định rõ trường hợp này để áp dụng thống nhất.

Thứ tư, tư cách tham gia tố tụng và quyền hưởng bồi thường của con riêng trong trường hợp bố trước hoặc mẹ trước đã chết nhưng họ đã chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha mẹ con:

Trong thực tiễn giải quyết các vụ án giao thông, có trường hợp, trong thời kỳ hôn nhân, người chồng hoặc người vợ chung sống với người khác, có con. Vì lý do nào đó, người vợ sau hoặc chồng sau chết nên con riêng của chồng hoặc vợ về chung sống với người vợ trước hoặc chồng trước và họ thương yêu, chăm sóc nhau như cha, mẹ con. Đến khi người vợ hoặc chồng trước bị tai nạn giao thông chết thì việc xác định tư cách tham gia tố tụng và quyền hưởng bồi thường của người con riêng (đã thành niên) gặp vướng mắc. Bởi vì, Điều 679 BLDS chỉ quy định quyền hưởng thừa kế giữa con riêng với bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con mà không quy định quyền hưởng thừa kế giữa con riêng với bố trước, mẹ trước. Cho nên, có nhiều ý kiến khác nhau về trường hợp này.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, theo khoản 2 Điều 610 BLDS và tiểu mục 2.4 mục 2 Phần II Nghị quyết 03/2006 quy định người được hưởng bồi thường là “người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại”, nếu không có những người này thì “người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại” hưởng bồi thường. Do người con riêng này không thuộc hàng thừa kế thứ nhất của vợ trước hoặc chồng trước nên không được hưởng phần bồi thường. Cho nên, không cần phải đưa người con riêng này vào tham gia tố tụng.

Quan điểm thứ hai cho rằng, cần phải xác định người con riêng này là người đại diện hợp pháp của người bị hại vì người con riêng này cũng thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị hại theo Điều 679 BLDS. Bởi vì, pháp luật dân sự không giải thích thế nào là con riêng của bố dượng, mẹ kế nên không phân biệt con riêng đối với vợ trước, chồng trước hay vợ sau, chồng sau đều là con riêng của bố dượng, mẹ kế.

Chúng tôi cho rằng, việc xác định hàng thừa kế thứ nhất theo Điều 679 BLDS xuất phát từ việc nuôi dưỡng, chăm sóc nhau như cha mẹ con của con riêng với chồng hoặc vợ mà không phân biệt con riêng của chồng hoặc vợ với vợ trước, chồng trước hay vợ sau, chồng sau. Cho nên, trong trường hợp này cần xác định con riêng là người đại diện hợp pháp của người bị hại và người con riêng này được hưởng phần bồi thường của người bị hại. Tuy nhiên, để có cách hiểu, áp dụng thống nhất, kiến nghị bổ sung trường hợp này vào Điều 679 BLDS cho phù hợp với thực tiễn áp dụng.

Thứ năm, về xác định mức bồi thường cho người đại diện hợp pháp của người bị hại trong trường hợp người bị hại chết có nhiều người đại diện hợp pháp tham gia tố tụng:

Trong nhiều vụ án giao thông, khi người bị hại chết, có nhiều người đại diện hợp pháp của người bị hại (cha mẹ, chồng, con) tham gia tố tụng. Tuy nhiên, khi tuyên trách nhiệm bồi thường lại không thống nhất nhau, thể hiện qua 02 quan điểm sau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng, nếu những người đại diện hợp pháp đã cử (ủy quyền) cho 01 trong số họ tham gia tố tụng thì không cần tuyên phần bồi thường cho từng người. Nếu tất cả người đại diện hợp pháp tham gia tố tụng thì phải tuyên phần mà người có trách nhiệm bồi thường phải bồi thường cho từng người để tránh phát sinh tranh chấp sau này.

Quan điểm thứ hai cho rằng, trong mọi trường hợp, đều không được tuyên phần mà người có trách nhiệm bồi thường phải bồi thường cho từng người đại diện hợp pháp của người bị hại mà tuyên bồi thường chung cho tất cả người đại diện hợp pháp của người bị hại. Việc phân chia phần ai hưởng ít, hưởng nhiều sẽ do những người đại diện hợp pháp của người bị hại tự phân chia.

Về vấn đề này, theo chúng tôi, tùy từng loại bồi thường mà tuyên bồi thường chung cho tất cả người đại diện hợp pháp của người bị hại hay tuyên bồi thường riêng cho từng người đại diện hợp pháp của người bị hại. Chẳng hạn, đối với phần bồi thường khoản tiền cấp dưỡng cần tuyên riêng cho từng người đại diện hợp pháp được hưởng vì phần này chỉ những người được người bị hại nuôi dưỡng khi còn sống mới được hưởng và khoản bồi thường đảm bảo điều kiện sống cho họ. Đối với khoản bồi thường chi phí cứu chữa, mai táng người bị hại, tổn thất tinh thần thì cần tuyên chung mà không tuyên đối với từng người đại diện hợp pháp. Bởi vì, khoản này sẽ chuyển thành phần di sản của người bị hại. Trong trường hợp những người đại diện hợp pháp của người bị hại không thể tự phân chia thì họ có quyền kiện bằng vụ án dân sự để Tòa án giải quyết.

Thứ sáu, về việc xác định tư cách tham gia tố tụng và tuyên bồi thường trong trường hợp người không có trách nhiệm bồi thường tự nguyện bồi thường:

Thực tiễn giải quyết các vụ án giao thông tồn tại trường hợp, một người không có trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật nhưng lại tự nguyện bồi thường hoặc liên đới cùng người có trách nhiệm bồi thường bồi thường cho người bị hại. Trong trường hợp này, Tòa án có chấp nhận buộc họ bồi thường hay liên đới cùng người có trách nhiệm bồi thường bồi thường cho người bị hại hay không cũng chưa có cách hiểu, áp dụng thống nhất.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, việc người không có trách nhiệm bồi thường tự nguyện đứng ra bồi thường hoặc liên đới với người có trách nhiệm bồi thường bồi thường là có lợi cho người bị hại. Cho nên, Hội đồng xét xử cần buộc họ cùng người có trách nhiệm bồi thường bồi thường cho người bị hại để hạn chế, khắc phục kịp thời hậu quả do tội phạm gây ra.

Quan điểm thứ hai cho rằng, mặc dù, người không có trách nhiệm bồi thường đồng ý đứng ra bồi thường hoặc liên đới cùng người có trách nhiệm bồi thường bồi thường cho người bị hại có lợi cho người bị hại nhưng Tòa án không được xác định người không có trách nhiệm bồi thường là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án và buộc họ bồi thường hoặc liên đới với người có trách nhiệm bồi thường bồi thường. Việc tự nguyện bồi thường của họ cần được xem xét trong giai đoạn thi hành án.

Chúng tôi cho rằng, pháp luật tố tụng hình sự, pháp luật dân sự quy định người có trách nhiệm bồi thường mới phải bồi thường thiệt hại do tội phạm gây ra. Cho nên, khi xét xử, mặc dù, người có điều kiện tế (cha mẹ, anh em, bạn bè của người có trách nhiệm bồi thường) tự nguyện bồi thường hoặc tự nguyện liên đới thì cũng không thể buộc người có điều kiện bồi thường hoặc liên đới bồi thường. Tuy nhiên, quy định hiện nay sẽ gây bất lợi cho người được bồi thường thiệt hại trong trường hợp người có trách nhiệm bồi thường không có thu nhập, tài sản để bồi thường cho người bị hại, không đảm bảo nguyên tắc “bồi thường toàn bộ, kịp thời” được quy định tại khoản 1 Điều 605 BLDS.

Do đó, để khắc phục hạn chế này cần bổ sung BLDS trường hợp người không có trách nhiệm bồi thường tự nguyện bồi thường, liên đới cùng người có trách nhiệm bồi thường bồi thường trong trường hợp người có trách nhiệm bồi thường không có tài sản, thu nhập để bồi thường hoặc trong trường hợp người có trách nhiệm bồi thường, người không có trách nhiệm bồi thường và người bị hại thống nhất để người không có trách nhiệm bồi thường đứng ra bồi thường hoặc liên đới với người có trách nhiệm bồi thường bồi thường cho người bị để đảm bảo một cách tốt nhất quyền lợi của người được bồi thường.

Thứ bảy, vấn đề người đại diện hợp pháp của người bị hại chết lại ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng:

Theo quy định của BLTTHS, khi người bị hại chết thì người thừa kế hợp pháp của họ tham gia tố tụng để bảo vệ quyền lợi của người bị hại đã chết cũng như cho chính bản thân người đại diện. Tuy nhiên, vì những lý do nào đó mà người đại diện hợp pháp cho người bị hại không thể trực tiếp tham gia vụ án thì họ có thể ủy quyền cho người khác để tham gia tố tụng hay không đã không có sự áp dụng thống nhất trong thực tiễn.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, khi người bị hại chết thì những người thừa kế hợp pháp của họ tham gia tố tụng để hưởng quyền lợi mà đáng lẽ người bị hại còn sống được hưởng hoặc bảo vệ lợi ích của người thứ ba (những người được cấp dưỡng). Cho nên, nếu người đại diện hợp pháp của người bị hại không thể tham gia tố tụng thì họ hoàn toàn có quyền ủy quyền cho người khác bảo vệ quyền lợi của mình.

Quan điểm thứ hai cho rằng, do pháp luật tố tụng hình sự không quy định rõ về việc xác định người đại diện hợp pháp của người bị hại cho nên cần áp dụng quy định của pháp luật tố tụng dân sự và pháp luật dân sự. Theo Bộ luật Tố tụng dân sự, trong quá trình tham gia tố tụng, đương sự là cá nhân chết mà quyền, nghĩa vụ về tài sản của họ được thừa kế thì người thừa kế tham gia tố tụng với tư cách là người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của đương sự đã chết. Trong khi đó, BLDS quy định đại diện bao gồm đại diện theo pháp luật và đại diện theo ủy quyền. Đồng thời, đối với đại diện của cá nhân, theo Điều 147 BLDS, một trong những căn cứ chấm dứt đại diện của cá nhân là người được đại diện chết (đối với đại diện theo pháp luật), người uỷ quyền chết (đối với đại diện theo ủy quyền). Vì vậy, người đại diện hợp pháp của người bị hại trong trường hợp người bị hại chết không được ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng.

Theo chúng tôi, người đại diện hợp pháp của người tham gia tố tụng nói chung, người đại diện hợp pháp của người bị hại nói riêng trong tố tụng hình sự khác với quy định về người đại diện hợp pháp trong tố tụng dân sự cũng như theo pháp luật dân sự. Theo đó, người đại diện hợp pháp của người tham gia tố tụng được hiểu là người thay mặt người tham gia tố tụng tham gia vụ án trong trường hợp người tham gia tố tụng là người chưa thành niên, có nhược điểm về thể chất, tinh thần.

Còn trong trường hợp người tham gia tố tụng chết thì họ tham gia tố tụng để hưởng các quyền lợi mà pháp luật quy định người tham gia tố tụng còn sống được hưởng hoặc bảo vệ lợi ích của người thứ ba (trường hợp người cấp dưỡng không đồng thời là người đại diện hợp pháp). Cho nên, người đại diện hợp pháp của người tham gia tố tụng chết trong tố tụng hình sự tương tự như người kế thừa quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng trong tố tụng dân sự. Vì vậy, họ hoàn toàn có quyền ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng khi không thể tham gia giải quyết vụ án.

Thứ tám, về xác định mức lương tối thiểu để buộc bồi thường tổn thất tinh thần:

Trong vụ án giao thông, khi người bị hại bị thiệt hại về sức khỏe hoặc bị thiệt hại về tính mạng dẫn đến việc buộc người gây tai nạn phải bồi thường tổn thất tinh thần thì bên cạnh xác định thời gian bồi thường, Tòa án còn xác định mức lương tối thiểu để xác định mức bồi thường. Tuy nhiên, trong trường hợp, thời điểm xảy ra vụ án với thời điểm xét xử sơ thẩm mức lương cơ bản do Nhà nước ấn định có khác nhau thì áp dụng mức lương tối thiểu ở thời điểm nào để tính mức bồi thường tổn thất tinh thần cũng chưa thống nhất.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, cần áp dụng thời điểm xét xử sơ thẩm vì nếu vụ án kéo dài sẽ gây thiệt hại cho người bị thiệt hại vì ảnh hưởng đến đời sống của họ.

Quan điểm thứ hai lại cho rằng, cần áp dụng mức lương tối thiểu tại thời điểm xảy ra vụ án vì như vậy sẽ làm cho bị cáo ít thiệt thòi, vừa tạo ra sự thống nhất trong xử lý, tạo ra sự công bằng giữa các bị cáo với nhau.

Trong trường hợp này, chúng tôi có ý kiến như sau, hiện nay, pháp luật dân sự không quy định rõ nội dung này. Do đó, cần phải xem xét, áp dụng các quy định có liên quan. Nghiên cứu quy định của pháp luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, chúng tôi thấy rằng, trong các nguyên tắc bồi thường được quy định tại Điều 605 BLDS, ngoài nguyên tắc bồi thường toàn bộ, kịp thời; việc bồi thường do các bên thỏa thuận nhưng không trái pháp luật, đạo đức xã hội; người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường khi có điều kiện nhất định, khoản 3 Điều 605 BLDS còn quy định nguyên tắc: “Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu Toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường”.

Bên cạnh đó, điểm d tiểu mục 2.2 mục 2 Phần I Nghị quyết 03/2006 còn hướng dẫn, “Mức bồi thường thiệt hại không còn phù hợp với thực tế, có nghĩa là do có sự thay đổi về tình hình kinh tế, xã hội, sự biến động về giá cả mà mức bồi thường đang được thực hiện không còn phù hợp trong điều kiện đó hoặc do có sự thay đổi về tình trạng thương tật, khả năng lao động của người bị thiệt hại cho nên mức bồi thường thiệt hại không còn phù hợp với sự thay đổi đó hoặc do có sự thay đổi về khả năng kinh tế của người gây thiệt hại...”.

Như vậy, trong trường hợp mức bồi thường không còn phù hợp thì người bị thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thay đổi mức bồi thường và mức bồi thường được xem là không còn phù hợp được dựa vào “có sự thay đổi về tình hình kinh tế, xã hội, sự biến động về giá cả”. Trong khi đó, một trong những căn cứ quan trọng mà Nhà nước ấn định mức lương tối thiểu qua các thời kỳ là “có sự thay đổi về tình hình kinh tế, xã hội, sự biến động về giá cả”.

Ngoài ra, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 168 Bộ luật Tố tụng dân sự thì “xin thay đổi mức bồi thường thiệt hại” là một trong các trường hợp Tòa án không được trả lại đơn khởi kiện khi người bị thiệt hại khởi kiện lại sau khi sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án. Ngoài ra, tại khoản 3 Điều 168 BLTTDS cũng quy định những trường hợp đương sự được khởi kiện lại, trong đó, tại điểm d có quy định “Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật”. Cho nên, khi đã có bản án giải quyết về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng mà người bị thiệt hại có yêu cầu bồi thường về tổn thất tinh thần đã được Tòa án chấp nhận và ấn định mức được bồi thường thì khi mức bồi thường không còn phù hợp thì người bị thiệt hại có quyền khởi kiện lại yêu cầu tăng mức bồi thường.

Vì vậy, chúng tôi cho rằng, mặc dù pháp luật dân sự không có quy định nhưng dựa vào nguyên tắc quy định tại khoản 3 Điều 605 BLDS và hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán bên trên có cơ sở xác định khi xét xử Tòa án (Hội đồng xét xử) hoàn toàn có quyền dựa vào mức lương tối thiểu tại thời điểm xét xử để ấn định mức bồi thường. Điều này sẽ tránh sự biến động về mức bồi thường của Tòa án và cũng hạn chế yêu cầu kiện lại của người bị thiệt hại sau khi bản án có hiệu lực.

2. Một vài kiến nghị hoàn thiện pháp luật có liên quan

Để khắc phục các vướng mắc, bất cập bên trên, chúng tôi kiến nghị như sau:

Một là, bổ sung vào khoản 1 Điều 51 BLTTHS (Khoản 1 Điều 62 BLTTHS 2015) về người đại diện hợp pháp của người bị hại với nội dung như sau:

“1. …
Người đại diện hợp pháp của người bị hại là người nhân danh và vì lợi ích của người bị hại tham gia vào vụ án. Việc xác định người đại diện hợp pháp của người bị hại được áp dụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Người bị hại là người chưa thành niên, người bị nhược điểm về thể chất, tinh thần thì phải có người đại diện hợp pháp tham gia tố tụng.”

Hai là, Thay cụm từ “người đại diện hợp pháp” được quy định tại khoản 5 Điều 51 BLTTHS (Khoản 5 Điều 62 BLTTHS 2015) thành “người kế thừa quyền và nghĩa vụ của người bị hại”. Theo đó, khoản 5 Điều 51 BLTTHS sẽ có nội dung như sau:

5. Trong trường hợp người bị hại chết thì người kế thừa quyền và nghĩa vụ của họ có những quyền quy định tại Điều này.

Người kế thừa quyền và nghĩa vụ của người bị hại là người thừa kế của người bị hại bị chết.”

Ba là, về cấp dưỡng, bổ sung vào tiểu mục 2.3 mục 2 Phần II Nghị quyết 03/2006 điểm c việc xác định rõ thông tin cá nhân của người được cấp dưỡng với nội dung như sau:

c) Khi buộc cấp dưỡng phải xác định rõ thông tin của người được cấp dưỡng (họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi cư trú) nhưng không phải xác định tư cách tham gia tố tụng của người được cấp dưỡng trừ trường hợp học tham gia tố tụng với tư cách khác.”

Bốn là, về việc hưởng bồi thường giữa con riêng của chồng hoặc vợ với vợ trước hoặc chồng trước, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Điều 679 BLDS (Điều 654 BLDS 2015) như sau:

“Điều 679. Quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế hoặc giữa con riêng với vợ trước, chồng trước

Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 676 và Điều 677 của Bộ luật này.

Con riêng và vợ trước, chồng trước nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau như trường hợp giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế.

Năm là, về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường cần bổ sung vào Điều 606 BLDS khoản 4 (Khoản 4 Điều 586 BLDS 2015) với nội dung như sau:

4. Trong trường hợp người có trách nhiệm bồi thường theo các khoản 1, 2 và 3 của Điều này nhưng không có tài sản, thu nhập đảm bảo việc bồi thường thì người thân thích của họ mà có điều kiện thực tế đảm bảo việc bồi thường thì có thể tự mình đứng ra bồi thường hoặc liên đới với người có trách nhiệm bồi thường bồi thường thiệt hại.”

Sáu là, về việc xác định mức lương tối tiểu để tính mức bồi thường tổn thất tinh thần, kiến nghị bổ sung vào cuối khoản 2 Điều 609, cuối khoản 2 Điều 610, cuối khoản 2 Điều 611 BLDS (Khoản 2 Điều 590, Khoản 2 Điều 591, Khoản 2 Điều 600 BLDS 2015) nội dung:

“…. Mức lương tối thiểu được xác định để tính mức bồi thường là mức lương tối thiểu vào thời điểm bồi thường.”

Với sự đa dạng, phức tạp của các vụ án giao thông nên việc xác định tư cách người tham gia tố tụng và trách nhiệm bồi thường trong các vụ án giao thông không đơn giản. Bên cạnh lỗi chủ quan của người tiến hành tố tụng, việc áp dụng không đúng, thiếu thống nhất tư cách người tham gia tố tụng và trách nhiệm bồi thường trong các vụ án giao thông còn do quy định của pháp luật tố tụng hình sự về tư cách người tham gia tố tụng và pháp luật dân sự về trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng còn vướng mắc, bất cập. Với đề xuất hoàn thiện trong bài viết này, tác giả hy vọng góp phần hoàn thiện quy định pháp luật tố tụng hình sự về người tham gia tố tụng và pháp luật dân sự về trách nhiệm bồi thường.

ThS. Thái Chí Bình - Tòa án nhân dân thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang

  •  3351
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…