DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Bồi thường thiệt hại theo trình tự nào?

 

Sự việc xảy ra sau ngày Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước có hiệu lực thi hành. UBND một phường ở TP Hồ Chí Minh mời 5 thanh niên bị bắt oan vào Trung tâm Bảo trợ xã hội thuộc Sở Lao động-Thương binh-Xã hội TP đến trụ sở để xin lỗi. Chủ tịch UBND phường thừa nhận “UBND phường có thiếu sót trong việc lập hồ sơ để đưa các anh lên Trung tâm Bảo trợ xã hội. Phường, xin rút kinh nghiệm, đồng thời xin lỗi các anh cùng gia đình”. Trưởng Công an phường này cũng thừa nhận Công an phường “chưa làm hết trách nhiệm trong quá trình đi xác minh địa chỉ cư trú của 5 thanh niên này. Công an phường đã tự kiểm điểm trong nội bộ và nay có lời xin lỗi đến các anh và người thân ở quê”. 5 thanh niên chấp nhận những lời xin lỗi trên, nhưng yêu cầu UBND và công an phường phải bồi thường cho họ hơn 40 triệu đồng là khoản tiền mà thân nhân họ ở quê nhà ngoài miền bắc phải vay mượn để đi vào thành phố bảo lãnh các anh và chi phí trong những ngày các anh phải nghỉ việc do bị bắt vào trung tâm. UBND và công an phường ghi nhận những yêu cầu này và hứa sẽ báo cáo với cấp trên  xem xét, trả lời các anh trong thời gian sớm nhất.

Đối với trường hợp làm không đúng pháp luật này, UBND và công an phường  có phải bồi thường cho 5 thanh niên không?

(Hà Văn Thủy, TP Hồ Chí Minh)

 

 

Chính quyền phường có sự hiểu nhầm rằng 5 thanh niên thuộc diện “lang thang cơ nhỡ” nên đã bắt và chuyển họ về Trung tâm Bảo trợ xã hội TP; tuy nhiên, sau đó, nhận thấy việc “thu gom”  người như vậy là trái pháp luật.

Điều 13 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước quy định 11 trường hợp Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ trong hoạt động quản lý hành chính gây ra. Theo các chuyên gia pháp luật, đây là 11 trường hợp có ảnh hưởng lớn đến những quyền cơ bản của công dân (đặc biệt là quyền tự do thân thể) cần được Nhà nước dành sự quan tâm đặc biệt, bằng cách cam kết bồi thường nếu các hành vi này gây ra thiệt hại cho tổ chức, cá nhân; trong đó, lĩnh vực quản lý của ngành lao động thương binh xã hội có 3 trường hợp phải bồi thường (khoản 4 Điều 13): Trường hợp 1: Áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người vào trường giáo dưỡng trái pháp luật; Trường hợp 2: Áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người vào cơ sở giáo dục trái pháp luật; Trường hợp 3: Áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người vào cơ sở chữa bệnh trái pháp luật.

Hành vi “nhầm lẫn” của chính quyền phường khi “gom”  5 thanh niên vào Trung tâm Bảo trợ xã hội không thuộc 1 trong 3 trường hợp vi phạm nêu trên trong lĩnh vực quản lý nhà nước về lao động thương binh xã hội mà nhà nước buộc phải bồi thường. Đến thời điểm này, pháp luật về trách nhiệm bồi thường cũng chưa có quy định về việc nhà nước phải bồi thường khi “gom nhầm” người vào Trung tâm Bảo trợ xã hội . Việc đòi bồi thường và bồi thường (nếu có) trong tình huống này được quy định ở những văn bản pháp luật khác.

Nếu chứng minh được thiệt hại của mình là có thật và do hành vi làm trái từ phía chính quyền gây ra, các đương sự có thể yêu cầu tòa án giải quyết theo trình tự tố tụng dân sự./.

 

(T/g: Luật gia, Nhà báo Nguyễn Chấn - Chuyên viên cao cấp tại Hãng Văn phòng Luật NewVision) 

 

 

 

 

  •  4802
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…