DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng !

 

Câu hỏi của độc giả:

Xin chào anh/ chị Luật Sư !

Em tên là Thiện, chuyện là như thế này:

Em trai của em 13 tuổi, cách đây khoảng 2 tuần nó có điều khiển xe máy 110cc và va chạm với một đứa trẻ 4 tuổi. Theo lời kể lại của các nhân chứng thì em trai em đi với vận tốc rất chậm và đứa bé kia từ nhà chạy ra và va vào xe của em trai em ngã xuống. Do nhà bé đấy đang xây nhà nên vật liệu ngổn ngang, đầu đứa bé đập vào viên gạch ở đó rồi bị rạn nứt sọ. Hiện nay thì bé đã chuyển về phòng chăm sóc thường và không ảnh hưởng đến não bộ. Hai bên gia đình đã gặp và nói chuyện nhưng nhà đứa bé kia quy hết trách nhiệm về phía gia đình em và yêu cầu đưa ra Luật Pháp để giải quyết.

    Vậy em xin hỏi nếu phải đưa ra Pháp Luật thì em trai của em và gia đình của em sẽ phải chịu mức trách nhiệm Pháp Lý như thế nào và có phải chịu hoàn toàn trách nhiệm phía gia đình kia không ạ ?

   Em xin chân thành cảm ơn !

(Thiện Hoàng Tài - Email: vuasao..@outlook.com)

Luật sư trả lời:

Chào bạn!

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến công ty Luật NewVision. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi xin đưa ra quan điểm như sau:

Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) Việt Nam năm 2008 quy định: Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải đủ 18 tuổi trở lên và phải có Giấy phép lái xe (GPLX) theo quy định.

Trường hợp nêu trên, em trai bạn chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật mà vẫn điều khiển phương tiện, như vậy đã vi phạm Luật Giao thông đường bộ và gây tai nạn.

Xét hành vi của em trai bạn chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 202 Bộ Luật Hình sự mà sẽ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng còn gọi là trách nhiệm dân sự do gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại là một loại quan hệ dân sự trong đó người xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp của người khác mà gây ra thiệt hại phải bồi thường những thiệt hại do mình gây ra.

 

Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng:

- Hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật.

          Quyền được bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, uy tín, tài sản là một quyền tuyệt đối của mọi công dân, tổ chức. Mọi người đều phải tôn trọng những quyền đó của chủ thể khác, không được thực hiện bất cứ hành vi nào "xâm phạm" đến các quyền đó. Điều 609 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm. Việc "xâm phạm" mà gây thiệt hại có thể là hành vi vi phạm pháp luật hình sự, hành chính, dân sự, kể cả những hành vi vi phạm đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, vi phạm các quy tắc sinh hoạt trong từng cộng đồng dân cư...

Hành vi của em trai bạn là hành vi trái pháp luật vi phạm Luật giao thông đường bộ do mới 13 tuổi chưa đủ tuổi điều khiển xe máy.

-  Có thiệt hại xảy ra: thiệt hại là những tổn thất thực tế được tính thành tiền, do việc xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, uy tín, tài sản của cá nhân, tổ chức.

+ Thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ làm phát sinh thiệt hại về vật chất bao gồm chi phí cứu chữa, bồi thường, chăm sóc, phục hồi chức năng bị mất, thu  nhập thực tế bị mất, bị giảm sút do thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ.

+ Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm uy tín bị xâm hại bao gồm chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm hại.

      + Thiệt hại do bị tổn thất về tinh thần. Bộ luật Dân sự quy định: Toà án có thể buộc người xâm hại "bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại, người thân thích gần gũi của nạn nhân".

Trường hợp của em trai bạn, có thiệt hại xảy ra đó là đứa bé kia bị ngã đầu đập vào gạch dẫn đến rạn nứt sọ và phải nằm viện điều trị.

 - Có lỗi của người gây thiệt hại.

          Người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm dân sự khi họ có lỗi. Xét về hình thức lỗi là thái độ tâm lý của người  có hành vi gây thiệt hại, lỗi được thể hiện dưới dạng cố ý  hay vô ý.

          Cố ý gây thiệt hại là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc không mong muốn, nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra.

          Vô ý gây thiệt hại là một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây ra thiệt hại mặc dù phải biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây ra thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.

          Lỗi là một trong bốn điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói riêng và trách nhiệm dân sự nói chung. Con người phải chịu trách nhiệm khi họ có lỗi, có khả năng nhận thức và làm chủ được hành vi của mình. Bởi vậy, những người không có khả năng nhận thức và làm chủ được hành vi của mình sẽ không có lỗi trong việc thực hiện các hành vi đó. 

Lỗi của em trai bạn là lỗi vô ý gây thiệt hại. Việc em bạn chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện giao thông không thấy trước được hành vi của mình gây thiệt hại cho mọi người mặc dù phải biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây ra thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.

- Có mối liên hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi trái pháp luật.

          Thiệt hại xảy ra là kết quả của hành vi trái pháp luật hay ngược lại hành vi trái pháp luật là nguyên tắc của thiệt hại xảy ra. Điều này được quy định tại Điều 609 Bộ luật Dân sự dưới dạng: "Người nào... xâm phạm... mà gây thiệt hại...  thì phải bồi thường". Ở đây chúng ta có thể thấy hành vi đó.

Hành vi lái xe khi chưa đủ tuổi của em trai bạn là nguyên nhân trực tiếp gây thiệt hại cho em bé kia, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và hậu quả.

Qua những phân tích trên, hành vi của em bạn thoả mãn các điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng. Nếu phải đưa ra pháp luật thì em trai của bạn và gia đình bạn sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại. Mức bồi thường thiệt hại bạn và gia đình có thể tham khảo Nghị quyết 03/HĐTP ngày 8 tháng 7 năm 2006 hướng dẫn áp dụng một số qui định của Bộ luật dân sự 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Vì người vi phạm còn vị thành niên nên cần phải có người giám hộ để làm các thủ tục trong quá trình giải quyết bồi thường với người bị thiệt hại.

Trân trọng./.

 

     Luật Sư Nguyễn Văn Tuấn - Đoàn Luật Sư Hà Nội

     Địa chỉ:  Số 9,Ngách 6A ,Ngõ 6 ,Đường Phạm Văn Đồng ,Q.Cầu Giấy,TP.Hà Nội

 
  •  5694
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…