Chào bạn,
Dựa trên thông tin bạn cung cấp, tôi xin có một số ý kiến chia sẻ về các vấn đề mà bạn thắc mắc như sau:
Trước hết, bạn có phải bồi thường không?
Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn đã thử việc tại công ty nhưng sau khi kết thúc thời gian thử việc bạn đã xin nghỉ, hai bên không ký kết hợp đồng lao động nên hợp đồng thử việc đã chấm dứt.
Tuy nhiên, vì trên thực tế sau khi kết thúc thời gian thử việc bạn đã làm việc cho công ty với thời hạn là 16 ngày (dưới 03 tháng) nên căn cứ Khoản 1, Điều 22,
Bộ luật lao động thì đây là Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
"Điều 22. Loại hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:
a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.
b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn;
Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.
c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng."
Do vậy theo Khoản 2, Điều 16, Bộ luật lao động 2012, hai bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng miệng. Cụ thể quy định này như sau:
“Điều 16. Hình thức hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói.”
Như vậy, tuy hai bên không ký kết hợp đồng lao động nhưng thời gian 16 ngày bạn làm tại công ty sau ngày kết thúc thử việc vẫn tồn tại quan hệ lao động. Do hai bên tồn tại quan hệ lao động nên việc bồi thường thiệt hại của người lao động đối với người sử dụng lao động phải tuân thủ các quy định tại các Điều 130, 131 Bộ luật lao động:
“Điều 130. Bồi thường thiệt hại
1. Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc, thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định tại khoản 3 Điều 101 của Bộ luật này.
2. Người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường; trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm; trường hợp do thiên tai, hoả hoạn, địch họa, dịch bệnh, thảm họa, sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì không phải bồi thường.”
“Điều 131. Nguyên tắc và trình tự, thủ tục xử lý bồi thường thiệt hại
1. Việc xem xét, quyết định mức bồi thường thiệt hại phải căn cứ vào lỗi, mức độ thiệt hại thực tế và hoàn cảnh thực tế gia đình, nhân thân và tài sản của người lao động.
2. Trình tự, thủ tục, thời hiệu xử lý việc bồi thường thiệt hại được áp dụng theo quy định tại Điều 123 và Điều 124 của Bộ luật này..”
Căn cứ các quy định trên, trường hợp công ty chứng minh được có thiệt hại xảy ra và có lỗi của bạn thì bạn có nghĩa vụ phải bồi thường. Tuy nhiên càn lưu ý các vấn đề sau:
Bạn chỉ phải bồi thường nếu công ty chứng minh được: (1) có thiệt hại xảy ra và (2) có lỗi của bạn.
+Về thiệt hại: Ở đây, bạn cũng đề cập đến việc bạn không phải là người kiểm hàng nhưng lại đã ký các văn bản vào lúc nhận hàng và trả hàng, các giấy tờ này sẽ là những tài liệu bất lợi cho bạn. Bởi các chữ ký này thể hiện rằng bạn đồng ý với nội dung của các văn bản ký nhận.
+Có lỗi của người lao động: Bạn có cho biết rằng công ty đã báo lại cho bạn hàng mất là do nhân viên lấy. Nếu thông tin này của công ty đưa ra là chính xác thì việc mất hàng do lỗi của bạn trong việc trông coi hàng thiếu trách nhiệm, để nhân viên lấy nên bạn có trách nhiệm bồi thường cho công ty.
2. Trường hợp bạn phải bồi thường thiệt hại thì việc bồi thường phải tuân thủ trình tự theo quy định tại Điều 131 và cần bảo đảm quyền lợi của bạn theo Điều 130.
Ngoài ra, về tiền lương:
Như đã nói ở trên, tuy sau khi hết thời hạn thử việc bạn và công ty chưa ký hợp đồng lao động nhưng vì thời hạn bạn làm công việc này là 16 ngày (dưới 03 tháng) nên vẫn tồn tại quan hệ lao động. Do đó, công ty vẫn phải trả bạn trên cơ sở năng suất và chất lượng công việc mà không phải trả theo lương thử việc. Lưu ý theo
Điều 90, Bộ luật lao động 2012 thì:
“Mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.” Vì bạn chưa nói rõ bạn ở đâu nên để biết mức lương tối thiểu của mình, bạn có thể tìm hiểu thêm
Nghị định số 122/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động.
Trên đây là ý kiến chia sẻ của tôi về vấn đề mà bạn thắc mắc. Việc đưa ra ý kiến dựa trên thông tin mà bạn cung cấp cũng như các quy định pháp luật hiện hành. Trường hợp cần trao đổi thêm hoặc có vấn đề gì sai sót vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ dưới đây.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc ý kiến của tôi!
Trân trọng cảm ơn,
Chuyên viên tư vấn Nguyễn Thị Trà
BỘ PHẬN TƯ VẤN PHÁP LUẬT DÂN SỰ | CÔNG TY LUẬT VIỆT KIM
M: (+84-4) 32.123.124; (+84-4) 32.899.888 - E: cle.vietkimlaw@gmail.com; luatvietkim@gmail.com - W: www.vietkimlaw.com
Ad: Trụ sở chính - Tầng 5, Tòa nhà SHB, 34 Giang Văn Minh, Ba Đình, HN | VPGD - Tầng 5, Nhà C, 236 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, HN.