DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Biên bản thỏa thuận đăng con lên facebook có vi phạm pháp luật không ?

Mới đây,trên mạng đang truyền nhau việc ông bố gây bão với “biên bản thỏa thuận” để đăng ảnh con lên Facebook. Qua tìm hiểu, ông bố Trần Thanh Sơn (có tài khoản Facebook Thanh Sơn, Bắc Kạn) lập biên bản này với mục đích vui vẻ. Trong biên bản, cả hai bên là bố mẹ và con cùng nhau thống nhất: Bên trẻ em đồng ý cho bên người lớn thoải mái đăng ảnh trên mạng xã hội như Facebook, Zalo… mà không kiện cáo, thắc mắc và đòi hỏi bất cứ điều gì. “Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc thì hai bên sẽ cùng nhau giải quyết trên tinh thần hợp tác.Vậy chúng tôi lập biên bản này làm cơ sở để bên người lớn yên tâm đăng ảnh trẻ em trên mạng xã hội mà không lo sai luật, đi tù.Biên bản được lập thành 3 bản bằng Tiếng Việt, mỗi cá nhân giữ một bản có giá trị như nhau và có hiệu lực kể từ ngày ký”. Ngay sau khi đăng tải bởi một tài khoản facebook trên một diễn đàn lớn, cộng đồng mạng tỏ ra khá thích thú với “biên bản” này. Biên bản nhanh chóng thu hút gần 8.000 like (thích) và hàng trăm bình luận trên mạng xã hội. Có ý kiến đồng tình vì sự hài hước của ông bố, có ý kiến cho rằng phụ huynh này không thực hiện đúng luật.

Trên thực tế , có vụ việc trên là do từ ngày 1/6/2017, Luật trẻ em chính thức có hiệu lực. Có tổng cộng 15 nhóm hành vi bị đạo luật này nghiêm cấm. Trong đó, dư luận xôn xao nhiều nhất là: “Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em”(Điều 21, Chương II của luật Trẻ em). Theo đó, “Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em” (Khoản 11, Điều 6, Luật Trẻ em) là hành vi bị nghiêm cấm. Trong Điều 33 Nghị định 56/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật trẻ em của Chính phủ, lần đầu tiên trong hệ thống pháp luật Việt Nam, chúng ta đã có những quy định cụ thể về những thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em. “Thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là các thông tin về: Tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em”. Trên thực tế, quyền riêng tư của trẻ em rất dễ bị xâm phạm, đặc biệt là trên môi trường mạng với sự phát triển như vũ bão của Internet, mạng xã hội… mà người thực hiện hành vi xâm phạm quyền riêng tư của trẻ đôi khi lại chính là người thân thích của trẻ: là cha, mẹ, anh, chị… Những thông tin quá chi tiết của trẻ nếu đăng tải lên mạng xã hội, rất có thể vô tình khiến các con gặp nguy hiểm với các loại tội phạm xã hội như tội phạm tình dục, bắt cóc, buôn người… vẫn đang âm thầm theo dõi trên mạng.

 

Trong khi đó nhiều trẻ không muốn công khai những hình ảnh, thông tin lên mạng xã hội. Dù khen hay chê, trẻ đều khó hồn nhiên, tự tin khi tiếp xúc với ai biết trẻ từ thông tin cha mẹ đã công khai. Có trẻ xấu hổ, ngại ngùng, nhiều lần lặp lại có thể trở nên tự ti, mặc cảm. Có trẻ sẽ kiêu ngạo khi những thành công của bản thân được tung hô rồi nhận thức sai về bản thân. Từ kiêu ngạo đến tự ti không xa, khi gặp phải một thất bại nào đó, trẻ dễ đánh mất hình tượng đứa trẻ giỏi giang cha mẹ tạo nên. Đặc biệt, ở giai đoạn trẻ dậy thì, trẻ càng phản ứng rất tiêu cực khi cha mẹ tự ý đăng thông tin về con trên mạng. Nhiều cha mẹ cho biết họ đã bị con chặn face, con giận cha mẹ khi thấy cha mẹ nói gì đó về con trên mạng…Với trẻ nhỏ, trẻ chưa biết việc cha mẹ đăng hình, nhưng khi trẻ lớn lên, những gì trẻ nhìn thấy về mình xuất hiện trên mạng sẽ khiến trẻ ám ảnh, ngại ngùng, bất mãn…Không ai muốn bị phơi bày về bản thân cho người khác bình phẩm. Cha mẹ cũng vậy, sao lại làm với con? Khi cha mẹ tôn trọng con là một con người, một cá thể duy nhất, độc lập, cần được sống tự do thì cha mẹ sẽ hiểu việc quyết định có chia sẻ thông tin cho ai đó hay không là quyền của con. Cha mẹ không thể lấy quyền phụ huynh mà định đoạt. Mặc dù có thể xuất phát từ tình yêu thương, hoàn toàn không cố ý nhưng vì chủ quan, không hiểu biết đầy đủ quy định của pháp luật nên đã thực hiện hành vi vi phạm đến quyền riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em, đặc biệt là sự xâm phạm về hình ảnh cá nhân.

Thực tế, việc phụ huynh đăng hình ảnh của con lên Facebook đã được nhiều nước đưa vào luật. Trong đó, các bậc cha mẹ có thể phải đối mặt với một khoản phạt tiền hoặc ngồi tù chỉ vì “khoe” hình ảnh con cái của mình lên mạng xã hội. Còn ở Việt Nam, đây là lần đầu tiên vấn đề này chính thức được đưa vào Luật. Nhiều cha mẹ khoe ảnh, thông tin của con lên mạng xã hội mà không kiểm tra đầy đủ quyền thiết lập riêng tư sẽ khiến con có thể đối mặt với nhiều vấn đề nguy hại. Chính vì vậy, theo Nghị định 56 quy định về cơ chế để bảo vệ trẻ em bằng cách : trẻ em có thể bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, gửi thông tin mà các em cho rằng bất lợi đối với mình bằng cách gọi điện đến tổng đài quốc gia về trẻ em 18001567. Đây là điện thoại tư vấn, hỗ trợ cho trẻ em do Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vận hành. Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em hoạt động 24 giờ tất cả các ngày, được Nhà nước bảo đảm nguồn lực hoạt động.

Hiện nay việc xử lý, chế tài chưa được quy định cụ thể. Nếu những người đăng thông tin này không phải cha mẹ của trẻ thì cha mẹ của trẻ có quyền khởi kiện, yêu cầu người đăng phải gỡ bỏ thông tin, đính chính, bồi thường thiệt hại… Nhưng nếu người đăng thông tin là cha mẹ của trẻ mà chính cha mẹ của trẻ lại là người giám hộ đương nhiên thì không thể thực hiện được việc khởi kiện. Hơn nữa, liên quan đến việc xin phép con, “sẽ có một kết quả là nếu bố mẹ tự ý đăng ảnh con và bị phạt thì các con sẽ lại trả lời rằng các cháu có đồng ý. Và ai là người sẽ chứng kiến việc đồng ý hay không đồng ý của các cháu?”. Vì vậy, để tránh vi phạm pháp luật và đặc biệt là bảo đảm được sự an toàn cho các con bố mẹ cần thay đổi tư duy, tôn trọng ý kiến của con và hiểu được các mối nguy hiểm khi đăng tải quá nhiều hình ảnh, thông tin cá nhân của con lên các trang mạng xã hội.Vì thế, việc nâng cao ý thức của phụ huynh trong việc thực hiện Luật Trẻ em là rất cần thiết.

Như vậy, dù hiện nay Luật đã quy định, tuy vẫn còn nhiều kẽ hở, thiếu sót nhưng từ đây các bậc làm cha, làm mẹ nói riêng và cộng đồng xã hội nói chung đã biết việc đăng tải thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, an toàn của trẻ. Chỉ vì một chút “khoe con” mà có thể con cái mình trở thành nạn nhân của những tệ nạn xã hội… Vì vậy, “ hãy yêu con vì bạn thấy hạnh phúc chứ không phải để chứng tỏ với thế giới ”.

  •  7043
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…