DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Bị cáo phát biểu lời bào chữa trước hay người bào chữa phát biểu trước ?

Vấn đề bị cáo phát biểu lời bào chữa trước hay người bào chữa phát biểu trước khi tranh luận tại phiên tòa tưởng chừng như đã quá rõ ràng khi được luật định nhưng đây lại là một vấn đề mà chính Hội đồng xét xử cũng cần phải cân nhắc linh hoạt trong từng tình huống cụ thể.

 

Các quy định của pháp luật liên quan đến trình tự phát biểu khi tranh luận

“Điều 217. Trình tự phát biểu khi tranh luận

1. Sau khi kết thúc việc xét hỏi tại phiên tòa, Kiểm sát viên trình bày lời luận tội, đề nghị kết tội bị cáo theo toàn bộ hay một phần nội dung cáo trạng hoặc kết luận về tội nhẹ hơn; nếu thấy không có căn cứ để kết tội thì rút toàn bộ quyết định truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo không có tội.

Luận tội của Kiểm sát viên phải căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra tại phiên toà và ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự và những người tham gia tố tụng khác tại phiên toà.

2. Bị cáo trình bày lời bào chữa, nếu bị cáo có người bào chữa thì người này bào chữa cho bị cáo. Bị cáo có quyền bổ sung ý kiến bào chữa…”(Bộ Luật tố tụng hình sự 2003)

Điều 320. Trình tự phát biểu khi tranh luận

1. Sau khi kết thúc việc xét hỏi, Kiểm sát viên trình bày luận tội; nếu thấy không có căn cứ để kết tội thì rút toàn bộ quyết định truy tố và đề nghị Tòa án tuyên bố bị cáo không có tội.

2. Bị cáo trình bày lời bào chữa; người bào chữa trình bày lời bào chữa cho bị cáo; bị cáo, người đại diện của bị cáo có quyền bổ sung ý kiến bào chữa

3. Bị hại, đương sự, người đại diện của họ trình bày ý kiến để bảo vệ quyền và lợi ích của mình; nếu có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ thì người này có quyền trình bày, bổ sung ý kiến.

4. Trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại thì bị hại hoặc người đại diện của họ trình bày, bổ sung ý kiến sau khi Kiểm sát viên trình bày luận tội. (Bộ Luật tố tụng hình sự 2015)”

Quy định tại Điều 217 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 đã dẫn đến thực trạng khi xét xử, Chủ toạ phiên toà phải điều khiển phần tranh luận theo trình tự: trong trường hợp bị cáo khi tham gia phiên toà mà có người bào chữa thì người này sẽ bào chữa thay cho bị cáo, còn bị cáo chỉ trình bào lời bào chữa bổ sung nếu có. Người bào chữa thực hiện việc bào chữa theo nguyên tắc “sử dụng các biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng”. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là người bào chữa vì bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người được bào chữa mà quyết định thay ý chí của người được bào chữa. Do đó, việc bị cáo đáng lẽ phải là “nhân vật chính” trong vụ án thực hiện việc bào chữa cho chính mình thì lại bị quy định trở thành “nhân vật phụ”, trình bày lời bào chữa bổ sung là chưa hợp lý.

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định trình tự phát biểu khi tranh luận của bị cáo và người bào chữa cho bị cáo có sự thay đổi cơ bản, phù hợp với việc đảm bảo quyền của bị cáo.

Theo kết cấu xây dựng điều luật quy định tại khoản 2 Điều 320 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì bị cáo và người bào chữa “ngang nhau” về thứ tự khi phát biểu tranh luận tại phiên toà. Tức là có thể bị cáo trình bày lời bào chữa trước, rồi đến người bào chữa trình bày cho bị cáo, nhưng cũng có thể người bào chữa trình bày lời bào chữa trước, rồi bị cáo mới trình bày lời bào chữa bổ sung.

Bị cáo phát biểu lời bào chữa trước hay luật sư bào chữa phát biểu trước?

Thực tế cho thấy có nhiều trường hợp tại phiên toà, sau khi người bào chữa trình bày lời bào chữa theo hướng giảm nhẹ hoặc hướng hành vi phạm tội của bị cáo sang tội nhẹ hơn tội mà bị cáo bị truy tố thì đến khi bị cáo trình bày lời bào chữa bổ sung đã nhận hết trách nhiệm về hành vi phạm tội, đi ngược với quan điểm của luật sư bào chữa. Có trường hợp người bào chữa đồng ý quan điểm của Kiểm sát viên buộc tội bị cáo và chỉ xin cho bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhưng bị cáo lại hoàn toàn không nhận tội.

Chúng tôi nhận thấy, trong quá trình xét xử tại phiên tòa, HĐXX nên ưu tiên quyết định của bị cáo. Theo đó, HĐXX sẽ để cho bị cáo quyết định trong phần bào chữa, họ phát biểu lời bào chữa trước hay sau người bào chữa. Nếu bị cáo đề nghị người bào chữa phát biểu trước thì HĐXX không có căn cứ nào buộc họ phải phát biểu trước. Sau khi người bào chữa phát biểu xong, bị cáo thực hiện quyền ý kiến bổ sung ý kiến người bào chữa.

 

  •  5358
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…