DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Bảo vệ Người làm chứng trong Tố tụng hình sự

Theo các qui định tại Điều 55 - Bộ luật tố tụng hình sự 2003:

 

Điều 55. Người làm chứng

1. Người nào biết được những tình tiết liên quan đến vụ án đều có thể được triệu tập đến làm chứng.

2. Những người sau đây không được làm chứng:

a) Người bào chữa của bị can, bị cáo;

b) Người do có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả năng nhận thức được những tình tiết của vụ án hoặc không có khả năng khai báo đúng đắn.

3. Người làm chứng có quyền:

a) Yêu cầu cơ quan triệu tập họ bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình khi tham gia tố tụng;

b) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

c) Được cơ quan triệu tập thanh toán chi phí đi lại và những chi phí khác theo quy định của pháp luật.

4. Người làm chứng có nghĩa vụ:

a) Có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án; trong trường hợp cố ý không đến mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải;

b) Khai trung thực tất cả những tình tiết mà mình biết về vụ án.

Người làm chứng từ chối hoặc trốn tránh việc khai báo mà không có lý do chính đáng, thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 308 của Bộ luật hình sự; khai báo gian dối thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 307 của Bộ luật hình sự.

 

Như vậy, người làm chứng là những người biết được những tình tiết liên quan đến vụ án và được cơ quan tiến hành tố tụng triệu tập để làm chứng. Theo qui định nêu trên, người làm chứng có quyền được yêu cầu bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản, các quyền lợi ích hợp pháp khác khi tham gia tố tung.

Vấn đề bảo vệ người làm chứng đã được pháp luật nhiều nước trên thế giới quy định và áp dụng từ lâu, ví dụ như ở Mỹ, có cả qui chế đầy đủ và chặt chẽ để bảo vệ người làm chứng nhằm mục đích tránh sự trả thù hoặc các hành vi làm phương hại đến người làm chứng của bị can, bị cáo và những người có liên quan. Ở nước ta, vấn đề bảo vệ người làm chứng mới được quy định tại Điều 55 trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Tuy nhiên, do chưa có các văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết cũng như qui chế áp dụng để bảo vệ người làm chứng nên trong quá trình áp dụng đã nảy sinh nhiều khó khăn, bất cập. Vì vậy, việc xây dựng và hoàn thiện các quy định của pháp luật cũng như các phương án để bảo vệ người làm chứng trong các vụ án hình sự đang được đặt ra cấp thiết.

 

Hiện nay, trong nghiên cứu lý luận cũng như trong dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật, nhiều biện pháp để bảo vệ người làm chứng đã được đề xuất, trong đó có các biện pháp như: Di chuyển chỗ ở, bí mật nơi công tác, nơi học tập… của họ, giữ kín danh tính, có chế độ bảo vệ đặc biệt do cơ quan cảnh sát tiến hành, .v.v..

Đây là những biện pháp cần thiết, song nếu áp dụng sẽ gặp không ít khó khăn, phức tạp, bởi con người là tổng hoà các mối quan hệ xã hội. Khi phải thay đổi lai lịch, bí mật nơi cư trú, nơi làm việc… hàng loạt các quan hệ xã hội sẽ bị gián đoạn cũng như quyền và nghĩa vụ đi liền với các quan hệ đó, gây nên cú sốc và sự xáo trộn về tâm lý không dễ dàng vượt qua cho một con người… Vì vậy, vấn đề này cần phải được nghiên cứu một cách nghiêm túc với đầy đủ tinh thần trách nhiệm của người có thẩm quyền và các cơ quan nhà nước.

 

Có thể thấy rằng, dù pháp luật về bảo vệ người làm chứng có hoàn thiện đến mấy đi chăng nữa thì vẫn tồn tại những trở ngại rất khó khắc phục. Do đó, việc xây dựng cũng như áp dụng các quy định về vấn đề này vào thực tiễn không chỉ phải tuân thủ các nguyên tắc chung của pháp luật, mà còn phải tính đến những đặc điểm có tính đặc thù để đề ra các phương án bảo vệ thích hợp.

 

Theo quan điểm của người viết, việc bảo vệ người làm chứng gắn liền với việc sử dụng lời khai của họ trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, nên tuỳ từng trường hợp cụ thể có thể áp dụng các phương án sau đây:

 

Thứ nhất, không sử dụng lời khai của người làm chứng mà dùng các biện pháp khác, các nguồn chứng cứ khác được pháp luật cho phép để chứng minh tội phạm. Cụ thể là, cơ quan tiến hành tố tụng đã có lời khai của người làm chứng, nhưng để tránh những bất trắc có thể xảy ra cho họ và gia đình, các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ coi lời khai của họ là những tài liệu để lập kế hoạch giải quyết vụ án. Bên cạnh đó, cũng cần phải tính đến phương án “chuyển hoá” lời khai của người làm chứng sang nguồn chứng khác như kết luận giám định, biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản khám xét… (vấn đề này được hiểu tương tự như hoạt động chuyển hoá tài liệu trinh sát thành chứng cứ mà một số cơ quan có chức năng đấu tranh phòng chống tội phạm vẫn đang áp dụng).

 

Mặc dù làm theo cách này, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ hết sức vất vả, nhưng đổi lại, đây lại là biện pháp bảo đảm an toàn nhất cho người người làm chứng. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể sử dụng được phương án này, bởi không ít trường hợp, người phạm tội đã biết rõ về người làm chứng.

 

Thứ hai, nếu buộc phải sử dụng lời khai của người làm chứng để chứng minh tội phạm thì cần tính đến phương án giữ bí mật, lai lịch, đặc điểm nhân dạng, giọng nói cho họ. Để bảo đảm được yêu cầu này, cần phải có cách làm hợp lý trong tiến trình tố tụng. Chẳng hạn như, trong giai đoạn điều tra, phải tiến hành lấy lời khai của người người làm chứng ở nơi ít gây chú ý nhất cho những kẻ phạm tội và đồng bọn của chúng, việc chuyển giấy triệu tập họ cũng phải được bảo đảm sự kín đáo cần thiết… Khi xét xử, họ có thể xuất hiện trước phiên toà trong điều kiện được trùm kín mặt hoặc được khai ở một phòng khác (khi cần phải đảm bảo bí mật về cả về nhân dạng và giọng nói). Trong phòng đó chỉ có sự tham dự của thẩm phán và thư ký toà án.

 

Trong trường hợp này, việc giữ bí mật và bảo vệ người làm chứng do các cơ quan tiến hành tố tụng vụ án có trách nhiệm thực hiện.

 

Thứ ba, khi không thể áp dụng một trong hai giải pháp trên thì buộc phải công khai lai lịch, nhân dạng (có thể do tình huống trong vụ án mà thủ phạm hoặc đồng bọn của chúng đã biết; cũng có thể do yêu cầu chứng minh tội phạm mà không thể sử dụng hai cách trên…). Tuy nhiên, cần phải tính đến phạm vi, mức độ và yêu cầu của việc bảo vệ người làm chứng trong từng trường hợp cụ thể; cần phải có cơ quan chuyên trách có đủ thẩm quyền, lực lượng, phương tiện, kinh phí để thực hiện. Đặc biệt là, phải có sự phối hợp của nhiều cơ quan khác có liên quan nhưng vẫn phải bảo đảm bí mật.

 

Về lâu dài, cần phải xác định rằng, việc sử dụng lời khai của người làm chứng trong việc chứng minh tội phạm chỉ là biện pháp cuối cùng khi không còn các nguồn và biện pháp hợp pháp khác thay thế nó.

 

Cần có các quy định để khuyến khích sự tham gia tích cực của công dân trong đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo đảm cho họ luôn được bảo vệ ở độ an toàn cao nhất. Về phía các cơ quan tiến hành tố tụng và người có tiến hành tố tụng, cần đào tạo theo hướng tăng cường năng lực áp dụng các biện pháp thu thập các nguồn chứng cứ khác như: vật chứng, các biên bản khám nghiệm, khám xét, kết luận giám định, thực nghiệm điều tra…

 

Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu để tiến tới xây dựng một đạo luật về bảo vệ người làm chứng trong thời gian sớm nhất làm cơ sở cho việc bảo vệ người làm chứng, khuyến khích mọi công dân tham gia tố tụng góp phần giải quyết đúng đắn và chính xác vụ án hình sự.

 

(Luật sư Nguyễn Văn Tuấn)

 

 

  •  12053
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…