DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Bạo Lực Gia Đình - Ý kiến trả lời của Luật Sư Nguyễn Văn Tuấn

 

"Chào luật sư!

Gia đình tôi đang xảy ra mâu thuẫn rất lớn, tôi không biết phải giải quyết như thế nào, kính mong luật sư tư vấn giúp tôi.

Cha tôi nay đã 52 tuổi, mẹ tôi 53 tuổi, tôi có 3 anh chị em, tất cả đã lớn, tôi là con út cũng đã 24 tuổi. Từ lúc tôi còn nhỏ cha tôi đã hay đánh đập mẹ tôi vô cớ, nhiều lần đánh mẹ tôi ngất xỉu, lỗ đầu chảy máu. Nhưng vì thương chồng, sợ con cái sẽ khổ khi không có cha mẹ bên cạnh nên mẹ tôi cố gắn chịu đựng nhẫn nhịn sống như vậy mà không ly hôn (vì ông bà ngoại tôi ly hôn lúc mẹ tôi còn nhỏ nên mẹ tôi rất hiểu cảnh khổ của con cái khi cha mẹ ly hôn). Cha tôi không chung thủy với mẹ tôi, số tình nhân bên ngoài của cha tôi có đến hơn chục người. Vì bị mẹ tôi bắt gặp nên cha tôi hay kiếm chuyện vô cớ để đánh mẹ tôi. Vì danh dự của chồng, của gia đình nên mẹ tôi không tố giác vì cha tôi là cán bộ nhà nước, làm phó công an xã khoảng 15 năm, sau đó ông chuyển sang làm phó chủ tịch hội nông dân 3 năm và hiện vẫn đang làm, ông còn có hơn 13 năm tuổi Đảng. Mẹ tôi luôn nghĩ cho chồng con cho gia đình nhưng cha tôi không bao giờ nghĩ cho mẹ tôi, gần đây nhất là sự việc cha tôi đánh mẹ tôi gãy xương chính mũi. Không thể chịu đựng được nữa nên mẹ tôi đã làm đơn gửi lên xã. Tôi không biết giải quyết thế nào nhưng cuối cùng không kỷ luật cha tôi và cha tôi về nhà tiếp tục gây sự với mẹ tôi. Cách đây vài ngày cha tôi đi nhậu về kiếm chuyện với mẹ và anh em tôi, cha tôi dí đánh anh tôi và tự vấp té gãy răng, nhưng cha tôi nói là do anh tôi xô ngã rồi đánh gãy răng, trong khi đó có rất nhiều người hàng xóm đều nhìn thấy và làm chứng là cha tôi tự té chứ anh tôi không đụng gì tới ông (vì khi đó anh tôi đứng xa phía trước mặt ông thì làm sao xô ngã được). Tôi gọi báo công an xuống xác minh và chúng tôi được mời lên cơ quan làm việc, riêng cha tôi thì không mời lên vì đang có rượu trong người. Trong lúc công an đang lấy lời khai của chúng tôi ở cơ quan thì cha tôi cùng với khoảng 6 người nữa, (đó là những người anh em con cháu của cha tôi mà tôi gọi là bác, chú ruột, anh em cùng ông nội với tôi) tất cả kéo vô tận cửa trụ sở công an hâm dọa chửi bới đòi dở nhà đánh chúng tôi, lực lượng công an đứng ra can ngăn rất lâu họ mới đi về nhưng hâm dọa chúng tôi là sẽ đợi ở nhà của tôi để chúng tôi về là đánh chúng tôi, và họ đã ở nhà tôi đợi tới gần sáng mới chịu về, đêm đó mẹ và anh em tôi phải ngủ nhờ nhà người khác.

 

Tôi có một số thắc mắc muốn nhờ luật sư tư vấn giúp tôi như sau:

Thứ nhất, Cha tôi ngoại tình rồi bạo lực gia đình như vậy và còn là cán bộ nhà nước là Đảng viên mà sao không kỷ luật được ông. Hành vi bạo lực gia đình đó sẽ bị xử lý như thế nào? Mẹ tôi phải làm sao để bảo vệ tính mạng của mình (vì cha tôi rất hung bạo), mẹ tôi phải làm những đơn gì và gửi lên cơ quan nào để giải quyết và chấm dứt hành vi bạo lực gia đình của cha tôi.

Thứ hai, Tôi đang kinh doanh internet và vật liệu xây dựng tại nhà, tôi là người đứng tên đăng ký kinh doanh (tôi và anh chị vẫn sống cùng một nhà với cha mẹ vì chúng tôi chưa lập gia đình), chúng tôi kinh doanh nhưng cha tôi luôn cản trở việc kinh doanh của tôi, thường xuyên mắng chửi đuổi khách hàng của tôi làm tôi không kinh doanh được, mất đi thu nhập rất lớn, tôi phải làm sao để kinh doanh được xuôn xẻ vì đây là nguồn thu nhập chính của cả gia đình.

Thứ ba, những người kéo nhau vô trụ sở công an hâm dọa đòi đánh chém chúng tôi mà sao lúc đó công an không ai làm gì họ để họ đe dọa chúng tôi và còn về nhà tôi ở đó đợi đánh chúng tôi. Không lẽ không có biện pháp nào ngăn chặn hay sao?

Thứ tư, lúc đầu cha tôi đồng ý ly hôn và ông đề nghị tài sản chia đều cho 05 người trong gia đình, có sự chứng kiến của rất nhiều người nhưng khi đưa bản thỏa thuận để ký tên sau này làm chứng cứ thì ông không chịu ký và ông không ly hôn. Đất hiện nhà chúng tôi đang ở và kinh doanh là do ông ngoại tôi để lại cho mẹ tôi, nhưng làm sổ thì cha tôi đứng tên và giờ cha tôi nói là cha tôi mua của ông ngoại tôi nhưng không có giấy tờ mua bán.

Lúc trước gia đình tôi mua 3.000m2 đất của bác 7 tôi nhưng không làm giấy mua bán mà làm giấy cho tặng và cha tôi là người đứng tên (vì lúc đó chúng tôi còn nhỏ, cha tôi nói với mẹ tôi là làm giấy cho tặng để đóng phí trích bạ ít, mẹ tôi tin tưởng cha tôi nên đồng ý).

Luật sư xin tư vấn giúp tôi nếu ly hôn ra tòa chia tài sản thì số tài sản trên chia như thế nào. Mẹ tôi muốn giữ lại nguyên phần mảnh đất của ông ngoại tôi để lại cho mẹ tôi có được không? Khi cha mẹ ly hôn chúng tôi có được chia số tài sản trên không vì khi bình thường không có xích mích cha tôi hay nói với mọi người là căn nhà hiện đang sinh sống sau này chúng tôi lớn sẽ chia đều cho 03 đứa rồi cha mẹ tôi về vườn sinh sống. Nhưng giờ xảy ra mâu thuẫn nên cha tôi không đồng ý cho chúng tôi mà ông muốn chia 2 thôi. Và ông nói toàn bộ các khoản nợ vay ngân hàng của gia đình ông không chịu trách nhiệm và ông không trả (lúc vay là thế chấp sổ đỏ của gia đình do cha tôi đứng tên).

Tôi rất bế tắc, không biết phải làm sao, cha mẹ ly hôn tôi cũng rất buồn nhưng sức chịu đựng của con người có giới hạn, tôi không muốn nhìn thấy mẹ tôi phải sống trong khổ sở và nạn bạo lực gia đình này nữa. Rất mong luật sư tư vấn giúp tôi. Tôi thành thật biết ơn rất nhiều! "

 

Cảm ơn bạn đã tin tưởng công ty Luật NewVisionLaw, trường hợp của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:

Thứ nhấtmẹ bạn có thể viết đơn tố cáo hành vi của cha bạn gửi đến các cơ quan có thẩm quyền, theo luật bao gồm cơ quan công an hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra bạo lực gia đình. Nạn nhân hoặc bất kỳ người nào phát hiện ra hành vi bạo lực gia đình này đều có quyền tố cáo người vi phạm đến các cơ quan nêu trên. Ngoài ra, người bị bạo lực gia đình có thể đề nghị các cơ quan ban ngành giúp đỡ như Hội phụ nữ, Ủy ban Mặt trận tổ quốc địa phương. Trong đơn phải nêu các tình tiết chi tiết, cụ thể mang tính thực tế, các dẫn chứng về việc bạo hành, ngày tháng cụ thể, hành động như thế nào, gây hậu quả gì, có ai chứng kiến hoặc biết, đã báo địa phương chưa, ai làm chứng, người đó đã bị xử lý hành chính chưa? Kèm theo là các chứng cứ như: hình ảnh, giấy tờ điều trị thương tích, biên bản giải quyết vụ việc, lời khai nhân chứng, các hung khí dùng để bạo hành...

Theo khoản 1 Điều 5 Luật phòng, chống bạo lực gia đình quy định về Quyền và nghĩa vụ của nạn nhân bạo lực gia đình thì nạn nhân bạo lực gia đình có các quyền sau đây:

“a) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình;

b) Yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật này;

c) Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật;

d) Được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác theo quy định của Luật này;

đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.”

Theo đó, nạn nhân của bạo hành gia đình có thể nhờ đến sự trợ giúp của các cơ sở bảo trợ xã hội để tìm nơi tạm lánh; Nếu tình trạng bạo lực ngày càng trầm trọng ảnh hưởng đến tính mạng, sức khoẻ thì người vợ có thể yêu cầu Uỷ ban Nhân dân hoặc Toà án nơi vợ chồng cư trú áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc đối với người chồng.

Sau khi đã đảm bảo an toàn sức khỏe, thân thể của bản thân thì nạn nhân có thể viết đơn xin ly hôn gửi đến Tòa án cấp có thẩm quyền. Việc người chồng bạo hành người vợ dẫn đến mâu thuẫn vợ chồng trở nên trầm trọng là lý do chính đáng để người vợ  làm đơn xin ly hôn và là cơ sở khi Tòa án chấp nhận xử cho ly hôn. Trong trường hợp này có thể Tòa án sẽ giải quyết cho ly hôn theo yêu cầu 1 bên nếu hòa giải không thành. Khi nộp đơn khởi kiện cần mang theo: Đăng kí kết hôn (bản chính), CMND, Sổ hộ khẩu, Giấy khai sinh của con (nếu có con chung). Trong đơn nêu rõ mọi vấn đề để tòa xem xét.

 

Thứ hai, về việc cha bạn cản trở công việc kinh doanh, bạn có thể tố cáo ông có hành vi gây rối trật tự công cộng với cơ quan chức năng như nói bên trên.

 

Thứ ba, nếu cơ quan chức năng xã phường không thể giải quyết. Bạn có thể làm đơn khiếu nại lên các cơ quan cấp cao hơn để được giải quyết bảo vệ quyền lợi của mình.

 

Thứ tư, về việc chia tài sản. Việc chia tài sản chung được giải quyết theo các nguyên tắc sau đây:

Tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi, nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập.

Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật hoặc theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần giá trị chênh lệch.

Theo quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình, tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thoả thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được trước khi kết hôn, được thừa kế riêng chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có thoả thuận.

Trong trường hợp không có chứng cứ chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó là tài sản chung.

 

(Quan điểm riêng của Luật sư Công ty TNHH NewVision Law – Đoàn Luật sư Hà Nội.)
 
 
  •  6783
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…