DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Bằng chứng đã đủ để kết tội Vũ Đình Huân??

Quyết định giám đốc thẩm số02/2006/HS-GĐT ngày 20/02/2006 về vụ án Vũ Đình Huân phạm tội “Giết người” và “Cướp tài sản”
Cập nhật: 19-08-2011 16:55:31


QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM SỐ02/2006/HS-GĐT NGÀY 20-02-2006 VỀ VỤ ÁN VŨ ĐÌNH HUÂN PHẠM TỘI “GIẾT NGƯỜI” VÀ “CƯỚP TÀI SẢN”

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

...

Ngày 20 tháng 02 năm 2006, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với:

Vũ Đình Huân sinh ngày 15-10-1981; đăng ký hộ khẩu thường trú tại thôn Vị Khê, xã Điền Xá, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định; tạm trú tại tổ 16, ấp Bến Mương, xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh; nghề nghiệp: làm mướn; trình độ văn hoá: lớp 9/12; con ông Vũ Đình Sinh và bà Hoàng Thị Chúc; bị bắt giam ngày 12-12-2003.

Người bị hại: ông Lê Văn Cầu sinh năm 1935 (đã chết); trú tại Long Qưới B, xã Long Phú, huyện Tân Châu, tỉnh An Giang; không có vợ, con; người đại diện hợp pháp của người bị hại: bà Trần Thị Chính (là thím dâu của ông Cầu), trú tại 106E/12, tổ 44, phường 3, quận 11, thành phố Hồ Chí Minh.

NHẬN THẤY:

Khoảng 10 giờ ngày 07-12-2003, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tây Ninh nhận được tin báo ông Lê Văn Cầu là người làm thuê bị chết trong vườn cây cảnh do anh Lý Hên là chủ.

Quá trình điều tra xác định như sau: Vũ Đình Huân và ông Lê Văn Cầu cùng là người làm thuê chăm sóc cây cảnh cho anh Lý Hên tại tổ 16, ấp Bến Mương, xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh, ông Cầu vào làm từ tháng 8-2003, mỗi tháng được anh Hên trả cho 500.000 đồng. Huân vào làm từ tháng 9-2003, mỗi tháng được anh Hên trả cho 800.000 đồng. anh Hên làm cho ông Cầu và Huân mỗi người một cái chòi phía gần cuối vườn để nghỉ và ngủ tại vườn.

Theo lời khai của Huân, thì ngày 06-12-2003 như thường lệ, sau khi làm vườn đến 16 giờ, Huân về nấu cơm tại nhà sàn, 17 giờ ông Cầu và Huân cùng ăn cơm đến 17 giờ 30, ăn xong ông Cầu về chòi ngủ cách nhà sàn hơn 100 m, còn Huân dọn nhà sàn và mở ti vi xem. Khoảng hơn 20 giờ nghe tiếng chó sủa theo hướng chòi trước đây Huân ở và chòi của ông Cầu đang ở, Huân tắt ti vi và đi về hướng có tiếng chó sủa xem có gì không. Vì trời sáng trăng nên Huân không mang theo đèn, khi đến hàng chuối chỗ có tấm ván bắc ngang con mương thì Huân phát hiện thấy có bóng người đang đi theo lối mòn ở giữa hai hàng cây Vạn Thiên Tùng cách chỗ Huân đang đứng khoảng 09m. Huân gọi “ai đó, ai đó”, nhưng không nghe thấy tiếng trả lời. Thấy bóng người đang lom khom làm gì đó, Huân nghĩ là kẻ trộm nên đi tiếp về hướng có bóng người và lấy 01 chiếc cuốc, cán làm bằng gỗ tầm vông để ở lối đi. Khi chỉ còn cách khoảng 1,5 m và đối diện nhau, Huân liền giơ cuốc thẳng lên đánh phần gọng cuốc vào vùng đầu người đó 02 cái liên tiếp theo hướng từ trên xuống. Khi nghe người đó kêu “á” rồi ngã xuống đất, Huân mới phát hiện đó là ông Cầu. Thấy ông Cầu nằm bất tỉnh, nghĩ ông Cầu đã chết, Huân liền ôm xác ông Cầu đến đặt ở khu vực vườn cây Thiên Tuế với tư thế nằm nghiêng bên phải cách chỗ vừa đánh khoảng 15m. Sau đó Huân quay lại lấy cuốc đến thùng nước trước cửa chòi trước đây Huân ở rửa tay và rửa sạch các vết máu dính ở cuốc và đem cuốc để ở vườn cây Vạn Thiên Tùng giáp với hàng cây Vạn Thiên Tuế gần chỗ để ông Cầu nằm. Đồng thời Huân lấy đôi dép của ông Cầu ném vào giữa hai hàng cây Vạn Thiên Tùng rồi đi về tắm, giặt. Sau đó vào nhà sàn vừa mở ti vi xem, vừa hút thuốc lá để suy nghĩ cách đối phó vì ông Cầu chết nằm trong vườn mà không mất tài sản thì Công an dễ nghi ngờ Huân đánh chết ông Cầu.

Đến khoảng 21 giờ, Huân cầm đèn pin đến soi xem ông Cầu đã chết thật chưa, rồi lấy ví ở túi quần sau của ông Cầu (trong ví có khoảng hơn 400.000 đồng) đem ra phía sau chòi chỗ Huân thường đốt rác hàng ngày, đổ dầu đốt toàn bộ số tiền có trong ví của ông Cầu. Sau khi đốt tiền xong, Huân cầm ví về chòi của ông Cầu lấy khoá, mở tủ, bỏ ví vào túi xách và khoá tủ lại để tạo hiện trường giả người ngoài đột nhập vào giết người, cướp tài sản. Xong Huân để chìa khoá vào chỗ cũ, tắt điện và về nhà sàn ngủ, nhưng không ngủ được vì lo sợ chưa xoá hết dấu vết.

Sáng sớm ngày 07-12-2004, sau khi ăn sáng xong, Huân định đến chỗ đánh ông Cầu xem còn dấu vết gì không, nhưng do sợ mọi người xung quanh nghi ngờ vì Huân không bao giờ ra vườn trước 7 giờ, nên khoảng 7 giờ Huân ra chỗ đã đánh ông Cầu đêm qua, thấy có nhiều vết máu còn dính trên mặt đất, Huân dùng máy bơm nước xoá hết các dấu vết máu và sau đó vào chòi của ông Cầu lấy thuốc lá hút nhằm trấn tĩnh rồi quay lại chỗ vừa xoá dấu vết, chờ khô đất để kiểm tra lại một lần nữa. Khi thấy không còn vết máu nào, Huân vào nhà điện báo cho anh Trương Văn Hiếu là người làm công cho anh Hên ở vườn cây cảnh khác, cách vườn cây cảnh mà Huân đang làm 6 km và báo cho anh Hên biết việc phát hiện ông Cầu chết. Khoảng 20 phút sau anh Hiếu đến và điện báo cho Công an huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh.

Tại Bản giám định pháp y số 15/GĐPY ngày 07-12-2003, Tổ chức giám định pháp y tỉnh Tây Ninh kết luận: nạn nhân Lê Văn Cầu chết do chấn thương sọ não, tác động do vật tày có cạnh sắc. Các dấu vết trên người ông Cầu thể hiện: rách da đầu vùng đỉnh trái 3 ´ 0,6 cm, rách da đầu vùng thái dương trái 4 ´ 0,6 cm, rách da đầu sau tai trái 2 ´ 1 cm, rách da đốt I ngón III tay trái 4 ´ 1 cm, rách da sau bàn tay trái 3 ´ 0,7 cm, gẫy xương đốt I ngón III tay trái; các vết rách da đều có bờ mép vết thương nham nhở.

Tại Biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 07 và 08-12-2003, Cơ quan điều tra thu được 02 chiếc cuốc; 04 tàu lá chuối; 01 đoạn ván gỗ bắc cầu; 02 chiếc dép nhựa màu trắng; 01 ví nhựa màu đen; 01 kìm mỏ lết…

Ngày 07 và ngày 08-12-2003, Cơ quan điều tra thu được trong người Huân 1.295.000 đồng; thu được 01 mảnh tiền loại 10.000 đồng bị rách nằm dưới mặt nước trong vườn cây cảnh.

Tại Biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 09-01-2004, Cơ quan điều tra thu lớp tro trên bề mặt đống tro nơi Huân khai đốt tiền.

Tại Bản kết luận giám định số 224/C21(CIII) ngày 30-12-2003, Phân viện khoa học hình sự Bộ công an kết luận: không phát hiện thấy dấu vết máu trên cây cuốc, cái kìm, 04 tàu lá chuối gửi đến giám định; trên đoạn ván gỗ và bịch đất gửi đến giám định có dính máu người, lượng dấu vết ít không đủ để xác định nhóm máu; mẫu máu ghi thu của nạn nhân Cầu thuộc nhóm máu 0.

Tại công văn số 874/C21(CIII) ngày 29-01-2004, Phân viện khoa học hình sự Tổng cục cảnh sát Bộ công an trả lời: Phân viện khoa học hình sự không đủ điều kiện, phương tiện để xác định “tro của tiền Ngân hàng Việt Nam” trong mẫu than tro gửi giám định.

Về tài sản của ông Cầu, qua xác minh được biết trước khi chết ông Cầu có khoảng 500.000 đồng (là tiền công anh Hên trả ngày 03-12-2003), 01 nhẫn màu vàng 01 chỉ 24k mua tháng 11-2003, nhưng khi ông Cầu chết không còn tài sản này.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 29/HSST ngày 03-02-2005, Toà án nhân dân tỉnh Tây Ninh áp dụng điểm e khoản 1 Điều 93; khoản 1 Điều 133; điểm p khoản 1 Điều 46; Điều 50 Bộ luật hình sự, xử phạt Vũ Đình Huân tử hình về tội “giết người” và 05 năm tù về tội “cướp tài sản”; tổng hợp hình phạt buộc Vũ Đình Huân phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội là tử hình.

Ngày 07-02-2005 Vũ Đình Huân kháng cáo với nội dung: xử bị cáo tử hình là quá nặng và không đúng tội danh mà bị cáo đã gây ra vì việc gây ra cái chết cho ông Cầu là do bị cáo nhầm tưởng chứ không có mục đích nào khác; việc lấy tiền đốt là để tạo hiện trường giả, đề nghị xem xét lại toàn bộ vụ án và tội danh.

Tại bản án hình sự phúc thẩm số 716/HSPT ngày 17-4-2005, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh áp dụng điểm g 
khoản 1 Điều 93; khoản 1 Điều 133; điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, xử phạt Vũ Đình Huân tử hình về tội “giết người” và 05 năm tù về tội “cướp tài sản”; tổng hợp hình phạt buộc Vũ Đình Huân phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội là tử hình.

Ngày 30-4-2005 Vũ Đình Huân có đơn xin tha tội chết gửi Chủ tịch nước với nội dung: kết án bị cáo về tội “giết người” để “cướp tài sản” là không đúng. Cái chết mà bị cáo gây ra cho ông Cầu là do nhầm tưởng như bị cáo đã khai báo chứ không có ý định lấy tài sản.

Ngày 18-5-2005 Vũ Đình Huân có đơn kêu oan gửi Chánh án Toà án nhân dân tối cao đề nghị xem xét lại tội “cướp tài sản” với lý do sau khi đánh ông Cầu chết, sợ đi tù và sợ bố mẹ buồn nên không dám nhận tội, nên đã lấy tiền của nạn nhân đốt để tạo hiện trường giả có người ngoài vào giết người để cướp tài sản.

Tại Kháng nghị giám đốc thẩm số29/HS-TK ngày 15-12-2005, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao huỷ bản án hình sự phúc thẩm số 716/HSPT ngày 17-4-2005 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh để xét xử phúc thẩm lại theo hướng giảm hình phạt cho Vũ Đình Huân về tội “giết người”.

Tại phiên toà giám đốc thẩm đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với Kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân dân tối cao; tuy nhiên, sau khi thảo luận, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị huỷ bản án hình sự phúc thẩm và bản án hình sự sơ thẩm nêu trên để điều tra lại.

XÉT THẤY:

Tại cơ quan điều tra, lúc đầu Huân không thừa nhận đã đánh ông Cầu chết, nhưng sau đó Huân khai nhận do nhầm tưởng ông Cầu là kẻ trộm nên đã dùng cuốc giơ thẳng lên đánh phần gọng cuốc vào vùng đầu ông Cầu hai cái liên tiếp theo hướng từ trên xuống. Sau khi biết ông Cầu chết, sợ phải chịu trách nhiệm về việc đánh chết ông Cầu nên đã lấy tiền đốt đi để tạo hiện trường giả có người ngoài vào giết ông Cầu và cướp tài sản. Căn cứ vào lời khai nhận tội của Vũ Đình Huân cùng các chứng cứ, tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án và kết quả xét hỏi, tranh luận tại phiên toà sơ thẩm, phiên toà phúc thẩm thì Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm kết án vũ Đình Huân về tội “giết người” là có căn cứ. Tuy nhiên, việc kết luận Vũ Đình Huân giết ông Cầu với mục đích cướp tài sản là chưa có căn cứ vững chắc, vì lời khai nhận tội của Huân và một số chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án không phù hợp với nhau, nên cần phải điều tra lại làm rõ thêm một số vấn đề cụ thể như:

Cần tiến hành thực nghiệm điều tra lại vì thương tích trên người nạn nhân không phù hợp với lời khai của bị cáo; cho nên, có thể thực nghiệm cho người khác đóng thế bị cáo và có sự chứng kiến của bị cáo nhằm xác định bị cáo có nhìn thấy rõ người bị hại như nhận xét của bản án phúc thẩm hay chỉ nhìn thấy mờ mờ như bị cáo khai, trên cơ sở đó khẳng định là đánh nhầm hay cố ý từ trước nhằm giết ông Lê Văn Cầu nhằm chiếm đoạt tài sản.

Giám định mảnh giấy bạc loại 10.000 Việt Nam đồng thu được tại hiện trường để xác định có phải bị đốt cháy như lời khai bị cáo không?

Lấy lời khai của anh Lý Hên để xác định anh Hên đã trả tiền công cho ông Cầu là bao nhiêu tháng hay mới chỉ trả 500.000 đồng, để xác định số tiền của ông Cầu trước khi chết; xác định nguồn gốc chiếc nhẫn của ông Cầu do đâu mà có, trước ngày ông Cầu chết có còn đeo nhẫn không? đeo nhẫn ở ngón tay nào?

Lấy lời khai của chị Dương để xác định chị Dương có đưa cho Huân 200.000 đồng không, vì chưa có lời khai của chị Dương về số tiền này và lấy lời khai bổ sung những người đã đưa tiền cho Huân để làm rõ nguồn tiền Huân có và tiền Huân đã chi tiêu có phù hợp số tiền như đã thu được trong người Huân không vì Huân khai về khoản tiền chi tiêu là không phù hợp với số tiền còn lại; tại lời khai ngày 09-12-2003 (BL78) Huân khai “việc tôi và ông Hai (tức ông Cầu) đổi tiền là chủ ý của tôi”, việc đổi tiền này có chủ ý gì?

Lấy lời khai các nhân chứng để xem xét tại thời điểm xảy ra vụ án, trong vườn cây cảnh có nuôi chó hay không?

Trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được Vũ Đình Huân cố ý giết chết ông Cầu nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản mà do tưởng nhầm ông Cầu là trộm mà đánh chết thì mức hình phạt tử hình đối với bị cáo là không cần thiết.

Vì các lẽ trên, căn cứ vào Điều 285 và Điều 287 Bộ luật tố tụng hình sự;

QUYẾT ĐỊNH:

1. Huỷ bản hình sự phúc thẩm số 716/HSPT ngày 17-4-2005 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và bản án hình sự sơ thẩm số 29/HSST ngày 03-02-2005 của Toà án nhân dân tỉnh Tây Ninh đối với Vũ Đình Huân để điều tra lại; chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao giải quyết việc điều tra lại theo thẩm quyền.

2. Tiếp tục tạm giam bị cáo Vũ Đình Huân cho đến khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao thụ lý lại vụ án.

____________________________________________

- Lý do huỷ bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm:

Chưa đủ căn cứ để xác định bị cáo phạm tội “Cướp tài sản” như quyết định của bản án sơ thẩm và phúc thẩm, cần tiến hành điều tra lại.

- Nguyên nhân dẫn đến việc huỷ các bản án sơ thẩm và phúc thẩm:

Thiếu sót trong việc xem xét, đánh giá chứng cứ.



Sắp tới bọn mình phải diễn án vụ án này, nhưng càng đọc càng thấy có quá nhiều điểm rắc rối và không biếtphải làm thế nào. Hiện tại  nhóm vẫn đang nghiêng về việc kết luận bị cáo phạm tội giết người. Tuy nhiên, chỉ dựa vào việc bị cáo khai nhận ( trong khi vẫn có trường hợp phản cung) mà đã kết tội liệu đã đủ chưa ?? Bà con có kinh nghiệm làm ơn chỉ giáo giùm với :)



  •  4982
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…