DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Bàn về tình tiết "có tính chất loạn luân" trong tội hiếp dâm trẻ em

Mỗi năm, cả nước có từ 1.600 đến 1.800 vụ xâm hại tình dục trẻ em được phát hiện. Hầu hết nghi can phạm tội trong các vụ xâm hại tình dục trẻ em là những người gần gũi nạn nhân như người quen của bố mẹ, hàng xóm, thậm chí là giáo viên, bố dượng, bố đẻ... (Nguồn: VNExpress)

Trong số ấy, những vụ án khiến dư luận bàng hoàng và lên án gay gắt nhất luôn là những vụ án mà kẻ thủ ác là ông, cha, chú, anh, em ruột thịt của nạn nhân, mà tiêu biểu là vụ việc bé P.T.L.Đ. (11 tuổi) bị chính ông nội và cha ruột là Phan Thanh T. (36 tuổi) và Phan Thanh S. (62 tuổi) cưỡng hiếp nhiều lần ở tỉnh Vĩnh Long, được báo chí đồng loạt đưa tin vào ngày 02/4/2017.

Như vậy, pháp luật hình sự quy định như thế nào về trường hợp này?

Theo Điểm a Khoản 2 Điều 112 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), người phạm tội hiếp dâm trẻ em có tính chất loạn luân sẽ bị phạt tù từ 12 đến 20 năm. Như vậy, có tính chất loạn luân là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.

Mục 6 Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 25/09/2001 Hướng dẫn áp dụng các quy định tại chương XV "Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình" của Bộ luật Hình sự năm 1999 do Bộ Tư pháp – Bộ Công an – Tòa án nhân dân tối cao – Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành ( dưới đây gọi tắt là Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC) hướng dẫn chi tiết như sau:

- Loạn luân là việc giao cấu giữa:

+ Cha, mẹ với con;

+ Ông, bà với cháu nội, cháu ngoại;

+ Anh, chị , em cùng cha mẹ;

+ Anh, chị, em cùng mẹ khác cha hoặc cùng cha khác mẹ.

Các trường hợp cha dượng, mẹ kế xâm hại con riêng hay bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể thì không có tính chất loạn luân.

- Trong trường hợp hành vi loạn luân kèm theo dấu hiệu dùng vũ lực, đe đọa dùng vũ lực, lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác và được thực hiện với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi,  hoặc với người dưới 13 tuổi (dù là thuận tình giao cấu), thì người thực hiện hành vi đó sẽ bị truy cứu tội hiếp dâm trẻ em theo Điểm a Khoản 2 Điều 112 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Có thể thấy rằng các quy định về tình tiết có tính chất loạn luân đối với tội hiếp dâm trẻ em được quy định trong Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC vẫn còn nhiều điểm bất hợp lí, cụ thể là:

Thứ nhất, dựa theo sự sắp xếp của các nhà làm luật, ta có thể hiểu rằng  Khoản 2, Khoản 3 là cấu thành tội phạm tăng nặng cho hành vi hiếp dâm trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi được quy định tại Khoản 1, còn tình tiết giao cấu với trẻ em dưới 13 tuổi là tình tiết định khung riêng của Khoản 4 Điều 112 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) chứ không thuộc ba khoản trên. Do đó, nếu một người phạm thực hiện hành vi loạn luân với trẻ em dưới 13 tuổi thì sẽ bị truy cứu theo Khoản 4 mà không bị truy cứu theo Điểm a Khoản 2 Điều này.

Thứ hai,tình tiết có tính chất loạn luân được quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 112 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), với mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, trong khi hành vi giao cấu với người dưới 13 tuổi được quy định tại Khoản 4 Điều này lại có mức hình phạt cao nhất là tử hình. Vậy, nếu người phạm tội thuộc cả hai trường hợp trên thì sẽ bị truy cứu theo điều khoản nào? Về nguyên tắc, chúng ta phải áp dụng cách giải quyết vụ án có lợi hơn cho người phạm tội, và đó là lí do Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC đã quy định mọi trường hợp phạm tội giao cấu với trẻ em dưới 13 tuổi thì người thực hiện hành vi trên sẽ bị truy cứu theo Điểm a Khoản 2 Điều 112 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) với mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù. Điều này là không phù hợp và bất công vì rõ ràng hành vi giao cấu với trẻ em chưa đủ 13 tuổi có mức độ nguy hiểm cho xã hội cao hơn và cũng gây ra những hậu quả nặng nề hơn cho nạn nhân so với hành vi hiếp dâm trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nhưng lại được áp dụng cùng một khung hình phạt.

Nhận thức được sự bất cập này, các nhà lập pháp Bộ luật hình sự 2015 đã đưa hành vi giao cấu với trẻ em dưới 13 tuổi vào cùng cấu thành tội phạm cơ bản, có khung hình phạt từ 07-15 năm tù, với hành vi hiếp dâm trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi tại Khoản 1 Điều 142 Bộ luật hình sự 2015, mà không tách ra thành một khoản riêng nữa; đồng thời giữ nguyên tinh thần của Bộ luật hình sự 1999 (đã sửa đổi, bổ sung năm 2009) về tình tiết tăng nặng. Điều này có nghĩa là, sự mâu thuẫn trong quy định pháp luật như đã trình bày không còn, song cũng cho thấy khuynh hướng giảm hình phạt cho người phạm tội mà các nhà lập pháp hướng đến.

Hiện nay, Bộ luật hình sự năm 2015 đang tạm hoãn thi hành theo Nghị quyết số 144/2016/QH13 do Quốc hội Khóa 13 ban hành và trong quá trình sửa đổi, bổ sung. Chúng ta hãy cùng chờ đợi xem liệu có thay đổi gì về vấn đề này hay không?

Trên đây là quan điểm của mình. Rất mong nhận được sự chia sẻ và đóng góp ý kiến từ mọi người.

  •  27646
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

10 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…