DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Bàn về Địa vị pháp lý của Người đại diện theo Pháp Luật và Giám Đốc của Doanh nghiệp theo Pháp luật

Trong hoạt động kinh doanh của Doanh nghiệp hiện nay, khi giao kết hợp đồng các Doanh nghiệp còn khá nhiều lúng túng khi không thể xác định rõ ràng ai có đủ tư cách để tham gia giao kết hợp đồng theo quy định pháp luật, từ đó đảm bảo tính có hợp pháp và tính có hiệu lực của hợp đồng đã giao kết.

Sau đây là một vài ý kiến của tác giả về vấn đề này.

Trước tiên, chúng ta cùng nghiên cứu  địa vị pháp lý của Người đại diện pháp luật theo pháp luật Việt Nam.

Theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Dân sự 2015 đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.Người đại diện phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập, thực hiện.

Đại diện theo pháp luật có 2 loại:

Đại diện theo pháp luật của cá nhân quy định tại  Điều 136 Bộ Luật Dân sự 2015

Đại diện theo pháp luật của Pháp nhân quy định tại Điều 137 Bộ Luật Dân sự 2015.

ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT CỦA CÁ NHÂN gồm các trường hợp sau:

“1. Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.

2. Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định.

3. Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

4. Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.”

ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT  CỦA PHÁP NHÂN  gồm các trường hợp sau:

“1. Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân bao gồm:

a) Người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ;

b) Người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật;

c) Người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án.

2. Một pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật và mỗi người đại diện có quyền đại diện cho pháp nhân theo quy định tại Điều 140 và Điều 141 của Bộ luật này

* Theo đó thời hạn đại diện được xác định theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật. Trường hợp không xác định được thời hạn đại diện theo quy nêu trên thì thời hạn đại diện được xác định như sau:

a) Nếu quyền đại diện được xác định theo giao dịch dân sự cụ thể thì thời hạn đại diện được tính đến thời điểm chấm dứt giao dịch dân sự đó;

b) Nếu quyền đại diện không được xác định với giao dịch dân sự cụ thể thì thời hạn đại diện là 01 năm, kể từ thời điểm phát sinh quyền đại diện.

Đại diện theo pháp luật  của Pháp nhân chấm dứt trong trường hợp sau đây:

- Pháp nhân chấm dứt tồn tại;

- Căn cứ khác theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan.

* Về Phạm vi đại diện của Đại diện theo pháp luật của Pháp nhân được  Điều 141 Luật Dân sự  quy định như sau:

“1.Người đại diện chỉ được xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện theo căn cứ sau đây:

a) Quyết định của cơ quan có thẩm quyền;

b) Điều lệ của pháp nhân;

c) Nội dung ủy quyền;

d) Quy định khác của pháp luật.

2. Trường hợp không xác định được cụ thể phạm vi đại diện theo quy định tại khoản 1 Điều này thì người đại diện theo pháp luật có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

3. Một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

4. Người đại diện phải thông báo cho bên giao dịch biết về phạm vi đại diện của mình.”

“Quy định khác của pháp luật” trong các điều luật nói trên của Bộ Luật dân sự phải tuân thủ nguyên tắc chung của  Bộ Luật Dân sự 2015 và phải tôn trọng Bộ Luật Dân sự  như là Luật gốc của các Luật :

“1. Bộ luật này là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự.

2. Luật khác có liên quan điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này.

3. Trường hợp luật khác có liên quan không quy định hoặc có quy định nhưng vi phạm khoản 2 Điều này thì quy định của Bộ luật này được áp dụng……”

Điều 13 Luật doanh nghiệp 2014 đã có quy định về người đại diện theo pháp luật của Doanh nghiệp  trong đó quy định người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH, Công ty Cổ phần, Công ty hợp danh ( Là các pháp nhân) và Doanh nghiệp tư nhân ( không có tư cách pháp nhân- Chủ doanh nghiệp được quy định là người đại diện theo pháp luật của DNTN) với định nghĩa có phần giới hạn quyền của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân, cụ thể như sau:

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.”

Theo cách trình bày này thì người đại diện pháp theo pháp luật của Doanh nghiệp chỉ có quyền thực hiện các quyền và nghĩa vụ “phát sinh” từ giao dịch của Doanh nghiệp mà  không thể tham gia “ xác lập, tạo ra giao dịch” của doanh nghiệp ( giao kết hợp đồng dân sự) cho dù Điều lệ  của Doanh nghiệp có quy định quyền và nghĩa vụ  của người đại diện theo pháp luật của Doanh nghiệp có thể  xác lập, giao kết hợp đồng dân sự ( Điều 141 Bộ Luật dân sự)! Điều này được xem là trái với Bộ Luật Dân sự 2015  và theo quy định là Bộ Luật gốc, theo ý kiến cá nhân tôi , trong trường hợp này chúng ta có thể ưu tiên áp dụng Bộ Luật Dân sự 2015.

Kết hợp các Điều của Bộ Luật Dân sự 2015 nêu trên chúng ta có thể có một định nghĩa  tổng hợp  về người đại diện pháp luật của pháp nhân như sau:

Đại diện theo pháp luật của Pháp nhân  là việc cá nhân, nhân danh và vì lợi ích của pháp nhân xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.Người đại diện phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập, thực hiện và Người đại diện  theo pháp luật của pháp nhân chỉ được xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện theo căn cứ sau đây:

a) Quyết định của cơ quan có thẩm quyền;b) Điều lệ của pháp nhân  c)Quy định khác của pháp luật. Trường hợp không xác định được cụ thể phạm vi đại diện thì người đại diện theo pháp luật có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Điều này có nghĩa là nếu người đại diện theo pháp luật của pháp nhân được quy định trong điều lệ của Công ty hoặc  là người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật và không có giới hạn về quyền quy định tại Điều lệ thì thì người đại diện theo pháp luật  này có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của pháp nhân, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.( Những loại giao dịch phải đáp ứng về điều kiện, thủ tục chẳng hạn bán trên 50% tài sản của công ty.)

Cần Lưu ý:

Đối với Công ty Cổ phần, Công ty TNHH thì đại diện pháp theo pháp luật của Công ty được quy định tại Điều lệ của Công ty ( Điều 25.g).

Tuy nhiên trong Công ty hợp danh thì Các thành viên hợp danh có quyền đại diện theo pháp luật và tổ chức điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty ( Điều 179. không cần quy định tại điều lệ). Mọi hạn chế đối với thành viên hợp danh trong thực hiện công việc kinh doanh hằng ngày của công ty chỉ có hiệu lực đối với bên thứ ba khi người đó được biết về hạn chế đó.

- Chủ doanh nghiệp tư nhân được quy định là người đại diện theo pháp luật của DNTN

Nghiên cứu  địa vị pháp lý của Giám Đốc theo pháp luật Việt Nam.

Luật Doanh nghiệp 2014 quy định địa vị pháp lý của  Tổng Giám đốc Giám Đốc hoặc Giám Đốc đối với từng loại hình công ty có khác nhau:

 

Công ty TNH 2 thành viên

Công ty Cổ phần

Công ty hợp danh

Điều 64. Giám đốc, Tổng giám đốc.

1. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty là người điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty, chịu trách nhiệm trước Hội đồng thành viên về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.

2. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Tổ chức thực hiện các nghị quyết của Hội đồng thành viên;

b) Quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty;

c) Tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư của công ty;

d) Ban hành quy chế quản lý nội bộ của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác;

đ) Bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh quản lý trong công ty, trừ các chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên;

e) Ký kết hợp đồng nhân danh công ty, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Hội đồng thành viên;

g) Kiến nghị phương án cơ cấu tổ chức công ty;

h) Trình báo cáo quyết toán tài chính hằng năm lên Hội đồng thành viên;

i) Kiến nghị phương án sử dụng lợi nhuận hoặc xử lý lỗ trong kinh doanh;

k) Tuyển dụng lao động;

l) Quyền và nghĩa vụ khác được quy định tại Điều lệ công ty, hợp đồng lao động mà Giám đốc hoặc Tổng giám đốc ký với công ty theo nghị quyết của Hội đồng thành viên

Điều 157. Giám đốc, Tổng giám đốc công ty

1. Hội đồng quản trị bổ nhiệm một người trong số họ hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

2. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty; chịu sự giám sát của Hội đồng quản trị; chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và trước pháp luật về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao.

Nhiệm kỳ của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc không quá 05 năm; có thể được bổ nhiệm lại với số nhiệm kỳ không hạn chế.

Tiêu chuẩn và điều kiện của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc áp dụng theo quy định tại Điều 65 của Luật này.

3. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Quyết định các vấn đề liên quan đến công việc kinh doanh hằng ngày của công ty mà không cần phải có quyết định của Hội đồng quản trị;

b) Tổ chức thực hiện các nghị quyết của Hội đồng quản trị;

c) Tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư của công ty;

d) Kiến nghị phương án cơ cấu tổ chức, quy chế quản lý nội bộ của công ty;

đ) Bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh quản lý trong công ty, trừ các chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị;

e) Quyết định tiền lương và quyền lợi khác đối với người lao động trong công ty kể cả người quản lý thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc;

g) Tuyển dụng lao động;

h) Kiến nghị phương án trả cổ tức hoặc xử lý lỗ trong kinh doanh;

i) Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật, Điều lệ công ty và nghị quyết của Hội đồng quản trị.

4. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc phải điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty theo đúng quy định của pháp luật, Điều lệ công ty, hợp đồng lao động ký với công ty và nghị quyết của Hội đồng quản trị. Trường hợp điều hành trái với quy định này mà gây thiệt hại cho công ty thì Giám đốc hoặc Tổng giám đốc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải bồi thường thiệt hại cho công ty.

 

Điều 179. Điều hành kinh doanh của công ty hợp danh

1. Các thành viên hợp danh có quyền đại diện theo pháp luật và tổ chức điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty. Mọi hạn chế đối với thành viên hợp danh trong thực hiện công việc kinh doanh hằng ngày của công ty chỉ có hiệu lực đối với bên thứ ba khi người đó được biết về hạn chế đó.

 

Theo các quy định nêu trên, người giữ chức danh Giám Đốc, Tổng Giám Đốc không đương nhiên có toàn quyền ký kết Hợp đồng nhân danh Công ty mà còn cần phải xem xét đến quyền và nghĩa vụ, quy định tại Điều lệ hoặc Hợp đồng Lao động đã giao kết , kiểm tra loại hình Doanh nghiệp, kiểm tra lại luật chuyên ngành ( Công ty TNHH  thì Giám đốc được ký nhưng cần kiểm tra lại quy định tại Điều lệ, HĐLĐ. Công ty Cổ phần không quy định rõ Giám Đốc được ký HĐ. Công ty Hợp danh không quy định Giám đốc được  ký HĐ. Doanh nghiệp tư nhân không quy định Giám đốc ký được quyền ký HĐ mà quy định Chủ Doanh nghiệp là Đại diện pháp luật và chịu trách nhiệm đối với hoạt động của Giám Đốc Thuê).

*** Mặc dù Luật Doanh nghiệp có quy định Giám đốc công ty TNHH  được Ký kết hợp đồng nhân danh công ty, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Hội đồng thành viên;Tuyển dụng lao động. Nhưng  Nghị định 05/2015/NĐ - CP  hướng dẫn Luật Lao động  lại quy định là người đại diện pháp luật của Doanh nghiệp quy định tại Điều lệ là người có thẩm quyền ký HĐLD.

Tóm lại để đảm bảo tính hiệu lực của Hợp đồng khi Giao kết Hợp đồng, cần lưu ý đến năng lực pháp luật của chủ thể mà mình giao kết.

Người đại diện theo pháp luật của Doanh nghiệp có quyền nhưng không đương nhiên có thẩm quyền giao kết mọi loại hợp đồng mà cần phải lưu ý đến quy định tại Điều lệ, quy định khác của Luật  ( Đặc biệt khi Doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật. Phạm vi đại diện của mỗi người đại diện theo pháp luật có thể khác nhau).

Không phải mọi người giữ chức vụ Giám Đốc  (Người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật)  thì đều có thể có quyền giao kết hợp đồng . Trừ  loại hình Công ty TNHH, các công ty cổ phần, Hợp danh, Doanh nghiệp tư nhân không có quy định  người giữ chức vụ Giám đốc thì có quyền nhân danh Công ty, doanh nghiệp để giao kết hợp đồng.

Tóm lại trong mọi trường hợp để đảm bảo tính hợp pháp của người đại diện theo pháp luật ( bao gồm cả trường hợp người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật) cần phải kiểm tra phạm vi đại diện của những người này được quy định tại Điều lệ Công ty.

LS Phạm Đình Hưng

Công ty Luật Sài Gòn Á Châu.

  •  3455
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…