Theo quy định tại Điều 161 BLTTDS về quyền khởi kiện vụ án: "Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình."
Như vậy, theo pháp luật Việt Nam hiện hành, không có hình thức khởi kiện tập thể theo một đơn khởi kiện chung mà việc khởi kiện được tiến hành căn cứ dựa trên yêu cầu khởi kiện của từng cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 2, Điều 163 BLTTDS "Nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể cùng khởi kiện một cá nhân, một cơ quan, một tổ chức khác về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng một vụ án."
Như vậy, mặc dù không có hình thức kiện tập thể nhưng hiện nay trong trường hợp có nhiều cá nhân cùng khởi kiện một đối tượng thì Tòa án có thể xem xét để nhập vào cùng một vụ án để giải quyết.
Dựa trên những quy định trên, bản thân tôi cho rằng việc khởi kiện sẽ được tiến hành dựa trên căn cứ những đơn khởi kiện của từng cá nhân sau đó Tòa án sẽ xem xét để nhập vào một vụ án giải quyết nếu có căn cứ thích hợp.
Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại Khoản 3, Điều 162 BLTTDS về quyền khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của nhà nước thì "Cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách"
Như vậy, ngoài chủ thể là người dân bị thiệt hại thì các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cũng có thể là người đứng đơn khởi kiện đối với vụ án trên.
-------------------------------------------------------------------
PHAN THỊ THU HẰNG
Công ty Luật TNHH A.B.C
Địa chỉ: Số 7 - 9 Đường 65, Phường Tân Phong, Quận 7
Điện thoại: 0909 29 8481