DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Bản quyền ở Việt Nam - bao giờ cho đến bao giờ ?

Ngày 19/6 vừa qua , bộ Thông Tin và Truyền Thông kết hợp với bộ Văn Hóa Thể Thao đã ban hành thông tư liên tịch số 07/2012/TTLT-BTTTT-BVHTTDL quy định về việc bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan trên mạng Internet. Nói cách khác là bắt đầu từ ngày 6/8 - ngày thông tư trên có hiệu lực - thì các sản phẩm số trên các website trong nước sẽ bị quản lý chặt chẽ về mặt bản quyền, quyền lợi của tác giả sẽ được bảo đảm hơn và người dùng thì sẽ được nhận những sản phẩm đúng với chất lượng hơn.

Ngay sau khi thông tư trên có hiệu lực, các website âm nhạc lớn tại Việt Nam đã có cuộc hội thảo với MV Corp và RIAV để xúc tiến việc thực hiện thông tư trên. Và nếu không có gì thay đổi thì ngày 1/11 sắp tới, việc downloads các file nhạc số sẽ phải trả tiền "bản quyền". Số tiền này sau khi trừ chi phí sẽ được trích tỉ lệ và chia cho đơn vị cung cấp sản phẩm (ca sĩ...)

Không nói đến chuyện quyết định của các đơn vị ở trên là đúng hay sai, chỉ nói đến cách nhìn nhận vấn đề, tiếp nhận thực tế của người dùng internet mấy ngày qua, đã cảm thấy rằng việc bảo vệ quyền tác giả ở Việt Nam sẽ rất khó để thực hiện. Người dùng internet ở các nước đang phát triển nói chung, và người dùng internet Việt Nam nói riêng có một thói quen rất khó bỏ: đó là thích dùng đồ miễn phí. Hơn thế nữa, tâm lý chung của người Việt Nam là dù là đồ miễn phí nhưng phải là đồ chất lượng NHẤT, đồ có thương hiệu NHẤT, đồ sang trọng NHẤT... Và thế là việc xâm phạm bản quyền các sản phẩm số ở Việt Nam trở thành việc bình thường như "ăn cơm bữa".

Và khi nó đã trở thành việc bình thường, trở thành lợi ích của số đông, thì dù nó có sai trái đến đâu đi chăng nữa, nó vẫn sẽ nhận được sự bảo vệ, rất quyết liệt, của những người "bị xâm phạm lợi ích". Đó là thái độ chủ yếu của người dùng khi tiếp nhận thông tin rằng sẽ phải trả tiền khi download nhạc: phản đối kịch liệt.

Lý do để phản đối thì nhiều, nhưng đọc tới đọc lui thì cũng chỉ có 3 ý:

1. Nhà giàu có tiền thì sài đồ bản quyền, mình còn nghèo, nước mình còn nghèo, tiền đâu mà dùng đồ bản quyền, cứ sài đồ "vi phạm bản quyền" thôi

2. Đồ như #$%$#$ (từ ngữ bị cấm trong Dân Luật) vậy mà còn bắt trả tiền à?

3. Có dùng đồ "vi phạm bản quyền" không mà lên án người  khác, ủng hộ mấy cái vớ vẩn đó ? (Lý do được dùng nhiều nhất)

Dạo khắp các trang, các diễn đàn tranh luận về việc này, thấy hầu hết đều dùng những lý do trên để bảo vệ lợi ích của mình. bỗng thấy buồn cười.

1. Các bạn lấy lý do kinh tế ra để biện minh. Nhưng hình như chẳng hề biết rằng bên cạnh một sản phẩm bản quyền, luôn có ít nhất một sản phẩm miễn phí khác có cùng công dụng. Vậy cớ gì cứ phải bám theo những thứ có bản quyền, rồi  than nghèo kể khổ ? Ví dụ đơn giản như phần mềm văn phòng thì bạn có thể thử qua Open Office, abiword, google docs... (miễn phí) chứ không nhất thiết phải chăm chăm vào dùng microsoft-office rồi đi kiếm bản crack, hack!

Nhưng rồi thì mọi người cứ đâm đầu vào tìm kiếm những bản sao "vi phạm bản quyền" để sử dụng. Đơn giản chỉ vì 1 điều rằng "hình như là" dùng nó thì có vẻ sang trọng hơn, pro hơn, giống người hơn (bạn bè mình ai cũng dùng M.Office, mình dùng cái khác thì chơi với ai...)

2. Sản phẩm của người ta không đạt chất lượng, vậy thì bạn dùng làm gì để rồi than phiền ? Bạn đã sử dụng đồ của người ta, tức là nó đã phục vụ cho một mục đích nào đó của bạn, và hơn nữa việc phục vụ này là do chính bạn chọn lựa chứ không ai ép bạn cả, cho nên chẳng có cớ gì để bạn vin vào và từ chối trả tiền cả.

3. Đây là lý do được dùng nhiều nhất, và cũng là lý do đầu tiên mà người ta đưa ra để phản đối những người ủng hộ. Mới nghe thì có vẻ có lý, nhưng suy nghĩ lại bỗng cảm thấy nó quá mang "tính bầy đàn" "giấu dốt". Chúng ta thấy điều không tốt, chúng ta phải lên tiếng, phải thay đổi. Đằng này lại đưa lý do rằng ai cũng xấu như nhau để ngăn chặn việc thay đổi, sửa đổi ...  Mà nói đến việc này, thì TQ chiếm dụng tên nước mắm Phú Quốc, cafe Buôn Ma Thuột của ta cũng là một hành vi "vi phạm bản quyền" đấy. Nếu theo ý kiến này có lẽ sẽ chỉ có rất ít người ở ta được lên tiếng phản đối bọn chúng.

Nói sơ qua như thế để thấy, người dùng internet ở Việt Nam chúng ta, người Việt chúng ta, còn quá xem thường hai chữ "bản quyền"; mọi người luôn coi cái quyền lợi của mình cao hơn quyền lợi của người khác; cái "thói quen" "sở thích" được sử dụng miễn phí mọi thứ, nếu có thứ gì không miễn phí thì phải biến nó thành "miễn phí"  đã ăn quá sâu vào suy nghĩ của người Việt. Họ không phải không biết về việc bản quyền này, thậm chí nhiều người còn quan tâm rất nhiều tới những "tác phẩm số" do chính họ tạo ra, nhưng lại sẵn sàng xâm phạm "bản quyền" của người khác để phục vụ cho lợi ích của mình. Với suy nghĩ, ý thức như thế này, chẳng biết đến bao giờ những quy định về việc bảo vệ "bản quyền" ở nước ta mới thật sự có hiệu lực...

Và dòng suy nghĩ, hi vọng mọi người đóng góp ý kiến:

Mọi người nghĩ sao về bản quyền ở Việt Nam - lấy ví dụ là bản quyền của các sản phẩm số ?

Mọi người có dùng sản phẩm "vi phạm bản quyền" nào không? Có ai biết đến sản phẩm miễn phí thay thế nào khác không ?

 

 

  •  3680
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…