DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Áp dụng pháp luật như thế, sao dân phục ?

Không thể đồng tình với cách làm của cấp dưới, có thể “tiết kiệm” chút ít cho ngân sách, nhưng làm mất đi điều còn lớn lao hơn: Lòng dân không phục

Ngày 17/12/2010, UBND quận Hoàng Mai ra Quyết định số 5346/QĐ-UB về việc thu hồi 558,2m2 đất của hộ gia đình ông Phạm Mạnh Hùng ở phường Tương Mai để xây dựng tuyến đường nối tiếp từ Đền Lừ II đến đường Trương Định.


Ngày 10/1/2011, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (TĐC) quận Hoàng Mai ban hành phương án số 01; sau đó, Chủ tịch UBND quận ban hành 2 Quyết định số 2218/QĐ-UBND và số 2219/QĐ-UBND phê duyệt phương án này về việc bồi thường, hỗ trợ và TĐC đối với hộ ông Phạm Mạnh Hùng tại phường Tân Mai.


2 năm sau, ngày 15/1/2013, Chủ tịch UBND quận ký ban hành 2 Quyết định: số 187/QĐ-UBND  và số 188/QĐ-UBND phê duyệt phương án “về việc bồi thường, hỗ trợ và TĐC” đối với hộ ông Phạm Mạnh Hùng; 2 quyết định này có hiệu lực từ ngày ký và thay thế 2 Quyết định số 2218/QĐ-UBND và số 2219/QĐ-UBND ban hành năm 2011.



Điều đáng nói là, 2 Quyết định 187/QĐ-UBND  và 188/QĐ-UBND đã không được niêm yết công khai “ít nhất trong 20 ngày” để tiếp nhận ý kiến đóng góp của người bị thu hồi đất và những người có liên quan.

 


Tiếp đó, ngày 22/7/2013, Chủ tịch UBND quận lại ký ban hành Quyết định số 3714 hủy bỏ 2 Quyết định 187/QĐ-UBND và 188/QĐ-UBND. Cùng thời điểm tháng 7/2013, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và TĐC quận Hoàng Mai xây dựng phương án bồi thường (PABT), hỗ trợ và TĐC đối với hộ ông Phạm Mạnh Hùng trên cơ sở điều chỉnh, bổ sung so với Quyết định 2218/QĐ-UBND và 2219/QĐ-UBND cũ được ban hành từ năm 2011.



Theo ông Phạm Mạnh Hùng, những việc làm của chính quyền quận Hoàng Mai nhằm ngăn cản hộ gia đình ông được hưởng lợi từ những quy định mới được ban hành bởi Quyết định số 02/2013/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội (có hiệu lực từ  17/1/2013).


Mong luật sư bình luận tình huống này dưới góc nhìn pháp lý.



Ý kiến của tôi:



1. Chính phủ quy định: “Giá đất để tính bồi thường là giá đất theo mục đích sử dụng tại thời điểm có quyết định thu hồi đất” (khoản 1 Điều 9 Nghị định 197/2004/NĐ-CP). Thời điểm có quyết định thu hồi đất của hộ ông Hùng là ngày 17/12/2010 nhưng mãi hơn 2 năm sau, ngày 15/1/2013, UBND quận mới ban hành 2 Quyết định số 187/QĐ-UBND và 188/QĐ-UBND phê duyệt PABT nên việc “chậm bồi thường” không phải phía hộ gia đình ông Hùng “gây ra” mà do cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường “gây ra”.


Xử lý trường hợp này, Chính phủ quy định: “Bồi thường chậm do cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường gây ra mà giá đất tại thời điểm bồi thường do UBND cấp tỉnh công bố cao hơn giá đất tại thời điểm có quyết định thu hồi thì bồi thường theo giá đất tại thời điểm trả tiền bồi thường” (điểm a, khoản 2 Điều 9 Nghị định 197/2004/NĐ-CP). Như vậy, có thể thấy, tháng 7/2013 (là thời điểm Quyết định 02/2013/QĐ-UBND có lợi cho dân, hợp lòng dân của UBND TP Hà Nội đã đi vào cuộc sống được tới nửa năm trời), mà quận Hoàng Mai vẫn chủ trương “xây dựng” PABT cho người dân mất đất trên cơ sở phương án cũ năm 2011 (2 Quyết định: 2218/QĐ-UBND và 2219/QĐ-UBND), nhưng… “quên” bổ sung những quy định mới của UBND TP có lợi cho người dân, là việc làm trái quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 9 Nghị định 197/2004/NĐ-CP.


Mặt khác, thực tế 2 Quyết định 2218/QĐ-UBND và 2219/QĐ-UBND ban hành ngày 30/1/2011 cũng đã được chính UBND quận Hoàng Mai “thay thế” bằng 2 Quyết định: 187/QĐ-UBND và 188/QĐ-UBND (có nghĩa là 2 Quyết định  2218/QĐ-UBND và 2219/QĐ-UBND đã bị “hủy bỏ”, hay cũng tức là chúng “không còn tồn tại” nữa). Cho nên, việc “hồi tố” hiệu lực 2 Quyết định 2218/QĐ-UBND và 2219/QĐ-UBND gây hại cho người dân trong khi chúng đã bị “thay thế”, đã bị “hủy bỏ”, đã “không còn tồn tại” là không có cơ sở.


2. Ngày 22/7/2013, UBND quận Hoàng Mai ban hành Quyết định số 3714/QĐ-UBND hủy bỏ 2 Quyết định 187/QĐ-UBND và 188/QĐ-UBND (cùng ban hành và có hiệu lực từ ngày 15/1/2013) phê duyệt PABT hộ ông Phạm Mạnh Hùng. Tính từ 15/1 - 22/7/2013, 2 Quyết định 187/QĐ-UBND và 188/QĐ-UBND đã có hiệu lực được hơn 6 tháng, nhưng trong suốt thời gian này, quận Hoàng Mai lại “quên” niêm yết công khai PABT “ít nhất trong 20 ngày” để tiếp nhận ý kiến đóng góp của người bị thu hồi đất và những người có liên quan; sự “quên” này dù vô tình hay hữu ý, đều trái với quy định của pháp luật (trái quy định tại Điều 30 Nghị định 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ; trái quy định tại Điều 56 Quyết định 108/2009/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội).


Vì vậy, trong trường hợp này, người bị thu hồi đất không có lỗi; bên phía có lỗi là các cơ quan có thẩm quyền quận Hoàng Mai, đúng như nhận xét của Báo Thanh tra: Nếu quận Hoàng Mai công khai PABT hộ gia đình ông Phạm Mạnh Hùng tại 2 Quyết định 187/QĐ-UBND và 188/QĐ-UBND từ 15/1/2013 (ngày có hiệu lực của 2 quyết định này) “ít nhất 20 ngày” theo đúng quy định của Chính phủ thì khi 2 quyết định này chính thức được áp dụng, đương nhiên hộ gia đình ông Phạm Mạnh Hùng đã được hưởng lợi từ Quyết định 02/2013/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội (có hiệu lực chỉ 2 ngày sau đó, tức là từ 17/1/2013).


3. Áp dụng pháp luật trái quy định của Nhà nước, đầy “trục trặc” và “gây hại” cho dân như thế này chứng tỏ quận Hoàng Mai chưa quán triệt ý kiến chỉ đạo đầy tâm huyết theo quan điểm “vì dân” của Thủ tướng Chính phủ: “Không đặt vấn đề hồi tố trong thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, TĐC nhưng tùy tình hình và điều kiện cụ thể, các địa phương cần vận dụng chính sách, pháp luật để xử lý thỏa đáng theo quan điểm vì dân và với yêu cầu ổn định tình hình, không gây ra những phức tạp mới” (Chỉ thị 05/2006/CT-TTg về việc khắc phục yếu kém, sai phạm, tiếp tục đẩy mạnh tổ chức thi hành Luật Đất đai).


Thiết nghĩ, trong vụ này, cấp trên của quận Hoàng Mai là Thành ủy, UBND TP Hà Nội, với tầm nhìn cao hơn, không thể đồng tình với cách làm của cấp dưới, có thể… “tiết kiệm” chút ít cho ngân sách, nhưng làm mất đi điều còn lớn lao hơn: Lòng dân không phục!



Luật gia - Nhà báo Nguyễn Chấn

 

 

  •  2711
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…