DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Án phí trong việc yêu cầu Tòa án tuyên hợp đồng mua bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu

Kính gửi Anh BachThanhDC và các Luật sư, các Anh Chị,

Tôi có vấn đề như sau rất mong được các Anh Chị chia sẻ:

Theo quy định tại Điều 17 khoản 3 điểm b của Nghị quyết số01/2012/NQ-HĐTP ngày 13 tháng 6 năm 2012 về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án, thì:

 

“Điều 17. Nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm trong một số loại việc cụ thể

3. Đối với tranh chấp về hợp đồng mua bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu thì cần phân biệt như sau:

b) Trường hợp một bên yêu cầu công nhận hợp đồng mua bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và một bên yêu cầu tuyên bố hợp đồng mua bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu và có yêu cầu Tòa án giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu thì ngoài việc chịu án phí không có giá ngạch được hướng dẫn tại điểm a khoản 3 Điều này, người phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản hoặc bồi thường thiệt hại phải chịu án phí như trường hợp vụ án dân sự có giá ngạch đối với giá trị tài sản phải thực hiện.

…”

Với quy định như trên, có thể có các quan điểm khác nhau về án phí như sau:

Quan điểm thứ 1:

Đối với tạm ứng án phí: Người khởi kiện (NKK) yêu cầu Tòa tuyên HĐ vô hiệu và bên bán hoàn trả lại số tiền mà mình đã nộp, thì phải nộp tạm ứng án phí như vụ án không có giá ngạch.

Đối với án phí: Khi xét xử, nếu Tòa án quyết định HĐ không vô hiệu, thì NKK phải nộp án phí như vụ án không có giá ngạch cộng với án phí như vụ án có giá ngạch đối với giá trị tài sản phải thực hiện (ví dụ án phí tính trên số tiền đã nộp để mua nhà đất và/hoặc số tiền phải thanh toán cho đủ theo giá trị hợp đồng).

 

Quan điểm thứ 2:

Đối với tạm ứng án phí: Người khởi kiện (NKK) yêu cầu Tòa tuyên HĐ vô hiệu phải nộp tạm ứng án phí như vụ án không có giá ngạch và 50% án phí đối với phần giá trị hợp đồng đã thanh toán và/hoặc phần giá trị HĐ chưa thanh toán (là số tiền đã thanh toán và sẽ phải thanh toán nếu Tòa quyết định HĐ không vô hiệu và NKK phải tiếp tục thực hiện HĐ).

Đối với án phí: Như quan điểm 1.

Quan điểm thứ 3:

Đối với tạm ứng án phí: NKK nộp tạm ứng án phí như vụ án không có giá ngạch,

Đối với án phí: Nếu Tòa án quyết định HĐ không vô hiệu thì NKK cũng chỉ nộp án phí như vụ án không có giá ngạch. Quy định “người phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản” là chỉ áp dụng cho người bị kiện.

Ví dụ:

A ký HĐ với Doanh nghiệp KD bất động sản B mua nhà và chuyển nhượng QSDĐ, giá trị HĐ là 1 tỷ, A đã thanh toán được 200 triệu và A yêu cầu Tòa án tuyên HĐ vô hiệu đồng thời yêu cầu B hoàn trả 200 triệu.

Với quan điểm thứ 1:

  • Đối với tạm ứng án phí: A đóng tạm ứng án phí như vụ án không có giá ngạch.
  • Đối với án phí: Khi Tòa án quyết định HĐ không vô hiệu thì A sẽ phải đóng án phí như vụ án không có giá ngạch, và:

-          Trường hợp 1: Đóng án phí đối với phần nghĩa vụ tài sản sẽ phải thực hiện là 200 triệu (do HĐ không vô hiệu nên số tiền đó vẫn phải là tiền thanh toán cho B). Hoặc,

-          Trường hợp 2: Đóng án phí đối với phần nghĩa vụ tài sản sẽ phải thực hiện là 800 triệu (do HĐ không vô hiệu nên số tiền này sẽ phải là tiền thanh toán cho B). Hoặc,

-          Trường hợp 3: Đóng án phí đối với phần nghĩa vụ tài sản sẽ phải thực hiện là 1 tỷ đồng.

Với quan điểm thứ 2:

  • Đối với tạm ứng án phí: A đóng tạm ứng án phí như vụ án không có giá ngạch, cộng với 50% án phí dự liệu tuyên HĐ không vô hiệu, được chia ra các trường hợp:

-          Trường hợp 1: Tạm ứng án phí 50% trên án phí đối với phần nghĩa vụ dự tính sẽ phải thực hiện 200 triệu đồng. Hoặc:

-          Trường hợp 2: Tạm ứng án phí 50% trên án phí đối với phần nghĩa vụ dự tính sẽ phải thực hiện 800 triệu đồng. Hoặc:

-          Trường hợp 3: Tạm ứng án phí 50% trên án phí đối với phần nghĩa vụ dự tính sẽ phải thực hiện 1 tỷ đồng.

  • Đối với án phí: Như quan điểm thứ 1.

Với quan điểm thứ 3:

  • Đối với tạm ứng án phí: A đóng tạm ứng án phí như vụ án không có giá ngạch.
  • Đối với án phí: Khi Tòa án quyết định HĐ không vô hiệu thì A sẽ:

-          Đóng án phí như vụ án không có giá ngạch.

-          Không đóng án phí đối với phần tài sản sẽ phải thực hiện là 200triệu, vì đây là phần tài sản đương nhiên đã thanh toán trong HĐ.

-          Không đóng án phí đối với phần tài sản sẽ phải thực hiện là 800triệu, vì đây là phần tài sản sẽ thực hiện theo HĐ, nếu HĐ không vô hiệu thì các bên sẽ vẫn phải tiếp tục thực hiện, không phụ thuộc vào việc Tòa án có tuyên bắt buộc phải đóng hay không.

Xin các Cán bộ làm việc trong các Cơ quan tố tụng, các Luật sư, Anh Chị có kinh nghiệm cho ý kiến chia sẻ về vấn đề này về quy định cũng như trong thực tiễn.

Trân trọng cảm ơn.

  •  22936
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…