DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Án hình sự: Chưa có hướng dẫn, vẫn xử được!

Án hình sự: Chưa có hướng dẫn, vẫn xử được!
Khi chưa có giải thích, hướng dẫn chính thức thì cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng cần tham khảo giải thích, hướng dẫn không chính thức để tự quyết định.

Mới đây, báo Pháp Luật TP.HCM có bài “Mua bán phim sex: Bao nhiêu mới bị tội?”, phản ánh một vướng mắc phổ biến trong thực tiễn xét xử án truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy là tính định lượng ra sao để định tội, định khung hình phạt? Luật không quy định, hướng dẫn không có nên các cơ quan tố tụng thường lúng túng.

Đây không phải là lần đầu các cơ quan tố tụng lúng túng khi xác định vật phạm pháp có số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn trong tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy. Tuy nhiên, dù có tranh cãi hay băn khoăn gì thì cuối cùng, các cơ quan tố tụng vẫn điều tra, truy tố, xét xử. Thực tiễn chưa có vụ nào mà tòa tuyên bố bị cáo không phạm tội chỉ vì chưa có hướng dẫn cả.

Hướng dẫn: “Vị cứu tinh” cần thiết

Căn cứ vào đâu các cơ quan tố tụng làm được như vậy? Trước hết cần phải thấy không chỉ đối với tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy mà còn nhiều tội phạm khác trong BLHS có dấu hiệu định tội, định khung hình phạt là gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; hàng phạm pháp có số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn; thu lợi bất chính lớn, rất lớn, đặc biệt lớn... nhưng các dấu hiệu này đều chưa được giải thích, hướng dẫn.

Thẩm quyền giải thích luật chính thức thuộc về Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nhưng cho đến nay, chưa có văn bản giải thích nào của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về BLHS cả. Các cơ quan tố tụng theo chức năng, nhiệm vụ của mình đã ban hành nghị quyết, thông tư, thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng một số điều của BLHS chứ chưa có hướng dẫn tất cả các điều của BLHS. Nội dung của các văn bản hướng dẫn này lại mang nặng tính “giải thích luật” nên không ít trường hợp xảy ra tranh cãi, nhất là đối với các dấu hiệu là tình tiết định tội, định khung hình phạt. Dù vậy, trong khi chưa có văn bản giải thích chính thức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì nghị quyết, thông tư đã có tác dụng như là một “vị cứu tinh” của các cơ quan tố tụng và người tiến hành tố tụng.

09/22/12-chot.jpg">

Ba nhà quản lý trang web đen lãnh án tù về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy. Ảnh: DH

Nhưng chưa có thì vẫn xử được!

Vậy các trường hợp BLHS quy định mà chưa có nghị quyết, thông tư hướng dẫn thì làm sao?

Có một nguyên tắc mà ít ai quan tâm là: Khi một quy định của pháp luật không có giải thích hoặc hướng dẫn cụ thể, cơ quan tố tụng có quyền hiểu, áp dụng pháp luật một cách độc lập và chịu trách nhiệm về việc đó. Nếu cơ quan điều tra, VKS và tòa án đều hiểu, áp dụng giống nhau thì không có lý do gì để kết luận cách hiểu đó là sai, là đánh giá cá nhân, cảm tính. Nếu cơ quan tố tụng và người tiến hành tố tụng không thống nhất với nhau về việc hiểu và áp dụng pháp luật thì mới cần phải trao đổi. Trong quá trình trao đổi, nếu cuối cùng vẫn không thống nhất thì lúc đó mới áp dụng nguyên tắc mỗi cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng tự quyết định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

Trong vụ án cụ thể mà báo nêu, đúng là chưa có giải thích hoặc hướng dẫn chính thức mua bán bao nhiêu đĩa phim sex thì phạm tội, bao nhiêu thì bị xử theo khoản 2, khoản 3 Điều 253 BLHS. Khi chưa có giải thích hoặc hướng dẫn chính thức thì cơ quan tố tụng và người tiến hành tố tụng cần tham khảo giải thích hoặc hướng dẫn không chính thức. Đó chính là các giải thích, hướng dẫn tạm thời của cơ quan tố tụng, giải thích khoa học của các chuyên gia pháp luật, các nhà khoa học pháp lý được thể hiện trong các bài viết, cuốn sách... và các nguồn khác.

Như vậy, Công văn 988 của VKSND Tối cao gửi Bộ Công an, TAND Tối cao dự kiến hướng dẫn cách tính định lượng vật phạm pháp có số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn trong tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy cũng là một nguồn tham khảo. Thực tiễn xét xử, các tòa cũng đã đồng ý với đề xuất này của VKSND Tối cao về số lượng vật phạm pháp.

Việc các cơ quan có thẩm quyền chưa giải thích, hướng dẫn các quy định của BLHS về những vấn đề còn hiểu khác nhau là một thực tế. Đây cũng là hạn chế, nếu không nói là yếu kém; cần phải tiếp tục khắc phục. Còn nhớ, ngay sau khi BLHS 1999 được Quốc hội sửa đổi, bổ sung, Bộ Tư pháp đã tổ chức một cuộc họp mời các cơ quan tố tụng và một số cơ quan, ban ngành liên quan bàn biện pháp xây dựng thông tư liên tịch hướng dẫn. Tại cuộc họp này, có đại biểu thay mặt “Viện khoa học” của ngành mình nhận sẽ chủ biên bốn đến năm thông tư liên tịch nhưng cho đến nay đã hơn hai năm mà chưa thấy có một thông tư nào ra đời cả.

Đúng là có hướng dẫn thì dễ hơn cho các cơ quan tố tụng và người tiến hành tố tụng nhưng không vì thế mà cho rằng chưa có thì phải ngồi chờ hướng dẫn mới giải quyết được. Bởi lẽ các cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng độc lập và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các phán quyết của mình; không phải cái gì cũng cần hướng dẫn mới xử được.

Tòa băn khoăn, phải hoãn xử

TAND TP.HCM vừa tuyên hoãn xử một vụ truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy và sản xuất, mua bán hàng cấm để có thêm thời gian nghiên cứu vì chưa biết tính định lượng hàng phạm pháp ra sao.

Theo hồ sơ, trước đây công an triệt phá được đường dây sản xuất, mua bán đĩa phim sex, đĩa ca nhạc có nội dung cấm, phản động... của Mã Vĩ Hùng. Khi truy tố, VKSND TP.HCM xác định trong bốn bị cáo, người sản xuất, buôn bán ít nhất là 730 đĩa DVD, người cao nhất là hơn 5.000 đĩa. Từ đó, VKS cho rằng cả bốn bị cáo đều phạm tội với số lượng đặc biệt lớn, là tình tiết định khung tăng nặng của các tội sản xuất, buôn bán hàng cấm (khoản 3 Điều 155 BLHS) và truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy (khoản 3 Điều 253 BLHS).

Tại phiên tòa, các luật sư bào chữa lập luận rằng hiện nay BLHS cũng như các văn bản dưới luật chưa hề xác định vật phạm pháp là bao nhiêu thì được xem là số lượng đặc biệt lớn. Vì vậy, việc VKS truy tố các bị cáo với tình tiết định khung tăng nặng này là không có căn cứ pháp lý, chỉ là đánh giá cá nhân, cảm tính...

ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao
Theo Pháp luật TP. HCM Online

Ông Đinh Văn Quế đã cắt bỏ một vế quan trọng trong một điều luật khi nói rằng khi một quy định của pháp luật không có giải thích hoặc hướng dẫn cụ thể, cơ quan tố tụng có quyền hiểu, áp dụng pháp luật một cách độc lập và chịu trách nhiệm về việc đó. Nếu áp dụng theo "nguyên tắc" này thì vô hình trung chúng ta đang áp dụng án lệ hình sự. Ngoài tính độc lập trong xét xử của thẩm phán, thẩm phán còn phải giải quyết vụ án trong sự tuân thủ pháp luật nữa. Kể từ BLHS năm 1985, pháp luật hình sự đã chính thức bỏ nguyên tắc áp dụng tương tự trong lĩnh vực hình sự được quy định tại điều 2 BLHS 1985 và BLHS 1999. Ðiều 2 BLHS 1985 quy định: Chỉ người nào phạm một tội đã được Luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Ðiều 2 BLHS 1999 quy định: Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Qua đó, chúng ta thấy rằng khái niệm "luật hình sự" có nội hàm rộng hơn nhiều so với khái niệm "BLHS" trong hai điều văn nêu trên.  

Mỗi (nhóm) tội phạm có tính chất, bản chất khác nhau cho nên cách tính định lượng vật phạm pháp ở tội này đưa qua áp dụng cho tội khác là không hợp lý. Tội phạm và hình phạt là một cặp chế định có quan hệ hữu cơ không thể tách rời nhau. Việc luận tội bị can/bị cáo thành công thì phải có một mức hình phạt xác định cụ thể trên cơ sở định lượng vật phạm pháp một cách khoa học để áp dụng cho tội phạm đó. Ngược lại, hình phạt áp dụng cho một người chỉ khi nào họ phạm một tội được quy định trong BLHS. Do vậy, trong trường hợp không định lượng được "thành phẩm" của tội phạm thì không thể luận tội, xét xử bị người phạm tội được. Ngoài ra, cần phải áp dụng nguyên tắc suy đoán có lợi, vô tội cho người phạm tội. Tòa án nhân dân tối cao, các cơ quan tiến hành tố tụng khác hoàn toàn có đủ thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn việc áp dụng BLHS một cách có khoa học mà không nhất thiết chờ UBTVQH giải thích luật.

Cũng theo ý kiến của tác giả bài viết, nếu cơ quan điều tra, VKS và tòa án đều hiểu, áp dụng giống nhau thì không có lý do gì để kết luận cách hiểu đó là sai, là đánh giá cá nhân, cảm tính. Cơ quan điều tra, VKS và tòa án là những ai? Phải chăng, suy cho cùng, đó là những cán bộ tiến hành tố tụng thay mặt và đại diện cho nhà nước luận tội, xét xử, kết án một công dân hay không? Khi đã là cá nhân thì lấy gì đảm bảo rằng các quyết định, hành vi tố tụng của họ là không sai, không cảm tính? Trong khi chưa có hướng dẫn chính thức bằng văn bản quy phạm pháp luật, việc ba cơ quan tiến hành tố tụng thống nhất đường lối truy tố, xét xử một tội phạm dựa trên một căn cứ có tính pháp lý lỏng lẻo là công văn thì rất nguy hiểm cho người phạm tội. Nhỡ sau này, UBTVQH giải thích điều luật theo một hướng khác thì sao? Đó là chưa kể tại thời điểm áp dụng công văn để giải quyết vụ án hình sự, các ngành hữu quan thấy như vậy là đúng, nhưng một thời gian sau lại thấy hướng dẫn như thế là không thỏa đáng rồi ra công văn hướng dẫn lại thì sao? Như vậy, khả năng gây ra oan sai cho người phạm tội là hoàn toàn có thể xảy ra trong khi các điều luật hình sự vẫn còn nguyên hiệu lực thi hành. Cách tính định lượng vật phạm pháp trong vụ án nêu trong bài báo cần được tính theo phương pháp khoa học. Tính như theo công văn như trên cũng rất mang tính cảm tính.

  •  7823
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…